Phát triển vùng chuyên canh bò thịt cao sản cho ngành chăn nuôi Hải Dương

Thứ tư - 05/07/2017 13:46 423 0
Trong những năm gần đây, chăn nuôi bò ở nước ta phát triển mạnh, chuyển đổi từ chăn nuôi kiêm dụng (thịt-cày kéo) sang chăn nuôi chuyên dụng (chuyên thịt), đã cung cấp nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng cho xã hội, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Hiện nay, chăn nuôi bò thịt đã trở thành một ngành chuyên môn hóa cao, khai thác tối đa, tiềm năng di truyền của các giống bò thịt cao sản trên thế giới, tạo ra các tổ hợp gen tốt trên cơ sở lai tạo với bò vàng Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016 tổng đàn bò trong cả nước có 5,48 triệu con, nhưng mới chỉ sản xuất được lượng thịt bò chiếm 5,2% tổng sản lượng thịt hơi. Riêng tỉnh Hải Dương, tổng đàn bò tính đến 01/10/2016 là 20.314, trong đó có 16.606 con bò lai Sind chiếm 81,63%. 
Cùng với xu thế phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng thịt bò của người tiêu dùng ngày càng tăng, đặc biệt là thịt bò chất lượng cao. Do vậy, việc phát triển chăn nuôi bò thịt có năng suất, chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm đáp ứng đầy đủ số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm thịt bò cho thị trường trong nước, tăng lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm thịt bò nhập ngoại, góp phần vào thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 của Chính phủ.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang nhập khẩu những giống bò chuyên thịt cao sản như: Brahman,  Droughmaster, Red Angus từ những nước tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Australia…, về cải tạo đàn bò của Việt Nam. Các nhà khoa học đã thử nghiệm thành công các tổ hợp lai trên nhiều địa phương trong nước, đều khẳng định con lai của các giống bò này với bò Việt Nam có khả năng chịu bệnh tật tốt với nhiều vùng sinh thái của Việt Nam, cho hiệu quả chăn nuôi cao. Giống bò cái lai sinh sản tốt, mắn đẻ, nuôi con khéo, hiền lành, năng suất, chất lượng thịt cao, tỷ lệ xẻ thịt cao đạt từ 52-54%, được phối giống với các giống bò thịt cao sản là cặp đối thích hợp nhất, hiệu quả nhất.
 

C Ông Nguyễn Ngọc Thái (bên trái), chủ nhiệm đề tài kiểm tra đàn bò

        Ông Nguyễn Ngọc Thái (bên trái), chủ nhiệm đề tài kiểm tra đàn bò.

Năm 2015-2016, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt và giao cho Trung tâm Tư vấn, bồi dưỡng và phát triển khoa học công nghệ, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình nuôi bò lai hướng thịt chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tỉnh Hải Dương”. Chủ nhiệm đề tài là Ths Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, bồi dưỡng và phát triển khoa học công nghệ.  Trong hai năm nghiên cứu với quy mô 150 con bò lai ở hai huyện Tứ Kỳ, Nam Sách và Thị xã Chí Linh được lai với bò đực Brahman, Droughmaster là giống bò đực mới nhập nội. Nghiên cứu cho thấy ba tính năng cơ bản để đánh giá chất lượng bê lai là tính năng sinh sản, tính năng sản xuất, và tính thích nghi trong điều kiện chăn nuôi của các nông hộ vùng ven sông Kinh Thày, sông Thái Bình. Kết quả đạt được như sau:

- Tính năng sinh sản: Tỷ lệ thụ thai lần đầu cao đạt 86%; tỷ lệ phối lặp thấp khoảng 14%; thời gian mang thai trung bình 283 ngày; khối lượng bê sơ sinh đạt  trung bình 28-29 kg/con (cao hơn lai Sind từ 4-5kg/con, có khoảng trên 20% đạt khối lượng 33,5-34 kg/con).

- Tính năng sinh trưởng (sản xuất): Bê lai có kiểu hình như màu lông, hình dáng được người dân rất ưa thích như đỏ, cánh gián, lai lườn, mông to, rộng háng, sừng cong, cánh lá, vai to, tròn mình… Khối lượng lúc 03 tháng tuổi đạt 88-90 kg/con; lúc 06 tháng tuổi đạt 149-151 kg/con; lúc 09 tháng tuổi đạt 206-208 kg/con và lúc 12 tháng tuổi đạt 269-272 kg/con (có khoảng trên 20% đạt khối lượng từ 3000-350kg/con). Bình quân tăng trọng của bê lai là 700 gram /ngày/con (có con đạt 800-900gram/ngày/con). Tỷ lệ thịt xẻ đạt 53,04% (kg thịt xẻ/kg bê hơi); tỷ lệ thịt tinh đạt 77,63%% (thịt tinh/thịt xẻ); tỷ lệ nội tạng đạt 8-10% (nội tạng/hơi).

- Tính thích nghi: Bê lai được tạo ra từ bò cái lai Sind của một số hộ nuôi bò cái lai tham gia thực hiện đề tài với bò đực giống Brahman, Droughemaster có tính kháng bệnh cao. Bệnh lở mồm, long móng, tụ huyết trùng, say nắng, cảm lạnh không xảy ra trong hai năm theo dõi; một số bệnh thông thường như tiêu chảy, viêm khớp, viêm phổi… có khoảng từ 1,18-2,08%, riêng tiêu chảy khoảng 6-7% ở bê con. Đối với bê lai có thể tận dụng tốt thức ăn trên đồng bãi và phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cà rốt, su hào, bắp cải…

Qua khảo sát tại một số hộ chăn nuôi bò lai về hiệu quả kinh tế cho thấy  những con bò được lai tạo từ bò cái lai phối giống bằng các giống bò thịt cao sản  Brahman, Dronghmaster, khi bán ở 5-6 tháng tuổi, năm 2015 có giá từ 15-16 triệu/con, cao hơn bò khác từ 4-5 triệu đồng/con.

Chăn nuôi trâu bò là nghề truyền thống của người dân Hải Dương, được tập trung phát triển mạnh ở các địa phương có vùng bãi bồi ven hệ thống sông Thái Bình, Kinh Thầy, sông Luộc, thuộc các huyện Nam Sách, TX Chí Linh, Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Tp Hải Dương, Ninh Giang với tổng số 20.314 con. Nhưng hàng năm tỷ lệ bò được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo rất thấp. Theo số liệu của Trung tâm giống gia súc lớn Trung ương, năm 2015-2016 mỗi năm Hải Dương tiêu thụ 2000-3000 liều tinh.

Hải Dương là một tỉnh nông nghiệp nằm trong tam gác phát triển Hà Nội- Hải Phòng-Quảng Ninh. Do vậy, nhu cầu và thị trường tiêu thụ thịt bò, nhất là thịt bò chất lượng cao là rất lớn. Sản lượng thịt bò còn thấp, chất lượng chưa cao, tổng đàn giảm lớn so với năm 2006 (năm 2015 là 20.324 con, năm 2006 là 56.800 con), khiến cho đàn bò của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong tỉnh và khu vực. Một trong những nguyên nhân đó là từ năm 1993-2002, Hải Dương đã đào tạo khoảng 70 dẫn tinh viên thụ tinh nhân tạo bò, chủ yếu là các chủ bò đực giống, cán bộ thú y, chăn nuôi của xã, huyện. 
Nhưng đến năm 2015, chỉ còn lại 5 dẫn tinh viên thụ tinh nhân tạo bò, có độ tuổi từ 40-70 tuổi. Cơ sở vật chất kỹ thuật như: bình đựng ni tơ, tinh, súng bắn tinh, dụng cụ phụ kiện kèm theo… đều là của cá nhân các dẫn tinh viên tự mua, từ nhiều nguồn để hành nghề. Hệ thống  mạng lưới dẫn tinh viên không được đầu tư và không có sự quản lý của các cơ quan chuyên môn ở địa phương. Trong khi mạng lưới thụ tinh nhân tạo lợn hiện nay của tỉnh được quản lý chặt chẽ bởi Trung tâm giống gia súc Hải Dương. Như vậy, việc đầu tư củng cố mạng lưới thụ tinh nhân tạo bò và đào tạo dẫn tinh viên, nâng cao đầu tư về kỹ thuật phối giống thụ tinh nhân tạo bò để đưa giống bò cao sản vào là hết sức cần thiết cho sự phát triển đàn bò thịt của tỉnh.

Việc “ phát triển vùng chăn nuôi chuyên canh bò thịt cao sản, chất lượng cao phù hợp với điều kiện của Hải Dương” là hướng đi tích cực và hiệu quả. Nhằm cải tạo nhanh về số lượng, nâng cao năng suất chất lượng đàn bò thịt của tỉnh, đáp ứng nhu cầu về tiêu thu thịt bò ngày càng lớn, khai thác tối đa tiềm năng chăn nuôi bò của tỉnh, mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi, đưa nhanh được giống bò chuyên thịt cao sản của thế giới, tạo ra những tổ hợp gen quý, làm tươi mới và đa dạng di truyền trên đàn bò của tỉnh, góp phần đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, thực hiện thắng lợi chương trình nông thôn mới của tỉnh.

 

 ThS Nguyễn Ngọc Thái
Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Bồi dưỡng và Phát triển KH-CN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây