Tổ chức liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi

Chủ nhật - 17/12/2017 14:53 436 0
Từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2017, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá bán sản phẩm giảm liên tục, nhất là giá thịt lợn hơi, có thời điểm xuống còn 16.000 đ - 20.000 đ/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và cũng là giá thấp nhất tại thời điểm so với các nước trên thế giới. Bình quân mỗi đầu thịt lợn xuất chuồng (tính 100 kg/con) lỗ từ 1 triệu - 1,2 triệu đồng/con, nhiều chủ hộ chăn nuôi lâm vào cảnh phá sản, nợ nần chồng chất.
Nguyên nhân của tình hình trên là trong mấy năm trở lại đây (2014 - 10/2016) chăn nuôi lợn đạt hiệu quả kinh tế cao, giá thịt lợn hơi xuất chuồng thường ở mức 45.000 đ - 52.000 đ/kg và ổn định, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi giảm, không có dịch bệnh lớn xảy ra, thịt lợn xuất được sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Người chăn nuôi có lãi từ 11.000 đ - 15.000 đ/kg, dẫn đến nhiều hộ chuyển sang chăn nuôi lợn và tăng quy mô đàn làm cho tổng đàn lợn tăng rất cao. Đến tháng 10/2016 đàn lợn cả nước đạt khoảng 29,1 triệu con, tăng 4,8% so cùng kỳ, trong đó lợn nái sinh sản là 4,2 triệu con, chiếm 14,4% so tổng đàn, sản lượng thịt hơi đạt 3,75 triệu tấn tăng 5,1% so cùng kỳ năm 2015, dư thừa so với tiêu dùng nội địa khoảng trên 200 nghìn tấn. Riêng tỉnh Hải Dương đến tháng 10/2016 tổng đàn lợn là 657.789 con, tăng 12,2% so cùng kỳ năm 2015, trong đó lợn nái 82.089 con, chiếm tỷ lệ 12,5% so tổng đàn, tăng 7,5% so cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi 99.228 tấn, tăng 5,7%. Với số đầu lợn trên đây đã vượt số lượng theo quy hoạch ngành chăn nuôi đến năm 2020. Tình hình trên cho thấy: Thời gian qua, đàn lợn phát triển quá nóng, dẫn đến cung vượt cầu, sức mua của thị trường trong nước cũng chững lại. Mặt khác, Trung Quốc đang xiết chặt quản lý nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam vì mua bán tiểu ngạch khó quản lý an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm dẫn đến giá thịt lợn hơi giảm sâu như thời gian qua.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng thừa thịt lợn, dẫn đến chăn nuôi thua lỗ, trong đó có một nguyên nhân rất quan trọng, đó là giữa sản xuất đến thu mua, chế biến sản phẩm chưa hình thành được liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, các khâu sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ không liên kết được. Tồn tại phương thức “Mạnh ai, người nấy làm”, trong đó chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ lại khá phổ biến. Nhiều khi người chăn nuôi bị thua lỗ, người thu mua, giết mổ, chế biến lại có lãi, việc phân bổ lợi nhuận không được hài hòa, lợi ích kinh tế thiếu minh bạch làm cho sản xuất bị đình đốn, giá bán thấp hơn giá thành. Trước tình hình trên, trong nhiều tháng qua cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp và các Hiệp hội chăn nuôi đã tìm nhiều giải pháp để giải cứu đàn lợn, hạn chế thua lỗ cho người sản xuất. Song hiệu quả chưa cao, tiêu thụ thịt lợn vẫn chậm, giá bán còn thấp hơn giá thành, chăn nuôi tiếp tục bị thua lỗ.
Do vậy trong tình hình hiện nay và lâu dài  giải pháp liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất chăn nuôi sẽ là con đường đưa chăn nuôi đạt hiệu quả và đi đến sản xuất ổn định, bền vững.
Đó là quá trình liên kết từ sản xuất đến thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi được hoạt động trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong tổ chức sản xuất từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, thu mua bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa về lợi ích kinh tế từ người sản xuất đến doanh nghiệp chế biến tiêu thụ và sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị khép kín từ cung cấp thức ăn an toàn sinh học đến chăn nuôi trang trại, thu mua chế biến tiêu thụ sản phẩm đã làm cho người chăn nuôi yên tâm, không lo đầu ra, giá bán sản phẩm, sản xuất có kế hoạch chủ động, có hiệu quả trên cơ sở thực hiện đúng quy trình sản xuất, tạo ra thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp chủ động thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm ổn định, không còn tình trạng mua bán giá cả bấp bênh, không đủ sản phẩm sạch cung cấp ra thị trường; lợi nhuận được phân bổ hợp lý giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp, người tiêu dùng sử dụng thực phẩm sạch, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo sức khỏe lâu dài.
Trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều loại hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chế biến sản phẩm ở thành phố Hà Nội, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương và tỉnh Hải Dương. Đó là liên kết sản xuất con giống với hộ chăn nuôi thương phẩm, liên kết này là liên kết giống 4 cấp (trại giống gốc dòng thuần) với trại giống ông bà, trại giống bố mẹ và thương phẩm. Liên kết theo chuỗi giống này đảm bảo vật nuôi tránh bị đồng huyết, có ưu thế lai và nhờ đó giúp hạ thành sản phẩm 7 - 11%. Liên kết giữa hộ chăn nuôi với nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, liên kết này góp phần hạ giá thành sản phẩm 7 - 9%, do không phải thông qua đại lý cấp I, II, III. Liên kết này giúp giảm giá thành sản xuất khoảng 7%. Liên kết giữa hộ chăn nuôi với cơ sở chế biến giúp phân phối hợp lý giá trị của mỗi công đoạn từ trang trại đến giết mổ - chế biến và tiêu thụ trên thị trường. Liên kết khép kín chuỗi giá trị sản xuất thức ăn chăn nuôi - trang trại chăn nuôi - giết mổ, chế biến - thị trường tiêu thụ (đến người tiêu dùng). Theo đó không chỉ tạo được sản phẩm có giá thành thấp nhất, vì vậy nâng cao được giá trị gia tăng, giúp truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Liên kết này đang được một số công ty FDI, Công ty TNHH áp dụng khá thành công ở nước ta. Riêng tỉnh Hải Dương từ quý IV/2016, Công ty cổ phần thực phẩm sạch LEBIO Việt Nam có địa chỉ: Nhà số 1, lô A1, khu đô thị mới Đại Kim, Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Bước đầu đã cùng với các chủ trang trại chăn nuôi ký hợp đồng kinh tế kỹ thuật sản xuất và thu mua thịt lợn sinh học, là mô hình tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Công ty LEBIO bán thức ăn sinh học cho trang trại chăn nuôi ở các xã: Nam Hồng, Đồng Lạc - Nam Sách; Cẩm Chế, Thanh An, Thanh Lang, Việt Hồng, Hợp Đức, Thanh Khê, Tiền Tiến - Thanh Hà (25 - 30 trang trại, số lợn theo hợp đồng khoảng 10.000 con); Công ty cử cán bộ kỹ thuật xuống trang trại hướng dẫn chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật của Công ty (lợn ăn thức ăn sinh học từ sau cai sữa đến xuất bán có trọng lượng từ 100-120kg/con, tiêm vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm, không trộn kháng sinh và các chất cấm vào trong thức ăn, khi ốm không tiêm kháng sinh, dùng thuốc sinh học của Công ty để chữa.). Toàn bộ số lợn đã ký trong hợp đồng, Công ty thu mua theo giá thị trường tại thời điểm bán lợn và được cộng thêm 2 giá. Lợn được giết mổ tại cơ sở giết mổ đảm bảo vệ sinh thú y. Thịt lợn thành phẩm được cung cấp đến các cửa hàng, có bao bì bảo quản, tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Ở Hải Dương đã có điểm bán thịt lợn sạch của Công ty ở chợ Cháy xã Cẩm Chế (huyện Thanh Hà), một số trường mầm non, trường tiểu học và chợ Phú Yên (thành phố Hải Dương), chợ trung tâm thị xã Chí Linh. Sản phẩm thịt lợn tiêu thụ trên thị trường từ chuỗi giá trị là thịt lợn sạch cung cấp cho người tiêu dùng.
Để liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất chăn nuôi được mở rộng và phát triển bền vững, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau đây:
+ Hộ chăn nuôi phải nắm bắt nhanh nhạy tín hiệu tiêu thụ sản phẩm của thị trường để từ đó có kế hoạch chủ động mở rộng quy mô tăng đàn, tái đàn một cách hợp lý.
+ Hộ chăn nuôi phải tổ chức tốt việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận. Tổ chức chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận quy trình thực hành tốt, an toàn dịch bệnh, con giống nhập vào nuôi phải rõ nguồn gốc, có lý lịch giống được cấp từ cơ sở sản xuất giống.
+ Tham gia vào chuỗi liên kết có hộ chăn nuôi, doanh nghiệp, HTX, trong đó doanh nghiệp, HTX là đơn vị cung ứng thức ăn chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Việc làm trên được thể hiện bằng hợp đồng kinh tế kỹ thuật, trong đó ghi rõ trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng. Đó là sự thống nhất việc thực hiện quy trình chăn nuôi, nguồn gốc và phẩm cấp giống, việc sử dụng thức ăn chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh; thống nhất về quy cách sản phẩm, kế hoạch tiêu thụ sản phẩm bao gồm khối lượng xuất chuồng, sạch bệnh, chất lượng thịt đảm bảo quy cách sản phẩm. Doanh nghiệp thu mua sản phẩm phải công khai giá mua, tổ chức vận chuyển giết mổ đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm để có sản phẩm sạch tới người tiêu dùng. Thực hiện nghiêm hợp đồng giữa hộ chăn nuôi và chủ doanh nghiệp là khâu then chốt để duy trì phát triển chuỗi liên kết giá trị thúc đẩy sản xuất phát triển.
Để quá trình tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị được duy trì bền vững rất cần sự quan tâm của Nhà nước thông qua cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Hiện tại UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triểnchăn nuôi trang trại quy mô lớn giúp cho các hộ phát triển sản xuất, khuyến khích xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; chính sách hỗ trợ vắc xin tiêm phòng bảo vệ đàn vật nuôi, đào tạo huấn luyện kỹ thuật chăn nuôi thú y cho hộ chăn nuôi, chính sách hỗ trợ liều tinh lợn trong thụ tinh nhân tạo. Cơ quan quản lýNhà nước, Khuyến nông, Hội chăn nuôi thú y mở rộng tuyên truyền mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để các địa phươngthực hiện.
Để phát triển chăn nuôi bền vững đạt hiệu quả kinh tế cao, ngoài những giải pháp về kinh tế, kỹ thuật, thị trường và chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì giải pháp tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất chăn nuôi là giải pháp căn cơ trước mắt cũng như lâu dài, góp phần đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
 Thạc sỹ Nguyễn Văn Tịnh
Chủ tịch Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây