Quá trình phát hiện và nghiên cứu khu di tích Nhẫm Dương

Thứ bảy - 30/01/2016 14:37 1.111 0
Khu di tích Nhẫm Dương, xã Duy Tân, Kinh Môn (Hải Dương) đã được xếp hạng Di tích quốc gia. Hiện nay, di tích này không còn như nửa thế kỷ trước nhưng hình ảnh, cổ vật, minh văn còn ở mức độ cần thiết để hội thảo về những khía cạnh, những giá trị khác nhau của khu di tích trong tiến trình lịch sử.

Quá trình phát hiện di tích khảo cổ học tiền sử tại động Thánh Hóa

Về địa lý tự nhiên, vùng núi đá vôi Kinh Môn hình thành cách đây ngót trăm triệu năm. Trong quá trình tồn tại, địa hình, địa mạo đã bị phong hóa, tạo nên các hang động, núi đồi kỳ thú, nơi cư trú lý tưởng cho con người tiền sử.
Về địa lý hành chính, Nhẫm Dương là một thôn thuộc xã Duyên Linh, tổng Thượng Chiểu, huyện Đông Triều. Cuối thế kỷ XIX, bỏ cấp phủ, cấp tổng và điều chỉnh địa giới, Nhẫm Dương thuộc huyện Kinh Môn. Năm 1946, khi tiến hành liên xã, là một thôn thuộc xã Duy Tân, huyện Kinh Môn.
Cách đây nửa thế kỷ, Bảo tàng Hải Dương đặc biệt quan tâm đến hang động và mộ cổ thuộc Kinh Môn, nhất là từ khi phát hiện mộ Việt Khê (1961)  và Tử Lạc (1972), thu được nhiều đồ đá, đồ đồng, đồ gốm trong hang động và thung lũng ở khu đảo Kinh Môn thuộc thời đại đá mới, đồ đồng và phong kiến. Năm 1983, khi nghiên cứu nghề cổ truyền, chúng tôi thấy các hình động vật hoang dã khắc trên vách đá vùng núi Kính Chủ, nhiều di vạt thuộc thời kỳ đá mới và văn hóa Đông Sơn trong các hang động. Nhưng việc nghiên cứu gặp nhiều khó khăn về kinh phí và thủ tục hành chính, bởi bấy giờ hang động còn là các kho vũ khí, do quốc phòng quản lý.

dkc

Hang Thánh Hóa trong núi Nhẫm Dương, nơi phát lộ những hiện vật của thời tiền sử.

Năm 1991,khi thời cơ cho phép, Bảo tàng tỉnh thực hiện đề tài khoa học  nghiên cứu lịch sử và thực trạng các hang động tại vùng núi đá vôi, thuộc 06 xã khu đảo, lập danh mục các hang động cần bảo tồn tại đây, trong đó có các hang động tại Nhẫm Dương. Khi đó, nhà máy xi măng Hoàng Thạc đã đi vào sản xuất, nhiều núi đá vôi có di tích lịch sử cần bảo vệ đã có quyết định giao cho nhà máy mà chưa có ý kiến của cơ quan chủ quản theo luật định. Tuy nhiên, với ý kiến xác đáng và kiên quyết của ngành văn hóa, hang Đốc Tít, Chùa Mộ vẫn được xếp hạng Quốc gia và kiến nghị bảo tồn.  Bấy giờ, nhờ sự hi sinh của Nàng Tô Thị mà dư luận quan tâm đến các di tích thuộc núi đá vôi, mà Động Kính Chủ thoát chết nhưng mình đầy thương tích, tuy di tích được xếp hạng đợt đầu của cả nước (1962). Hang Đốc Tít và Động Hàm Long mặc dầu đã được xếp hạng từ năm 1993, nhưng núi có hang Đốc Tít vẫn bị chặt chém không thương tiếc một cách bất hợp pháp.

 Từ năm 1991, Nhẫm Dương được phát hiện là một cảnh quan kỳ thú. Kinh Môn khi đó có tới 26 hang động, là nơi có nhiều động vật hoang dã, đặc biệt là những hiện vật thời đại đồ đá, đá mới, đồ đồng, nhất là văn hóa Đông Sơn sưu tầm được ở trong và ngoài hang động. Những sự kiện và di tích thời phong kiến từng bước sáng tỏ qua quá trình khảo sát cũng khá phong phú như:

- Các loại tiền thời Bắc thuộc cùng đồ gốm, đồ đồng đương thời, gạch ngói, tảng đá hoa sen, tháp đất nung, chứng minh đã có một ngôi chùa từng tồn tại ở đây muộn nhất cũng vào thời Trần.

- Thế kỷ XVII là nơi khởi dựng thiền phái Tào Động mà người sáng lập là nhà sư Thủy Nguyệt, khi đó chùa có tên là Thánh Quang. Chùa được trùng tu, tôn tạo ở những thế kỷ sau, nhưng đến kháng chiến chống Pháp, chùa đã bị hủy liệt, sau ngày thống nhất đất nước, chùa mới từng bước được khôi phục để được khang trang như hiện nay, công đầu thuộc về nhà sư Thích Diệu Mơ.

- Nơi đây cũng từng là căn cứ chống giặc Bắc, chồng Pháp, Mỹ liên quan đến nhiều nhân vật lịch sử.

 Vào những năm 90 của thế kỷ trước, chúng tôi muốn sớm xếp hạng khu di tích này để bảo tồn cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu cho vùng núi đá vôi, liền kề với đồng bằng, giữ môi trường cho động vật hoang dã, ùng những di tích thời tiền sử và phong kiến. Nhưng kiến trúc chùa Thánh Quang khi đó còn tiêu sơ, chỉ có vài gian cấp bốn xiêu vẹo nên khó thuyết phục các nhà chức trách về việc xếp hạng di tích mà chỉ thống nhất việc khoanh vùng bảo vệ. Năm 1996, chùa bắt đầu được trùng tu. Năm 2000, nhà chùa tự khai quật động Thánh Hóa với mục đích tìm các pho tượng cổ từng được chôn cất ở đây trong kháng chiến chống Pháp. Rất may là quá trình tìm kiếm các tượng cổ đã phát hiện những di vật có giá trị.

Ngày 20 tháng 4 năm 2000, chúng tôi đang khai quật ở di tích gốm Cậy (Bình Giang, Hải Dương) thì sư thầy Thích Diệu Mơ cho biết tìm được nhiều xương động vật rất lạ. Ngay hôm sau, chúng tôi đã đến hiện trường và thấy nhiều xương động vật, xương người, đồ đá, đồ đồng, tiền đồng từ Ngũ thù đến Quang Trung, có tới 39 loại, niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ XVIII. Ngay sau đó, chúng tôi cho khai quật lại trên những lớp trầm tích màu vàng đang trong quá trình hóa thạch để tìm các mẫu xương và cổ vật. Kết quả rất khả quan. Để hiện vật cổ sinh và đố đá được xác định khoa học, chúng tôi có mời Tiến sĩ Trịnh Dánh, Giám đốc Bảo tàng địa chất; Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường cán bộ phụ trách cổ nhân học của Viện Khảo cổ học cùng tham gia nghiên cứu. Kết quả như chúng ta đã biết, đây là di tích quý hiếm thời hậu Cánh tân, cách ngày ngay 3-5 vạn năm. Chỉ khoảng 20m2 với tầng văn hóa dày trên 4m, đã tìm thấy rất nhiều xương đang trong quá trình hóa thạch, bước đầu xác định được 27 loài, trong đó có voi, tê giác, pongo (Đười ươi)… Có thể hình dung vùng Kinh Môn thời tiền sử, động vật hoang dã tương tự như khu bảo tồn rừng hoang dã trong Kenya (Châu Phi).

Kết quả nghiên cứu

Từ những kết quả trên, Bảo tàng tỉnh đã lập hồ sơ, được Bộ Văn hóa Thể Thao ra quyết định xếp hạng Quốc gia số 15/QĐ-BVHTT, ngày 14/4/2003, với diện tích khoanh vùng bảo vệ 34,23ha, trong đó có cả chùa Nhẫm Dương và núi có hang động cần bảo vệ. Khi đón bằng, nội dung di tích đã được công bố, chính quyền và nhân dân địa phương đều biết, báo chí cũng giới thiệu rộng rãi. Chúng ta có thể tóm tắt lịch sử và giá trị di tích như sau:

- Khu di tích Nhẫm Dương, trong đó có động Thánh Hóa là di tích thời tiền sử quý hiếm, có hóa thạch động vật và con người các ngày nay từ 3-5 vạn năm, di tích loại này rất hiếm trên đất nước ta. Nó giúp chúng ta có cái nhìn trực quan về quá khứ xa xăm.

- Nơi có núi đá vôi với hang động điển hình, tuy không phải kỳ quan thì cũng là danh thắng một vùng, khi mà phần lớn núi non, hang động đã hy sinh cho công nghiệp hóa tại địa phương.

- Nhẫm Dương còn là nơi có ngôi chùa cổ, gắn liền với sự ra đời của thiền phái Tào Động, từng được mệnh danh là danh lam cổ tích từ thế kỷ XVII, mà bằng chứng vật chất và minh văn còn đến ngày nay.

Nguyên nhân của việc vi phạm Luật Di sản

Sau khi được xếp hạng Di tích quốc gia, di tích vẫn luôn bị xâm phạm. Vậy nguyên nhân từ đâu?

bm

       Hang động dần biến mất do nổ mìn phá đá của công ty xi măng Phúc Sơn.

          Phải chăng ngành văn hóa khi xếp hạng di tích đặc biệt này, không hiểu gì về phát triển kinh tế và công nghiệp mà khoanh vùng quá mức cần thiết? Phải chăng ngành công nghiệp và xây dựng, môi trường không hiểu về di tích lịch sử, văn hóa?

          Chắc chắn là không! Bởi cán bộ các ngành đó ngày nay đều có bằng cử nhân, thậm chí là tiến sĩ, một năm không thiếu những cuộc tập huấn khi luật mới ra đời, rồi các cuộc thi năng lực chuyên môn. Nhưng tình trạng vi phạm Luật Di sản vẫn xảy ra trong quá trình thi hành công vụ. Điều đó, theo tôi trước hết thể hiện sự thiếu hợp tác, thậm chí thiếu tôn trọng lẫn nhau trong quá trình công tác, hoặc vì lợi ích cục bộ, hoặc vì lười biếng nghiên cứu thực tiễn trước khi ra quyết định. Khi sự vi phạm bị phát hiện thì cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, giải quyết nửa vời, đôi khi sự thanh tra lại hợp lý hóa cho những hành vi sai trái, không một cá nhân nào bị khiển trách hoặc thi hành kỷ luật, không một ai tự nhận trách nhiệm về mình. Chúng ta biết rằng, ngày xưa khi đi rừng phải hỏi nhau cây lá ngón là như thế nào, nếu không biết ăn nhầm sẽ chết. Còn pháp luật ngày nay, nhất là Luật Di sản, không như  lá ngón nếu vi phạm, đương sự là cơ quan nhà nước vẫn vô sự, quá lắm đến khiển trách là cùng, trách nhiệm đó thuộc về tập thể, vì vậy việc vi phạm pháp luật nói chung còn là vấn đề nan giải mà những gì xảy ra ở di tích Nhẫm Dương chỉ là một ví dụ. Kết quả là, di sản lịch sử bị hủy hoại, thậm chí xóa sổ. Chúng ta biết rằng, con người chỉ có thể tạo ra những công trình cho tương lai, không thể sửa chữa quá khứ. Mà di sản là ký ức của quá khứ, giúp con người hiểu lịch sử thiên nhiên và của chính mình. Nói như giáo sư Hà Văn Tấn “Mất ký ức cũng như mất trí cũng chỉ là một mà thôi!. Hiện nay, khu di tích đã tạm yên nhưng không ai dám khẳng định trong tương lại nó được bảo toàn. Chúng tôi hy vọng, sau hội thảo này việc vi phạm Luật Di sản không xảy ra trên đất Hải Dương, hay Nhẫm Dương để chúng ta có thể tự hào, Hải Dương là miền quê văn hiến.

Tăng Bá Hoành
Chủ tịch Hội Sử học Hải Dương

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây