Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Xây dựng đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới
Thứ sáu - 10/09/2021 08:124810
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) Việt Nam được thành lập ngày 29/7/1983, và được Đảng ta xác định “là tổ chức quần chúng xã hội tự nguyện của tất cả các hội KH&KT của người Việt Nam ở trong và ngoài nước”.
Gần 40 năm qua, Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ (KHCN) của Liên hiệp Hội Việt Nam một lòng đi theo Đảng, phấn đấu liên tục, đoàn kết trong liên minh công - nông - trí và đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị khẳng định “Liên hiệp Hội Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội, có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. “Phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và đội ngũ trí thức”. Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức KH&CN trong và ngoài nước từ 1,8 triệu trí thức năm 2015 đã tập hợp được trên 2,2 triệu trí thức vào 2020, chiếm 32,5% đội ngũ trí thức cả nước, đã có 153 hội thành viên gồm 63 Liên hiệp Hội địa phương và 90 Hội ngành toàn quốc, 596 tổ chức KH&CN trực thuộc. Tại hội nghị “Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ghi nhận Liên hiệp Hội Việt Nam đã phát huy tốt vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức KHCN; có nhiều hoạt động tư vấn, phản biện cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các dự án đầu tư trọng điểm trong nước thu hút đông đảo đội ngũ trí thức người Việt Nam ở trong và ngoài nước tham gia. Liên hiệp Hội Việt Nam còn là nôi ươm mầm KHCN hiệu quả. Những năm qua, Liên hiệp Hội đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng hoạt động; có nhiều cố gắng nỗ lực đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tập hợp trí thức, tham mưu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tham gia xây dựng pháp luật, góp ý đối với các dự thảo Văn kiện Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, đội ngũ trí thức KHCN chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, chưa đáp ứng được mong muốn và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Số cán bộ KHCN tuy gia tăng về số lượng nhưng thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực mũi nhọn. Việc ứng dụng KH&CN kết nối với các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp còn ở mức độ khiêm tốn. Các sản phẩm có hàm lượng chất xám và KHCN cao phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân chưa nhiều. Chưa tạo được phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, KHCN chưa thực sự gắn chặt với thị trường. Các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với phát triển kinh tế xã hội còn ít… Đại hội XIII của Đảng đặc biệt quan tâm đến xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút nhân tài. Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”. Để tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong bối cảnh mới, cần thực hiện một số giải pháp: Một là, tạo mọi cơ chế và điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy năng lực, trình độ chuyên môn của mình. Bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để trí thức tự khẳng định, phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh; tăng đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ trên mọi lĩnh vực; hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo, nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức khi chuyển giao phát minh, sáng chế, sáng kiến và khuyến khích đội ngũ trí thức gia tăng sự cống hiến đối với Nhà nước và xã hội; xây dựng các khu đô thị khoa học, khu công nghệ cao, tổ hợp khoa học - sản xuất, các trung tâm văn hóa hiện đại để thúc đẩy hoạt động sáng tạo của trí thức trong nước và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Hai là, phát hiện, sử dụng và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức. Có chế độ đãi ngộ, cơ chế khen thưởng xứng đáng với cống hiến của đội ngũ trí thức. Công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp cao, tạo động lực và cơ hội để đội ngũ trí thức phát triển. Ba là, có chính sách giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ trí thức. Đẩy mạnh cải cách toàn diện giáo dục, từ cấp mầm non đến đại học và sau đại học, từ sách giáo khoa, chương trình, nội dung đào tạo đến phương pháp dạy và học. Đặc biệt, phải gắn lý luận với thực tiễn, lý thuyết với thực hành và gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Bốn là, phát huy trách nhiệm của trí thức trong truyền bá tri thức, nâng cao dân trí, phục vụ cộng đồng. Củng cố, phát triển, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nơi đội ngũ trí thức sinh hoạt; đồng thời, tạo môi trường lành mạnh để phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ trí thức. Có cơ chế để các hội mà trí thức tham gia thực hiện giám sát các hoạt động nghề nghiệp, cũng như thực hiện một số dịch vụ công để “giảm tải” công việc cho các cơ quan nhà nước; đồng thời, phát huy được tài năng, lợi thế của đội ngũ trí thức. Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước với đội ngũ trí thức. Cần xác định, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các tổ chức đảng và chính quyền các cấp. Tiếp tục phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” và tôn vinh đội ngũ trí thức. Trọng dụng những trí thức có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, năng lực quản lý tốt, kể cả những trí thức ngoài Đảng. Các cấp ủy và chính quyền thường xuyên nghiên cứu, thực hiện những phương thức để quản lý và sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức, tránh áp dụng các biện pháp quản lý hành chính một cách máy móc, nhằm phát huy cao nhất năng lực cống hiến của trí thức.