Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
Từ khi Luật Bảo vệ môi trường ra đời năm 1993 và sửa đổi bổ sung năm 2005, công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều tiến bộ. Đội ngũ cán bộ quản lý chuyên ngành về môi trường từ chỗ còn rất khiêm tốn và không được đào tạo về chuyên môn môi trường thì đến nay đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đã tăng lên nhiều, mỗi xã, phường thị trấn đều được biên chế một cán bộ làm công tác môi trường. Tất cả họ đều được đào tạo cơ bản từ các trường đại học trở về công tác.
Thứ hai là chúng ta có một hệ thống luật pháp khá đầy đủ là công cụ pháp lý cần thiết cho công tác quản lý môi trường. Nhiều chuyên gia quản lý đã nói rằng chưa có một lĩnh vực quản lý nào như lĩnh vực quản lý môi trường lại có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồ sộ đến như vậy.
Thứ ba chúng ta là nước đang phát triển có điều kiện để hợp tác và giao lưu quốc tế, học hỏi kinh nghiệm để không mắc phải những sai lầm mà họ đã trải qua.
Ngoài đào tạo nhân lực về môi trường, xây dựng cơ sở pháp lý khá đầy đủ và toàn diện thì sự hợp tác quốc tế đã mang lại cho chúng ta một số kết quả khả quan về bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, những kết quả đã làm đạt được trong lĩnh vực môi trường vẫn còn quá ít so với thực tiễn đòi hỏi. Trong những năm gần đây do chúng ta ưu tiên phát triển kinh tế quá ồ ạt nên việc gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường chưa được chú trọng đúng mức.Tình trạng tách rời công tác bảo vệ môi trường với sự phát triển kinh tế xã hội diễn ra phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến và ngày càng nghiêm trọng. Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là hoạt động sản xuất của nhà máy trong các khu công nghiệp, hoạt động làng nghề, hoạt động nông nghiệp và sinh hoạt tại các đô thị lớn.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta
Ô nhiễm môi trường gồm 3 loại chính đó là ô nhiễm đất, nước và không khí. Trong 3 loại ô nhiễm đó thì ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu công nghiệp và làng nghề là nghiêm trọng nhất, mức độ ô nhiễm đã vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.
Theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam thì Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp và ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Mới đây, 2 trung tâm nghiên cứu môi trường thuộc trường Đại học Columbia và Yale của Mỹ, thực hiện báo cáo thường niên, khảo sát ở 132 quốc gia đã đưa ra kết quả cho thấy chất lượng không khí Việt Nam chịu tác động của môi trường đứng thứ 123/132 quốc gia, còn về chất lượng nước đứng thứ 80/132 quốc gia.
Rừng tiếp tục bị suy giảm. Trước năm 1945 nước ta có khoảng 14 triệu ha rừng, chiếm hơn 42% diện tích tự nhiên của cả nước. Năm 1975 diện tích rừng chỉ còn 9,5 triệu ha, chiếm 29%, trên thực tế còn 10% là rừng nguyên sinh. Số liệu của Tổng cục lâm nghiệp Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết đến hết 2012 có hơn 20.000 ha rừng nguyên sinh bị phá để sử dụng vào nhiều mục đích, nhiều nhất là làm thủy điện, song mới chỉ trồng bù được 700 ha.
Đa dạng loài bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế giới thừa nhận Việt Nam là một trong những nước có tính đa dạng sinh học vào nhóm cao nhất thế giới, với 21.000 loài động vật, 16.000 loài thực vật bao gồm nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Thế nhưng trong 4 thập kỷ qua, theo ước tính sơ bộ đã có 200 loài chim bị tuyệt chủng và 120 loài thú bị diệt vong. Hơn 100 loài sinh vật ngoại lai đang hiện diện ở nước ta cũng là mối nguy lớn cho môi trường sinh thái.
Cả nước ta có mạng lưới sông ngòi dày đặc, trong đó có 13 hệ thống sông lớn diện tích trên 10.000 km2. Hiện nay 70% lượng chất thải công nghiệp không qua xử lý trực tiếp đổ vào các nguồn nước đã gây áp lực lớn nhất đối với môi trường nước mặt. Với những dòng sông ở các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng nước nước bị ô nhiễm nặng nề. Tuy nhiên, sông ở nhiều vùng nông thôn cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề do rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề, nông nghiệp khu công nghiệp vẫn đang từng ngày từng giờ đổ xuống các dòng sông, đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề nhất, đó là sông Cầu, sông Nhụê, sông Đồng Nai và hệ thống sông Tiền, sông Hậu ở Tây Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Những con sông này đã trở nên độc hại, làm huỷ hoại nguồn thủy sản và ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường và sức khoẻ cộng đồng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thì nguồn chất thải vào môi trường từ trồng trọt và chăn nuôi đang có xu hướng gia tăng trong khi việc kiểm soát chưa đạt hiệu quả cao. Kết quả điều tra năm 2006 cho thấy hằng năm lượng chất thải chăn nuôi thải ra ngoài môi trường khoảng 73 triệu tấn, còn chất thải sinh hoạt từ 10-13,5 triệu tấn/năm. Số rác này cộng với lượng chất thải từ sản xuất nông nghiệp đã khiến cho tình trạng ô nhiễm ở khu vực nông thôn ngày càng trở nên đáng lo ngại. nghiêm trọng hơn do việc sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật và phân bón hoá học bất hợp lý, nên trung bình 20-30% lượng thuốc và phân bón sử dụng trong nông nghiệp không được cây hấp thụ sẽ theo nước mưa và nước suối chảy vào nguồn nước mặt, tích luỹ trong đất, không những gây ô nhiễm nguồn nước mặt mà còn thấm vào nguồn nước ngầm. Tại một số địa phương qua khảo sát phát hiện trong nước ngầm bị ô nhiễm vi khuẩn Coliforum vượt tiêu chuẩn cho phép từ hàng trăm đến hàng ngàn lần. Đặc biệt nguồn nước bị ô nhiễm Asen (As) cũng chiếm rất lớn, tập trung chủ yếu tại hai khu vực đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 21% dân số đang sử dụng nước ngầm nhiễm Asen.
Theo báo cáo của viện Quy hoạch Bộ Xây dựng: năm 2008 toàn quốc có 200 khu công nghiệp được chính phủ phê duyệt, đến năm 2011 con số khu công nghiệp đã là 256 và khu kinh tế mới là 20 được thành lập. Ngoài ra còn có hàng trăm cụm, điểm công nghiệp được UBND tỉnh, thành phố quyết định thành lập được phân bố ở 56 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo báo cáo giám sát của Uỷ ban Khoa học và công nghệ môi trường quốc Hội, thì tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung rất thấp, có nơi chỉ đạt 15-20%. Một số khu công nghiệp có xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng hầu như không vận hành vì để giảm chi phí. Đến nay mới có 60 khu công nghiệp đã hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung, chiếm 42% số khu công nghiệp đã vận hành. Cùng với sự ra đời ồ ạt của các khu, cụm, điểm công nghiệp thì các làng nghề thủ công truyền thống cũng có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Hiện nay cả nước có khoảng 2790 làng nghề, trong đó có 240 làng nghề truyền thống, riêng đồng bằng sông Hồng có 866 làng nghề, chiếm 42,9%. Nước thải và rác thải của khu vực làng nghề hầu như không được xử lý mà thải thẳng ra môi trường, đây cũng là nguồn gây ô nhiễm lớn cho môi trường.
Bên cạnh các khu công nghiệp làng nghề gây ô nhiễm môi trường thì tại các đô thị, nhất là những đô thị lớn tình trạng ô nhiễm cũng ở mức độ báo động. Đó là các ô nhiễm về nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, không khí, tiếng ồn. Những năm gần đây, dân số ở các đô thị tăng nhanh, khiến hệ thống cấp thoát nước không đáp ứng nổi và xuống cấp nhanh chóng. Nước thải, rác thải sinh hoạt (vô cơ và hữu cơ) ở đô thị hầu như đều trực tiếp xả ra môi trường mà không có bất kỳ một biện pháp xử lý nào ngoài việc vận chuyển đến bãi chôn lấp rác. Mặt khác, như trên đã nói phần lớn các đô thị hiện nay đều không có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nên nước thải đã qua xử lý đạt tỷ lệ rất thấp.
Hiện nay tại các thành phố lớn của Việt Nam, môi trường không khí đang bị ô nhiễm bụi, trong đó chứa nhiều chất độc hại do khói của các phương tiện giao thông thải ra và khí thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nằm trong thành phố.
Những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường
Thứ nhất là do những hạn chế bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện nay có khoảng hơn 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân, các hoạt động kinh tế, các quy trình kỹ thuật, quy trình sử dụng nguyên liệu trong sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao, tình trạng văn bản mới được ban hành chưa được lâu đã phải sửa đổi, bổ sung là khá phổ biến. Từ đó làm hạn chế hiệu quả quản lý và điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân, các hoạt động kinh tế... trong bảo vệ môi trường.
Hai là quyền pháp lý của các tổ chức bảo vệ môi trường chưa thực sự đủ mạnh nên đã hạn chế hiệu quả hoạt động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Các cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường và các loại tội phạm về môi trường vừa thiếu, vừa chưa đủ mạnh, dẫn đến hạn chế tác dụng giáo dục, phòng ngừa, dăn đe đối với hành vi xâm hại môi trường. Rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lý hình sự. Còn các biện pháp xử lý khác như buộc phải di rời ra khỏi khu vực gây ô nhiễm, đóng cửa và đình chỉ hoạt động của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không được áp dụng nhiều, hoặc có áp dụng nhưng các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, doanh nghiệp tuỳ ý thực hiện, trây ỳ nên cũng không có hiệu quả.
Thứ ba là do các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra giám sát về môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất dường như vẫn mang tính hình thức. Công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư còn tồn tại rất nhiều bất cập, và chưa được coi trọng đúng mức, thậm trí chỉ được tiến hành một cách hình thức, qua loa, đại khái cho đủ thủ tục, dẫn đến chất lượng thẩm định và phê duyệt không cao.
Ngoài ra còn do công tác tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ môi trường trong cộng đồng còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được ý thức tự giác, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cộng đồng trong việc tham gia giữ gìn và bảo vệ môi trường. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, trong nhiều trường hợp đoàn kiểm tra không thể phát hiện được những thủ đoạn tinh vi của doanh nghiệp thải các chất gây ô nhiễm ra môi trường.
Giải pháp khắc phục
Để ngăn ngừa, khắc phục và xử lý có hiệu quả những hành vi gây ô nhhiễm môi trường cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây cũng là nhằm khắc phục những nguyên nhân đã nêu trên trong công tác quản lý, đó là:
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó những chế tài xử phạt (cưỡng chế hành chính và xử lý hành chính) phải thực sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó cần xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp, thân thiện hơn với con người.
Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường (thường xuyên, định kỳ, đột xuất) phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn, nhất là lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường các cấp để phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường, trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ hiệu quả hoạt động của các lực lượng này.
Chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, các đô thị đảm bảo tính khoa học trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp. Tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo như ở nhiều địa phương (trong đó có Hải Dương), thời gian qua gây khó khăn cho công tác quản lý nói chung, quản lý môi trường nói riêng. Đối với các khu công nghiệp có quy định bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động, đồng thời, thường xuyên báo cáo định kỳ về hoạt động xử lý rác thải, nước thải tại đó.
Chú trọng và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, trên cơ sở đó cơ quan chuyên môn tham mưu chính xác cho cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc cấp hay không giấy phép đầu tư. Việc quyết định các dự án đầu tư cần được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích đem lại trước mắt với những ảnh hưởng của nó đến môi trường về lâu dài. Thực hiện công khai minh bạch các quy hoạch, các dự án đầu tư và tạo điều kiện để mọi tổ chức và công dân có thể tham gia phản biện xã hội về tác động môi trường của những quy hoạch và dự án đó.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong cộng đồng nhằm tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn gữi và bảo vệ môi trường, xây dựng ý thức sinh thái làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên - con người - xã hội.
Nguyễn Hoài Khanh
Ý kiến bạn đọc