Phong trào nghiên cứu khoa học ở trường Đại học Hải Dương

Thứ năm - 28/01/2016 14:07 504 0
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác NCKH và phát triển công nghệ, trong nhiều năm qua Trường Đại học Hải Dương đã coi NCKH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, giữ vị trí đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định uy tín, vị thế, thương hiệu của Nhà trường.
Đại học Hải Dương.
Đại học Hải Dương.

Thực tế đã chứng minh, nghiên cứu khoa học (NCKH) có vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Trong giáo dục đại học, NCKH được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. NCKH có tầm quan trọng đặc biệt trong giáo dục đại học vì không những góp phần nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo ra những tri thức mới, sản phẩm mới phục vụ cho sự phát triển của xã hội. Khẳng định tầm quan trọng của NCKH, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa VIII đã chỉ đạo: "Các trường đại học phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống".

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác NCKH và phát triển công nghệ, trong nhiều năm qua Trường Đại học Hải Dương đã coi NCKH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, giữ vị trí đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định uy tín, vị thế, thương hiệu của Nhà trường.

1. Vài nét về Trường Đại học Hải Dương

Trường Đại học Hải Dương là Trường công lập, được thành lập ngày 26-7-2011, trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hải Dương và được đổi tên ngày 1-3-2013 theo Quyết định số 378/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ. Trường thành lập theo mô hình trường đại học công lập cấp tỉnh, trực thuộc Ủy ban nhân dân Tỉnh; Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước về chuyên môn. Là một trường đại học địa phương, nên việc đẩy mạnh hoạt động NCKH không chỉ nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển đội ngũ của Nhà trường, mà còn nhằm góp phần phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương. Cũng như các trường đại học địa phương trên cả nước nói chung, Đại học Hải Dương luôn phát huy vai trò là trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của Tỉnh nhà. Bên cạnh chức năng, nhiệm vụ: đào tạo nhân lực tại chỗ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo điều kiện cho con em địa phương, gia đình khó khăn có điều kiện tiếp cận với giáo dục đại học, Trường đang tích cực chuẩn hóa, tiếp cận các mô hình đào tạo hiện đại để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về khoa học, công nghệ, quản lý đáp ứng nhu cầu về kinh tế - xã hội của địa phương, vùng miền lân cận, thích nghi được không chỉ với điều kiện lao động trong nước mà còn có khả năng thích ứng, hội nhập thành công trong khu vực và trên thế giới. Để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, song song với giảng dạy, Đại học Hải Dương đặc biệt quan tâm đến hoạt động NCKH, lãnh đạo Trường sớm xác định được đây là hai yếu tố nòng cốt để đánh giá chất lượng của một trường đại học.

2. Nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Hải Dương.

Từ việc xác định ở một trường đại học, hai nhiệm vụ chính và quan trọng nhất là: đào tạo và NCKH. Đây là hai hoạt động có mối quan hệ hữu cơ, gắn kết chặt chẽ và hỗ trợ cho nhau, đồng thời là nhiệm vụ chiến lược của nhà trường. Trong đó việc giảng viên, sinh viên tích cực tham gia các hoạt động NCKH là một trong những giải pháp hàng đầu để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. NCKH tạo cơ sở, điều kiện, tiền đề nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy trên giảng đường. Ngược lại, công tác giảng dạy phản ánh kết quả của hoạt động NCKH. Để nâng cao năng lực NCKH của cán bộ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo, trong những năm qua Trường Đại học Hải Dương đã thực hiện tốt các vấn đề sau:

2.1. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường

Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh hoạt động NCKH. Trường đã xây dựng lộ trình và biện pháp để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ giảng viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy và NCKH. Trong các năm qua, số lượng cán bộ giảng viên có trình độ cao của nhà trường không ngừng tăng cao. Đến nay, đội ngũ CB-VC, GV-LĐ toàn trường có 329 người, tăng so với năm 2011 là 69 người = 29,5%, trong đó 87% trong độ tuổi dưới 40. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường đảm bảo cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng với chuyên môn đa ngành: kinh tế, kỹ thuật, chính trị, xã hội.

Riêng về đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tăng rất nhanh: từ 01 tiến sỹ và 05 thạc sỹ năm 2009, đến nay đã có 03 PGS, 26 TS, 16 thạc sỹ - nghiên cứu sinh (NCS); 223 thạc sỹ và học viên cao học (chiểm 80% tổng số CB-VC, GV-LĐ); số GV - LĐ còn lại đang tích cực ôn thi và học cao học trong năm 2015-2016. Hiện có hơn 160 thạc sỹ và chuẩn bị bảo vệ luân văn thạc sỹ đã đăng ký, đang làm hồ sơ xét tuyển NCS. Ngoài ra, Nhà trường đã hợp đồng với trên 100 GS, tiến sỹ, chuyên gia làm thỉnh giảng và hợp tác nghiên cứu khoa học. Có được kết quả đó là vì Nhà trường có chính sách khuyến khích, động viên cán bộ giảng viên đi học, mặt khác, có ưu đãi đặc biệt để thu hút các nhà khoa học, những người có chuyên môn nghiệp vụ cao về Trường công tác nhằm nâng cao năng lực NCKH trong Nhà trường.

2.2. Thực hiện chính sách động viên, khuyến khích giảng viên nghiên cứu, thực hiện đề tài NCKH, đặc biệt chú trọng đề tài có tính ứng dụng cao

Thông qua NCKH giúp giảng viên có điều kiện đào sâu hơn, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung kiến thức chưa chuẩn xác trong bài giảng của mình. Người giảng viên tham gia NCKH một mặt vừa củng cố lại kiến thức chuyên môn của mình, mặt khác vừa có điều kiện mở rộng, hiểu biết nhiều hơn những kiến thức từ các chuyên ngành khác; quá trình thực hiện các hoạt động NCKH là cơ hội tốt để giảng viên có môi trường, cơ hội bồi dưỡng năng lực NCKH; thông qua việc NCKH, sẽ tăng thêm sự hiểu biết về ngành nghề, góp phần hình thành và bồi dưỡng tình cảm nghề nghiệp cho giảng viên, đồng thời NCKH tạo điều kiện cho giảng viên tìm ra phương pháp giảng dạy có hiệu quả nhất. Chính vì những lý do đó Nhà trường đã có nhiều chính sách, ưu đãi đối với hoạt động NCKH của cán bộ giảng viên và các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Trong gần 4 năm xây dựng Trường Đại học Hải Dương, phong trào nghiên cứu khoa học khối cán bộ, giảng viên trong các năm qua có sự phát triển đáng kể về số lượng và chất lượng. Nhiều đề tài đã được công nhận và đang triển khai áp dụng mang lại hiệu quả như: 03 đề tài cấp tỉnh gồm: “Nghiên cứu phát triển năng lực đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ giai đoạn 2012 - 2020 của Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Hải Dương (nay là Trường Đại học Hải Dương)”(đã được nghiệm thu), Đề tài: “Nghiên cứu áp dụng mô hình đào tạo theo học chế tín chỉ bậc đại học cho khối ngành Kinh tế - Kỹ thuật tại tỉnh Hải Dương” (NCS.Ths Vũ Đức Lễ chủ nhiệm đề tài, đã được nghiệm thu 7/2015); Đề tài: “Đánh giá kết quả thực hiện dồn điền, đổi thửa và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2015 -2020” (TS Tô Văn Sông chủ nhiệm đề tài, đã được nghiệm thu 6/2015); năm 2015 Nhà trường đang triển khai thực hiện nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy-học và nghiên cứu khoa học theo hướng hiện đại gắn liền với thực tiễn và năng lực ngoại ngữ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Hải Dương”; nhiều công trình NCKH ở các lĩnh vực chuyên môn khác nhau của các tác giả đã được công bố trên các tạp chí có uy tín, trong các Hội nghị, Hội thảo trong và ngoài nước,  trên ấn phẩm tạp chí Đại Học Hải Dương. Cùng với các đề tài cấp tỉnh, năm 2014 có 253 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm (6 sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ giảng viên Nhà trường được xếp loại sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh), nhiều đề cương bài giảng, giáo trình các chuyên đề (liên bài, liên môn, liên ngành) đã và đang được ứng dụng vào công tác giảng dạy, và bước đầu thu được kết quả tốt. Việc soạn giáo trình, giáo án, hay viết sáng kiến kinh nghiệm là cơ hội để cán bộ, giảng viên tự học, tự nghiên cứu. Hoạt động nghiên cứu khoa học đã thực sự thu hút sự tham gia của tất cả cán bộ, giảng viên góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường, giúp Nhà trường tiết kiệm hàng chục triệu đồng, hơn nữa thông qua nghiên cứu đề tài đã giúp cho giảng viên và HSSV ngành Kỹ thuật điện, điện tử rèn luyện được kỹ năng thực hành nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn...

Các công trình NCKH trên là sản phẩm của quá trình tích lũy kiến thức và kinh nghiệm của tác giả nghiên cứu, đã phát huy vào thời điểm thích hợp để tạo ra các sản phẩm trí tuệ, thỏa mãn được ba yêu cầu cơ bản: tính mới, tính khoa học và tính thực tiễn. 

2.3. Tổ chức nhiều hình thức để sinh viên có cơ hội tham gia NCKH

Đẩy mạnh NCKH trong sinh viên chính là triển khai thực hiện nguyên lý giáo dục của Đảng "Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội" góp phần nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện. Để đẩy mạnh hoạt động NCKH của sinh viên, hàng năm Nhà trường đã tổ chức các hội nghị NCKH của sinh viên. Phong trào NCKH trong HSSV phát triển sâu rộng và hiệu quả, nhiều HSSV đã tích cực tham gia và có những sáng kiến cải tiến như: phong trào “ Sinh viên Trường Đại học Hải Dương với phong trào đổi mới phương pháp học tập và rèn luyện”; “Tự học tập, sáng tạo trong học sinh sinh viên”…; thiết kế các bảng chữ điện tử, chế tạo các mô hình học cụ; chế tạo và tham gia cuộc thi sáng tạo Robocon…;

Ngoài ra, Nhà trường còn mở cuộc hội thảo về phương pháp, kinh nghiệm học tập, nghiên cứu đề tài, viết chuyên đề, tiểu luận, luận văn tốt nghiệp ở bậc đại học; nghiên cứu trao đổi nội dung các chuyên đề cơ bản… nhằm giúp sinh viên nắm chắc kiến thức và phương pháp NCKH.

NCKH trong sinh viên góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, góp phần phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, khả năng nghiên cứu khoa học độc lập, hình thành năng lực tự học cho sinh viên;

3. Một số giải pháp thúc đẩy hoạt động NCKH nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường

Từ những kết quả đã đạt được, trong quá trình tổ chức và thực hiện nhiệm vụ NCKH vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục: Số lượng các bài báo khoa học của cán bộ, giảng viên được công bố trên các hội nghị, hội thảo, các tạp chí có uy tín trong và ngoài nước còn ít, chủ yếu tập trung vào một số đồng chí có trình độ Tiến sĩ và các đồng chí đang đi làm nghiên cứu sinh; Công trình nghiên cứu được công bố chủ yếu phục vụ công tác đào tạo, chưa gắn nhiều với doanh nghiệp và đời sống. Để đẩy mạnh phong trào NCKH , trong thời gian tới cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

- Lãnh đạo Trường quan tâm định hướng NCKH cho giảng viên, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo của Trường.

- Tăng cường cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động nghiên cứu. Giải pháp này cần thực hiện đồng bộ ở các cấp, không chỉ thực hiện ở cấp trường, cấp tỉnh mà cần tăng thêm ngân sách hàng năm của Nhà nước, tích cực huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động nghiên cứu khoa học; tăng kinh phí cho các đề tài nghiên cứu và đầu tư thêm cho các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu.

- Tiếp tục có chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng cán bộ nghiên cứu khoa học có trình độ cao, đặc biệt là cán bộ trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; có cơ chế giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho cán bộ giảng viên, đặc biệt là cán bộ trẻ; thành lập các nhóm nghiên cứu của sinh viên, học viên giỏi trong Nhà trường.

- Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cá nhân trong nước với các đối tác nước ngoài; thu hút đầu tư nước ngoài thông qua các dự án nghiên cứu tại Việt Nam. Tạo điều kiện cho giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học có nhiều cơ hội tiếp xúc, tham gia những hoạt động nghiên cứu, hội thảo ở các địa phương trong nước và các nước có nền khoa học, giáo dục phát triển; tham khảo một số mô hình trường đại học địa phương của một số nước trên thế giới; dành một khoản ngân sách riêng cho những giảng viên có kết quả nghiên cứu được công nhận.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ giảng viên, sinh viên, học viên trong Nhà trường và của xã hội về vai trò là động lực then chốt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của công tác nghiên cứu khoa học, tạo không khí thi đua lao động sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng nghiên cứu khoa học vào giảng dạy, đào tạo, phục vụ sản xuất, kinh doanh và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Có thể nói, hoạt động NCKH gắn liền với hiệu quả của giáo dục và đào tạo, đây là điều kiện hình thành cơ chế chính sách quản lý thích hợp đối với trường đại học địa phương. Chú trọng công tác NCKH tạo tiền đề để Trường Đại học Hải Dương phát huy tính sáng tạo trong thực hiện mục tiêu gắn kết chương trình giảng dạy với NCKH, nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương có kiến thức vững vàng, phát huy năng lực ngay sau khi về công tác ở cơ sở, thích ứng ngay với môi trường mới của nền kinh tế tri thức trong giai đoạn hiện nay.

                                                            TS Tô Văn Sông
                                                           Trường Đại học Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây