Số hoá và chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, đào tạo

Thứ bảy - 20/04/2024 08:35 26 0
Trong thời đại hiện nay, số hoá và chuyển đổi số là một xu hướng quan trọng trong cuộc sống, sẽ tạo ra khả năng kết nối và truyền thông tin nhanh chóng giữa con người, từ đó thay đổi cách làm việc, học tập, sinh hoạt, giải trí,… Riêng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, số hoá và chuyển đổi số đã tạo ra nhiều thay đổi mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích.
Trước tiên, để hiểu sâu sắc bài viết, xin nhắc lại hai khái niệm số hoá và chuyển đổi số. Số hóa (Digitization) được hiểu là việc biến đổi các giá trị thực sang giá trị số hay chuyển đổi thông tin từ dạng vật lý, analog sang dạng kỹ thuật số (được biểu hiện bởi các dãy số nhị phân 0 và 1). Các thông tin được đưa lên hệ thống máy tính và được xử lý bằng các phần mềm, giúp việc lưu trữ và tìm kiếm dễ dàng. Chuyển đổi số (Digital transformation) là quá trình ứng dụng số hóa và số hóa quy trình vào công việc kinh doanh. Đồng thời, người đứng đầu doanh nghiệp cần thay đổi tư duy để ứng dụng công nghệ số vào quy trình vận hành, nhằm quản lý tổ chức hiệu quả và tạo ra các giá trị mới. Trong đó, số hóa quy trình là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình vận hành, giúp quá trình xử lý thông tin trở nên đơn giản hơn, góp phần tăng hiệu suất công việc cho nhân viên và doanh nghiệp. 
Ở đây, có thể hiểu rộng hơn rằng: Số hoá, chuyển đổi số không chỉ hữu ích đối với doanh nghiệp mà còn cả cơ quan, tổ chức khác. Số hoá là bước đầu tiên quan trọng trong quá trình chuyển đổi số.
Chính sách về chuyển đổi số giáo dục đào tạo tại Việt Nam
So với các quốc gia phát triển trên thế giới, số hoá và chuyển đổi số mới được áp dụng ở nước ta trong những năm gần đây. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt ban hành Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020. Trong đó, xác định nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo là: “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; Số hoá tài liệu, giáo trình; Xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục; Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bi của học sinh trước khi đến lớp học”.
Ngày 16/12/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành quyết định số 4740/QĐ-BGDĐT ban hành bộ chỉ số - chỉ tiêu đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học, gồm: nhóm tiêu chí chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục đại học và nhóm tiêu chí chuyển đổi số trong đào tạo.
Trên đà đó, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTG ngày 25/01/2022 phê duyệt đề án: “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Đặc biệt, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg, theo đó lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia nhằm, đã giúp nâng cao nhận thức của người dân, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số; qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia. Các lĩnh vực ứng dụng số hoá và chuyển đổi số nổi bật là: Quản lý và điều hành hoạt động tại các cơ quan hành chính Nhà nước; hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; hoạt động điều hành, quản lý, giáo dục của các cơ sở giáo dục đào tạo.
Một số ứng dụng số hoá, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo
Những ứng dụng chuyển đổi số tiêu biểu được áp dụng trong giáo dục đào tạo có thể kể đến như sau:
Hệ thống quản lý học tập (LMS-Learning Management Systems): LMS là một phần mềm ứng dụng dành cho quản trị, thống kê, theo dõi, báo cáo và phân phối các khóa học, chương trình đào tạo hoặc chương trình học tập và phát triển. Khái niệm hệ thống quản lý học tập xuất hiện trực tiếp từ e-Learning. Mặc dù LMS đầu tiên xuất hiện trong lĩnh vực giáo dục đại học, phần lớn các LMS ngày nay tập trung vào thị trường doanh nghiệp. Hệ thống quản lý học tập chiếm phân khúc lớn nhất của thị trường hệ thống học tập. Sự ra đời đầu tiên của LMS là vào cuối những năm 1990. Hệ thống quản lý học tập được thiết kế để xác định thiếu sót của đào tạo và học tập, sử dụng dữ liệu phân tích và báo cáo. LMS tập trung vào phân phối bài giảng trực tuyến và hỗ trợ nhiều mục đích sử dụng, hoạt động như một nền tảng cho nội dung trực tuyến, bao gồm các khóa học, cả dựa trên không đồng bộ và dựa trên đồng bộ. LMS có thể cung cấp quản lý lớp học để đào tạo do giáo viên hướng dẫn hoặc "lớp học đảo ngược", được sử dụng trong giáo dục đại học và các mô hình giáo dục khác. Các nền tảng phổ biến như Moodle, Blackboard, Canvas giúp giáo viên tạo, quản lý và phân phối nội dụng giáo dục, đồng thời theo dõi tiến trình học của học viên.
Công cụ tương tác trực tuyến: Zoom, Microsoft Teams, Google Meet là công cụ hỗ trợ giảng dạy và học tập trực tuyến, cho phép tổ chức các lớp học, cuộc họp từ xa.
Nền tảng hỗ trợ học tập trực tuyến: Coursera, edX, Udemy, Khan, Smart Sparrow, LinkedIn Learning, Pluralsight cung cấp hàng nghìn khoá học trực tuyến từ các đại học trên thế giới. Đặc biệt, Khan là nền tảng học tập trực tuyến hoàn toàn miễn phí với đa dạng các khoá học, bài học.
Công cụ tạo bài giảng điện tử: Các phần mềm như Adobe Captivate và Articulate Storyline giúp giáo viên tạo ra các bài giảng điện tử tương tác và hấp dẫn.
Ứng dụng học tập dựa trên trò chơi: Kahoot, Quizizz, Doulingo sử dụng yếu tố trò chơi để tăng cường sự tham gia và hứng thú học tập.
Công cụ đánh giá trực tuyến: Google Forms, SurveyMonkey cho phép tạo ra các bài kiểm tra và khảo sát trực tuyến, đánh giá hiệu quả học tập một cách nhanh chóng.
Nền tảng quản lý nội dung giáo dục (ECM - Educational Content Management): hỗ trợ giáo viên trong việc tổ chức, lưu trữ và chia sẻ tài liệu giáo dục, như Edmodo, Schoology.
Thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong giáo dục: cho phép tạo trải nghiệm học tập ảo và tăng cường, giúp sinh viên khám phá và học hỏi một cách sinh động, ví dụ như Google Expeditions và ARKit của Apple.
Ứng dụng số hoá tại một số quốc gia điển hình trên thế giới
Chuyển đổi số trong lĩnh vực đào tạo sẽ tạo ra mô hình giáo dục thông minh, giúp việc học tập trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Chuyển đổi số được thể hiện ở các mặt: ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, quản trị giáo dục đào tạo. Trên thế giới, rất nhiều trường đại học nổi tiếng trong ứng dụng số hoá. Đại học Harvard (Hoa Kỳ) đã phát triển công nghệ học tập trực tuyến (Harvard online), cổng thông tin điện tử học tập (Learning Portal) để sinh viên dễ dàng truy cập các khoá học trực tuyến của trường. Đồng thời, nhà trường sử dụng hệ thống quản lý học tập (LMS) để cung cấp nội dung giảng dạy và tương tác giữa giảng viên với sinh viên, sinh viên với sinh viên. Harvard cũng đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cải thiện việc tự động hoá đánh giá sinh viên và cung cấp phản hồi cá nhân một cách công bằng và chính xác.
Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã triển khai nền tảng học trực tuyến nhằm cung cấp khoá học và tài liệu giảng dạy trực tuyến cho sinh viên. Trường sử dụng công nghệ thực tế ảo để cung cấp trải nghiệm học tập cho sinh viên. Ngoài ra, Đại học Tokyo cũng cung cấp các dịch vụ trực tuyến để hỗ trợ sinh viên trog iveejc đăng lkys học tập trên hệ thống LMS.
Tại các trường đại học tại Úc, việc ứng dụng công nghệ số để cải thiện quản lý, giảng dạy và học tập từ xa được đánh giá là một trong những quốc gia dẫn đầu. Trong quản lý, đào tạo, giảng dạy và học tập, áp dụng LMS, học trực tuyến, công nghệ thực tế. Thư viện số ở quốc gia này rất phát triển, được ứng dụng nhiều công nghệ số, hệ thống quản lý được đổi mới liên tục, thư viện được xây dựng đồ sộ với công cụ tìm kiếm tiên tiến, luôn được cập nhật và truy cập từ xa, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dạy và học.
Giáo dục trong nước cần làm gì?
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của chuyển đổi số giáo dục cho giáo viên, giảng viên, cán bộ nhà trường. Từ đó mới phối hợp cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục.Tiến hành hướng dẫn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong ứng dụng công nghệ số cho tất cả những người làm công tác giảng dạy, như kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin,... trên môi trường số. Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục bằng cách áp dụng công nghệ số trong phương pháp giảng dạy, giúp mở ra nhiều cơ hội để tăng cường chất lượng giáo dục và giúp học sinh phát triển toàn diện trong thế giới số hóa ngày càng phát triển.
Thứ hai, cải thiện cơ sở dữ liệu để đồng bộ trong giáo dục, chuyển đổi tất cả tài liệu từ giấy tờ qua văn bản điện tử. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng, các thiết bị phục vụ quá trình dạy và học, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả mọi người, ở mọi vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội số khác nhau. Các hoạt động như thúc đẩy triển khai học liệu số, hình thành kho học liệu mở dùng chung cho toàn ngành, đồng thời hợp tác, liên kết với các tổ chức trên thế giới, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, khuyến khích và hỗ trợ triển khai các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.

Thứ ba, xây dựng hạ tầng mạng và các thiết bị công nghệ tiên tiến. Hạ tầng mạng và các trang thiết bị phải được cải tiến, đổi mới khi chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt là những nơi có kết nối kém. Tăng cường kết hợp với các công nghệ hiện đại trên thế giới như AI, Big dataIoT, Blockchain,... với cơ sở dữ liệu số để xây dựng hệ thống thu thập thông tin, đưa ra dự báo và thiết lập ứng dụng, dịch vụ phù hợp đến từng đối tượng người học.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống pháp lý, ứng dụng phần mềm quản lý. Việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách sẽ đảm bảo quyền lợi cho người học. Theo đó, cần thống nhất các quy định liên quan đến: Khai thác, chia sẻ dữ liệu, thông tin; Hình thức giảng dạy; Quản lý các khóa học trực tuyến; Điều kiện cần và đủ để mở trường học; Quá trình chuyển đổi số trong giáo dục cần áp dụng các phần mềm quản lý, đây cũng là hình thức được nhiều trường học, cơ sở áp dụng. Bên cạnh đó, các phần mềm tích hợp tính năng vượt trội cũng giúp nhà trường tăng cường nghiệp vụ, quản lý hồ sơ, giảng dạy với các thao tác linh hoạt, nhanh chóng. 

Ngô Văn Hải
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây