Hải Dương đang trên đà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng nông nghiệp vẫn là một ngành chủ đạo, mang lại thu nhập chủ yếu cho người nông dân, nhất là rau màu, cây trái.
Tuy nhiên, để nông nghiệp phát triển bền vững, vươn ra được những thị trường quốc tế đòi hỏi cao về nguồn gốc sản phẩm như Mỹ, Châu Âu hay một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… thì chúng ta phải khuyến khích và có cơ chế giúp người nông dân chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC).
Hiểu nôm na sản xuất NNHC là phương thức sản xuất thực phẩm không phân bón hóa học, không sử dụng các loại thuốc hóa học trong bảo vệ chăm sóc thực vật, nguồn nước tưới đảm bảo không ô nhiễm, đảm bảo giống không phải biến đổi gen. Nông nghiệp hữu cơ tạo ra nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao hơn, an toàn cho sức khỏe con người hơn so với dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học; giúp duy trì tăng độ màu mỡ của đất; duy trì và bảo vệ môi trường, về lâu dài tiết kiệm chi phí sản xuất.
Tiêu chuẩn NNHC rất khắt khe về khâu giống đảm bảo đó là giống thuần chủng, không có thành phần biến đổi gien (GMO), nước tưới và đất trồng đảm bảo không ô nhiễm hóa chất và những yếu tố phụ trợ khác đều có tiêu chuẩn phù hợp. Trên thế giới, có nhiều quốc gia thành lập những tổ chức cấp chứng nhận cho NNHC, mỗi tổ chức đều những tiêu chuẩn riêng. Khi sản phẩm nông nghiệp đạt được những tiêu chuẩn đó sẽ được cấp chứng nhận. Chứng nhận này có logo riêng, được cấp theo thời gian nhất định, thường là một năm, sau đó muốn cấp chứng nhận tiếp thì người sản xuất phải chứng minh được những sản phẩm của mình vẫn còn đáp ứng được tiêu chuẩn. Các tổ chức uy tín hàng đầu về chứng nhận hữu cơ trên thế giới có thể kể đến như NASAA certified organic của Úc, USDA ORGANIC của Hoa Kỳ, EU ORGANIC BIO của châu Âu, AB của Pháp, JAS của Nhật Bản. Khi một sản phẩm đạt được một trong những chứng nhận trên, sẽ có uy tín trên toàn thế giới. Các tiêu chuẩn hữu cơ của các tổ chức này đều hết sức nghiêm ngặt, ví dụ chứng nhận hữu cơ USDA (United Stated Department of Agriculture - Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ) theo tiêu chuẩn NOP (National Organic Program – chương trình hữu cơ quốc gia) phải được mô tả cụ thể và được xác nhận bởi một tổ chức được USDA ủy quyền (công nhận) trước khi được dán nhãn hữu cơ USDA. Trong các hệ thống đánh giá nhà sản xuất hữu cơ thì chứng nhận hữu cơ của Hoa Kỳ, Nhật, Châu Âu được xem là khắt khe và khó khăn nhất vì bộ quy chuẩn đồ sộ và thuộc dạng chứng nhận độc lập bên thứ ba. Các hoạt động sản xuất hữu cơ phải chứng minh rằng người sản xuất đang bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng các chất đã được phê duyệt. Ví dụ, đối với cây trồng hữu cơ muốn chứng nhận USDA thì phải được xác nhận rằng các tia bức xạ, bùn thải, phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu bị cấm, các sinh vật biến đổi gen không được sử dụng, đồng thời quá trình chế biến không sử dụng chất bảo quản, hay các thành phần hóa học. Hiện tại, ở Việt Nam cũng đã có một vài nông sản được cấp chứng nhận USDA như gạo Hoa Sữa, dầu dừa Vietcoco; chứng nhận hữu cơ châu Âu EU ORGANIC BIO như trà Fin Ho… Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tính đến tháng 2-2017, đã có 50 công ty ở Việt Nam được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ với các mặt hàng nông nghiệp khác nhau, trong đó nhiều nhất là rau xanh.
Một số logo chứng nhận hữu cơ phổ biến.
Hải Dương là một tỉnh có đầy đủ lợi thế để sản xuất NNHC như điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu, nước tưới), kinh nghiệm sản xuất lâu đời của người nông dân với một số vùng sản xuất nông nghiệp lớn như Thanh Hà, Kinh Môn, Gia Lộc, Tứ Kỳ… Trong hai năm trở lại đây, phong trào làm NNHC phát triển và có những tín hiệu đáng mừng ở tỉnh ta.
Có thể kể đến mô hình sản xuất gạo hữu cơ Bãi Rươi tại huyện Tứ Kỳ của anh Nguyễn Văn Tuân. Đây là khu vực nằm phía ngoài đê sông Thái Bình, một vụ được người dân khai thác rươi, một vụ được tận dụng để trồng lúa. Lúa được trồng theo phương pháp hữu cơ, tuyệt đối không dùng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, quá trình sơ chế không dùng thuốc chống mọt, chống mốc, không đánh bóng gạo, không chất bảo quản, hay chất tạo mùi. Hiện tại, gạo hữu cơ Bãi Rươi đã gây tiếng vang nhất định trong nước.
Anh Mai Xuân Thịnh, xã Phương Hưng, Gia Lộc cũng là một người có đam mê với NNHC, anh đã quyết định nghỉ việc tại một ngân hàng để về khởi nghiệp NNHC. Anh Thịnh mạnh dạn thuê đất, đầu tư nhà màng, nhà lưới để trồng các loại rau màu và sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để chăm sóc và bảo vệ cây trồng, tuyệt đối không dùng các loại phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Anh Lê Văn Vũ ở khu 2, phường Nhị Châu (TP Hải Dương) cũng đã mạo hiểm đầu tư hơn 300 triệu đồng để trồng rau hữu cơ. Anh Nguyễn Tuấn Anh ở thị trấn Nam Sách cũng là người tiên phong tại địa phương quyết tâm làm giàu từ NNHC. Khởi đầu, anh nuôi thêm trùn quế để có lượng phân bón tự nhiên giúp tơi xốp đất, sau đó trồng các loại rau củ theo mùa.
Vụ đông năm vừa qua, tại các xã: Hiệp Hòa, Thượng Quận, Hiến Thành, An Sinh, Bạch Đằng của huyện Kinh Môn, Viện Thổ nhưỡng nông hóa tiến hành trồng thí điểm tỏi theo phương thức hữu cơ trên diện tích 0,65 ha. Những hộ nông dân tham gia mô hình này được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc tỏi theo hướng không sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.
Những mô hình kể tren đa phần chỉ là tự phát, chưa có tổ chức uy tín nào chứng nhận cho sản phẩm của họ đạt tiêu chuẩn hữu cơ, và mới chỉ là theo hướng hữu cơ, chứ chưa thực sự là hữu cơ bởi vì NNHC có quy chuẩn rất cụ thể, chi tiết chứ không đơn thuần chỉ là không dùng phân bón hóa học, hay hóa chất bảo vệ thực vật, tuy nhiên cũng là tín hiệu vui cho thấy Hải Dương hoàn toàn có đủ nhân lực, vật lực để phát triển NNHC.
Một góc vườn rau hữu cơ tại trang trại Tuệ Viên (Hà Nội).
Cũng giống tình hình chung trong nước, rào cản lớn nhất trong việc phát triển NNHC chính là thói quen của người nông dân đã quá phụ thuộc vào phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và tiếp đến là thói quen của người tiêu dùng trong nước chưa biết đến thực phẩm hữu cơ hoặc e ngại với thực phẩm hữu cơ do giá cả đắt gấp rưỡi hoặc gấp đôi thực phẩm bình thường.
Tuy là quốc gia nông nghiệp nhưng Việt Nam muộn hơn trong việc triển khai bộ quy chuẩn dành cho nông nghiệp hữu cơ vào trong sản xuất như một số nước Thái Lan, Lào, CampuchiaQuy chuẩn nông nghiệp của Thái Lan, Mỹ, Lào… Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ban hành Bộ tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ có hiệu lực từ 29/12/2017 với những quy định rõ ràng, cụ thể về sản xuất NNHC. Dù muộn về mặt chính sách, nhưng đây là lề quan trọng cho những người đam mêm NNHC dựa vào đó để phát triển sản xuất chuyên nghiệp, trước tiên là phục vụ nhu cầu trong nước, sau đó vươn ra thị trường thế giới.
Để NNHC của tỉnh nhà phát triển, cần làm những việc sau:
- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan nghiên cứu và có kế hoạch đưa Bộ Tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ áp dụng cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà, dựa vào đó để có chính sách phát triển NNHC hợp lý.
- Tuyên truyền sâu rộng cho bà con nông dân về giảm thiểu, hạn chế các sản phẩm hóa học trong canh tác nông nghiệp, quay trở về lối canh tác truyền thống giúp làm sạch, phục hồi đất để tiến dần đến sản xuất NNHC thông qua Hội Nông dân bằng hội thảo, tập huấn.
- Có cơ chế và chính sách phù hợp nhằm giúp đỡ về vốn, về đất, kiến thức cho những người đã, đang và sẽ khởi nghiệp NNHC.
- Song song với việc phát triển sản xuất NNHC phải quan tâm phát triển thị trường tiêu thụ thực phẩm, sản phẩm từ NNHC.
- Việc phát triển ngành công nghiệp cần phải có quy hoạch, có giám sát chặt chẽ; khu chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phi hữu cơ (có sử dụng thức ăn phi tự nhiên, kháng sinh, vắc-xin…) cũng cần phải cách ly khu sản xuất NNHC hoặc có hướng xử lý chất thải, nước thải để không gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm NNHC.
Khu trồng lúa của nông trại Viễn Phú green farm tại xã Khánh An, U Minh, Cà Mau,
nơi sản xuất ra dòng gạo Hoa Sữa đạt chuẩn hữu cơ Mỹ và Châu Âu.
Xu hướng tiêu dùng hữu cơ trong nước đã hình thành trong một vài năm gần đây tuy nhiên mới chỉ dừng ở một bộ phận nhỏ người có thu nhập cao do giá cả thực phẩm hữu cơ khá đắt đỏ so với thu nhập của đa số người dân. Một bộ phận khác dù có điều kiện kinh tế nhưng do chưa biết đến, hoặc chưa tin tưởng vào thực phẩm hữu cơ trong nước nên đã lựa chọn thực phẩm hữu cơ nhập khẩu.
Theo khảo sát của tổ chức AC Nielsen về xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ cho thấy, 86% người tiêu dùng Việt Nam tham gia phỏng vấn sẽ chọn các sản phẩm địa phương, tự nhiên và hữu cơ nếu có thể. Trong khi đó, thị trường nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chiếm chưa tới 1% giá trị của thế giới và cũng chưa bằng một nửa của nước bạn Thái Lan. Trên thế giới, tiêu dùng thực phẩm hữu cơ rất phát triển, ngày càng rầm rộ.
Theo số liệu thống kê gần đây, tổng giá trị thương mại sản phẩm hữu cơ thế giới năm 2015 đạt trên 81,6 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, mức tiêu thụ nông sản hữu cơ ở 28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ước đạt 28,3 tỉ euro. Các thị trường trọng điểm là Mỹ với 27,1 tỉ đô la Mỹ, Đức 7,9 tỉ đô la Mỹ, Pháp 4,8 tỉ đô la Mỹ. Riêng ở Mỹ, tổng doanh thu thực phẩm hữu cơ năm 2016 đạt 7,6 tỉ đô la Mỹ ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc 23% so với năm 2015. Xét về mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên đầu người/năm, các quốc gia châu Âu như Thụy Sỹ, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển được xếp dẫn đầu.
Đây chẳng phải là cơ hội tốt cho người nông dân trong tỉnh sao? Vậy thì, người làm nông nghiệp cần phải thay đổi tư duy và cách làm, phát huy tiềm năng sẵn có, hướng tới sản xuất NNHCđể khai thác được lượng khách hàng ngày càng có nhu cầu cao về thực phẩm hữu cơ trong nước và quốc tế.
Minh Nguyệt