Một số gia đình có điều kiện hơn thì đã đem con đi chích dịch vụ để được chích Pentaxim, và khi dịch vụ ở Việt Nam hết thuốc, thì họ đem con qua nước ngoài (Singapore, hay thậm chí Mỹ) để chích. Bất kỳ cha mẹ các bé chọn phương án nào, Quinvaxem hay Pentaxim, thì đều với mong muốn tạo điều kiện sức khoẻ tốt nhất cho con trong khả năng có thể, và điều đó là hoàn toàn đáng trân trọng. Riêng việc không cho bé chích ngừa vì sợ bé tử vong do thuốc thì bạn đang đặt bé vào một tình thế còn nguy hiểm hơn, với xác suất tử vong cao hơn nhiều. Sau đây, chúng tôi đưa ra một vài thông tin để các bạn tham khảo và đưa ra quyết định tốt nhất cho con cái của mình.
Về nguồn gốc?
Quinvaxem: sản xuất tại Hàn Quốc bởi công ty Crucell, thuộc tập đoàn Johnson & Johnson, Mỹ và công ty Chiron, thuộc tập đoàn Novartis, Thuỵ Sỹ. Pentaxim: sản xuất tại Pháp và Canada bởi công ty Sanofi Pasteur, thuộc tập đoàn Sanofi-Aventis, Pháp.
Quinvaxem: được cơ quan quản lý Thuốc và Thực Phẩm Hàn Quốc cấp giấy phép ngày 27/3/2006. Sau đó, đã được WHO sử dụng cho chương trình Tiêm Chủng Mở Rộng (TCMR bao gồm tiêm chủng chống lại 6 bệnh: yết hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, và bệnh lao) cho hơn 90 nước tính đến thời điểm hiện tại. Quinvaxem là vắc xin được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, lên đến hơn 400 triệu mũi tiêm tính đến tháng 5/2013.
Pentaxim: được cấp giấy phép lần đầu tiên năm 1997 tại Thuỵ Điển. Tính đến năm 2011, đã trên 100 triệu mũi Pentaxim được tiêm ở hơn 100 quốc gia.
Về công dụng
Quinvaxem: là vắc xin 5 trong 1, giúp ngừa 5 bệnh yết hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan siêu vi B, và nhiễm khuẩn Hib. Mũi vắc xin chống bại liệt sẽ được tiêm riêng.
Pentaxim: cũng là vắc xin 5 trong 1, giúp ngừa 5 bệnh yết hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, và nhiễm khuẩn Hib. Mũi vắc xin chống viêm gan siêu vi B sẽ được tiêm riêng.
Đối tượng sử dụng
Quinvaxem và Pentaxim: dành cho bé từ 6 tuần tuổi đến trước 5 tuổi. Bé nên được chích mũi Quinvaxem hoặc Pentaxim 3 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1 tháng trước 1 tuổi và có thể bắt đầu chích từ khi bé 6 tuần tuổi. Mũi chích thứ 4 nên chích sau khi bé được 1 tuổi, vào khoảng 13 tháng, trễ nhất là 24 tháng.
Có thể cho bé tiêm Quinvaxem và Pentaxim lẫn lộn có được không?
Năm 2005, chương trình Tiêm Chủng Quốc Gia Mỹ, thuộc Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Chống Bệnh (CDC) đã công bố nghiên cứu về việc khi cho trẻ em tiêm lẫn lộn giữa 2 loại vắc xin yết hầu-uốn ván-ho gà toàn bào (tương tự như Quinvaxem), với vắc xin yết hầu-uốn ván-ho gà vô bào (tương tự như Pentaxim). Họ đã đưa ra kết luận rằng việc tiêm lẫn lộn thuốc như thế không có gì nguy hại và đều giúp bé chống lại được bệnh ho gà tốt hơn là khi không tiêm chủng. Hơn nữa, trường hợp các bé tiêm 3 mũi toàn bào và chỉ 1 mũi vô bào thì có hiệu quả tốt hơn các trường hợp tiêm lẫn lộn còn lại.
Sự khác nhau giữa vắc xin ho gà toàn bào (TB) khác vắc xin ho gà vô bào (VB
Vắc xin ho gà TB (Quinvaxem): vắc xin này sử dụng tế bào của vi khuẩn ho gà đã được giết chết để kích thích tạo miễn dịch với bệnh ho gà.
Vắc xin ho gà VB (Pentaxim): vắc xin này chỉ sử dụng thành phần chính gây bệnh được chiết xuất từ tế bào của vi khuẩn ho gà để kích thích tạo miễn dịch với bệnh ho gà.
Vắc xin ho gà TB tốt hơn hay VB tốt hơn?
Đến thời điểm hiện tại, vắc xin ho gà VB đang dần được sử dụng ở các nước phát triển vì khả năng dung nạp của nó tốt hơn, ít gây tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều nghiên cứu về tính hiệu quả của nó khi dịch ho gà có vẻ như trở lại thường xuyên hơn từ khi sử dụng vắc xin này.
Một nghiên cứu được công bố năm 2013 của Trung Tâm Nghiên Cứu Vaccine Kaiser Permanente tại California, Mỹ trên 54.339 cá thể đã được tiêm chủng tại Trung Tâm này, do nhà khoa học Nicola Klein dẫn đầu, đã đưa ra kết luận những bé đã được tiêm 4 mũi vắc xin ho gà TB thì được bảo vệ chống lại bệnh ho gà tốt hơn những bé đã được tiêm 4 mũi vắc xin ho gà VB hay những bé đã được tiêm 4 mũi vắc xin ho gà TB và VB lẫn lộn. Và khả năng chống lại bệnh ho gà của bé càng giảm khi số lần tiêm vắc xin ho gà TB của bé càng ít.
Một số nghiên cứu khác tương tự ở các nước khác trên thế giới (Úc, Ấn Độ, v...v...) cũng đưa kết luận tương tự.
Như thế có nghĩa là vắc xin ho gà VB (Pentaxim) tuy ít gây tác dụng phụ hơn nhưng lại không giúp bảo vệ bé chống lại bệnh ho gà tốt bằng vắc xin ho gà TB (Quinvaxem).
Đã có bao nhiêu ca tử vong trên thế giới sau khi tiêm?
Quinvaxem: một số ca tử vong ở Bhutan, Sri Lanka, Pakistan, Ấn Độ và Việt Nam. Theo điều tra của Tổ Chức Sức Khoẻ Thế Giới (WHO) và ban chuyên gia quốc tế thì đều không phải do vắc xin Quinvaxem.
Việt Nam bắt đầu sử dụng Quinvaxem do WHO tài trợ từ tháng 6/2010. Từ tháng 10/2012 đến 3/2013 có 12 ca tử vong sau khi được tiêm mũi Quinvaxem. Do đó, Bộ Y Tế Việt Nam đã ngừng sử dụng Quinvaxem cho đến tháng 10/2013, khi chuyên gia độc lập quốc tế, chuyên gia của WHO, và chuyên gia của Việt Nam khẳng định là 12 ca tử vong kể trên không do Quinvaxem.
Từ khi Quinvaxem được dùng lại đến nay, có 9 ca tử vong sau khi tiêm vắc xin này, trong đó 6 ca đã được xác nhận không do vắc xin, 1 ca vào tháng 9/2015 chưa rõ nguyên nhân và 2 ca vào tháng 10/2015 do sốc phản vệ, có thể là do vắc xin, dẫn đến tử vong.
Pentaxim: có nguồn tin cho rằng đã có một số ca tử vong ở Ukraina sau khi tiêm Pentaxim vào năm 2009. Ở Mỹ, phiên bản của Pentaxim là Pentacel đã có 4 ca tử vong sau khi tiêm vắc xin này. Tất cả các ca tử vong ở Ukraina và ở Mỹ đều được kết luận là không do vắc xin.
Sốc phản vệ là gì?
Đây là sự phản ứng thái quá của hệ miễn dịch của cơ thể với bất kỳ thứ gì mà cơ thể cho là "lạ" và không muốn tiếp nhận. Sốc phản vệ thường xảy ra do thức ăn, thậm chí như là quả mận, hay rau cải, những thứ bạn ăn mỗi ngày trước khi sốc phản vệ xảy ra. Do đó, rất khó để dự đoán khi nào thì sốc phản vệ xảy ra, và nếu không chữa trị kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng. Điều may mắn là sốc phản vệ không xảy ra thường xuyên, và do đó, số ca tử vong do sốc phản vệ gây ra cũng rất thấp.
Như thế để hiểu rằng khả năng bị sốc phản vệ hay hiểu đơn giản là dị ứng với vắc xin là hoàn toàn có thể, cho dù đó là bất kỳ loại vắc xin nào, Quinvaxem hay Pentaxim.
Tỷ lệ tử vong như thế là nhiều hay ít?
Theo thống kê của WHO, ở Việt Nam, năm 2013, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi do các nguyên nhân khác nhau như sau:
Tiêu chảy: 12%
Viêm nhiễm đường hô hấp: 11%
Nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh : 6%
Tai nạn/thương tật: 3%
Bệnh sởi: 2%
Quinvaxem (giả sử 15 ca tử vong năm 2013 sau khi tiêm là do vắc xin): 0.00009% (15/1,600,000 trẻ).
Như thế, tỷ lệ tử vong do Quinvaxem nếu có thì cũng là thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp hay tiêu chảy gây ra.
Miễn dịch cộng đồng có thật không?
Khi con bạn chơi với nhiều đứa trẻ nghịch bẩn lấm bùn đất, thì khả năng con bạn bị lấm bùn đất đương nhiên sẽ cao hơn là khi con bạn chơi với những đứa trẻ sạch sẽ. Miễn dịch cộng đồng cũng thế!
Khi có nhiều đứa bé tiêm chủng thì sẽ tránh được sự "lấm bùn" của bệnh trong khu dân cư, nên khi con bạn ở trong khu dân cư đó sẽ thường xuyên "sạch," không bị lây nhiễm ngay cả khi không hoặc chưa chích ngừa. Còn nếu đa số các bé ở khu dân cư không chích ngừa, cơ thể dễ dàng bị bệnh hay "lấm bùn," thì khả năng các bé đó lây bệnh làm "bẩn" con bạn là rất cao, ngay cả khi bé đã được chích ngừa, hay trong ví dụ này là "đã được tắm sạch sẽ."
Bằng chứng là ở các nước phát triển, điển hình là Mỹ, trẻ em không cần chích ngừa lao (mũi tiêm BCG) nữa vì cộng đồng của họ đã "sạch" đủ để khiến khả năng bị lao của con em họ là gần như không còn.
Do đó, khi phụ huynh không cho bé chích ngừa thì không những chúng ta đang gây nguy hiểm tính mạng cho con mà còn là cho cả các bé khác và những người sống xung quanh.
Nguyễn Thành Chung
Ý kiến bạn đọc