Có nhiều việc người thầy cần làm: nghiên cứu sự thay đổi chương trình, sách giáo khoa; tìm kiếm các phương pháp để thực hiện sự chuyển đổi từ việc chú trọng cung cấp kiến thức sang việc đào tạo năng lực thực tiễn cho người học; nắm bắt kịp thời những đặc điểm tâm sinh lí của học sinh trong thời @ v.v.
Một trong những điều kiện quan trọng giúp người thầy có thể hoàn thành tốt những nhiệm vụ nặng nề nêu trên là phải biết kích hoạt tư duy tập trung của mình trong quá trình hoạt động. Nói cách khác là phải rèn luyện khả năng tập trung tư tưởng cao độ trong một khoảng thời gian nhất định để giải quyết một việc nào đó có ý nghĩa lớn lao trong sự nghiệp của mình. Muốn đưa tư tưởng lên một tầm cao mới, người thầy phải chuyển đổi từ việc nghĩ nhiều sang nghĩ hiệu quả và có sự sàng lọc, lựa chọn. Một ý tưởng mới có thể trở thành một sáng kiến hay hoặc một phát minh mang tính sáng tạo khi nó được trải nghiệm qua một thời gian suy nghĩ tập trung.
Chính trong sự tập trung tư duy, không chỉ ý tưởng ngày càng được sáng tỏ mà sự nhận thức của bản thân người thầy cũng được phát triển thêm. Thực tế cho hay, tính phức tạp và độ khó của nhiệm vụ giáo dục đối với người thầy càng lớn thì sự tập trung tư duy càng trở nên cần thiết. Chính nó đã giúp người thầy sớm nhận ra mục tiêu phấn đấu của mình, những việc cấn làm trong sự đổi mới và cách làm để đạt được mục tiêu đó. Đúng như nhận xét của các nhà khoa học: Một bộ óc chưa trưởng thành thường dễ dàng nhảy từ thứ này qua thứ khác.
Một bộ óc trưởng thành chỉ tìm kiếm một thứ và phát triển thứ đó kĩ càng. Là thầy giáo chúng ta cần quan tâm đến lời khuyên: Hãy biết chọn lọc, chín chắn chứ đừng đại khái, chung chung trong suy nghĩ. Sự khát khao của thế giới học sinh và những yêu cầu khắt khe của xã hội luôn đòi hỏi người thầy phải biết tập trung vào những phần việc có thể đơm hoa kết trái. Muốn vậy, người thầy cần xây dựng cho mình phong cách làm việc dựa trên nguyên tắc 80/20. Điều đó có nghĩa là, dùng 80% năng lực của mình để thực hiện 20% những việc quan trọng nhất. Phải chăng đó là các việc: tìm kiếm những điều học sinh, xã hội cần để dạy; gắn kết nội dung bài giảng với thực tiễn cuộc sống; phát huy năng lực vốn có của học sinh; tăng cường bồi dưỡng kĩ năng sống; rèn luyện bản thân theo phương châm:"tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn"...
Có thể nói sự tập trung tư duy sẽ mang lại năng lượng và sức mạnh cho bất kì công việc gì kể cả thể xác lẫn tinh thần. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để có thể tập trung tư duy? Muốn vậy, trước tiên người thầy cần tìm cách gạt bỏ sự sao nhãng công việc thường xảy ra do sự ảnh hưởng của những yếu tố đang gây áp lực trong cuộc sống. Nhiều công việc đồng thời tác động đến gây lên sự bối rối trong tâm trí người thầy. Trong hoàn cảnh đó, người thầy đừng làm những việc dễ trước hay khó trước mà tốt nhất là giải quyết những việc cần ưu tiên trước - những việc sẽ mang lại cho người thầy kết quả cao nhất.
Mặt khác, phải cách li sự sao nhãng bằng sự tìm kiếm một môi trường yên tĩnh, không bị ai quấy rầy để tập trung tư duy. Ví như Eđinxơn nhà phát minh lớn của thế giới thường chọn phòng thí nghiệm làm nơi để tư duy tập trung, Nhà văn Vích to Huy Gô khi muốn tập trung tư duy để hoàn thành một cuốn tiêu thuyết, ông đã cắt một nửa đầu tóc và cạo một nửa râu rồi vất kéo qua cửa sổ. Ông không ra khỏi nhà, ngồi viết cho đến khi tóc râu mọc lại. Để tập trung tư duy hoạt động, người thầy cần quan tâm đến lời khuyên của các nhà khoa học: Nếu muốn đạt được nhiều mục đích trong cùng một lúc, tổt nhất, hãy tiến hành từng việc một hơn là làm nhiều việc đồng thời. Vì nếu làm nhiều việc trong một lúc sẽ làm giảm 40 % hiệu quả công việc. Hãy dành những thời gian mà nguồn năng lượng của cơ thể đang dồi dào để giải quyết những công việc cần thiết. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy: kích hoạt tư duy tập trung là một bí quyết sức mạnh trong việc điều hành tất cả những hoạt động của con người. Muốn có tư duy tập trung người thầy phải bám sát mục tiêu đã xác định. Đó là những mục tiêu có nội dung rõ ràng, vừa sức, đủ hữu ích để thay đổi hiện trạng. Không người thầy nào có thể đạt được đỉnh cao nếu chỉ dừng ở sự suy nghĩ chung chung.
Trong việc thực hiện sự đổi mới phương pháp dạy học, người thầy cần áp dụng công thức 10 - 80 -10 đối với học sinh. Điều đó có nghĩa là, người thầy sẽ giúp đỡ học sinh với 10% đầu tiên bằng cách định hướng tầm nhìn sự việc, phác họa những biện pháp có thể thực hiện, cung cấp những nguồn tư liệu cần tham khảo kèm theo những lời động viên, khuyến khích. Khi học sinh đã làm xong 80% công việc tiếp theo, người thầy sẽ sử dụng 10% còn lại để kiểm tra, đánh giá kết quả những việc học sinh đã làm, trên cơ sở đó định hướng cho những việc kế tiếp .
Có thể khẳng định rằng: Sự kích hoạt tư duy tập trung đã giúp người thầy tránh xa được sự ôm đồm công việc, dám mạnh dạn từ bỏ một số sơ thích cá nhân, biết chọn lọc những thứ có ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình phát triển của sự nghiệp nói chung, bản thân nói riêng, góp phần tốt nhất vào sự đổi mới giáo dục hiện nay.
Phạm Trung Thanh
Chủ tịch Hội CGC tỉnh Hải Dương
Ý kiến bạn đọc