Làm theo phương pháp học tập đúng đắn
Thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội Đỗ Đức Trung xác định phương pháp học tập đúng được thể hiện ở ba điểm: Một là, học không quan trọng về thời gian mà về hiệu suất của nó, thà tập trung học hai tiếng còn hơn ngồi năm tiếng mà đầu óc cứ bị xao lãng vì ngoại cảnh. Hai là, không nên học một môn học quá 3 đến 4 giờ, phải thay đổi đề não có thể làm mới và giữ được sự tập trung. Ba là, phải nắm cơ bản lý thuyết, sau đó bắt tay vào làm bài tập, cái gì chưa hiểu thì phải hỏi thày, hỏi bạn, không được giấu dốt. Cuối cùng, phái tổng hợp kiến thức quan trọng và dạng bài tập cùng với những mẹo vặt vào một cuốn sổ nhỏ để dễ nhớ.
Một số thủ khoa khác thì tận dụng thời gian trên lớp để nắm chắc kiến thức, đồng thời coi trọng việc tự học tại nhà, việc học nhóm, cần đọc trước giáo trình để chuẩn bị tâm thế khi nghe bài giảng mới, thư giãn sau những lúc học tập căng thẳng bằng âm nhạc. Trong quá trình học tập ở nhà, sau mỗi bài học phải biết hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy để khắc sâu kiến thức, chia ra các dạng bài cụ thể, làm bài tập minh họa để rèn luyện kĩ năng. Với những bài làm chưa tốt, cần xem lại và tự đặt ra câu hỏi tại sao mình làm sai, khắc phục nguyên nhân để lần sau không mắc lại. Bằng cách tự làm bài kiển tra ở nhà đã rèn cho Pháp khả năng làm bài chính xác và sự tự tin khi tham dự các kỳ thi lớn hơn…
Những kinh nghiệm học tập trên đã củng cố cho “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.” Vì sao vậy? Xã hội ngày nay đang phát triển với tốc độ nhanh gấp bội, thông tin bùng nổ trong từng phút, từng giây, bởi thế, khi sẻ chia công việc cùng người khác, giúp cá nhân có nhiều kiến thức hơn, làm việc hiệu quả hơn. Nếu muốn nhanh chóng học được một kĩ năng bạn phải làm như thế nào? Bạn tự tìm hiểu hay nhờ người khác chỉ cho mình? Bạn luôn luôn có thể học hỏi từ nhiều người và học được rất nhiều điều bổ ích. Khi nghĩ về những phát minh sáng tạo của loài người, chúng ta thường nghĩ đó là sản phẩm của một cá nhân. Điều đó đúng. Nhưng khi tìm hiểu nguồn gốc của những thành quả đó, chúng ta sẽ thấy có công đóng góp gián tiếp của nhiều người
Phương pháp làm bài thi
Làm bài thi là một vấn đề khá phức tạp, nó không chỉ đòi hỏi các thí sinh phải nắm vững những kiến thức cơ bản, hiện đại, thực tiễn có liên quan đến nội dung đề thi mà còn yêu cầu các thí sinh phái có những kỹ năng quan trọng khác thuộc lĩnh vực kỹ thuật và tâm lý trong khi làm bài thi. Trong các việc làm để đạt được danh hiệu thủ khoa, kinh nghiệm làm bài thi có một vị trí không nhỏ.
Để tạo cho mình một tâm thế tự tin khi bước vào phòng thi, nhiều thủ khoa đã có những việc làm bổ ích. Ví như: Thủ khoa Bùi Đình Dũng đã chỉ ra kinh nghiệm những ngày cận thi phải giữ gìn tâm lí thoải mái, làm những bài tập cơ bản, không nên tập trung vào những dạng đề khó, nó sẽ làm cho bạn căng thẳng và tự ti hơn. Hãy cố gắng thi thử và tự làm đồng thời theo dõi thời gian làm bài để tạo ra cảm giác về thời gian tốt để điều chỉnh cũng như hoàn thiện dần kỹ năng. Với Thủ khoa Lê Trung Kiên thì trong quá trình làm bài cần chắc chắn trước, trong và sau khi làm bài. Đọc kỹ đề, từ lý thuyết đã được nắm chắc mà suy luận, phân tích bài. Rồi từ đó làm ra nháp nếu chưa thấy tự tin với cách làm và kết quả của mình. Sau đó là làm vào bài, soát lại quá trình làm và kiểm tra kết quả lần cuối. Quan điểm của Thủ khoa Đỗ Đức Trung muốn có được một kỳ thi như mong muốn bạn cần: phải chuẩn bị kỹ càng mọi đồ dùng và vận dụng cần thiết cho kỳ thi, đến sớm một chút nhằm tạo ra sự thoải mái khi vào phòng thi. Khi làm bài phải đọc kỹ đề, phân tích dạng bài để giải. Khi viết nháp nhớ phải để mỗi bài một tờ riêng, nhằm tránh nhầm lẫn, mặt khác nếu chưa giải được ngay thì những ý tưởng ban đầu về một bài nào đó cũng không bị mất và có thể sẽ được dùng lại sau khi hoàn thành các bài khác. Đồng thời tạo sự rạch ròi trong khi xử lý bài tập, tránh tình trạng mất bình tĩnh. Đối với Thủ khoa Nguyễn Hoàng Ân thì điều quan trọng nhất trong một kỳ thi là thái độ thận trọng và tự tin. Ân có thòi quen mỗi khi làm bài kiểm tra hoặc thi là thường xuyên có ý thức kiểm tra những điều mình viết ra, kiểm tra ngay trong lúc làm chứ không phải làm xong mới kiểm tra, điều này dẫn đến nguyên nhân tốc độ làm bài của Ân hơi “chậm”. Nhưng bù lại những câu làm được không bị sai sót gì và được điểm tối đa. Trước khi làm bài cần nhìn đề một cách tổng quát để lựa chọn phương pháp giải cho từng loại đề. Bất kỳ bài nào mà chưa tìm ra phương hướng thì ngay lập tức Ân chuyển qua bài khác. Sau khi nhin qua một lượt như vậy, Ân đã xác định dược một số bài có thể làm được, nháp một chút xem cách giải đã đúng chưa hay có vấn gì mới phát sinh hay không? Nếu có thì bỏ qua nghĩ sau, nếu không thì bắt tay vào làm. Với phần bài tập, điều đầu tiên phải quan tâm là xem phần câu hỏi trước, xem đề bài hỏi gì từ đó mà có phương án giải quyết hoặc có cách làm nhanh gọn hơn. Nói về phương pháp làm bài thi Thủ khoa Nguyễn Ngọc Hà tâm sự: Vào phòng thi tôi luôn dành thời gian để đọc đề một đến hai lần và tôi luôn áp dụng câu: “bài nào dễ làm trước, bài nào khó làm sau”. Đôi khi thi cử không như ý, đừng bao giờ nói: “học tài thi phận, thi cử có số”, phải tạo cho mình tinh thần cầu tiến, luôn đặt ra những câu hỏi: Tại sao mình làm sai? Tại sao mình lại không nghĩ ra cách làm bài? Khi có tinh thần cạnh tranh lành mạnh là rất tốt, lúc đó sẽ tạo ra thi đua trong học tập và cùng nhau tiến lên. Là Thủ khoa của Đại học Y Thái Bình, Chu Thị Kim Liên đã sưu tầm cho mình “một ngân hàng đề thi”, tự mày mò phương pháp giải và kiểm định kết quả. Với mỗi đề thi khi bắt tay vào làm, Liên bấm thời gian sát như yêu cầu trong đề thi để có thể định lượng được chất lượng phần trăm làm bài của bản thân. Dù không phải ngồi trong phòng thi nhưng Liên rất nghiêm túc thực hiện những yêu cầu như khi thi thật. Theo cách nghĩ của Liên ý thức được việc mình cần làm là điều quan trọng nhất trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Với sự nhận thức đúng đắn về quan điểm “chuẩn bị tốt là thành công một nửa”, Thủ khoa Đại học Y Hà Nội Bùi Đức Ngọt đã làm phong phú kỹ năng làm bài thi của mình bằng cách tìm kiếm, sưu tầm các bộ đề thi Online trên các trang trực tuyến như Moon.vn, luyenthi,com… rồi chuyển khoản một số tiền để mua về giải. Do nội dung các bộ đề có phạm vi kiến thức sâu rộng, phong phú, đa dạng nên việc giải các bộ đề thi này đã giúp Ngọt gia tăng được sự hiểu biết của mình.
Trước mỗi kỳ thi, Thủ khoa Học viện Quân Y Lê Văn Tùng đã luyện cho mình một cái “đầu lạnh” để có thể đối phó với mọi tinh huống. Có thể tham gia các kỳ thi thử để luyện tập, làm quen với không khí thi để tránh bị “choáng”. Đồng cảm với cách làm của Tùng, Thủ khoa Nguyễn Chí Long đã tham gia nhiều kỳ thi thử tại các trung tâm có uy tín trên địa bàn Hà Nội. Mỗi đợt thi thử đem lại cho Long niềm tin trước khi bước vào kỳ thi chính thức .
Qua phần tham khảo trên, mỗi học sinh, sinh viên có thể tiếp thu được những bài học kinh nghiệm quí giá trong quá trình học tập nói chung , thi cử nói riêng. Tuy phương pháp làm bài thi của các Thủ khoa mang những sắc thái khác nhau vì nó phụ thuộc vào khối thi và những điều kiện chủ quan, khách quan đối với mỗi người. Nhưng trong đó có một điểm chung, đó là quá trình chuẩn bị. Và trên thực tiễn hoạt động của nhiều nhà khoa học đã khẳng định: “Chuẩn bị tốt là thành công một nửa”. Đây là sự chuẩn bị thiên hướng tâm lý của mỗi em đứng trước những yêu cầu cao của kỳ thi nhằm tạo ra sự ổn định về tinh thần, đảm bảo tính bền vững có mục đích rõ rệt của hoạt động trong quan hệ với các môn thi. Cái đáng quý của những thí sinh có tâm thế chuẩn bị tốt đối với bất kỳ hoạt động nào là ở chỗ họ coi nỗi sợ hãi, tốn công, mất sức là người bạn đồng hành thường xuyên nhắc nhở họ phải thận trọng, chu đáo trong từng bước đi. Người thành công không phải là người dẹp được sự lo âu, sợ hãi mà là người lường trước được mọi sự việc có thể xảy ra để chọn cho mình cách ứng xử thích hợp. Biết mình là ai, trên cơ sở đó cần chuẩn bị những gì khi triển khai một hoạt động, chính là sợi chỉ hồng dẫn đường cho những ai muốn thành công trong sự nghiệp.
Một thực tế cho thấy, do có sự chuẩn bị ôn tập tốt nên đã có khá đông các em vốn là con nhà nghèo, có nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, sáng đi học, chiều lại đi chăn trâu hoặc đi bán đậu hũ với mẹ nhưng vẫn vươn lên đạt kết quả thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh, đại học, cao đẳng. Ví như: em Nguyễn Quốc Trị (Thanh Hóa) đỗ thủ khoa Học viện Tài chính, Phạm Thị Ngọc Biểu (Đắc Lắc) thủ khoa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Phương Nam (Phú Xuyên Hà Nội) thù khoa Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)...
Có thể nói: làm tốt công tác chuẩn bị trước khi tiến hành một hoạt động cụ thể sẽ tạo ra cho mỗi người trạng thái tâm lý thoải mái, tự tin vào sự thành công. Bất kỳ ai, dù ở cương vị nào, muốn tìm thấy niềm tự hào và hạnh phúc trong sự nghiệp và cuộc sống của mình đều phải nghiêm túc chuẩn bị hành trang vì đó là chìa khóa mở cửa sự thành công.
TS. Phạm Nguyên Thảo