Trí thức Hải Dương góp phần xây dựng quê hương, đất nước

Thứ năm - 14/12/2017 14:25 628 0
Ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, mảnh đất xứ Đông cũng đều sản sinh ra những trí thức ưu tú, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và làm rạng danh quê hương, đất nước.

Tự hào “người Hải Dương”

Sinh viên người Hải Dương đang học tập trên mọi miền Tổ quốc luôn tự hào với bè bạn vì mình là “người Hải Dương” – vùng đất văn hiến có truyền thống hiếu học, nơi đã sinh ra những danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, những con người kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực. Theo sách “Tiến sĩ nho học Hải Dương” thì tỉnh ta có 470 trong tổng số 2.896 tiến sĩ cả nước từng được ghi danh trong Văn miếu Quốc Tử Giám. Làng Mộ Trạch (Bình Giang) được phong là “làng tiến sĩ”. Di tích Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) là minh chứng rõ nét cho tinh thần hiếu học của người xứ Đông. Tuệ Tĩnh, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Vũ Hữu, Nguyễn Thị Duệ (nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam)… là những nhà nho học nổi tiếng đã để lại cho hậu duệ ngày nay hàng trăm tác phẩm có giá trị trên nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học, văn học, ngoại giao.

          Về sau này, Hải Dương cũng là quê hương của rất nhiều giáo sư, tiến sĩ nổi danh ở cả trong và ngoài nước. Giáo sư, Luật gia, Nhà báo Vũ Đình Hòe được coi là người tạo nền cho ngành giáo dục Việt Nam. Cụ từng là Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giáo sư – Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng từng là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp; Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Ông là tác giả của hơn 50 công trình khoa học cấp quốc gia nghiên cứu phát triển các giống lúa và cây trồng, được nhận Giải thưởng Lúa thế giới (năm 1998) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ (năm 2000)…

          Hiện nay cũng có rất nhiều trí thức tiêu biểu người Hải Dương thành danh trên mọi lĩnh vực. PGS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Đồng Văn Hệ (51 tuổi), Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (quê ở huyện Kim Thành) được mệnh danh là người có “bàn tay vàng” trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh tại Việt Nam. Suốt 25 năm qua, ông đã cứu sống hàng nghìn bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng về não, thần kinh tủy sống và giúp họ có cuộc sống ổn định. Ông vinh dự được Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động hạng 3, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2011.

          Ở trong tỉnh, đội ngũ trí thức tiêu biểu có mặt ở khắp các lĩnh vực. Họ ra sức nghiên cứu, sáng tạo, góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kỹ sư Trịnh Huy Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương là tác giả hoặc đồng tác giả của hàng chục công trình khoa học về sưu tầm, tuyển chọn, sản xuất các giống lúa, cây trồng và vật nuôi. Nhiều công trình áp dụng thực tiễn mang lại hiệu quả hoặc có triển vọng cao như: sản xuất và trình diễn giống lúa Đột biến tám xoan Hải Dương, siêu lúa TL12 có khả năng chống chịu sâu bệnh cho hiệu quả kinh tế cao; sưu tầm, tuyển chọn, duy trì và phát triển nguồn giống cây ăn quả quý hiếm… Ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 và nhiều danh hiệu cao quý khác. Nhà giáo Nhân dân – Bác sĩ Hoàng Điển Phan, Chủ tịch danh dự Hội Nghề nghiệp y tế tư nhân tỉnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đã tham gia đào tạo hàng nghìn sinh viên các tỉnh, thành phố, hàng trăm sinh viên cho nước bạn Lào. Ông tham gia nghiên cứu khoa học, viết nhiều đầu sách về y tế, bài báo khoa học, làm chủ nhiệm của nhiều đề tài cấp bộ. Ông được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Tự do hạng II và nhiều phần thưởng cao quý khác. Giờ đây đã ở tuổi 83 nhưng Nhà giáo Nhân dân Hoàng Điển Phan vẫn tích cực tham gia vào hoạt động của nhiều tổ chức chính trị - xã hội. Nhà sử học Tăng Bá Hoành – Chủ tịch Hội sử học tỉnh Hải Dương. Ông là chủ nhiệm nhiều công trình khoa học lịch sử; là người có công trong việc phát hiện, bảo tồn và phát huy gốm sứ Chu Đậu; đã dịch và biên soạn xuất bản tập 1 và tập 2 cuốn Di sản Hán nôm tỉnh Hải Dương, chuẩn bị xuất bản tập 3 và tập 4. Cuốn sách đã giúp và làm tư liệu tra cứu nhiều di tích mang tầm quốc gia như; Khu di tích Côn Sơn, chùa Thành Mai…

          Phát huy tiềm năng đội ngũ trí thức

          Trong giai đoạn nào, Đảng, Nhà nước ta cũng luôn coi trọng trí thức, đặc biệt trong cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Đảng đã xác định phải xây dựng đội ngũ trí thức trở thành “lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước”. Nhận thức sâu sắc được chủ trương này, những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn đặc biệt quan tâm đến phát triển khoa học công nghệ và đội ngũ trí thức, thể hiện qua việc ban hành các chương trình hành động, đề án và các quyết định liên quan; đầu tư ngân sách kết hợp với việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống; thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (n Liên hiệp Hội) là tổ chức chính trị-xã hội của trí thức khoa học và công nghệ,  nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết và phát huy tiềm năng của trí thức, cán bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của quê hương…

Trải qua 20 năm hoạt động, Đến nay, Liên hiệp Hội có 36 thành viên, gồm 26 Hội thành viên , 10 hội viên tập thể, 01 Trung tâm trực thuộc; các Hội thành viên có tổng số 147 huyện hội, 1. 217 Chi hội, Câu lạc bộ, Trung tâm, Công ty trực thuộc với hơn 36.000 hội viên. Liên hiệp Hội đã tập hợp, đoàn kết và phát huy được tiềm năng của đội ngũ trí thức cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương; là cầu nối quan trọng giữa các nhà khoa học với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho hội viên… Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trình độ từ đại học trở lên của tỉnh ta tính đến thời điểm hiện nay có khoảng 65.000 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, trong đó có khoảng 45.000 người tốt nghiệp đại học, trên 1.500 thạc sĩ và hơn 100 Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân. Đội ngũ trí thức này có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Giai đoạn 2011 – 2015, toàn tỉnh có 151 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện, trong số này có 147 nhiệm vụ phát huy tác dụng.

Nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Hải Dương, năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định chủ trương giao cho Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì định kỳ 2 năm 1 lần tổ chức gặp mặt trí thức tiêu biểu là người Hải Dương có nhiều công trình khoa học cống hiến cho quê hương.

Cuộc gặp mặt nhằm tôn vinh, ghi nhận những trí thức tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là dịp để tập hợp, đoàn kết, động viên đội ngũ trí thức của tỉnh tiếp tục phát huy trí tuệ, tài năng cống hiến cho sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước.

TS. Nguyễn Kim Diện
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây