Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Tăng cường quan hệ tích cực giữa phụ huynh và giáo viên
Thứ bảy - 20/11/2021 09:033730
Ở Việt Nam và nhiều nước châu Á, mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên từ trước đến nay dựa trên nền tảng “tôn sư trọng đạo” vốn sẵn có trong tư tưởng của nhiều người. Tinh thần này có tính tích cực ở chỗ tôn trọng và đề cao vai trò của người giáo viên trong việc giáo dục nói chung. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên sẽ dễ rơi vào trạng thái thiếu công bằng và mang tính thông tin một chiều.
Một trong những nhiệm vụ của giáo viên là duy trì mối quan hệ tốt với cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, cũng giống như học sinh, các phụ huynh cũng có các kiểu giao tiếp, kỳ vọng và sở thích khác nhau. Chính vì vậy, rất có thể xảy ra việc thông tin bị dẫn truyền sai lệch và gây hiểu lầm. Do vậy, dự án Tâm lý học tích cực giới thiệu ba cách để giáo viên cũng như phụ huynh tăng cường hiệu quả trong mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường – mối quan hệ được coi là tác động mạnh đến trẻ nhỏ trong giai đoạn học đường.
1. Xem xét lại phương thức/công cụ giao tiếp của giáo viên Với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, các phương thức/công cụ giao tiếp giữa gia đình và nhà trường trở nên vô cùng đa dạng. Khi tìm kiếm phương thức/công cụ giao tiếp hiệu quả với phụ huynh, điều quan trọng nhất đối với giáo viên là cần tìm hiểu về phương thức/công cụ mà phụ huynh có thể tiếp cận. Mục đích của phương thức/công cụ này là để có thể giao tiếp được với tất cả các phụ huynh trong lớp. Các cuộc họp trực tiếp là cơ hội đặc biệt có giá trị với phụ huynh và giáo viên. Đối với những phụ huynh khó tiếp cận, giáo viên có thể xem xét đến việc truyền đạt thông tin gián tiếp thông qua một người đại diện hoặc phụ huynh khác. Các buổi họp giữa giáo viên và phụ huynh nên tổ chức vào thời điểm thuận tiện cho đa số phụ huynh. 2. Ưu tiên hướng về mặt tích cực Giao tiếp giữa phụ huynh và giáo viên thường chỉ cần thiết khi có một vấn đề cần được giải quyết. Nhưng nếu giáo viên chỉ tiếp cận phụ huynh khi học sinh gặp rắc rối thì sẽ khiến cho phụ huynh cảm thấy sợ hãi mỗi lần được giáo viên chủ động liên lạc. Tiến sĩ Richard Curwin (Giám đốc chương trình sau đại học về rối loạn hành vi, trường Đại học Davide Yellin) và một vài cộng sự, đã đề xuất một cách tiếp cận tích cực hơn, ví dụ như phương pháp ba cuộc gọi, trong đó giáo viên sẽ liên lạc với phụ huynh ít nhất hai lần với các thông tin tốt, trước khi thông báo về các tin xấu. Để thực hiện phương pháp này, vào đầu năm học, giáo viên sẽ thực hiện cuộc gọi cho phụ huynh đơn giản chỉ để giới thiệu: “Tôi chỉ muốn anh chị biết tôi thực sự vui mừng đón nhận David ở trong lớp học của tôi năm học này”. Việc này giúp đưa thông điệp sau tới phụ huynh: “Anh chị có thể hiểu rằng, nếu có vấn đề gì xảy ra, tôi rất sẵn lòng nói chuyện với gia đình để chúng ta hợp tác cùng nhau và giúp mọi việc tốt đẹp hơn”. Cuộc gọi thứ hai sẽ để trao đổi với phụ huynh về những hoạt động ở trường, trạng thái làm việc giữa cô với trò và những tiến bộ của học sinh. Chỉ sau khi hai cuộc gọi tích cực đã được thực hiện, giáo viên mới nên tiếp cận đến một vấn đề của học sinh hay một rắc rối nào đó do học sinh gây ra. Bằng cách đó mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên được bắt đầu trên nền tảng của sự tin tưởng và tích cực trước khi cha mẹ và giáo viên phải giải quyết một cái gì đó quan trọng hơn. Tất nhiên, giáo viên khó có thể dành thời gian để gọi cho tất cả phụ huynh. Tương tự như vậy, không thể yêu cầu tất cả phụ huynh phải liên lạc với giáo viên. Tuy nhiên, cách tiếp cận này muốn nhấn mạnh rằng dù bạn dùng phương thức/công cụ giao tiếp nào thì ý tưởng trọng tâm luôn là bắt đầu bằng những điều tích cực nhất có thể. 3. Bắt đầu với sự đồng cảm và hiểu nhau Đôi khi giao tiếp giữa phụ huynh và giáo viên có thể bị rơi vào căng thẳng hoặc không đem lại hiệu quả. Khi rơi vào tình huống này, cả hai bên nên tìm hiểu xem sai sót trong giao tiếp xảy ra ở đâu. Tiến sĩ Curwin cho biết, sự cố trong giao tiếp giữa cha mẹ và giáo viên có thể là do hai lý do:
1) Do sự phán xét: khi cha mẹ hoặc giáo viên có sự đánh giá lẫn nhau dựa trên những gì một đứa trẻ nói hoặc làm (ví dụ một giáo viên đánh giá cha mẹ học sinh thông qua hành vi của trẻ, hoặc cha mẹ đánh giá giáo viên dựa trên những gì trẻ kể lại). Tiến sĩ Curwin nói thêm: “Những đứa trẻ ngoan thường muốn cha mẹ và giáo viên yêu mến nhau, còn những đứa trẻ có khó khăn ở trường học thường muốn điều ngược lại”.
(2) Do sự đổ lỗi: Giáo viên xử lý các hành vi sai trái của trẻ bằng cách gọi cha mẹ học sinh đến lớp để nói rằng họ nên dạy con họ những hành vi đúng đắn hơn; tương tự như vậy, cha mẹ có thể cho rằng giáo viên là người gây ra điểm số thấp hoặc khả năng học tập kém của trẻ. Các bên thay nhau “đổ lỗi” các vấn đề cho bên kia và mong đợi bên kia sửa chữa.
Khi giao tiếp giữa phụ huynh và giáo viên chủ yếu chỉ thông qua học sinh thì cha mẹ cũng như giáo viên đã làm mất cơ hội xây dựng mối quan hệ của riêng mình. Giải pháp thứ nhất mà tiến sĩ Curwin gợi ý là cha mẹ và giáo viên nên hành động như đồng minh thay vì coi nhau là đối thủ. Ông đề nghị giáo viên nên tập trung ngôn ngữ hướng đến việc giải quyết vấn đề chung, ví dụ như: “Vì cả hai chúng ta đều quan tâm đến David, hãy cùng nhau cải thiện các vấn đề hiện tại”. Giải pháp thứ hai là tạo ra cơ hội để làm việc cùng nhau, điều này giúp phụ huynh và giáo viên hiểu và tin tưởng nhau hơn. Khi đó, hai bên sẽ có cơ hội chia sẻ về mục tiêu và các nguyên tắc chung. Để tổ chức các buổi làm việc cùng nhau như vậy, giáo viên có thể tổ chức các buổi họp lớp hoặc các buổi hoạt động chung giữa cha mẹ – học sinh – giáo viên. Ngược lại, phụ huynh có thể mời giáo viên đến thăm nhà hoặc tham gia các sự kiện cùng gia đình. Thay cho lời kết: Với bối cảnh lớp học trường công ở Việt Nam lên đến 50 – 60 học sinh/lớp thì việc trao đổi và tiếp cận giữa phụ huynh và giáo viên quả thực vô cùng hạn chế. Tuy nhiên, những gợi ý trên đây cũng là những điều giáo viên nên cân nhắc khi có cơ hội giao tiếp cùng phụ huynh. Một đứa trẻ có thể gặp phải rắc rối do chính mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh của trẻ. Và trên tất cả, giáo dục tích cực luôn cho rằng giáo dục là dạy cho trẻ những kỹ năng để trẻ có thể sử dụng lâu dài trong tương lai. Mà hơn ai hết, cha mẹ và giáo viên tự học và tự nâng cao bản thân chính là những tấm gương để trẻ học tập hàng ngày.