Tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức tỉnh Hải Dương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng

Thứ ba - 26/11/2019 17:05 467 0
Trong mọi thời đại, đội ngũ trí thức luôn là nền tảng tiến bộ của xã hội, là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, kiến thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh trong chiến lược phát triển của quốc gia và mỗi địa phương
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển găp mặt trí thức Hải Dương năm 2017.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển găp mặt trí thức Hải Dương năm 2017.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị- xã hội tỉnh Hải Dương luôn xác định đội ngũ trí thức chính là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; luôn coi trọng vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương; xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng cao sức mạnh, trí tuệ của tỉnh.
1. Kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW (Khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” tại tỉnh Hải Dương.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị- xã hội của tỉnh luôn xác định đội ngũ trí thức chính là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; luôn coi trọng vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương; xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng cao sức mạnh, trí tuệ của tỉnh. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" các cấp uỷ đảng, chính quyền trong tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đội  ngũ trí thức phát huy được năng lực, sở trường, cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, như: Từng bước đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức được cống hiến, sáng tạo, phát triển; thực hiện tốt chính sách trọng dụng, đãi ngộ, thu hút nhân tài, tôn vinh trí thức; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ;  nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra lấy ý kiến của các nhà khoa học, đội ngũ trí thức trong tỉnh, đặc biệt là các lĩnh vực tham mưu, hoạch định chiến lược phát triển, các văn bản chỉ đạo về phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; các chương trình nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ, văn hóa nghệ thuật được các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực,...
Quan tâm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động trí thức, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Phổ biến kiến thức của Liên hiệp Hội KHKT giai đoạn 2010-2015 và 2016-2020; đề tài Ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó cho phép Liên hiệp Hội KHKT xây dựng trang thông tin điện tử và hỗ trợ trang thiết bị tin học phục vụ hoạt động của cơ quan thường trực; ban hành Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND về Quy định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh; phê duyệt Đề án “Phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Hải Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”. Qua đó đã tạo cơ chế hoạt động, khuyến khích, bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức tham gia các hoạt động nghiên cứu lý luận, tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cấp, các ngành đều xây dựng tiêu chí thi đua khen thưởng, nhằm tôn vinh những trí thức có công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, sáng kiến khoa học kỹ thuật vào lao động, sản xuất và đời sống xã hội có hiệu quả. Tỉnh ủy đã tổ chức gặp mặt các trí thức tiêu biểu. Những công trình, giải pháp sáng tạo của tác giả, đồng tác giả, nhóm tác giả đoạt giải trong các cuộc thi, công trình khoa học công nghệ được áp dụng hiệu quả, thiết thực trong thực tiễn được các cấp, các ngành ghi nhận, tôn vinh.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, trí thức của tỉnh luôn được quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh đã mở được 378 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn quản lý nhà nước về cải cách hành chính, đề án vị trí việc làm; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo cho 37.994 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời cử 1.870 cán bộ, công chức đi học Đại học, cử 962 cán bộ, công chức, viên chức đi học sau Đại học, trong đó cử 920 người đi đào tạo Thạc sỹ, cử 42 người đi đào tạo Tiến sỹ; thu hút, ưu đãi 1.211 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xong chương trình sau Đại học (bằng Thạc sỹ, Bác sỹ chuyên khoa cấp II, Tiến sỹ). Đồng thời xây dựng các kế hoạch cụ thể để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, trí thức nữ; một số trí thức nghỉ hưu vẫn tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, có nhiều công trình khoa học được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Phát huy vai trò, vị thế của mình, đội ngũ trí thức tỉnh Hải Dương ngày càng phát triển, tăng khá nhanh về số lượng và chất lượng; từng bước phát huy vai trò của mình trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tích cực tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh, tích cực phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cải thiện đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Năm 2008, đội ngũ trí thức toàn tỉnh có 37.497 người. Đến nay, toàn tỉnh có có khoảng 65.000 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, Thạc sỹ: 1.500 người, Tiến sỹ: 100 người, PGS.TS 04 người.
Thời gian qua, hệ thống Liên hiệp Hội KHKT được củng cố, kiện toàn, phát triển, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đã làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức trong tỉnh, tạo môi trường thuận lợi giúp các trí thức phát huy tiềm năng.
    Hoạt động thông tin và phổ biến kiến thức được tổ chức đa dạng, phong phú, có hiệu quả thiết thực: Trong 10 năm qua Liên hiệp Hội đã tổ chức được 2.998 hội thảo khoa học, nói chuyện chuyên đề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho trên 3,5 triệu lượt người tham dự; xuất bản 328.550 cuốn tạp chí, bản tin, 1.258.000 tờ rơi; phối hợp xây dựng 150 chuyên mục, tọa đàm trên Đài PTTH tỉnh, tích cực tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chuyên ngành, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường cho hội viên và người dân trong tỉnh.
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được đánh giá là nhiệm vụ then chốt trong hoạt động của Liên hiệp Hội: Toàn hệ thống Liên hiệp Hội đã tham gia tư vấn được hơn 100.000 vụ việc về các lĩnh vực pháp luật, giáo dục, xây dựng, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khoẻ; phản biện được hơn 80 chương trình, đề án về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.Nhiều kết quả phản biện được đánh giá cao, mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, hệ thống Liên hiệp Hội đã tích cực chủ trì 1.025 đề tài cấp cơ sở; 322 đề tài, dự án cấp tỉnh; 109 đề tài, dự án cấp bộ; 71 đề tài, dự án cấp Nhà nước với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Nhiều đề tài, dự án được triển khai áp dụng rộng rãi trong thực tế, nhất là các đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp, công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường.
Liên hiệp Hội phối hợp tổ chức thành công các Giải thưởng khoa học và công nghệ, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật. Thông qua phong trào lao động sáng tạo đã có hàng trăm công trình, giải pháp sáng tạo tham gia, đoạt giải ở cấp tỉnh và toàn quốc. Các công trình, giải pháp sáng tạo đó đã và đang được áp dụng trong đời sống, sản xuất, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội to lớn, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng.
Đội ngũ trí thức đã tham gia trực tiếp, tổng kết và xây dựng luận cứ khoa học, phát triển lý luận, góp công sức, trí tuệ vào việc hoàn thiện các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, còn tồn tại một số hạn chế như: đội ngũ trí thức của tỉnh tuy có tăng về số lượng, về trình độ học vấn song chất lượng chưa cao; đội ngũ chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học có trình độ cao còn thiếu, chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh; tỷ lệ cán bộ khoa học phát huy được năng lực chuyên môn chưa nhiều. Hoạt động giữa các hội của trí thức chưa đồng đều; Một số Hội thành viên hoạt động thiếu năng động, mang tính cầm chừng, hiệu quả chưa cao; thiếu sự liên kết, phối hợp hoạt động giữa các hội; việc đầu tư cơ sở vật chất, môi trường, điều kiện làm việc có nơi còn nhiều khó khăn; Sự phối hợp giữa các sở, ban ngành và các địa phương còn thiếu sự chủ động, chưa thường xuyên, chặt chẽ nên chưa phát huy được tiềm năng sáng tạo của đội  ngũ trí thức...
2. Hoạt động của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW
Trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy, cùng góp phần trong xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã chủ động phối hợp với Liên hiệp Hội và các cơ quan liên quan tham mưu giúp Tỉnh uỷ tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chương trình hành động số 31-CTr/TU ngày 24/10/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức tới các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của các tổ chức và cá nhân trong tỉnh về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và những định hướng trong công tác xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thường xuyên phối hợp tổ chức quán triệt, giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ trí thức, thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú... Đồng thời, Ban đã tích cực tham mưu, phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Qua kiểm tra, giám sát đã giúp các cấp ủy đảng, chính quyền đánh giá được kết quả, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; phát hiện, biểu dương và nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, góp phần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết đã đề ra.
 3. Đề xuất một số giải pháp tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức theo tinh thần Nghị quyết 27- NQ/TW
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khi thế giới đang tiến hành cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đội ngũ các nhà trí thức khoa học, công nghệ đóng vai trò động lực, đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Để tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh trong thời gian tới, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
(1) Tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010; Kết luận số 90-KL/TW ngày 04/3/2014; Chương trình hành động số 31-CTr/TƯ ngày 24/10/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức; nêu cao ý thức trách nhiệm các cấp, các ngành trong xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh vững mạnh.
(2) Thường xuyên quán triệt, tuyên truyền, củng cố nhận thức chính trị của đội ngũ trí thức về vai trò, trách nhiệm đối với đất nước. Tăng cường và đổi mới công tác tư tưởng của Đảng đối với trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ vì lý tưởng cao đẹp của Đảng, của dân tộc và trách nhiệm công dân đối với xã hội. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức góp phần nâng cao dân trí trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
(3) Có cơ chế, chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH-CN, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức lồng ghép trong việc xây dựng các quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh. Tổ chức nhiều diễn đàn để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
(4) Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh chủ động nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan chức năng để đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, tập hợp sức mạnh và trí tuệ của đội ngũ trí thức, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tình hình mới. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội; gắn nghiên cứu khoa học với sản xuất, ứng dụng... Chủ động phát hiện, thu hút, tập hợp trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp vào các tổ chức hội.
(5) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết; Chú trọng công tác thi đua, khen thưởng nhằm tôn vinh những trí thức giỏi, tài năng, có nhiều cống hiến cho sự phát triển của tỉnh.
Bùi Thúy Hạnh
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương
 
 Từ khóa: TRÍ THỨC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây