Tiếp tục xây dựng và nhân lên nhiều tuyến phố văn minh

Thứ hai - 19/12/2016 09:25 382 0
Theo dự kiến, đến năm 2025 tỉnh ta có 21 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (TP Hải Dương), 2 đô thị loại III (Chí Linh, Kinh Môn), 5 đô thị loại IV (Kẻ Sặt, Gia Lộc, Lai Cách, Phú Thái, Nam Sách), 13 đô thị loại V (gồm 10 đô thị hiện tại là: Cẩm Giàng, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Thái Học, Tân Trường, Nguyên Giáp, Nghĩa An, Hưng Đạo và 3 đô thị mới dự kiến nâng cấp là Thanh Quang, Đoàn Tùng, Dân Chủ).

Việc nâng cấp TP Hải Dương lên đô thị loại I trước năm 2020 là nhiệm vụ lớn đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I chính là tạo điều kiện để địa phương khai thác mọi nguồn lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển lên tầm cao mới. Trở thành đô thị loại I sẽ giúp thành phố đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, dịch vụ của tỉnh.  

Xác định xây dựng văn minh đô thị là một tiêu chí quan trọng để xây dựng TP Hải Dương trở thành đô thị loại I, TP Hải Dương đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án: “Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị giai đoạn 2010 - 2015", với mục tiêu quy hoạch xây dựng TP Hải Dương đạt các tiêu chí: Sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự - an toàn - phát triển bền vững. Theo đề án, có 7 tuyến phố trong Tp Hải Dương được thí điểm xây dựng tuyến phố văn minh, đó là: Đại lộ Hồ Chí Minh, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Phạm Ngũ Lão, Bạch Đằng, Thống Nhất, Nguyễn Du. Ngoài 7 tuyến phố trên, theo chỉ đạo của thành phố, các phường, xã trực thuộc còn đăng ký xây dựng 36 tuyến phố khác thành tuyến phố văn minh đô thị.

Các tiêu chí được đưa ra bao gồm:  xanh - sạch - đẹp; tổ chức, cá nhân trên các tuyến phố tham gia các dịch vụ có phong cách phục vụ văn minh, bảo đảm chất lượng, không xả rác thải sinh hoạt, túi ni-lông, chất thải xây dựng, tập kết vật liệu xây dựng, dừng, đỗ xe trái quy định không phơi quần áo, đồ dùng sinh hoạt trước nhà; quét dọn lòng đường, vỉa hè thường xuyên, không để nước đọng; không chăn, dắt, thả súc vật chạy rông, phóng uế trên đường phố; lắp đặt đầy đủ thùng rác; giữ gìn, bảo quản và chăm sóc cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, tài sản công cộng… UBND các phường Trần Hưng Đạo, Lê Thanh Nghị, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Thanh Bình tổ chức sắp xếp chỗ đỗ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường phù hợp với quy hoạch và thực hiện đúng quy định; không để xảy ra lấn chiếm vỉa hè; bố trí đủ lực lượng hướng dẫn điều tiết giao thông vào giờ cao điểm tại các vị trí thường xuyên hoặc có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông…
Mục tiêu của đề án này muốn xây dựng lên những tuyến phố sạch sẽ, tạo dựng lối sống văn minh cho thị dân; nhưng dường như quá trình thực hiện không đạt được hiệu quả mong muốn. Thực tế, chỉ xét trên 07 tuyến phố thí điểm, những tiêu chí trên gần như chưa đạt được, ý thức của người dân chưa được cải thiện, hàng ngày vẫn có rất nhiều vi phạm diễn ra, như: lấn chiếm lòng đường, vỉa hè bán hàng; đỗ, dừng xe không đúng nơi quy định, tập kết vật liệu xây dựng, vứt rác thải bừa bãi, quảng cáo trái phép, bán hàng rong, quán cóc. Nhiều người dân vô tư bước qua bồn hoa trên dải phân cách, vô tư khạc nhổ bừa bãi ra đường, vô tư đi lại trên đường mà không tuân thủ nguyên tắc giao thông đường bộ. Mặc dù TP Hải Dương đang là đô thị loại II, nhưng có một bộ phận không nhỏ người dân vẫn giữ nếp sống tiểu nông, coi khu phố như làng xã, biến đường làng thành đường xóm thôn. Nếp sống này thể hiện rõ nhất ở việc mỗi khi nhà có đám hiếu, đám hỷ là người dân dựng rạp lấn chiếm đường đi, thậm chí lấn chiếm đến 2/3 con đường. Việc này không chỉ thể hiện tư duy tiểu nông của người dân thành thị, mà còn thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người tham gia giao thông. Tuy nhiên, tình trạng này diễn ra vẫn rất phổ biến.

Tuyến phố cứ mưa là ngập thì chắc chắn không phải tuyến phố đẹp, tuyến phố an toàn. Đường Nguyễn Lương Bằng, một trong tuyến phố văn của TP Hải Dương thường xuyên xảy ra ngập lụt  sâu khi có mưa to, sau nhiều giờ mới tiêu thoát. Tình trạng này ảnh hưởng đến giao thông, gây thiệt hại cho tài sản, đe dọa tính mạng, sức khỏe cho người dân. Mặc dù, trong nhiều năm qua, tỉnh Hải Dương đầu tư rất nhiều kinh phí cho hệ thống thoát nước đô thị thành phố, nhưng không hiểu sao cứ mưa là một số tuyến đường lại bị ngập úng. Trên tuyến phố Trần Hưng Đạo, vẫn tồn tại điểm tập kết rác ở gần sân vận động Đô Lương vào buổi tối, bốc mùi hôi thối khó chịu. Vỉa hè dành cho người đi bộ ở tuyến phố Bạch Đằng bị những quán cóc tự phát chiếm dụng gần hết. Hầu hết các tuyến đường trong thành phố đều chật hẹp, chiều rộng khiêm tốn, vỉa hè bị chiếm dụng để buôn bán, lòng đường vốn chật hẹp nay lại phải nhường chỗ đỗ cho ô tô, trong khi số lượng ô tô và lưu lượng tham gia giao thông trong thành phố ngày càng tăng lên. Chưa có số liệu mới nhất về số lượng ô tô trên địa bàn thành phố, nhưng theo số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (Công an tỉnh) từ năm 2012, thành phố Hải Dương có khoảng 9.800 xe ô tô các loại, chủ yếu là xe con từ 4 – 7 chỗ, xe tải nhỏ từ 0,75 – 1,25 tấn và xe ta-xi. Đến thời điểm này, chắc chắn con số đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, số lượng bãi đỗ xe công cộng trong nội thành còn rất khiêm tốn. Những tuyến phố thường xuyên xảy ra tình trạng các phương tiện tham gia giao thông dừng, đỗ không đúng quy định là Phạm Ngũ Lão, Đại lộ Hồ Chí Minh, Trần Hưng Đạo, Quang Trung... Đây là những tuyến phố có hoạt động buôn bán sầm uất hoặc gần các cơ quan hành chính Nhà nước.

Xây dựng tuyến phố văn minh là cách làm hay, cần thiết được hầu hết các thành phố khác trong cả nước áp dụng. Bên cạnh việc thực hiện di dời các nhà máy sản xuất công nghiệp ra khỏi nội thành, thực hiện điều chỉnh quy hoạch, giải tỏa các điểm bán hàng trái phép, UBND TP Hải Dương vừa mới ban hành đề án “Xây dựng đô thị văn minh giai đoạn 2016-2020”, phấn đấu có 50% tuyến phố đạt tiêu chí văn minh đô thị. Hiện nay, TP Hải Dương có thêm nhiều khu đô thị, khu dân cư mới, thu hút nhiều người dân sinh sống như khu đô thị phía Tây, khu đô thị phía Đông, khu đô thị Đỉnh Long, khu đô thị Tuệ Tĩnh, thêm nữa thời hạn 2020 đến rất gần, vì thế toàn thành phố phải đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và nhân lên nhiều tuyến phố văn minh. Để việc thực hiện có hiệu quả hơn, các cấp chính quyền cần xác định mắt xích quan trọng nhất chính là từng người dân; muốn máy vận hành tốt thì các mắt xích phải liên kết chặt chẽ, hài hòa với nhau. Muốn đạt được mục tiêu đề ra thì từng người dân phải có ý thức, liên kết với nhau cùng thực hiện. Muốn xây dựng được mối liên kết bền vững giữa những người dân trong cộng đồng cần phải có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể các cấp. Thêm vào đó, các cấp chính quyền cần làm tốt các việc sau:

- Rút kinh nghiệm từ đề án “Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị giai đoạn 2010 - 2015". Nghiêm túc khắc phục những mặt chưa làm được, tiếp tục phát huy những mặt thành công.

- Công tác quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quy hoạch đô thị của các tỉnh, thành phố đi trước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Trong quy hoạch, đặc biệt lưu ý tới các điểm vui chơi công cộng như công viên, quảng trưởng, vườn hoa, và các bãi đỗ xe công cộng.

- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vào quy định, quy tắc ứng xử văn minh đô thị đã đề ra.

- Nghiên cứu lắp đặt thêm các thùng rác công cộng trên các tuyến đường văn minh sao cho tiện lợi, đảm bảo mỹ quan đô thị. Đồng thời, tuyên truyền để người dân không vứt rác bừa bãi ngoài đường, có ý thức bỏ rác vào thùng.

- Tuyên truyền cho người dân về các hành vi ứng xử văn minh của công dân đô thị theo nguyên tắc “mưa dầm thấm lâu”.

            Với sự quyết tâm của các cấp chính quyền, các đoàn thể xã hội và người dân, TP Hải Dương sớm đạt được mục tiêu đề ra, trở thành đô thị loại I của tỉnh.

Vương Trắc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây