Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ
Thứ tư - 19/05/2021 15:264220
Trong mọi thời đại lịch sử, đội ngũ trí thức luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức nhân loại. Nhận thức sâu sắc vai trò của đội ngũ trí thức và sức mạnh của khoa học - công nghệ, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Trí thức Việt Nam là tầng lớp có học thức, kiến thức, hiểu biết, có tinh thần yêu nước nồng nàn và có ý thức dân tộc cao, trí thức Việt Nam là một bộ phận trong lực lượng cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của trí thức và chú trọng đến phát triển đội ngũ trí thức. Người luôn trân trọng và động viên đội ngũ trí thức đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngay từ những ngày đầu của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã từng nói: "Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều". Trả lời các nhà báo nước ngoài về vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức trong nhận thức, chính sách của Chính phủ cũng như trong thực tiễn cách mạng ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định : "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc, ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”. Hồ Chí Minh định nghĩa về trí thức: “Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra. Ngoài hai cái đó, không có trí thức nào khác. Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải biết đem trí thức đó áp dụng vào thực tế”(1). Qua nghiên cứu những trước tác của Hồ Chí Minh, có thể rút ra một số vấn đề trong tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức: 1) Trí thức phải biết lấy việc phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc làm mục tiêu phấn đấu suốt đời của mình. 2) Trí thức phải đồng hành với dân tộc, cùng dân tộc tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh. 3) Trí thức phải có tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội. 4) Trí thức phải biết đem kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ và sự hiểu biết của mình áp dụng vào thực tế. Xa rời thực tế, trí thức trở thành lý luận suông. 5) Trí thức phải gắn bó mật thiết với công nhân, nông dân và nhân dân lao động và cũng phải học hỏi họ ở tinh thần cần cù lao động. 6) Trí thức phải tiếp tục học hỏi, không ngừng chiếm lấy đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật. 7) Trí thức phải có cuộc sống lành mạnh, có đạo đức và tư cách. 8) Đảng và Chính phủ phải biết tôn vinh trí thức và trí thức phải biết tôn trọng Đảng, Chính phủ, tôn trọng nhân dân lao động. 9) Đảng và Chính phủ phải có chính sách trọng dụng trí thức, trọng dụng nhân tài, hiền tài. 10) Đảng và Chính phủ phải thật sự dân chủ đối với trí thức. Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng khoa học – công nghệ phát triển không ngừng và toàn thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, để thực hiện thành công Nghị quyết đại hội lần thứ 13 của Đảng nói chung, Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 của Đảng bộ tỉnh Hải Dương nói riêng, cần phải phát huy cao độ vai trò của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ; đồng thời, không ngừng củng cố, nâng cao vai trò và uy tín của tổ chức Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật cùng các hội thành viên. Trong điều kiện hiện nay, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ không chỉ là nêu cao tính tiên phong trong việc nhận thức và phổ biến những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, mà còn là gương mẫu áp dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức cuộc sống, bảo vệ môi trường, quản lý phát triển xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục…. Lực lượng trí thức khoa học – công nghệ cần đi đầu, thực hiện sứ mệnh lịch sử là dẫn dắt, định hướng xã hội thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 trong đó có xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi số quốc gia. Dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, cần tập trung các nguồn lực và có giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức thành lực lượng nòng cốt trong việc sáng tạo và phổ biến tri thức, tư vấn và phản biện xã hội, góp phần hoạch định chính sách trong lĩnh vực phát triển khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế và đãi ngộ, tôn vinh trí thức.
Nguyễn Văn Thanh
Chú thích: 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 235.