Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương

http://lienhiephoihaiduong.vn


Quy trình ủ mùn compost từ rác thải hữu cơ

Ủ mùn compost từ rác thải sinh hoạt là quá trình xử lý các chất thải hữu cơ trong sinh hoạt (thức ăn thừa, thức ăn ôi, thiu, trái cây hư, vỏ trái cây, cuộng rau, lông gà, lông vịt, lá cây rụng,..) bằng phương pháp ủ, lên men để tạo ra một loại phân hữu cơ bón cho cây.
 
shutterstock 1912459132 645x338 jpg
Rác thải sau khi phân hủy thành compost cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cây trồng.
Quy trình ủ bằng thùng, gồm các bước sau:
Bước 1: Thiết kế thùng ủ phù hợp và chọn vị trí đặt thùng ủ
- Thiết kế thùng ủ: Nên tìm, mua loại thùng có dạng hình tròn, dung tích khoảng 150-160 lít, chất liệu bằng nhựa. Phần vách thùng khoan nhiều lỗ nhỏ có khoảng cách từ 10 cm đến 13 cm cách đều nhau. Phần thành sát đáy thùng khoét hai cửa hình vuông cạnh rộng khoảng 25 cm, hai cửa này đối diện nhau và có thiết kế nắp đậy có thể mở ra, đóng vào trước và sau khi lấy mùn compost ra khỏi thùng ủ. Đáy thùng cũng đục lỗ nhỏ khoảng cách từ 07 đến 10cm để thoát nước. Miệng thùng có nắp đạy kín.
- Chọn vị trí đặt thùng ủ: Thùng ủ cần được đặt cách xa nguồn nước sinh hoạt, bếp ăn, nơi thường xuyên sinh hoạt (Những hộ có nhà ở chật hẹp, có thể đặt thùng ủ trên tầng thượng nhưng cần che đậy để đảm bảo nhiệt độ trong thùng ủ không bị quá nóng do nắng chiếu vào). Lưu ý: Ở dưới đáy thùng ủ nên đặt thau, chậu để thu nước rỉ ra trong quá trình ủ. Phần nước rỉ này có thể tận dụng để tưới lên rác trong thùng nếu rác trong thùng bị khô trong quá trình ủ.
Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ, chế phẩm hỗ trợ
- Dụng cụ bao gồm: Bao tay, dao, kéo cắt rác hữu cơ, que trộn, dụng cụ xúc (muôi hoặc xẻng nhỏ),... Chế phẩm hỗ trợ: Có thể dùng chế phẩm sinh học EM  (chế phẩm chứa vi sinh vật hữu hiệu) hoặc chế phẩm chứa nấm Trichoderma,.... Đây là những chế phẩm chứa những vi sinh vật có tác dụng làm cho rác được phân hủy nhanh hơn, giúp quá trình ủ mùn compost được nhanh và hiệu quả hơn. Liều lượng chế phẩm hỗ trợ: Theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Ngoài ra, có thể trộn thêm cám gạo với các chế phẩm hỗ trợ để tăng hiệu quả của chế phẩm.
Bước 3:Tiến hành ủ và kiểm tra, xử lý trong quá trình ủ
- Cách cho rác vào thùng ủ: Rải một lớp rác hữu cơ dày từ 10 đến 15 cm xuống đáy thùng, sau đó rắc lên lớp rác vừa rải hỗn hợp chế phẩm hỗ trợ rồi nhẹ nhàng tưới đều khắp bề mặt một ít nước sạch để đảm bảo rác đủ ẩm. Cứ làm từng lớp như vậy cho đến khi thùng ủ phân gần đầy thì dừng lại và đậy nắp kín.
Lưu ý: Trong quá trình cho rác vào thùng hoặc sau quá trình đảo rác nên cho một nhành cây tươi, thân mềm vào giữa thùng để sau này kiểm tra nhiệt độ bên
trong thùng ủ.

- Kiểm tra độ ẩm: Sau khoảng 7 đến 10 ngày trộn, đảo đều rác từ trong ra ngoài sau đó thử một ít đang ủ đem ra ép để kiểm tra độ ẩm:
+ Nếu ép thấy rỉ nước quá nhiều thì cần bổ sung thêm rơm rác khô như lá cây khô, rơm, rạ,cỏ khô hoặc vỏ trấu,.. để điều chỉnh lại độ ẩm.
+ Nếu ép thấy rác thải dính chặt, nước rỉ nhỏ giọt (tương đương độ ẩm khoảng 60%) là độ ẩm đạt yêu cầu.
+ Nếu thấy rác không kết dính chặt, không thấy nước rỉ ra thì tưới bổ thêm nước vào thùng ủ (có thể hòa thêm chế phẩm hỗ trợ để tưới).
- Kiểm tra nhiệt độ: Sau ủ khoảng 7 đến 10 ngày rút cành cây tươi đã cho vào trong thùng cùng với lúc cho rác để kiểm tra bằng cách dùng tay sờ vào cành cây để cảm nhận. Nếu cảm thấy nóng mạnh là nhiệt độ đạt yêu cầu. Trường hợp không thấy nóng thì có thể là do rác chưa đủ độ ẩm hoặc thiếu vi sinh vật. Để xử lý ta cần tưới thêm nước hoặc trộn bổ sung chế phẩm hỗ trợ.
shutterstock 1747603121 768x550 jpg
Nên cắt nhỏ rác thải khi cho vào thùng ủ.

Lưu ý: Trong quá trình ủ cần phải thường xuyên kiểm soát độ ẩm để tránh tình trạng rác quá khô chậm phân hủy hoặc quá ướt gây mùi hôi,.. Nếu phát hiện rác có mùi hôi thì có thể xử lý bằng men vi sinh xử lý nước thải để hỗ trợ xử lý mùi hôi và tăng khả năng phân huỷ rác.
Cách làm: Tưới, xịt đều men vi sinh trực tiếp lên lớp rác ở bề mặt thùng với lượng 0,5 lít men vi sinh/m2 bề mặt. Thời gian phun xịt lặp lại từ 4 đến 6 giờ/lần cho đến khi thùng ủ hết mùi hôi.
- Kiểm tra chất lượng mùn sau khi ủ: Thông thường sau ủ khoảng một tháng thì rác trong thùng sẽ phân hủy thành mùn compost. Để xem mùn compost đạt yêu cầu hay chưa thì ta mở nắp cửa ở hai bê n thành phía sát đáy thùng và lấy mùn ra quan sát.
+ Nếu mùn vẫn ướt, chưa có độ mịn đạt yêu cầu thì nên bỏ vào ủ trở lại, trộn chung với rác đang phân huỷ trong thùng (nên bổ sung thêm men vi sinh và bổ sung cỏ khô, rơm, vỏ trấu,… để giảm độ ẩm nếu phân còn ướt).
+ Nếu thấy mùn có màu nâu đen rất tơi xốp, mịn, không có mùi hôi là đạt yêu cầu.  Khi đó có thể lấy ra để sử dụng
Cách lấy mùn: Lấy dần lớp mùn đã đạt yêu cầu ở phía đáy thùng thông qua hai cửa ở hai bên thành phía sát đáy thùng khi đến lớp mùn chưa đạt thì dừng lại để ủ tiếp.
Mùn compost sau khi được lấy từ thùng ra nên để phơi gió từ 1 đến 2  ngày để giải phóng khí độc và giảm nhiệt độ rồi mới đem đi bón.
compost shutterstock 1086012854 jpg
Nếu vườn rộng hãy để thùng ủ ở góc vườn.
Trần Thị Hà
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây