Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp hữu hiệu góp phần phát triển chăn nuôi bền vững

Thứ ba - 29/10/2019 09:18 340 0
Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đều xuất hiện ở Việt Nam, trong đó có tỉnh Hải Dương. Đó là các bệnh: Nhiệt thán, Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng, Dịch tả trên đàn trâu bò; Dịch tả lợn cổ điển, Đóng dấu, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) v.v… trên đàn lợn; Niucatxơn, Dịch tả vịt, Phó thương hàn, Cúm AH5N1 trên đàn gia cầm.
Trong nhiều năm qua, về cơ bản chúng ta đã khống chế được dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất bằng việc thực hiện chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật kết hợp tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh lây nhiễm. Mặc dù, DTLCP đã xảy ra từ năm 1920 của thế kỷ trước, bắt đầu ở nước Kenya (châu Phi), nhưng gần 100 năm qua, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra vắc xin phòng bệnh. Hiện nay, bệnh DTLCP xuất hiện ở khắp các châu lục và gây thiệt hại hàng tỷ đô la Mỹ cho nền kinh tế thế giới. Ở Việt Nam, căn bệnh này xuất hiện vào giữa tháng 2/2019, đến nay đó có ở 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Số lượng lợn phải tiêu hủy lên tới trên 5 triệu con. Riêng ở Hải Dương, bệnh xuất hiện từ 01/3/2019, 254 xã, phường có dịch, số lợn phải tiêu hủy trên 370 nghìn con, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nhiều trang trại phải ngừng sản xuất hoặc chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm và vật nuôi khác. Chủ hộ thua lỗ lâm vào cảnh phá sản, không có khả năng thanh toán tiền vay ngân hàng. Trước tình hình trên, việc khôi phục, tái cơ cấu ngành chăn nuôi là việc làm cần thiết để góp phần đưa nông nghiệp phát triển bền vững.
image003
Nhãn

Thực tế cho thấy, chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ thiếu các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ thì gần như 100% lợn bị mắc DTLCP, tiếp đến là chăn nuôi gia trại. Theo Chi cục Thú y tỉnh, trong số 48 trang trại chăn nuôi được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB) thì có 09 trang trại lợn bị nhiễm DTLCP và tỷ lệ chết thấp hơn nhiều so với chăn nuôi phân tán. Các trang trại không bị nhiễm DTLCP là do thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) từ khâu nhập giống đến tiêu độc khử trùng, quản lý nhân lực, tiêm vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm v.v... Điều đó chứng tỏ việc thực hiện các biện pháp ATSH có tác dụng rõ rệt trong phòng, chống dịch bệnh bảo vệ vật nuôi.
image001
Thường xuyên khử khuẩn khu chăn nuôi.

Trước thực trạng trên, căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Điều kiện  trại chăn nuôi lợn ATSH QCVN 01-14:2010 BNNPTNT và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Điều kiện trại chăn nuôi gia cầm ATSH QCVN 01-15:2010 BNNPTNT và Công văn số 5329/BNN-CN ngày 25/7/2019 về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về ATSH trong chăn nuôi lợn để phòng, chống DTLCP. Chúng tôi đề nghị chủ hộ chăn nuôi, cán bộ chăn nuôi - thú y thực hiện tốt việc chăn nuôi ATSH trên một số điểm chủ yếu sau:
1. Chăn nuôi trong trang trại khép kín: Thông qua hệ thống quạt hút gió, điều khiển nhiệt độ, độ ẩm không cho vật nuôi tiếp xúc với động vật bên ngoài, phối tinh nhân tạo từ tinh dịch được kiểm tra; không nuôi hỗn hợp nhiều lứa, nhiều giống trong cùng một dãy chuồng hoặc trong cùng một chuồng; thực hiện nguyên tắc “cùng nhập, cùng xuất”, không nuôi luân chuyển trong một khu chuồng.
Có chuồng nuôi tân đáo để cách ly vật nuôi mới nhập vào trang trại, có hệ thống cấp thức ăn, người chăm sóc riêng biệt, sau 21 ngày vật nuôi ổn định mới được đưa vào chuồng sản xuất. Chất thải của đàn vật nuôi mới không đưa qua khu vực nuôi chung của trại. Khám, kiểm tra máu của vật nuôi, nếu an toàn mới cho vào khu sản xuất.
2. Chỉ nhập giống vật nuôi có nguồn gốc rõ ràng từ cơ sở ATDB, tình trạng dịch tễ của cơ sở giống, có thông tin đầy đủ về lý lịch giống. Tốt nhất là đưa giống vào nuôi thương phẩm của chính cơ sở sản xuất ra con giống.
3. Kiểm soát các nhân tố trung gian truyền bệnh, hạn chế bệnh phát tán: Làm tốt việc kiểm soát chim di cư như lỗ thông hơi, quạt gió phải có lưới chắn. Kiểm soát các loài gặm nhấm, chó và mèo, thường xuyên tổ chức diệt chuột, nhất là kho chứa thức ăn, bể nước.
4. Kiểm soát người ra vào trang trại, bao gồm khách thăm quan, nhân viên làm việc của trang trại: Hạn chế tối đa khách thăm ra vào trang trại tiếp xúc với vật nuôi. Phải có quy trình bắt buộc vệ sinh quần áo, ủng, tắm, sát trùng trước khi vào trang trại qua nhà vệ sinh, có quần áo bảo hộ đã khử trùng cho khách. Đặc biệt trong thời gian có dịch tuyệt đối không cho khách thăm quan, trừ người có nhiệm vụ được phép vào làm việc. Có thể cho khách thăm quan qua video, qua cửa kính.
Đối với nhân viên làm việc trong trang trại: Phải cố định cán bộ kỹ thuật và công nhân làm việc hàng ngày, khi có việc ra ngoài trại phải cách ly 2 - 3 ngày và thực hiện đầy đủ quy trình vệ sinh sát trùng trước khi tiếp xúc với vật nuôi, hạn chế tối đa việc mang thực phẩm từ bên ngoài vào nấu ăn trong trang trại, tự túc thực phẩm: rau, cỏ, gia cầm.
 Đối với cán bộ kỹ thuật cần gương mẫu chấp hành an toàn dịch bệnh, nhất là đi từ khu sạch bệnh sang khu có bệnh. Cán bộ kỹ thuật của trại tuyệt đối không hành nghề thú y ở bên ngoài.
5. Kiểm soát phương tiện vận chuyển trong trang trại: Nên bố trí đường vào trang trại và đường ra trang trại riêng biệt, bố trí theo khu riêng biệt, các phương tiện phải vệ sinh tiêu độc, khử trùng trước và sau khi lao động. Phương tiện chuyên dụng không sử dụng lẫn lộn như chở phân rồi lại chuyển qua chở thức ăn.
6. Kiểm soát thức ăn và nước uống cho vật nuôi: Thức ăn được nhập từ cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam, kho chứa thức ăn phải đảm bảo chống ẩm, không có chuột, gián, không để lẫn với hóa chất. Thức ăn nhập theo kế hoạch, không để lưu kho lâu ngày; bố trí kho thức ăn cho từng loại vật nuôi theo độ tuổi. Cho vật nuôi uống nước sạch, thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước.
7. Kiểm soát dụng cụ chăn nuôi, kho chứa: Mỗi khu chuồng có kho chứa dụng cụ riêng, có kho cách ly chất thải rắn, chất thải độc hại.
8. Xử lý xác động vật: Đưa xác động vật chết ra khỏi trang trại trong vòng 24h, phải khử trùng khu vực có động vật chết, thực hiện chôn lấp xác động vật theo đúng quy định của ngành thú y.
9. Quản lý phân, nước tiểu, nước thải và chống ruồi, nhặng ở khu vực chứa phân: thực hiện lấy phân đem ủ theo quy chuẩn của phân bún cho cây trồng, chất thải, nước thải được xử lý qua hầm Biogas. Sử dụng chế phẩm sinh học đạt quy chuẩn Việt Nam, định kỳ mỗi tuần 1 lần (tuần 2 lần khi có dịch) để vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn trại, khu vực ngoài trại, hạn chế mùi hôi, thối bốc ra từ trang trại và khu vực chứa phân.
10. Quản lý dịch bệnh: Thực hiện nghiêm quy trình phòng bệnh cho từng loại động vật theo quy định của ngành thú y trong trường hợp bình thường và khi xảy ra dịch.
11. Thực hiện nghiêm ngặt quy trình tiêm vắc xin phòng bệnh cho từng loại vật nuôi, lứa tuổi kết hợp với chăm sóc, thức ăn, nước uống đảm bảo đàn vật nuôi khỏe mạnh có năng suất, chất lượng cao.
Thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi ATSH trên đây sẽ gúp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
Ths. Nguyễn Văn Tịnh
Chủ tịch Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây