Nhìn chung, hoạt động NCKH của đội ngũ giảng viên trường CĐ, ĐH đã có những đóng góp đáng kể vào thành tích chung của các nhà trường như: hệ thống giáo trình, đề cương bài giảng, tài liệu tham khảo khá đầy đủ và có chất lượng tốt phục vụ công tác giáo dục, đào tạo. Qua khảo sát hoạt động nghiên cứu khao học của 03 trường Cao đẳng (Bao gồm: Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Đại học Sao Đỏ, Đại học Hải Dương, Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương, Cao đẳng Du lịch và Thương mại, Cao đẳng Hải Dương, Cao đẳng Giao thông vận tải đường thủy I) trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm học 2016-2017 vừa qua, cho thấy thực trạng về nghiên cứu khoa học của các trường như sau:
1. Về số lượng đề tài và việc xuất bản:
Kết quả tổng hợp tại 3 trường đại học và 04 trường cao đẳng cho thấy, năm học 2016 - 2017 có 386 đề tài NCKH các cấp, trong đó 10 đề tài cấp Bộ, cấp Tỉnh và 276 đề tài cấp cơ sở, dao động khoảng 14 - 45 đề tài/ năm (cá biệt có trường có số đề tài cấp cơ sở là 217). Điều này cho thấy chất lượng xét duyệt đề tài cấp cơ sở còn có sự khác nhau giữa các trường, dẫn đến tỷ lệ bài báo/ đề tài của trường thực hiện nhiều nhất thì số bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong, ngoài nước lại thấp nhất (25/220) và không có giải thưởng khoa học; còn trường có số lượng đề tài thực hiện ít nhất lại có số lượng bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong, ngoài nước lại cao nhất (37/18) và có giải thưởng khoa học nhiều nhất (06 giải). Đối với các trường Cao đẳng, có 01 đề tài cấp Bộ, 05 đề tài cấp Tỉnh và 99 đề tài cấp cơ sở; tuy nhiên, tỷ lệ bài báo/ đề tài của các trường thấp (59/105), chỉ có 01 trường có 02 bài báo nước ngoài và 02 giải thưởng khoa học.
Kết quả trên cho thấy, số lượng giảng viên tham gia NCKH không nhiều, chưa thật nhiệt tình và say mê nghiên cứu, vì thế, nhiều công trình nghiên cứu vẫn còn nghèo về chất lượng, hàm lượng khoa học thấp, số bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học ít. Tình trạng đối phó trong NCKH cũng đang diễn ra, tư tưởng “làm cho có”, cũng như nhiều khi mục đích đặt ra nặng về thành tích, số lượng nên việc “cắt - dán” hay “xào - nấu lại” vẫn diễn ra trong hoạt động NCKH, nhiều đề tài ít có giá trị khoa học và ứng dụng thực tế.
2. Về nhân lực NCKH:
Để NCKH có chất lượng, đòi hỏi có đội ngũ giảng viên có đủ năng lực. Chúng ta hiểu rằng, NCKH và chuyển giao công nghệ chính là việc thực hiện các đề tài/dự án cấp trường, cấp bộ, cấp nhà nước; các hợp đồng kinh tế chuyển giao công nghệ... thì không phải bất cứ giảng viên nào cũng có thể làm được, bởi vì các công trình NCKH phải là sản phẩm của quá trình tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, được phát huy vào thời điểm thích hợp để tạo ra các sản phẩm trí tuệ, thỏa mãn cơ bản ba yêu cầu: Tính mới, tính khoa học và tính thực tiễn.
Qua khảo sát cho thấy, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trình độ cao, đủ năng lực nghiên cứu có tỷ lệ rất thấp. Đối với các trường đại học, trong tổng số 951 giảng viên, số GS, PGS chỉ chiếm 3,15%; TS chiếm 10% và ThS chiếm 56,36%. Trong khi đó, ở các trường Cao đẳng (tổng số 539), không có giảng viên là GS, PGS; trình độ TS chỉ chiếm 2,60% (02 trường không có trình độ TS); ThS chiếm 41,56% và còn lại là trình độ đại học. Với nguồn nhân lực này, thử hỏi trong số này có bao nhiêu người được đào tạo cơ bản, chính quy? Bao nhiêu lượt được đào tạo, cập nhật về phương pháp nghiên cứu khoa học? Hơn nữa, một số trường chạy theo quy mô đào tạo, do vậy số giờ giảng của các giảng viên quá cao, có nhiều trường hợp gấp đôi số định mức, giảng viên còn đâu thì giờ, tâm trí và sức lực để làm nghiên cứu?
3. Về kinh phí và cơ sở vật chất dành cho NCKH:
Qua khảo sát cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu còn thiếu đồng bộ trong các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Đối với các trường đại học, đã đầu tư xây dựng Trung tâm, Labo nghiên cứu; tuy nhiên, các cơ sở dành cho nghiên cứu đạt tiêu chuẩn (ISO, GMP,…) còn rất thấp (chỉ có 01 Labo Xét nghiệm ATTP của trường ĐHKT Y tế Hải Dương). Đối với các trường Cao đẳng, hình thức giáo dục nghề nghiệp, do đó các cơ sở dành cho nghiên cứu hầu như không có, chủ yếu là các xưởng, Labo,… thực hành mang tính nghề nghiệp dẫn đến chất lượng các nghiên cứu còn thấp. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học gặp nhiều khó khăn. Kinh phí thu hút từ nguồn đầu tư nước ngoài và từ doanh nghiệp không có, bởi thiếu những nghiên cứu mang tính đặt hàng, ngân sách của nhà trường cho nghiên cứu chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng; còn lại là quy theo giờ giảng. Do vậy, khó thu hút được giảng viên tham gia NCKH và chất lượng công trình không cao.
Từ những kết quả khảo sát cho thấy, khi năng lực nghiên cứu thấp, lại không hình thành các nhóm nghiên cứu, không có nhà khoa học thực sự dẫn dắt thì khó có thể có những phát hiện mới và sáng tạo trong NCKH. Trong khi đó lại thiếu sự đam mê, chưa có văn hóa nghiên cứu, môi trường nghiên cứu tốt, nhà trường chưa gắn với thực tiễn, cơ sở vật chất, các labo chưa đạt chuẩn, kinh phí dành cho NCKh thấp, cơ chế thanh toán còn nhiều bất cập, nhiều thủ tục hành chính dẫn tới giảm năng lực nghiên cứu tại các trường đại học và cao đẳng và ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của một nhà trường và đóng góp được cho sự phát triển kinh tế V xã hội của Tỉnh.
Giải pháp chủ yếu để phát triển khoa học công nghệ trong các nhà trường trong giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo:
Một là, tạo động lực nghiên cứu:
Nâng cao nhận thức cho CBGV & sinh viên về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động NCKH ở trường đại học, cao đẳng là yếu tố quyết định sứ mệnh của nhà trường; yếu tố quyết định nâng cao chất lượng đào tạo. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chiến lược KH&CN, cũng như các quy định, quy chế liên quan đến hoạt động này để CBGV & SV có định hướng hoạt động, có ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ NCKH bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy của người giảng viên.
Xây dựng văn hóa nghiên cứu khoa học trong nhà trường, gắn trách nhiệm này với phát triển nghề nghiệp của giảng viên. Bên cạnh đó, cần tạo động lực, hoàn thiện cơ chế khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, đổi mới chương trình đào tạo, tránh bố trí vượt giờ đứng lớp để giảng viên có nhiều thời gian dành cho nghiên cứu khoa học; cố gắng tăng thu nhập cho các giảng viên với nguyên tắc: thu nhập tăng thêm nhiều hay ít phải tùy thuộc vào kết quả công tác nghiên cứu. Giảng viên làm nghiên cứu có chất lượng, có công bố quốc tế phải có thu nhập tốt hơn so với giảng viên không làm nghiên cứu. Như thế mới công bằng và sự chênh lệch về thu nhập theo cách như vậy sẽ tạo ra động lực NCKH cho giảng viên.
Hai là, nâng cao năng lực NCKH, tập trung vào phát triển đội ngũ nòng cốt nghiên cứu khoa học, tổ chức làm việc theo nhóm (team working). Mỗi lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần có một hoặc một số giảng viên có năng lực, đam mê nghiên cứu khoa học và tình nguyện hoạt động phát triển nghiên cứu của mình và của nhóm. Tương tác và cộng tác, đó là phương thức làm việc của nhóm nghiên cứu. Thế mạnh của từng người sẽ được phát huy tối đa theo sự cộng hưởng lẫn nhau, còn điểm yếu thì lại được bù đắp. Để hình thành nên nhóm nghiên cứu, điều kiện tiên quyết là phải có nhà nghiên cứu có năng lực uy tín, vạch ra hướng nghiên cứu và mục tiêu nghiên cứu rồi tập hợp những đồng nghiệp cùng chí hướng. Bên cạnh đó, thu hút các nhà khoa học giỏi ở bên ngoài Trường để xây dựng nhóm nghiên cứu. Ngoài ra cần tập trung đào tạo, tập huấn, cập nhật liên tục về nghiên cứu khoa học, các kỹ năng và xuất bản công trình nghiên cứu cho đội ngũ tham gia nghiên cứu khoa học, cử cán bộ đi học tập, tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước.
Ba là, cải thiện môi trường NCKH, tăng cường cơ sở vật chất, chuẩn hóa các labo nghiên cứu, cải thiện cơ sở dữ liệu, tạo cơ chế linh hoạt không máy móc, gò bó chỉ với hình thức đăng ký trước và hoàn thành theo thời hạn cố định, phân bổ đề tài, kinh phí theo lối 'bình quân' trong quản lý kinh phí, đề tài NCKH, tăng kinh phí cho NCKH đi đôi với việc đổi mới cơ chế thanh quyết toán đề tài theo hướng khoán sản phẩm, giúp lược bỏ bớt những khâu trung gian, những thủ tục hành chính giúp cho các giảng viên tiết kiệm được thời gian và công sức để tập trung cho công tác nghiên cứu.
Ngoài ra, cần chuẩn hóa công tác quản lý khoa học và chuẩn hóa các đơn vị nghiên cứu trong nhà trường; thực hiện tin học hóa công tác quản lý khoa học đi từ ý tưởng, đề cương, thông qua kinh phí, triển khai, giám sát chất lượng, xuất bản, chuyển giao và cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học. Đổi mới việc thành lập Hội đồng thông qua đề cương, Hội đồng nghiệm thu đề tài theo hướng chuyên ngành nhằm đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu của các đề tài NCKH, tránh việc thành lập hội đồng mang tính chất dàn trải “mặt trận”, không nên tồn tại các hội đồng khoa học bao gồm các nhà khoa học không cùng chuyên môn, quan tâm nhiều tới vấn đề kinh phí mà ít quan tâm tới chất lượng chuyên môn; đổi mới cơ chế xét duyệt và nghiệm thu đề tài đảm bảo nghiêm túc, minh bạch và được tiến hành bởi các hội đồng khoa học thực sự đảm bảo về chất lượng chuyên môn cũng như tính khách quan trong đánh giá.
Bốn là, gắn kết giữa NCKH và đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động KHCN cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự tích hợp giữa NCKH và đào tạo sẽ tạo ra lợi ích kép, là một phương pháp hiệu quả để tạo ra các nhóm nghiên cứu bao gồm người giàu kinh nghiệm nghiên cứu (thầy hướng dẫn), những nhà khoa học trẻ (những Tiến sĩ, Thạc sĩ mới bảo vệ) những người mới chập chững bắt tay vào nghiên cứu.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong NCKH, đề tài NCKH cần được xây dựng trên cơ sở đặt hàng từ phía tổ chức, cá nhân sử dụng và hưởng lợi kết quả của đề tài. Vì vậy, các trường đại học cần có sự phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức để có được những đề tài thực tiễn và có tính ứng dụng cao, phù hợp với thực tiễn nhu cầu xã hội trong xu thế hội nhập. Hơn nưa, cần khai thác những đề tài nghiên cứu mang tính chất đa ngành, đa lĩnh vực, có cơ chế, biện pháp phối hợp, trao đổi nghiên cứu giữa các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước. Các trường cùng khối ngành, nhóm ngành có thể phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học, tạo cơ hội cho các giảng viên cùng tiến hành đề tài nghiên cứu, trao đổi giảng viên… để phát huy được thế mạnh của mỗi trường, tránh sự trùng lặp, chồng chéo các hướng nghiên cứu, gây lãng phí thời gian, chất xám và tiền bạc.
Với sự quyết tâm của các trường trên cơ sở những giải pháp nêu trên và sự ủng hộ của Liên hiệp các Hội KH & KT tỉnh Hải Dương, Sở Khoa học công nghệ, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh sẽ tích cực tham gia có hiệu quả vào những nhiệm vụ khoa học trọng tâm của địa phương nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.