Ngày 1-5-1886, ngày nổ ra cuộc bãi công của 380.000 công nhân ở Si-ca-gô (Mỹ) đã đi vào lịch sử của phông trào công nhân thế giới như cội nguồn của ngày hội truyền thống đấu tranh vì quyền lợi của người lao động.
Vào ngày này cách đây 135 năm, cuộc đấu tranh của gần 40 vạn công nhân ở Si-ca-gô và các thành phố khác ở Mỹ đã mở đầu sự nghiệp đấu tranh chống chế độ tư bản. Họ tổ chức mit tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”, cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cùng ngày đó, các Trung tâm công nghiệp ở nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Ở một số nơi như Niu-Oóc, Pi-Xbớc, Ban-ti-mo, Oa-sinh-tơn… có khoảng 12 vạn rưỡi công nhân giành được quyền làm việc 8 giờ một ngày, khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của toàn thể giai cấp công nhân. Mặc dù bị đàn áp đẩm máu, lao động Si-ca-gô đã giành thắng lợi, buộc giới chủ phải công nhận chế độ ngày làm việc 8 giờ. Thắng lợi đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của công nhân Mỹ và nhiều nước trên thế giới vã đã trở thành một móc son sáng chói trong lịch sử của giai cấp công nhân và phong trào công đoàn tiến bộ quốc tế. Ba năm sau tại Pari, vào ngày 14-5-1889, Đại hội thành lập Quốc tế II đã quyết định lấy ngày 1-5 làm ngày đoàn kết quốc tế, ngày biểu dương lực lượng chiến đấu của giai cấp vô sản và nhân dân lao động trên toàn thế giới.
Đầu những năm 30 của thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác-Lênin đã được những người cộng sản ở Việt Nam nghiên cứu, truyền bá vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước qua sách, báo, đặc biệt là qua trong trào vô sản hoá “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động” với công nhân. Từ đó, chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể ở một nước thuộc địa. Sự ra đời của chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam là sản phẩm tất yếu của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.Luận cương Chính trị tháng 10-1930 của Đảng tiếp tục cụ thể hoá và nhấn mạnh thêm: “Trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chính, nhưng vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được”(1). Điều này khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, là giai cấp lãnh đạo cách mạng, đóng vai trò nòng cốt trong khối liên minh công-nông.
Tiêu biểu là ngày 1-5-1930, ở các thành phố lớn cũng như các vùng nông thôn rộng lớn của cả nước đã diễn ra các cuộc mít tinh, tuần hành của tầng lớp nhân dân lao động chào mừng ngày Quốc tế Lao động 1-5. Đây là lần đầu tiên, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên phạm vi toàn quốc chứng minh được sứ mệnh trước lịch sử, sức mạnh vô địch, nghị lực phi thường của mình. Là sự khởi đầu để dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: Cao trào cách mạng (1930-1931), cuộc vận động dân chủ (1936-1939) và cách mạng tháng Tám năm 1945 với sự ra đời của Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông nam Á - thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác-Lênin được Nguyễn Ái Quốc vận dụng sáng tạo vào cách mạng Việt Nam.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đặc biệt là sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, hơn 12 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa IX, giai cấp công nhân Việt Nam đã lớn mạnh về số lượng, trưởng thành về chất lượng và đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tuy vậy, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của giai cấp công nhân nước ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Mặt bằng chung về trình độ văn hóa và tay nghề của công nhân nước ta dù được cải thiện, song vẫn còn thấp, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp chưa cao, năng suất lao động còn thấp… ảnh hưởng chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm. Về điều này, Đại hội XIII của Đảng chủ trương: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lơn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân”(2).
Với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chúng ta tin tưởng rằng với việc quán triệt vận dụng thành công những quan điểm cơ bản của Đảng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ cách mạng mới sẽ cho phép chúng ta nhìn thấy giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, xứng đáng là giai cấp lãnh đạo cách mạng và là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá và hội nhập quốc tế.
Hưởng ứng “Tháng Công Nhân” năm 2021 trong khí thế mới- khí thế của năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, khí thế của năm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp; năm thứ 135 năm ngày Quốc tế lao động, năm thứ 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời kỷ niệm 110 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước; năm thứ 46 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất non sông…. Chắc chắn đây sẽ là một giá trị cách mạng truyền thống, sự gặp gỡ giá trị trong tháng 5 lịch sử. Công nhân viên chức lao động Việt Nam chắc chắn sẽ vượt qua mọi khó khăn trước mắt để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại Hội XIII của Đảng.
Nguyễn Quang Minh
Chú thích:
(1) -Đảng Cộng sản Việt Nam: Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 1998, tập 2, tr 94.
(2)- Báo cáo cuả Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc làn thứ XIII của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB CTQGST, tập I, trang 166