Thay đổi cách giáo dục giới tính trong gia đình và nhà trường

Thứ năm - 19/05/2016 23:15 687 0
Thời gian vừa qua, dư luận trong nước bàng hoàng, phẫn nộ trước nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó hầu hết các nạn nhân đều ở độ tuổi tiểu học.

Theo số liệu được đưa ra tại phiên điều trần do Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức cuối tháng ba vừa qua thì, năm 2014, có gần 1.600 trẻ em, năm 2015 có hơn 1.300 trẻ em và năm 2016 là hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục. Tại cuộc họp cũng khẳng định đây chưa phải là số liệu thực tế, bởi có nhiều vụ việc mà các em và gia đình không khai báo do bị đe dọa, dùng tiền mua chuộc hoặc cảm thấy xấu hổ.

          Qua con số thống kê này, chúng ta mới thấy thực trạng đáng báo động về việc xâm hại tình dục trẻ em. Hiện trạng này đã được các báo đài trong cả nước mổ xẻ nhiều; các nguyên nhân, biện pháp phần nào được đưa ra. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin nêu ra ý kiến về khía cạnh giáo dục giới tính cho trẻ của bậc phụ huynh và người làm công tác giáo dục. 
   Khi trẻ nắm vững kiến thức về giới tính, trẻ sẽ dần dần có kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân trước những người có hành vi lạm dụng trẻ. Để làm được những điều này thì trước tiên, chính những nhà giáo dục, những người làm cha mẹ phải tìm tòi, nâng cao kiến thức giáo dục giới tính cho chính bản thân mình. Và hơn hết, giáo dục tại gia đình cần phải được ưu tiên hàng đầu, bởi vì không ai gần gũi, thân thiết với trẻ bằng chính những người thân trong gia đình, nhất là bố mẹ.

Gia đình cần thay đổi cách nhìn nhận về giáo dục giới tính

          Đa phần các bậc phụ huynh còn suy nghĩ, trẻ con biết gì mà dạy. Thực tế lại khác biệt hoàn toàn. Trẻ em như tờ giấy trắng, mọi suy nghĩ hành động đều bắt chước, học tập từ người lớn để hình thành nên nhân cách riêng của mỗi trẻ. Nếu chịu khó quan sát, phụ huynh sẽ thấy hầu hết cách hành động, lời ăn tiếng nói trẻ đều chịu ảnh hưởng của người thân, nhiều nhất là người trực tiếp nuôi dưỡng. Ngoài ra, khi trẻ càng lớn, càng tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài trẻ sẽ học thêm nhiều điều mới, nhưng gia đình vẫn là nền tảng xây dựng nhân cách cho trẻ.

          Hiện nay, nhiều gia đình người Việt vẫn có thói quen thể hiện sự cưng nựng, yêu chiều, đặc biệt với bé trai, bằng cách sờ mó dương vật của bé. Hành động này tưởng chừng vô hại như nhiều người vẫn suy nghĩ bấy lâu nay nhưng đó chính là mầm mống đầu tiên của việc xâm hại tình dục. Người lớn vô tư làm vậy, lâu dần sẽ khiến trẻ nghĩ rằng sờ mó vào vùng kín là việc bình thường, đó là cách thể hiện tình yêu thương. Vì thế, khi có người khác sờ vào vùng kín của trẻ, trẻ không phản ứng lại, không có ý thức bảo vệ vùng kín của bản thân. Ở một số nước như Mỹ, việc sờ vào vùng kín của trẻ em bị coi là phạm pháp, kể cả với bố mẹ.

          Các bậc phụ huynh nên bỏ thói quen nguy hại này, thay vào đó, dạy trẻ từ càng sớm càng tốt, cần phải bảo vệ vùng kín của mình, không cho bất kì ai đụng chạm, kể cả người thân, trừ trường hợp giúp trẻ vệ sinh, hoặc chăm sóc y tế. Khi trẻ lớn, khoảng 5 tuổi, gia đình nên hướng dẫn trẻ cách tự vệ sinh bộ phận sinh dục bản thân, đây cũng là một trong những cách dạy trẻ tự lập. Phụ huynh đừng lo lắng trẻ không làm được, hãy tin vào khả năng của trẻ. Trẻ bắt chước rất nhanh, sau nhiều lần được hướng dẫn, trẻ sẽ làm được thành thục.

          Trong trường hợp, phụ huynh thấy bé sờ mó bộ phận sinh dục trước mặt nhiều người, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng. Đó cũng là cách trẻ tự khám phá các bộ phận trên cơ thể mình, phụ huynh nên nhắc nhở trẻ không nên làm như vậy trước mặt người khác, và chỉ khi nào vệ sinh mới được đụng chạm vào đó.

          Thời nay, công nghệ thông tin phát triển rầm rộ, nhanh chóng, trẻ em được tiếp xúc với các thiết bị điện tử có kết nối internet như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop, tivi… một cách dễ dàng, và ít khi người lớn kiểm soát việc đó. Nhiều cha mẹ vô tư cho con chơi điện thoại để xem video trên mạng. Nếu người lớn không kiểm soát, trẻ vô tình bấm vào các video chứa cảnh “nóng”. Về lâu dài, trẻ sẽ tò mò và làm theo. Phụ huynh nên giám sát, hoặc giới hạn một số chương trình phù hợp với độ tuổi của trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ xem những bộ phim dành cho người lớn, hoặc chứng kiến hành động tình cảm của bố mẹ. Chính bản thân những người trong cùng gia đình với trẻ, phải bảo vệ sự riêng tư của bản thân, đó là tấm gương để trẻ noi theo.

          Người Việt Nam rất e dè, ngại ngần khi đề cập đến giới tính, coi là vấn đề “tế nhị”, thậm chí là cấm kỵ. Khi trẻ vào tiểu học, phụ huynh nên dành nhiều thời gian quan tâm đến giáo dục giới tính cho trẻ, mua các đầu sách có tranh ảnh minh họa hấp dẫn về giới tính đọc cùng trẻ, giải thích cho trẻ những gì trẻ chưa hiểu.

Xây dựng các hoạt động thực tiễn ở trường học

          Theo chương trình giáo dục chung trong cả nước, học sinh thực sự được học giới tính khi bắt đầu vào lớp 5. Trong khi thực tế xã hội đã có nhiều thay đổi, trẻ em được tiếp cận vấn đề giới tính từ rất sớm: thông qua các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại; bắt chước người lớn; xem chương trình tivi cho người lớn… Gần đây, hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ được truyền thông nhắc đến nhiều, xu hướng càng ngày càng tăng. Nếu chúng ta không thay đổi phương pháp giáo dục giới tính để bắt kịp, đi trước sự phát triển tâm sinh lý của con trẻ thì hậu quả không phải là nhỏ. Không ít phụ huynh và giáo viên chưa hiểu đúng về giáo dục giới tính, coi dạy giới tính cho trẻ đồng nghĩa với việc dạy trẻ yêu sớm…

          Ngay từ độ tuổi mẫu giáo, trẻ hình thành và bắt đầu có nhu cầu khám phá các bộ phận trên cơ thể, trẻ phân biệt được bạn gái, bạn trai; bắt đầu có những phân biệt về giới tính. Đây là thời điểm thích hợp để đưa những bài học thích hợp về giới tính vào chương trình giảng dạy.

          Ở các nước phát triển như Hà Lan, Thụy Điển, Singapore, giáo dục giới tính được đưa vào chương trình học ngay từ bậc mẫu giáo. Trong chương trình giáo dục giới tính bắt đầu từ mẫu giáo của Hà Lan, mục tiêu các nhà giáo dục hướng tới là giúp trẻ mẫu giáo biết cách nói trả lời nếu không muốn bị đụng chạm cơ thể.Song song với việc dạy trẻ mẫu giáo về cơ thể người và giới tính... còn có các khóa học dạy cho phụ huynh cách nói chuyện với con em về vấn đề giới tính.. Tại Singapore, tất cả các cấp học đều có chương trình giáo dục giới tính của Bộ giáo dục. Tại cấp tiểu học, trẻ em được dạy về việc phát triển cơ thể và cách xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Tại trung học và sau đó, học sinh được dạy về sức khỏe và hành vi tình dục cũng như cách phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục. Bộ giáo dục Singapore cũng kêu gọi giáo dục giới tính cũng phải bắt đầu từ gia đình trong đó cha mẹ giữ vai trò quan trọng. Còn tại Nhật, chương trình giáo dục giới tính có bắt đầu muộn hơn. Trẻ từ 6 tới tám 8 chỉ được dạy cách chăm sóc bản thân cơ bản và cách xây dựng mối quan hệ với xung quanh. Chỉ khi từ 8 đến 10 tuổi, học sinh mới bắt đầu được giáo dục về khác biệt cơ thể giữa trai và gái; cách phát triển cơ thể khi đến tuổi dậy thì; cách phòng tránh tội phạm tình dục...

          Trong khi chờ  những thay đổi mang tầm vĩ mô từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì tại mỗi Sở, ngành giáo dục địa phương, hoặc ở mỗi trường, hay tự bản thân các giáo viên cũng có thể có những cách thức riêng phù hợp với Luật Giáo dục đào tạo, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, và các quy định pháp luật khác cũng như chương trình giảng dạy để lồng vào đó các bài học đơn giản về giáo dục giới tính. Ví dụ:

- Ngay từ mẫu giáo, có thể dạy các em về việc bảo vệ bản thân, không cho bất kì người lạ hay bạn bè sờ vào cơ thể bé. Không cho các em học sinh nam và nữ ngủ chung. Thông qua các bài hát, chuyện kể, hay hoạt động ngoại khóa, dạy trẻ về quyền riêng tư: những cái gì thuộc về trẻ, bất cứ ai cũng không được cầm, lấy hoặc chạm vào khi chưa hỏi ý kiến của trẻ hoặc được trẻ đồng ý.

- Với cấp học lớn hơn, giáo viên động viên học sinh không nên e dè khi đề cập đến giới tính. Để làm được như vậy, chính giáo viên phải có thái độ cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ, giải đáp các thắc mắc về giới tính bằng nhiều hình thức hấp dẫn như tổ chức trò chơi hỏi đáp; khuyến khích học sinh đặt câu hỏi; đưa ra vấn đề đang được xã hội quan tâm liên quan đến giới tính, phù hợp với độ tuổi để làm chủ đề thảo luận cho học sinh.

- Tìm tòi và giới thiệu cho học sinh các cuốn sách về giáo dục giới tính dễ hiểu để các em tự khám phá.

          Nói tóm lại, việc giáo dục giới tính cho trẻ hết sức quan trọng nhất là trong bối cảnh thông tin phát triển như hiện nay. Khi trẻ có kiến thức về giới tính, trẻ giảm nguy cơ bị lạm dụng tình dục; trẻ có kiến thức chăm sóc bản thân khi bước vào tuổi dậy thì, tránh nguy cơ mang thai ngoài ý muốn hay mắc các bệnh về sinh sản do thiếu hiểu biết về giới tính. Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế thì Việt Nam là một trong ba nước nạo phá thai cao nhất thế giới, trong đó trường hợp nạo phá thai là trẻ em vị thành niên chiếm 20%. Để nâng cao hiểu biết về giới tính cho trẻ, gia đình đóng vai trò quan trọng nhất. Phụ huynh phải là người đầu tiên chủ động học hỏi, tìm tòi kiến thức giới tính, các phương pháp giáo dục, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ con em mình.

Nguyễn Xuân Mẫn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây