Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Rồng - linh vật của nền văn hoá nước Việt
Thứ hai - 29/01/2024 15:242280
Rồng là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của nền văn hóa Á Đông, trong đó có văn hoá của dân tộc Việt Nam. Rồng là một biểu tượng linh thiêng có lịch sử phát triển lâu đời, là biểu trưng cho quyền lực của hoàng gia, quy tụ tinh khí đất trời. Người Việt từ thuở bình minh dựng nước tới nay luôn tự hào là con Rồng cháu Tiên – nguồn gốc cao quý, sang trọng của một giống dân thuần nhất.
Những nền văn minh trên thế giới đều có những truyền thuyết, giai thoại, những câu chuyện ly kỳ về nguồn gốc, xuất xứ, ý nghĩa, những khả năng siêu nhiên của rồng. Riêng trong văn hoá của người Việt, hình tượng rồng cũng biến hoá xuyên suốt chiều dài lịch sử.
Nằm trong hệ thống 12 con giáp, đặc biệt là đứng đầu trong hệ thống tứ linh Long, Ly, Quy, Phượng, rồng (Long) gắn với đế vương, vua chúa hay những thực thể cao quý chỉ dành riêng cho vua, chúa. Ví dụ: Long thể là thân thể vua, Long nhan là mặt vua, Long ngai là ngai vua, Long sàng là giường vua, Long bào là áo vua, Long huyền là thuyền vua, v.v… Như vậy, hình tượng con rồng đã trở thành độc quyền của nhà vua, nó được chạm khắc trên ngai vàng, cung điện, áo mão, hay các vật dụng của vua chúa. Sau này, hình ảnh rồng cũng trở lên rất phổ biến trong đời sống văn hoá của người Việt, được chạm khắc một cách điêu luyện, tinh xảo ở đình, chùa, miếu, nơi thờ tự, trên vật dụng thờ cúng, kiệu, phù điêu, bình phong,… Tựu chung lại, hình ảnh rồng thể hiện sự long trọng và khí chất bất phàm không thể sánh được.
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, rồng là biểu trưng giấc mộng thành danh, cho danh lợi, đỗ đạt: "Thưa rằng lượng cả bao dong Tấn Dương được thấy mây rồng có phen." Trong dân gian, rồng là là biểu trưng cho mưa thuận gió hòa, đất nước hưng thịnh, là biểu tượng cho các bậc đế quân, cho quốc thái dân an: "Rồng đen lấy nước thì mưa Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày." Trẻ con có trò chơi “Rồng rắn lên mây”. Đó là trò chơi có mặt từ rất lâu đời trong văn hóa dân gian Việt Nam, được truyền từ đời này qua đời khác. Nó không chỉ đơn thuần là một trò chơi giải trí mà còn là một phần trong việc truyền đạt và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. “Rồng rắn lên mây, Có cây lúc lắc, Có nhà hiển vinh, Hỏi thăm thầy thuốc Có nhà hay không?” Để bàn luận đầy đủ và sâu sắc về hình tượng rồng trong một bài viết là không thể. Vì vậy, ở đây tác giả không có ý đi sâu vào xuất xứ của rồng trong văn hoá dân tộc Việt Nam, mà chủ yếu tập trung khái quát vào hình tượng rồng trong thời Lý - Trần, để hậu thế, nhất là lớp trẻ hiểu hơn về sự khác nhau trong tạo hình rồng trong di sản văn hoá của ông cha ta. Như ở trên đã đề cập, “con Rồng cháu Tiên” là một truyền thuyết nói về nguồn gốc của người Việt. Tuy rằng đã hiện hữu trong văn hóa dân gian từ rất lâu, nhưng phải bắt đầu từ thời Lý, vai trò của rồng mới trở nên ngày càng phổ biến và chiếm vị thế quan trọng. Đa số những nghiên cứu lịch sử ở nước ta đều chung nhận định này. Mùa thu năm Thuận Thiên thứ nhất (năm 1010),khi dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, vua Lý Thái Tổ thấy “có rồng vàng hiện ra ở bến ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long”. Vùng đất địa linh, có Rồng bay lượn, khảm trên bầu trời những vệt vân vũ “sóng nước hoa đào”, những hình ảnh huy hoàng, rực rỡ đó, hòa chung trong không khí hân hoan của muôn dân, nhà Lý đã đưa Rồng - linh vật đứng đầu trong Tứ linh - biểu tượng cho trí tuệ, quyền uy, sự cao quý,... lên một tầm cao mới. Và từ đó, Rồng được coi như một quốc huy của nước Việt. Theo nghiên cứu của nhóm Đại Việt Cổ Phong, ở Thăng Long, hình tượng Rồng được gìn giữ và phát triển, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng nhẹ của phong cách Rồng thời Đường-Tống. Đầu Rồng có ngà, không có “mào lửa” mà thay vào đó là vòi. Phần vòi thường được các nghệ nhân thời Lý khắc họa tỉ mỉ, mang đường nét rất tự nhiên với hình uốn khúc, trùm lấy toàn bộ môi trên và quyện với răng nanh xoắn hình đám mây bồng bềnh. Chiếc sừng có tạo hình như sừng hươu hay đôi khi như nhánh san hô. Bờm của Rồng tỏa ra từ sau gáy, hướng về phía sau lưng trong tư thế phấp phới như có gió thổi, phần miệng thường nhe ra để lộ hai hàm răng. Thân Rồng mảnh, dài, phình to từ phần cổ và nhỏ dần theo chiều dài thân đến phần đuôi. Phần thân có 11 đến 13 khúc, các khúc thường đều nhau và uốn lượn mềm mại. Từ các thời trước, Rồng đã có vảy, đến thời Lý, thân Rồng vẫn mang vảy nhưng đôi khi được lược giản. Rồng có 4 chân cùng với số lượng móng đa dạng, có thể từ 3 đến 5 móng. Các móng được điêu khắc nhỏ nhắn, có 3 đốt và móng sắc như móng chim. Ở phần khuỷu chân còn có một cụm lông hình chỏm mây bay mềm mại. Đến thời Trần, tuy hình tượng rồng có sự thay đổi so với thời Lý nhưng vẫn mang rất nhiều nét chung. Đầu rồng không phức tạp như thời Lý, vẫn có vòi hình lá, vươn lên trên nhưng không uốn nhiều khúc, trông ngắn và to hơn. Sừng rồng thời Trần được điêu khắc với các kiểu dáng phong phú, ít mềm mại hơn so với thời Lý. Bờm xuất hiện hai dải ngắn không vắt lên hay duỗi ra sau mà vòng xuống gáy. Miệng rồng há to, lộ ra răng nanh lớn ở phía trước, vắt qua sóng vòi. Thân rồng vẫn giữ dáng dấp như thời Lý nhưng mập mạp, khỏe khoắn hơn. Rồng thời Trần trông uốn lượn thoải mái với động tác dứt khoát cùng tư thế vươn về phía trước, tạo nên một hình tượng rồng rất uy nghi, dũng mãnh. Số lượng vảy trên thân Rồng cũng xuất hiện nhiều hơn. Vảy lưng có lúc hình răng cưa lớn, nhọn, có lúc lại được xếp chồng ra lên nhau thành hai tầng vảy. Chân Rồng ngắn hơn rồng thời Lý nhưng trông lại mập mạp hơn, móng vuốt ngắn và to hơn. Những túm lông ở khuỷu chân bay lên phía trước hoặc phía sau tùy thuộc vào khoảng trống trên bức phù điêu được người thợ Trần khắc họa nên. Không phải ngẫu nhiên mà có sự thay đổi trong cách thể hiện hình tượng rồng ở hai triều đại lịch sử này. Triều đại nhà Lý chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo nên hình tượng rồng lúc bấy giờ có mối quan hệ chặt chẽ với đạo Phật, nó đi liền với các hình tượng như đức Phật, hoa sen, lá đề, chùa chiền… Điều đó cũng đã phần nào thể hiện hệ tư tưởng của thời Lý, một thời đại coi Phật giáo là quốc đạo.Đối với thời Trần, triều đình vẫn luôn dùng Nho giáo như một thiết chế để quản lý xã hội, nhưng đời sống tư tưởng và hoạt động tâm linh thì vẫn lấy Phật giáo làm gốc. Vì vậy, hình tượng rồng thời Trần có sự giao hòa giữa hai luồng tư tưởng mỹ học của Nho giáo và Phật giáo. Trong đó, yếu tố Nho giáo biểu thị sự uy quyền của vua nhưng lại không hề áp chế, dữ dằn như rồng Trung Hoa. Còn yếu tố Phật giáo mang tính nhân văn, biểu thị sự Phật tính hóa trong tâm tính của con người ở cả một triều đại.Tính Phật giáo ấy rất đậm nét, làm cho hình tượng rồng thời Lý- Trần cũng trở nên hài hòa hơn, duy mỹ hơn. Nó thể hiện được nét đặc trưng cho tinh thần khoan dung, nhân hậu của người dân nước Việt và từ đó tạo nên một hàm nghĩa độc đáo riêng cho hoa văn rồng thời Lý và Trần. Thời nhà Lý - Trần, rồng được thể hiện trong mỹ thuật, kiến trúc và điêu khắc đầy vẻ uy nghi, oai vệ nhưng không kém phần tinh tế. Rồng chính là hoa văn, họa tiết được thể hiện ở trang trí, là hình tượng nghệ thuật được đặt ở những vị trí quan trọng trong các kiến trúc Hoàng thành, trang trí trên các cột trong kiến trúc Hoàng cung. Hình rồng còn thể hiện trên trang phục, trên miện quan, cân đai của vua hay trong các Chiếu chỉ, Sắc phong... biểu thị uy quyền của vương triều. Hai triều đại Lý-Trần thời điểm Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc nhất đến đời sống của người dân Việt Nam nên biểu tượng rồng cũng có mối quan hệ chặt chẽ, gần gũi với đạo Phật. Vì rồng gắn liền với Phật giáo nên thường xuất hiện cùng với lá đề, phổ biến nhất là trong mĩ thuật thời Lý và gắn với hoa sen. Không những thế, rồng rất hay xuất hiện trong kiến trúc chùa chiền. Trên nóc chùa Diên Hựu được xây dưới thời Lý Thánh Tông là hình ảnh rồng thời Lý, tuy nhiên sau nhiều lần tu sửa, trên nóc chùa giờ đây chính là hình ảnh rồng thời Nguyễn với kiểu song long triều nguyệt. Có thể nói rằng con rồng thời Lý chịu ảnh hưởng trực tiếp và gắn liền với Phật giáo. Ở thời Trần, tạo hình rồng vẫn chịu ảnh hưởng của sự giao lưu văn hóa Phật giáo của Việt Nam với Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên cách thể hiện hình rồng vẫn có sự khác nhau so với thời Lý. Hình rồng thời Trần thường được trang trí trên thành, chùa, tháp như ở thành nhà Hồ có đôi tượng rồng, chùa Thanh Sam, chùa Đô Quan, tháp phổ Minh,... Đặc biệt, tạo hình rồng thời Trần còn được thấy ở khu lăng mộ An Sinh - lăng mộ của vị vua Trần Anh Tông. Từ nửa cuối thế kỷ XIV, con rồng đã rời khỏi kiến trúc cung đình để in dấu trong các kiến trúc dân gian. Không chỉ có trên điêu khắc đá (rõ nét nhất trên các bậc thềm bằng đá) và gốm mà còn xuất hiện trên điêu khắc gỗ ở chùa. Với người Việt, rồng được cho là một trong những biểu tượng văn hóa quan trọng nhất, gắn liền với nguồn gốc ra đời của dân tộc “con Rồng cháu Tiên”. Trong đó Rồng là biểu tượng của yếu tố dương, của người cha, của núi, của sức mạnh... Tiên là biểu tượng của yếu tố âm, của người Mẹ, của biển, của sự mềm mại… Rồng không chỉ biểu tượng cho quyền lực uy nghi, sức mạnh phi thường, khả năng biến hoá khôn lường, còn là tượng trưng cho may mắn, thành công. Năm Giáp Thìn đến, con giáp đặc biệt tượng trưng cho sức mạnh, sự linh thiêng và những điều tốt lành, nhắc mỗi người Việt chúng ta nhớ đến nguồn gốc con cháu Lạc Hồngcao quý, oai phong, dũng cảm, luôn biết cách vượt qua mọi trở ngại khó khăn để phát triển.