Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức tỉnh Hải Dương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW

Thứ sáu - 30/09/2022 06:06 437 0
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Xác định được tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X  ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW,  Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã xây đựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và chỉ đạo tổ chức quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW (Khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả và chất lượng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn tuyên truyền Nghị quyết số 27-NQ/TW bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp, mang lại nhiều kết quả, qua đó khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài để kịp thời bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho các lĩnh vực còn yếu và thiếu của tỉnh. Công tác sơ kết, tổng kết Nghị quyết cũng đã được tiến hành nghiêm túc, đúng kỳ hạn.
Nhằm cụ thể hóa các nội dung theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kết luận số 52-KL/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành đã ban hành các chương trình hành động, Kế hoạch thực hiện trên các lĩnh vực, tập trung trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ; đồng thời ban hành các văn bản liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, đội ngũ trí thức tỉnh Hải Dương đã có bước phát triển mới, tăng về số lượng và chất lượng. Năm 2008, toàn tỉnh có 37 nghìn 497 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, trong đó: Cao đẳng là 15.036 người; Đại học là 22.160 người; Thạc sỹ là 262 người; Tiến sỹ là 37 người (trong đó PGS.TS: 02 người). Đến nay, toàn tỉnh có có khoảng 65.000 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, trong đó Đại học là 45 nghìn người; Thạc sỹ  1,5 nghìn người; PGS, TS là 100 người. Trình độ lý luận chính trị của cán bộ công chức, viên chức ngày một được nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển; Đội ngũ trí thức trong tỉnh đã phát huy vai trò, khả năng của mình trên từng lĩnh vực đã góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hải Dương.
Với sự phát triển của đội ngũ trí thức cả về số lượng và chất lượng, những năm qua đội ngũ trí thức của tỉnh đã đóng góp nhiều công sức, trí tuệ vào các lĩnh vực của tỉnh:  Đội ngũ trí thức của tỉnh đã tham gia trực tiếp, tổng kết và xây dựng luận cứ khoa học, phát triển lý luận, hoàn thiện các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Là lực lượng nòng cốt trong phong trào lao động, sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống góp phần tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đội ngũ trí thức đã tham gia thực hiện thành công nhiều chương trình, đề án trọng điểm về phát triển kinh tế xã hội, an ninh- quốc phòng do Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra qua các nhiệm kỳ.
Đặc biệt, đội ngũ trí thức của Hải Dương dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết và quyết tâm khắc phục khó khăn để xây dựng và phát triển quê hương; là lực lượng nòng cốt trong phong trào lao động, ứng dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và lao động sáng tạo góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị- xã hội của tỉnh luôn xác định đội ngũ trí thức chính là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng cao sức mạnh, trí tuệ của tỉnh. Chính vì vậy, trong những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể đã quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội  ngũ trí thức phát huy được năng lực, sở trường, cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp phát triển chung của tỉnh; tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Hằng năm các cấp uỷ đảng, chính quyền đã đưa nội dung Nghị quyết vào sinh hoạt định kỳ của tổ chức đảng, các cơ quan trong ngành và địa phương; định kỳ đều có tiến hành sơ kết, tổng kết gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương nên tỷ lệ trí thức ngày các phát triển về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng đội ngũ trí thức luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp  thường xuyên coi trọng; tích cực chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức, làm cho toàn xã hội hiểu đúng và đề cao vai trò của trí thức, xây dựng một xã hội có nhiều con đường tiến thân và được xã hội trọng dụng. Cấp ủy các cấp luôn quan tâm củng cố và phát huy vai trò của tổ chức đảng trong các hội trí thức; lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ, quy định cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng đội ngũ trí thức. Hoạt động đối thoại giữa trí thức với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được nhiều địa phương, đơn vị tiến hành thường xuyên, trên tinh thần cởi mở, dân chủ. Các vấn đề quan trọng được bàn bạc công khai, đặc biệt là các lĩnh vực tham mưu, hoạch định chiến lược phát triển, các văn bản chỉ đạo về phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, thể hiện sự coi trọng vị trí và vai trò của đội ngũ trí thức với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đội ngũ trí thức. Thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đội ngũ trí thức luôn tích cực đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền và phát huy khả năng phản biện những chủ trương, đề án do cấp ủy, chính quyền đề xuất.
Bên cạnh những mặt tích cực đã được chỉ ra, nhìn nhận qua thực tiễn thì vẫn còn một số bất cập, hạn chế tồn tại của Nghị quyết số 27-NQ/TW trong lãnh đạo, chỉ đạo như:
1. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức và trách nhiệm đối với đội ngũ trí thức chưa đầy đủ, sâu sắc; chưa gắn việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong kế hoạch hằng năm cũng như dài hạn của địa phương. Một số địa phương chưa định kỳ tổ chức gặp mặt đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trí thức.
2. Một số nội dung của Nghị quyết còn chậm được cụ thể hoá, thế chế hoá, việc tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, ít đột phá. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với đội ngũ trí thức chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển. Sự phát triển và cống hiến của đội ngũ trí thức vẫn còn chưa xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển của đất nước và của tỉnh hiện nay…
3. Môi trường làm việc ở một số nơi còn hạn chế. Công tác cán bộ, công tác quản lý, nhất là khâu đánh giá, sử dụng trí thức còn nhiều bất cập, nhiều điểm không phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu ở một số ngành, lĩnh vực. Chính sách thu hút trí thức có trình độ cao chưa thật sự hấp dẫn, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển đội ngũ trí thức hoạt động trong các doanh nghiệp; ở một số ngành xảy ra tình trạng chảy máu chất xám…
Nhằm phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội XVII,  Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.  Đặc biệt, với những mục tiêu, nhiệm vụ tới năm 2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong thời gian tới công tác lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức cần tập trung như:
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với công tác xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác tuyên truyền về Nghị quyết số 27-NQ/TW phải được tiến hành một cách thường xuyên, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
- Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải chú ý đến yêu cầu bố trí, sử dụng hiệu quả, phát triển đội ngũ trí thức. Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, mạnh dạn tiến cử, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ là trí thức. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ, chú trọng cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.
- Đẩy nhanh việc cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW, tạo môi trường làm việc thực sự phát huy dân chủ và khuyến khích trí thức tự do sáng tạo trong nghiên cứu, sáng tác; công bằng trong học thuật, nghiên cứu, sáng tạo, trong triển khai ứng dụng khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội. Các cấp lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cởi mở, sẵn sàng trao đổi, lắng nghe, đối thoại với trí thức. Trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, có cơ chế thông thoáng, đơn giản của các thủ tục hành chính trong thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, đề án khoa học,...
- Thường xuyên quán triệt, củng cố nhận thức chính trị của đội ngũ trí thức về vai trò, trách nhiệm đối với đất nước. Tăng cường và đổi mới công tác tư tưởng của Đảng đối với trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ vì lý tưởng cao đẹp của Đảng, của dân tộc và trách nhiệm công dân đối với xã hội. Khắc phục sự thiếu chủ động trong hoạt động của các hội trí thức và hiện tượng suy thoái tư tưởng chính trị trong một bộ phận trí thức hiện nay.
- Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức từ đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên kiến thức cho đội ngũ trí thức. Có chính sách phù hợp thu hút, tập hợp, trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp vào các tổ chức hội. Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập hợp, đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức trong các ngành, các lĩnh vực.
- Chú trọng công tác thi đua, khen thưởng nhằm tôn vinh những trí thức giỏi, tài năng, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước.
 
Vũ Đức Khoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây