Thực hiện tốt hơn việc phòng, chống tác hại của hút thuốc lá

Thứ năm - 25/05/2017 09:28 639 0
Chúng ta hẳn đã quen thuộc với cụm từ “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”. Trong chuyên mục sức khỏe của các đài truyền hình, các tờ báo đều có nhiều bài viết về tác hại của khói thuốc lá; tại các cơ quan nhà nước, xí nghiệp, công sở, cửa hàng, quán ăn, quán cà phê, ô tô, xe bus hầu hết đều có dán lô gô điếu thuốc gạch chéo kèm dòng chữ “Cấm hút thuốc” hoặc “No smoking”; thậm chí ngay trên chính bao thuốc lá cũng ghi thông điệp gửi tới người tiêu dùng không nên hút thuốc, vì chúng gây ra bệnh tật, nhất là bệnh về phổi.

Khói thuốc lá là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm như viêm phổi, ung thư phổi, ung thư phế quản, sơ vữa động mạch, viêm dạy dày tá tràng, ảnh hưởng đến bào thai… Chính vì những tác hại đó mà thế giới lấy ngày 31/5 hằng năm làm ngày Thế giới không khói thuốc lá. Tại Việt Nam, Luật phòng chống tác hại hút thuốc lá đã được xây dựng, ban hành và có hiệu lực từ năm 2013. Sau gần 3 năm thực hiện, Luật phòng chống tác hại hút thuốc lá bước đầu đã tạo được cơ sở pháp lý cho việc phòng chống hút thuốc lá, được triển khai sâu rộng vào từng cơ quan, đơn vị, từng nhà hàng, cơ sở khám chữa bệnh, và nơi công cộng; nhưng dường như mới dừng lại ở mức độ tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, còn hiệu quả ngăn ngừa, xử lý và cai nghiện thuốc lá còn khá khiêm tốn.

Theo số liệu của Viện Thống kê Việt Nam, Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam, gây ra khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm - tức là hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc. Rất may là tỷ lệ nữ hút thuốc còn thấp, chỉ chiếm 1,4% nữ giới trưởng thành (Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành - GATS-2010). Trong tổng số 15 triệu người hút thuốc có 12,8 triệu (39,4% nam và 1.2% nữ) hút thuốc lá điếu. Hiện có 4,1 triệu người lớn hút thuốc lào (GATS 2010). 67% người không hút thuốc (khoảng 33 triệu người) nói họ bị tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nhà và 49% người lao động (khoảng 5 triệu người) cho biết họ bị ảnh hưởng bởi khói thuốc thụ động tại nơi làm việc (GATS 2010).

Sau 03 năm thực hiện Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, trong cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Hầu hết các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học, nơi công cộng đều trưng pa-nô, áp-phích cấm hút thuốc lá. Công tác tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân; Tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền như xây dựng các câu lạc bộ không khói thuốc, tổ chức hội thi về Luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Tổ chức các hoạt động nhân ngày Thế giới không hút thuốc (31/5) và Tuần lễ quốc gia không khói thuốc (25-31/5)…. Kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thực hiện lần thứ hai tại Việt Nam cho thấy, trong 5 năm qua, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà giảm từ 73,1% xuống 60%; tại nơi làm việc giảm từ 56% xuống 42%; tại trường học giảm từ 22,3% xuống 16,15%; trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%; những hình ảnh vô tư hút thuốc lá tại nơi công cộng đã giảm xuống đáng kể... Điều này cho thấy nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá cũng như ý thức tuân thủ các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, những con số trên chưa nói lên việc số người hút thuốc lá giảm, những người hút thuốc lá không hút ở nhà, không hút ở trên xe, ở nơi công cộng… thì họ sẽ hút ở những nơi được phép, hoặc những địa điểm không cấm; hoặc thực hiện hành vi lén lút. Việc tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc là vẫn gặp không ít khó khăn; vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hút thuốc tại nơi làm việc; tình trạng vi phạm Luật vẫn diễn ra khá nhiều ở nhà hàng, bệnh viện, thậm chí cả những cửa hàng và công ty sản xuất thuốc lá. Có nhiều nơi lách luật bằng cách vẫn ghi dòng chữ “Cấm hút thuốc lá” hoặc “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” nhưng lại để ở những nói khuất tầm nhìn. Với cách làm này, họ vẫn chấp hành đúng luật nhưng lại không có hiệu quả trong thực tế.

Nhiều khó khăn khác như, hiện nay tỷ lệ nam giới trưởng thành ở nước ta hút thuốc vẫn chiếm tỷ lệ cao; việc xử phạt hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc nơi công cộng còn chưa được triển khai đồng bộ... Bên cạnh thuốc lá điếu, các sản phẩm như shisha, thuốc lá điện tử đang được các nhà sản xuất quảng cáo bằng nhiều hình thức để thu hút và duy trì hành vi hút thuốc trong giới trẻ. Vì vậy, nâng cao nhận thức và hành động trong phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn là nhiệm vụ trọng tâm cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Thuốc lá cũng chứa chất gây nghiện, vì thế không thể bỏ trong một sớm, một chiều mà cần thời gian thay đổi từ nhận thức đến hành vi. Những người nghiện thuốc lá cần có sự giúp đỡ của cộng đồng, của người thân, gia đình, không nên nhìn nhận họ giống như “tội phạm”, mà hãy nhìn nhận họ là nạn nhân. Để Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt hiệu quả như mong muốn, có tác dụng bền vững lâu dài, thì việc tuyên truyền và thực thi luật vừa nghiêm khắc, vừa mềm dẻo, vừa phòng ngừa, giúp  cai nghiện thuốc lá, trước tiên hãy tập trung vào cá nhân.

Về mặt phòng ngừa:

- Nên có điều tra thống kê và phỏng vấn sâu những nhóm đối tượng hút thuốc lá khác nhau để xác định các nguyên nhân dẫn đến hút thuốc lá, từ đó có biện pháp phòng ngừa thích hợp với từng nhóm đối tượng. Với đối tượng trong nhóm học sinh sẽ như thế nào, sinh viên sẽ như thế nào, đối tượng người đi làm như thế nào; đối với nam giới và nữ giới khác nhau ra sao? Đôi khi biện pháp răn đe, trừng phạt lại không có tác dụng mong muốn, thậm chí có tác dụng ngược. Trong nhóm trẻ hút thuốc thường nằm ở những người: Tính tình nóng nảy, dễ xung đột; việc học tập ở trường không như mong muốn; thường xuyên uống rượu; bị bạn bè lôi kéo, kích động; thiếu sự quan tâm của gia đình, người thân. Ở những người trưởng thành tìm đến thuốc là thông thường vì căng thẳng, chán nản về công việc, tình cảm, tâm lý không ổn định; một số cần chất kích thích để thức khuya làm việc…

- Để phòng ngừa nên quan tâm đến tâm sinh lý của lớp trẻ để động viên kịp thời; tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, giải trí lành mạnh để nâng cao tinh thần; tìm đến những liệu pháp kích thích thần kinh “lành mạnh” hơn, ví dụ thay vì hút thuốc có thể uống cà phê, nghe nhạc…

Về mặt cai nghiện thuốc lá:

- Trong thực tế, hầu như ai cũng biết rằng hút thuốc lá là có hại, và đa số những người nghiện thuốc đều đã cố gắng bỏ thuốc lá nhiều lần. Nhưng có người bỏ rồi lại tái nghiện, cũng không ít người thành công. Kinh nghiệm cho thấy rằng, mặc dù trên thị trường quảng cáo nhiều bài thuốc, sản phẩm giúp cai thuốc lá hoặc thay thế thuốc lá, nhưng muốn cai thuốc lá thành công thì quan trọng nhất là sự nỗ lực của bản thân mỗi người, cộng với sự giúp đỡ, động viên an ủi của người thân, bạn bè. Trước khi cai thuốc lá, chính bản thân người đó phải nhận thấy tác hại của thuốc lá, nhận rõ việc cai thuốc lá để mang lại sức khỏe tốt cho bản thân, người trong gia đình, nếu bị ép buộc thì rất khó thành công. Sau đó, phải lên kế hoạch cai thuốc theo từng lộ trình và bản thân phải thực hiện nghiêm ngặt việc đó. Kết hợp với đó là tăng cường giao lưu, tham gia hoạt động giải trí lành mạnh để quên dần đi cơn thèm thuốc.

-Xem xét xây dựng câu lạc bộ cai nghiện thuốc lá. Câu lạc bộ này có thể do cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học… lập nên hoặc do cá nhân những người muốn cai thuốc lá tập hợp cùng nhau. Câu lạc bộ này là nơi để cùng chia sẻ các biện pháp cai thuốc, động viên, hỗ trợ nhau trong quá trình cai nghiện…

Cùng với những biện pháp trên, tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm Luật.

Nguyễn Thị Hoa

Hội Y tế công cộng tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây