Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương

http://lienhiephoihaiduong.vn


Minh văn về nữ tài Bùi Thị Hý (Kỳ 3)

Con rồng có trong mộ Bùi Thị Hý.

Con rồng có trong mộ Bùi Thị Hý.

Sau khi phát hiện gia phả, tôi có nói với anh Lợi, từ nay về sau, mỗi khi phát hiện được những đồ gốm hoặc bất cứ hiện vật bằng chất liệu gì có minh văn, anh cho tôi biết để phiên dịch, nghiên cứu, giải mã, hy vọng tại ngôi nhà cũ của gia đình Bùi Thị Ký và Bùi Đình Khởi sẽ còn nhiều minh văn.

Một người được học tập như bà hẳn sẽ có ý thức về việc ghi lại cho thế hệ sau, nhất là bia mộ chí và các công trình tín ngưỡng và tôn giá do bà xây dựng tại bản quánNiềm hy vọng đó đã thành hiện thực, nhiều hiện vật có minh văn có liên quan đến Bùi Thị Hý được phát hiện, trong đó nhiều hiện vật có giá trị lớn về khảo cổ học.
Con nghê gốm có minh văn
Sau một năm chờ đợi, 16-5-2007, anh Lợi tìm được con nghê ở lò gốm cổ, nơi mà gia phải nói là do Đặng Sĩ cùng bà xây dựng cho em trai vào năm Thái Hòa thấp niên (1452). Con nghê có kích thước cao 22cm, dài 27 cm, đế rộng 6,5 cm, phía đuôi có minh văn, mang cho chúng tôi nghiên cứu. Về hiện vật thì chúng tôi không lạ, vì đã tìm được nhiều tiêu bản tương tự ở những hố khai quật tại Chu Đậu và làng Cậy, điều quan trọng là hai dòng minh văn:

光 順 一 年 光 映 庄 装 氏 戲 造

(Quang Thuận nhất niên, Quang Ánh trang, Bùi Thị Hý tạo)

Có nghĩa hiện vật do Bùi Thị Hý, ở trang Quang Ánh, tạo vào năm Quang Thuận thứ nhất (1460). Đây là di vật vô cùng quan trọng để xác định vai trò của nữ tài Bùi Thị Hý. Dù là các Cự nho cũng không thể dịch là ông họ Bùi nào đó tạo chơi được! Nhưng vận may không dừng lại ở đó. Thông lệ, năm đầu phải viết nguyên niên, ở đây viết nhất niên. Có vấn đề cần quan tâm là thông lệ năm đầu của một đại thường viết là nguyên niên, ở đây viết nguyên niên, về nghĩa thì không sai nhưng chính tả không đúng, có lẽ đây là cách viết của những người thợ gốm đương thời.
Cái đĩa có minh văn
Ngày 10-7-2007, anh Lợi lại mang lên cho chúng tôi xem cái đĩa còn sống men, trở thành phế phẩm, vì thế mới còn tại phế tích. Đĩa có đường kính 32,7 cm, cao 7,8 cm, đường kính trôn 14 cm, chân cao 0,7 cm; tạo dáng một bông hoa 12 cánh, hoa văn khắc chìm theo truyền thống Lý-Trần. Giữa đáy có bông hoa 9 cánh, trong đường tròn đường kính 9 cm. Trên sườn khắc hoa cúc liên hoàn, rất tinh tế, tỉa kỹ từng gân lá. Xương gốm vàng nhạt, hơi thô, men chưa chín nên thô ráp, vàng sáng, chưa thể phản quang. Phía ngoài để trơn. Trôn quét son nâu nhạt. Đĩa này nếu nung chín sẽ có màu xanh nhạt, dễ nhầm với gốm Lý Trần. Hiện vật tương tự đã thấy ở lò Thanh Khơi (Trùng Khánh-Gia Lộc) và ở Chu Đậu. Đặc biệt ở hiện vật này, dưới trôn viết theo đường tròn sát chân đĩa 18 chữ Hán nét mảnh:

(Diên Ninh nhất niên, Gia Phúc huyện, Quang Ánh trang, tỷ Bùi Thị Hý, đệ Bùi Khởi tạo)

Có nghĩa là: Vào năm Diên Ninh thứ nhất (1454), tại trang Quang Ánh, huyện Gia Phúc, chị là Bùi Thị Hý, em là Bùi Khởi tạo.

Ở đây có ba vấn đề cần lưu ý:

- Một là chữ Gia (加) viết theo kiểu giảm thể, không giống chữ Gia Lộc(嘉福) trên sách địa chí và lịch sử, nhưng cách viết vậy cũng đã thấy ở văn bia thế kỷ XVII.

- Hai là chữ nguyên niên cũng được viết là Nhất niên như chữ trên con nghê nó trên.

- Ba là thời Diên Ninh nhất niên liệu đã có địa danh Gia Phúc?Từ thời Trần đến đầu Lê sơ, huyện Gia Phúc vốn có tên là Trường Tân (長 津). Đại Nam thống nhất chí (tr. 36, tập III, NXB KHXH-HN-1971) ghi rằng, xưa là huyện Trường Tân, thời thuộc Minh cũng theo như thế…, sau đổi thành Gia Phúc, đến thời Tây Sơn ( 1789-1802) đổi thành Gia Lộc. Vậy sau là năm nào?
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (tr. 1075, NXB Giáo dục in năm 1998) ghi: Năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), định bản đồ trong nước. Nam Sách đổi thành Hải Dương, quản lĩnh 4 phủ, 18 huyện. Lời chú ghi: Hạ Hồng quản lĩnh 4 huyện: Gia Phúc, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Vĩnh Lại. Một số sách thời Nguyễn cũng ghi tương tự. Một số văn bia ở cuối thế kỷ XV còn viết huyện Trường Tân.
Những sách lịch sử từ triều Lê sơ đến Nguyễn đều nói đến việc thay đổi địa danh nhiều lần từ thời Thuận Thiên đến Quang Thuận, ví dụ đời Diên Ninh đổi Đông đạo thành Nam Sách Thượng lộ, Nam Sách Hạ lộ. Liệu cùng thời có thay đổi địa danh cấp huyện, cụ thể là Trường Tân?
Một số bia Văn miếu Thăng Long, khắc năm Hồng Đức 15 (1484), thậm chí muộn hơn, những tiến sĩ quê Gia Phúc vẫn còn ghi quê Trường Tân, có khi khắc lại nhầm Gia Phúc thành Gia Lộc. Nhưng đây là những địa danh trong văn bản, mà những văn bản thời sau dùng địa danh thời trước không có gì lạ. Nhưng ở đây, tác giả ghi địa đanh nơi mình đang sống và niên đại đương thời vào tác phẩm của mình ít khi sai sót, nhất là một trí thức như Bùi Thị Hý. Vậy nếu chiếc đĩa trên là nguyên gốc và ghi chính xác thì địa danh Gia Phúc đã ra đời Diên Ninh nguyên niên (1454), trước tư liệu trong các sách lịch sử triều Nguyễn 15 năm (1469). Vấn đề cần tìm là lý do nào mà đổi Trường Tân thành Gia Phúc. Một trong những nguyên nhân thay đổi địa danh thời phong kiến là kiêng tên húy, hiệu của vua chúa hoặc sính mỹ tự. Ví dụ, kiêng tên húy của Lê Gia Tông là Cối mà đổi Cối Xuyên (檜 川) (Gia Lộc) thành Hội Xuyên (會 川) vào năm Dương Đức nguyên niên (1672). Kiêng tên húy Trịnh Tùng mà Đoàn Tùng  (段 松) đổi thành Đoàn Lâm (段 林) ở đầu thế kỷ XVII… Chủ trang thời Lê sơ đổi thành Chu Đậu ở thế kỷ XVIII vì sính mỹ tự.Nếu như các hiện vật tìm được đều là nguyên gốc, thì từ 3 hiện vật có minh văn và niên đại tuyệt đối, chúng ta có thể biết được khả năng mỹ thuật của Nữ tài trên 3 loại hình: vẽ (hoa lam trên bình ở Thỗ Nhĩ Kỳ), điêu khắc (con nghê và sau là con rồng lớn ở ngã ba sông Định Đào) và khắc chìm (trên đĩa).
Hai hiện vật này có nhiều lời bàn cả trong và ngoài nước nhưng chỉ hiểu được khi đặt chúng trong hệ thống di tích ở đây.

Tăng Bá Hoành
Hội Sử học tỉnh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây