Suy ngẫm từ bài báo của Bác Hồ về vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở

Thứ bảy - 03/02/2024 16:55 82 0
Lý luận và thực tiễn đã chứng minh, dù ở giai đoạn nào của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, các tổ chức cơ sở đảng luôn là gốc rễ, là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở, bảo đảm cho đường lối của Đảng đi vào cuộc sống, đồng thời là cấp trực tiếp tiến hành các hoạt động xây dựng nội bộ Đảng. Do vậy, có thể khẳng định tổ chức cơ sở đảng là nền tảng có vai trò quan trọng quyết định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”1, đảng viên là “sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”2. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở”3; “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam”4. Điều đó cho thấy vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên đối với vai trò lãnh đạo của Đảng.
Ngày 28/3/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt”, với bút danh T.L, đăng Báo Nhân Dân, số 2926. Nội dung như sau:
Nhân dân ta rất tốt, nếu chi bộ khéo lãnh đạo và đảng viên hăng hái xung phong làm gương mẫu thì khó khăn gì cũng vượt qua, công việc gì cũng làm tốt. Sau đây là vài ví dụ:
- Hợp tác xã thôn Nhân Lệ (Kiến An) có khoảng 100 gia đình. Đất ruộng có ít, nghề phụ chưa có. Mùa vừa qua lại bị thiên tai, thu hoạch kém mà hoa màu cũng ít.
Tuy vậy, đồng bào Nhân Lệ đã làm rất gọn và tốt chính sách lương thực.
Trước hết do đảng viên xung phong, rồi do thanh niên và dân quân làm nòng cốt động viên nhân dân học tập chính sách của Đảng về việc bán thóc cho Nhà nước.
Lúc đầu tuy có khó khăn nhưng khi tư tưởng đã thông suốt thì các cụ phụ lão cũng đều hăng hái kêu gọi con cháu xung phong. Có những hộ neo đơn, được miễn không phải bán thóc, nhưng họ vẫn cứ xung phong bán.
Tinh thần hăng hái lôi cuốn nhân dân cả thôn, cho nên vừa thu hoạch xong thì Nhân Lệ đã nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ: Nộp hơn 8 tấn thóc thuế và bán cho Nhà nước gần 12 tấn thóc theo nghĩa vụ. Ngoài ra, bà con còn dành dụm bán thêm cho Nhà nước hơn 2 tấn thóc tiết kiệm.
Hiện nay, Ban Quản trị Hợp tác xã Nhân Lệ đang khuyến khích các xã viên lập “hũ gạo tiết kiệm” và ra sức thi đua giành vụ Đông - Xuân thắng lợi.
- Hợp tác xã Quyết Tiến ở thôn Bùi (Hà Nam), thiếu sức lao động, vì nhiều chị em phụ nữ đều bận nuôi con, không đi làm được. Vì vậy mà thu nhập của các gia đình xã viên kém đi. Chi bộ quyết định xây dựng một nhà gửi trẻ. Các đảng viên và đoàn viên thanh niên xung phong gánh đất, làm nhà. Một ngôi nhà 5 gian xinh xắn được dựng lên. Chi bộ quyết định: Trước tiên hãy nhận con các gia đình neo đơn. Nhưng các bà mẹ còn nghi ngờ không đưa các cháu đến gửi. Họ nói: “Nếu béo bở thì mời các ông cán bộ và đảng viên mang con đến gửi trước!”.
Theo chỉ thị của chi bộ, các đảng viên đưa con mình đến gửi. Thấy các cháu này được săn sóc tốt, các bà mẹ trước kia chần chừ, nay đều mang con đến gửi. Thành thử không đủ chỗ cho tất cả các cháu. Chi bộ lại quyết định: Cán bộ và đảng viên đưa con mình về để nhường chỗ cho các cháu của những gia đình neo đơn.
Trong những ngày đầu, các cháu thì đông mà các cô giữ trẻ thì chưa đủ, sau buổi lao động, các đồng chí đảng viên đều đến nhà gửi trẻ tắm rửa và săn sóc các cháu.
Hiện nay, nhà gửi trẻ này đã có hơn 100 cháu từ 3 tháng đến 4 tuổi, do 6 cô đoàn viên thanh niên săn sóc rất chu đáo.
Nhờ có nhà gửi trẻ này mà chị em phụ nữ thôn Bùi được giải phóng và hăng hái tham gia lao động sản xuất.
Nội dung hai việc trên đây rất bình thường, nhưng nó chứng tỏ một ý nghĩa rất to lớn: Chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt”.
Bài báo khẳng định một chân lý về vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sơ: Chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt.
Những năm qua, việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên luôn được Đảng ta coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên; được triển khai thực hiện một cách toàn diện, với đồng bộ các giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là: công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh; tổ chức cơ sở đảng tiếp tục được củng cố, kiện toàn, sắp xếp phù hợp; bổ sung chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, gắn với xây dựng hệ thống chính trị. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy được quan tâm hơn; chất lượng đội ngũ đảng viên có chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh, năng lực, uy tín và phẩm chất tốt, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ của cách mạng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, “chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế, chậm đổi mới phương thức lãnh đạo; chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc; thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ cơ sở, sinh hoạt cấp ủy, tinh thần tự phê bình và phê bình, công tác đánh giá, xếp loại còn hạn chế; chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong giải
quyết những khó khăn, bức xúc của nhân dân ở cơ sở”
5; không ít tổ chức cơ sở đảng chưa thực sự làm tròn vai trò là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, cầu nối giữa Ðảng với Nhân dân, cũng như bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Mô hình tổ chức một số loại hình tổ chức cơ sở đảng còn bất cập, chậm được kiện toàn, sắp xếp. Một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, chưa làm tròn trách nhiệm của mình trước Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật6).

Để tổ chức cơ sở đảng làm tốt nhiệm vụ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những yêu cầu cơ bản về lãnh đạo, về tổ chức để thực hiện. Trong công tác lãnh đạo, phải bảo đảm nguyên tắc đoàn kết nội bộ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và muốn làm tốt việc ấy còn phải dân chủ nội bộ, tự phê bình, phải phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta “đoàn kết là điểm tựa”, “sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí”. Người thường xuyên nhắc nhở các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Người khẳng định: “Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối chính sách của Đảng, tôn trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải đoàn kết bằng việc nói đi đôi với làm, đoàn kết bằng tinh thần, đoàn kết thực sự, thống nhất ý chí, thống nhất hành động, thống nhất kỷ luật.
Trong công tác tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng mạnh là do mỗi một chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do mỗi một đảng viên ra sức làm trọn 10 nhiệm vụ... đó là:
1. Tích cực phấn đấu để thực hiện mọi nghị quyết và chỉ thị của Đảng, tham gia sinh hoạt đảng đều đặn, luôn luôn tìm cách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Đảng giao cho.
2. Giữ gìn và củng cố sự đoàn kết thống nhất của Đảng.
3. Phục tùng nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng. Gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của các đoàn thể cách mạng của quần chúng mà mình tham gia.
4. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng và năng lực công tác của mình.
5. Hết lòng hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đặt lợi ích của Đảng và lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân.
6. Luôn luôn thắt chặt quan hệ với quần chúng, học tập quần chúng, tìm hiểu, lắng nghe nguyện vọng và ý kiến của quần chúng để phản ánh cho Đảng và kịp thời giải quyết một cách thích đáng. Ra sức tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng trong quần chúng, tổ chức quần chúng thực hiện các chủ trương chính sách và nghị quyết của Đảng; phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng.
7. Gương mẫu trong lao động sản xuất, trong công tác, trong việc chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ, trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước và của tập thể; thực hành tiết kiệm, tích cực đấu tranh chống lãng phí, tham ô.
8. Thực hành tự phê bình và phê bình; kiên quyết đấu tranh với mọi tư tưởng và hành động ở trong Đảng và ngoài Đảng có hại đến lợi ích chung của Đảng, của cách mạng.
9. Tuyệt đối trung thành và thật thà với Đảng, không giấu giếm, xuyên tạc sự thật và cũng không dung túng cho ai giấu giếm, xuyên tạc sự thật với Đảng.
10. Giữ gìn bí mật của Đảng, của Nhà nước và luôn luôn cảnh giác với âm mưu phá hoại của kẻ địch”(7).
Cùng với chú trọng xây dựng đội ngũ đảng viên của chi bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt chăm lo xây dựng đội ngũ cốt cán trong các chi bộ cơ sở. Chính Người đã khởi xướng cuộc vận động xây dựng “Chi bộ bốn tốt”. Vậy thế nào là chi bộ “bốn tốt”? Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Là đảng viên gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết; chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đối với Đảng thì củng cố tốt và phát triển tốt. Đồng thời, Người cũng luôn nhắc nhở phải phê bình nghiêm khắc những chi bộ kém, không gương mẫu, thiếu đoàn kết, xa rời quần chúng, cán bộ lãnh đạo quan liêu mệnh lệnh. Do đó, phải thường xuyên chỉnh đốn chi bộ, không để những phần tử xấu lợi dụng phá hoại nội bộ. Hồ Chí Minh chỉ ra yêu cầu phải xử lý đúng mức: Nếu sai phạm mất hết tư cách đảng viên thì cần đuổi ra khỏi Đảng, cần cách chức thì phải cách chức, cần hạ tầng công tác thì hạ tầng công tác, có thể giáo dục thì giáo dục.
Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã đưa ra phương hướng: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân của cán bộ, đảng viên. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố và không ngừng nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng”.
Theo đó cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau: Kiện toàn tổ chức cơ sở đảng phù hợp với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở các loại hình tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở xã, phường, thị trấn; thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy cơ sở; Nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, nhất là bí thư cấp ủy; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các chi bộ, đảng viên vi phạm quy định, nguyên tắc sinh hoạt đảng.
Nguyễn Thị Ngọc Hoa
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 113.
2 - Sđd, Tập 8, tr. 288.
3 - Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 35.
4 - Sđd, tr. 07.
5 - ĐCSVN – Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), Nxb CTQGST, H. 2022, tr. 156 - 157.
6 - Giai đoạn 2016 - 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật (chiếm 0,5% tổng số đảng viên).
7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.28.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây