Phòng chống bạo hành nhân viên y tế

Thứ bảy - 27/02/2021 16:09 402 0
Thời gian gần đây, các vụ hành hung cán bộ y tế ngày càng gia tăng với tính chất ngày càng đa dạng, nguy hiểm. Ngoài những vụ hành hung thân thể thực tế nhiều thầy thuốc còn phải chịu đựng cả những hành vi đe dọa về mặt tinh thần như bị lăng mạ, dọa dẫm.
Trước thực trạng đó, có thể thấy rằng nguồn gốc của vấn đề là nhận thức về quan hệ giữa người với người. Do đó, muốn thay đổi đòi hỏi phải thay đổi từ gốc, từ trong nhận thức của chính nhân viên y tế cũng như người bệnh và cần sự vào cuộc của toàn xã hội chứ không riêng gì ngành Y tế hay công an.
Vấn nạn bạo hành nhân viên y tế diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới từ các nước phát triển đến những nước đang phát triển. Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới có 8% – 38% nhân viên y tế bị bạo hành ở nơi làm việc. Tuy nhiên, chưa thống kê đầy đủ về bạo hành tinh thần như nhục mạ, chửi bới,… 
Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, từ năm 2010 đến hết năm 2017, cả nước ghi nhận có ít nhất 22 vụ việc bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung. Các vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến Trung ương chiếm 20%. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà. 
1434413483 qehwimg 2215 edde2 lhxk
Nhân viên y tế bị bạo hành tại nơi làm việc.

Môi trường bệnh viện (BV) đang trở nên mất an toàn khi tình trạng hành hung nhân viên y tế đã trở thành vấn đề nóng được đề cập nhiều trong thời gian qua. Các vụ việc trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh; ảnh hưởng tinh thần, tính mạng, động lực và sự tận tụy của đội ngũ thầy thuốc. Đó còn là sự xúc phạm, tổn thương danh dự, nhân phẩm, tự trọng nghề nghiệp của những người hành nghề y. Thậm chí, gây nên nỗi sợ hãi khi hành nghề.
Đáng nói là các y - bác sĩ (BS) bị hành hung, đe dọa, xúc phạm bởi chính người nhà của bệnh nhân (BN) mà mình dốc sức cứu chữa. Hành vi côn đồ đang ngang nhiên hoành hành, bất chấp đạo lý, nhân tính con người. Tổng hội Y học Việt Nam đã có nhiều công văn hỏa tốc về các sự việc nói trên. Đã có những đối tượng bị xử tù giam từ 9 tháng đến 2 năm nhưng cũng không ít trường hợp khác chỉ bị tam giam rồi… xử lý hành chính. Dường như chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng này.
Có một thực tế là công chức, viên chức ngành y tế không được hưởng quyền lợi được luật pháp bảo vệ như đang thực thi công vụ. Ngoài ra, do đặc thù nghề nghiệp, nên dù bị người ta mắng chửi, hành hung, các BS cũng không được từ chối khám, chữa bệnh cho họ vì nhiệm vụ của ngành y là không được từ chối khám, chữa bệnh cho BN. Vì vậy, chúng tôi góp thêm một kiến nghị Quốc hội cần cho ban hành Luật Phòng, chống bạo hành nhân viên y tế. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có bộ luật này với các điều khoản quy định rất rõ ràng mức tăng nặng đối với các hành vi bạo hành cán bộ y tế đang chăm sóc BN cũng như mức đền bù về sức khỏe và tinh thần. Không thể có chuyện đánh, tát cán bộ y tế với lý do chung chung là bức xúc rồi sau đó chỉ cần nộp phạt hành chính là xong.
Mong muốn hơn nữa là khi bộ luật ra đời, Bộ Công an, Bộ Y tế có thêm những văn bản dưới luật để cụ thể hóa điều luật này cho các cán bộ y tế yên tâm làm việc.
BV là nơi cần sự yên tĩnh, trật tự để nhân viên y tế tập trung sức lực và trí tuệ giúp BN qua cơn hiểm nghèo và cũng là để BN tĩnh dưỡng. Khi nhân viên y tế bị hành hung, lập tức sẽ ảnh hưởng đến những BN khác trong khu vực đó, đặc biệt trong trường hợp nhân viên y tế đang cấp cứu cho một BN khác mà bị hành hung sẽ bị gián đoạn công việc, gây nguy hiểm đến tính mạng BN.
nhan vien y te bi bao hanh tai noi lam viec nhieu gap 16 lan so voi nghe khac1506521375
Cần có quy định pháp luật bảo vệ nhân viên y tế.

Chúng tôi cũng đề nghị các cơ sở y tế khi xảy ra các vụ hành hung cán bộ của mình cần kiên quyết xử lý, gửi các văn bản kiến nghị đến các cơ quan pháp luật, báo cáo sở y tế, hội y học địa phương để cùng phối hợp, theo dõi giám sát quá trình xử lý nghiêm minh.
Ngoài ra, cộng đồng cần lên án những hành vi côn đồ đối với cán bộ, nhân viên y tế. Những sai phạm của cán bộ y tế nếu có sẽ bị xử lý kỷ luật ở các mức độ khác nhau, thậm chí buộc thôi việc, chịu án phạt. Tuy nhiên, cán bộ y tế cần được bảo đảm an toàn trong hành nghề và mọi sự xâm phạm, bạo hành cần phải bị lên án và xử lý nghiêm minh vì vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo đức. Bất cứ lý do gì biện minh cho việc xâm hại sức khỏe và tinh thần đối với cán bộ y tế chỉ thể hiện sự thấp kém về nhận thức và văn hóa. 
Mặt khác, trước sự gia tăng của vấn nạn bạo hành trong bệnh viện, ngày 19/6/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung khoản D Điều 134 trong dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về tình tiết tăng nặng khi phạm tội cố ý gây thương tích đối với người “chữa bệnh cho mình”. Theo đó, tăng mức phạt đối đa lên tới ba năm tù. Bộ trưởng Y tế cũng đã gửi công văn đến Bộ trưởng Công an đề nghị lực lượng công an phối hợp, tăng cường kiểm soát trật tự trong các bệnh viện và các khu vực chung quanh.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh và chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế ở nơi xảy ra các sự việc và nhận thức của người nhà người bệnh khi thực hiện nghĩa vụ trong khám, chữa bệnh chưa thực sự đầy đủ. Ở các nước phát triển bên cạnh việc bảo vệ nhân viên y tế bằng các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, các hành vi xâm phạm nhân viên y tế cho dù chỉ là lời nói đều bị trừng phạt rất nặng. 
“Pháp luật là điều cực kỳ quan trọng để phòng, chống bạo hành, từ trước đến nay, pháp luật vẫn coi những vụ đánh đập nhân viên y tế chỉ giống như những va chạm ngoài xã hội. Do vậy, khi xảy ra bạo hành đầu tiên là giám định, tỷ lệ thương tật dưới 11% sẽ không bị truy tố mà chỉ giải quyết về mặt hành chính và hòa giải với nhau. Hầu hết tất cả các bác sĩ đều biết rằng đại đa số bị đánh đến mức thương tật nhưng tỷ lệ vẫn dưới 11% bởi đa số y, bác sĩ không muốn sự việc to thêm, do đó xu hướng im lặng và không báo lên trên. Từ đó tôi cho rằng đã đến lúc pháp luật phải xây dựng ít nhất một điều luật đó là tội chống cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế, đưa vào thành tội của Bộ luật Hình sự và xa hơn nữa phải xây dựng lại toàn bộ luật về y tế để đảm bảo cho môi trường y tế có thể được làm việc an toàn mà không xảy ra những tình trạng bạo hành”, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn chia sẻ.  
Tăng Thị Duyên
Hội Điều dưỡng tỉnh Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây