Sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc

Thứ hai - 25/04/2016 04:44 768 0
Toàn thắng 30/4/1975 là kết quả của cả chặng đường dài chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của mọi người Việt Nam yêu nước; của khối đại đoàn kết dân tộc trên toàn cõi Việt Nam dưới ngọn cờ của Đảng cộng sản Việt Nam. Cứ mỗi mùa xuân đến, mọi người Việt nam không thể không nhớ tới ngày toàn thắng 30-4 năm xưa.
Nhân dân Sài Gòn tham dự mít tinh mừng chiến thắng 30-4-1975. (Ảnh: tư liệu).
Nhân dân Sài Gòn tham dự mít tinh mừng chiến thắng 30-4-1975. (Ảnh: tư liệu).
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Mỹ hất cẳng Pháp, nhảy vào miền Nam, gây ra cuộc chiến tranh phi nghĩa, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Chúng đã đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân Mỹ và chư hầu, với vũ khí, phương tiện kỹ thuật chiến tranh hiện đại. Nhà Trắng và Lầu Năm góc đã cử ra các chiến lược gia, các tướng lĩnh bậc nhất để đấu trí với ta.

 

Vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; vì sự tiến bộ của nhân loại, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân, toàn quân Việt Nam đã làm nên những chiến công vang dội:  Lần lượt đập tan các chiến lược chiến tranh của Mỹ - Ngụy, hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 – 1967 ở miền Nam; cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Tiến công chiến lược năm 1972, Điện Biên Phủ trên không trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng. Những chiến công ấy làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của đối phương, buộc đối phương dù còn rất ngoan cố và rất hiếu chiến vẫn phải ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ ra khỏi miền Nam.

Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ chúng ta có điều kiện thuận lợi như những năm sau Hiệp định Pari. Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc đang chuyển biến mau lẹ, “một ngày bằng cả hai mươi năm”. Chớp lấy thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có nhiều Hội nghị bàn các vấn đề cụ thể của cách mạng hai miền Nam-Bắc: Hội nghị lần thứ 21 (tháng 7-1973) bàn về phương hướng và nhiệm vụ cách mạng miền Nam, Hội nghị lần thứ 22 (tháng 12-1973) bàn về khôi phục kinh tế miền Bắc, Hội nghị lần thứ 23 (tháng 12-1974) bàn về tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng…Miền Bắc tiến hành khôi phục kinh tế nhằm đảm bảo nhu cầu nâng cao đời sống nhân dân miền Bắc và chi viện hiệu quả về sức người, sức  cho cách mạng miền Nam. Với đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo và sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc sảo của Đảng ta chỉ trong 55 ngày đêm, với sức mạnh áp đảo cả về quân sự và chính trị, quân và dân ta đã dành được toàn thắng bằng ba chiến dịch then chốt: Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4 đến 24 tháng 3) mở đầu bằng mũi tiến công đột phá vào Buôn Mê Thuột, tạo nên những đột biến lớn trên chiến trường, làm đổ vỡ và rung động toàn bộ hệ thống phòng thủ quân sự của ngụy quyền Sài Gòn trên một địa bàn chiến lược quan trọng - Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ ngày 5 đến 29 tháng 3) làm cho địch phải rút quân, bỏ lại toàn bộ địa bàn ven biển miền Trung Trung bộ, làm phá sản hoàn toàn những kế hoạch quân sự của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu; cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26 đến 30 tháng 4)  giải phóng Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh còn lại của Nam bộ. Với khí thế "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng"11g 30 phút trưa 30/4/1975, lá cờ cách mạng phấp phới tung bay trên cột cờ cao nhất dinh Độc lập, báo hiệu chiến dịch lịch sử  mang tên Bác Hồ kính yêu toàn thắng, sự nghiệp giải phóng miền Nam toàn thắng. Một lần nữa, sức mạnh Việt Nam, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lại đã ngời sáng khi một Sài Gòn được tiếp quản hầu như còn nguyên vẹn, không hề diễn ra một biểu hiện trả thù hay một cuộc “tẩm máu” nào như kẻ thù vẫn rêu rao mà ngược lại, Sài Gòn trưa 30-4 ngập tràn sắc đỏ của rừng cờ, rừng hoa mừng ngày đại thắng.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã một lần nữa khẳng định sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc. Sức mạnh đó có cội nguồn từ tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc ta trải qua mấy ngàn năm lịch sử, mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “… mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (1). Đại thắng mùa xuân năm 1975 thêm một lần nữa chứng minh sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thực sự được nhân lên gấp bội khi được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam-hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc.

Hơn 40 năm đất nước đã hòa bình thống nhất, tròn 30 năm Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới được hết thảy các tầng lớp nhân dân ta đồng tình, hưởng ứng và hăng hái thực thi trong thực tiễn, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa. Các tầng lớp nhân dân chung sức, chung lòng cùng Đảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Song bên cạnh đó cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phaỉ tập trung khác phục để phát triển đất nước mạnh mẽ trong những năm tới.

Trong thời kỳ mới, để thấm nhuần quan điểm của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta phải quán triệt sâu sắc những bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc đã được khẳng định trong thực tiễn. Trước hết, phải quán triệt và thực hiện cho được quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền”. Bước vào thời kỳ mới, quan điểm “Dân là gốc” phải được coi là nền tảng của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Sự nghiệp đổi mới đất nước là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân, nên mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều phải xuất phát từ dân, dựa vào dân để thực hiện. Kế thừa và phát huy quan điểm của các Đại hội trước, Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII  đã nêu phương hướng: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" làm điểm tương đồng” (2).

Thời khắc thiêng liêng của ngày 30-4-1975 vẫn hiển hiện nóng hổi, lay gọi, xao động lòng người. Với tinh thần chiến thắng 30 tháng 4 lịch sử; hướng về kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nướctiến tới bầu cử Quốc Hội và đồng nhân dân các cấp, chúng ta hãy chung sức, đồng lòng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tăng cường đoàn kết, dồn hết sức lực và tâm huyết vào sự nghiệp chung, cống hiến ngày càng nhiều hơn cho nhân dân, cho sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững của của đất nước.

Tài liệu tham khảo:

(1)-Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H.2002.trang 171.

(2)-Tạp chí Cộng sản số 880 tháng 2-2016: Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trang 20.

Nguyễn Văn Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây