Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn tại tỉnh Hải Dương

Thứ bảy - 20/05/2023 06:30 333 0
Phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung hay sản xuất chăn nuôi nói riếng theo hướng kinh tế tuần hoàn thực chất là hướng tới phát triển sản xuất “bền vững”: Bền vững về kinh tế; Bền vững về kỹ thuật; Bền vững về xã hội, và Bền vững về môi trường.
 
10 1122 20201211 328 101249
Mô hình chăn 20 con bò lai Sind sinh sản, kết hợp với nuôi giun quế trên nền phân gia súc thải ra, theo hướng lợi nhuận tuần hoàn khép kín của anh Nguyễn Văn Đua ở Đức Xương, huyện Gia Lộc. ảnh Nguyễn Hải Tiến.
Hải Dương là tỉnh có điều kiện sinh thái khá đa dạng với diện tích chủ yếu là vùng đồng bằng có hệ thống sông ngòi dày đặc tạo nên các cùng đất bãi, đồng thời lại có vùng “miền núi” với diện tích đất đồi núi khá dồi dào. Đồng thời Hải Dương còn nằm trong tam giác “kinh tế”, có hệ thống giao thông thuận lợi. Đây chính là những điều kiện rất tốt để phát triển chăn nuôi trong hệ thống kinh tế tuần hoàn.
1. Lợi ích của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi
Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thực ra đã có từ rất lâu trên thế giới, khi mà con người đã biết kết hợp hoạt động sản xuất trồng trọt và chăn nuôi. Điển hình là đến thế kỷ thứ 16 khi mà cuộc Cách mạng nông nghiệp lần thứ nhất xảy ra được đánh dấu bằng việc sử dụng sức kéo của gia súc trong làm đất và vận chuyển, cùng với đó là sử dụng phân súc vật để bón cho cây trồng. Từ thời điểm đó việc canh tác bỏ hoang từ 20-30 năm để tái tạo độ màu đã được thay vào đó là canh tác hàng năm (Mazoyer and Roudart, 2005). Với hệ thống nông nghiệp mới này đã làm tăng năng suất đất lên hàng chục lần và năng suất lao động cũng được cải thiện đáng kể do con người đã tận dụng được sức kéo của gia súc để mở rộng diện tích canh tác. Cùng với tăng năng suất trong sản xuất trồng trọt thì chăn nuôi cũng phát triển hơn nhờ vào tận dụng các sản phẩm phụ của cây trồng. Đồng thời phát triển chăn nuôi cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nữa mà có nguồn thức ăn dự trữ từ sản xuất trồng trọt tạo ra.
Cũng giống như thời kỳ đầu của phát triển nông nghiệp trên thế giới, sản xuất kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi của nước ta rất phổ biến ở khắp mọi vùng. Sau này phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn còn đã được đa dạng hóa rất lớn tùy thuộc theo từng vùng sinh thái như các mô hình: VAC (Vườn -Ao – Chuồng), VACR (Vườn – Ao – Chuồng- Rừng), Mô hình Lúa- Cá, Lúa -Tôm, mô hình Lúa – Vịt,…
Mô hình VAC lúc đầu chủ yếu với mục tiêu là đảm bảo cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng (năng lượng- protein và vitamin) cho các hộ gia đình. Nhưng sau đó nó đã trở thành một mô hình hinh tế và phát triển trên mọi vùng của cả nước, thậm chí mô hình này còn được giới thiệu sang cả các nước châu Phi trong những năm 1980. Đây là một mô hình điểm hình của kinh tế tuần hoàn và nó không chỉ dừng lại ở quy mô gia đình và có thể nhìn nhận nó trên quy mô vùng khi phát triển với quy mô lớn các thành phần trong mô hình.
Mô hình VACR là một dạng của mô hình VAC nhưng có thêm thành phần Rừng phù hợp với các vùng miền núi hoặc vùng ven biển với thành phần rừng vừa để phòng hộ, vừa để chắn gió, chắn cát và giữ nguồn nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, …
Mô hình “Lúa Cá” hay “Lúa- Tôm” cũng khá phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và những vùng trũng ở đồng bằng Bắc Bộ. Mô hình này tận dụng được thức ăn (thóc còn lại sau thu hoạch, côn trùng) từ ruộng lúa để nuôi cá, tôm và phân cá, tôm để trồng lúa. Những ruộng lúa nuôi cá còn hạn chế được cỏ dải và sâu bệnh cho cây lúa.
Mô hình “Lúa- Vịt” là mô hình rất phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu long và trước đây tại các vùng thuộc Đồng bằng sông Hồng. Đây là một mô hình khá linh động hoặc là cho vịt vào ruộng lúa từ khi lúa đã đứng cây, hoặc chỉ cho vịt vào ruộng lúa sau khi đã thu hoạch. Cho vịt vào ruộng lúa khi lúa đứng cây đã giảm được thời gian làm cỏ, sục bùn cho ruộng lúa, tận dụng được nguồn phân vịt để giảm phân bón trồng lúa. Vịt ăn các động vật (cá con, ốc, côn trùng) từ ruộng lúa. Mô hình nuôi vịt cho vào ruộng lúa là mô hình rất phổ biến không chỉ tận dụng được nguồn thức ăn dư thừa còn sót lại trên ruộng mà người trồng lúa còn được thêm thu nhập từ những người chăn nuôi vịt trả cũng như tận dụng được nguồn phần bón từ phần vịt.
Các mô hình sản xuất gắn với chế biến cũng khá phổ biến như “Chăn nuôi- Chế biến lương thực”. Đây là mô hình có ở hầu hết các vùng nông thôn như “Máy sát gạo- Nuôi lợn”, “Sản xuất mì/bánh đa- Nuôi lợn”, “Nấu rượu- Nuôi lợn” hay “Chế biến hoa quả- Nuôi bò”. Tất cả các mô hình này đều có đặc điểm chung là tận dụng nguồn phụ phẩm của hoạt động này làm thức ăn để chăn nuôi, từ đó vừa giá trị hóa được các nguồn phụ phẩm nâng cao hiệu quả sản xuất đồng thời làm giảm ô nhiễm môi trường. 
Ngoài ra, còn có các mô hình chăn nuôi gắn với chế biến chất thải tạo nguồn phần hữu cơ, phần hữu cơ vi sinh,… như mô hình “Nuôi bò- Chế biến phần hữu cơ”, mô hình “Chăn nuôi- Nuôi giun quế/ Ruồi lính đen”. Các mô hình này vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo ra nguồn phân hữu cơ chất lượng cao, vừa tạo được nguồn protein động vật giá trị cao phục vụ cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Có thể nói trong các mô hình sản xuất trồng trọt- chăn nuôi thì chăn nuôi giữ vai trò khá quan trọng thông qua giá trị hóa các nguồn phụ phẩm trồng trọt (rơm lúa, thân cây ngô, cám gạo) hay cung cấp sức kéo cho sản xuất trồng trọt. Trái lại trồng trọt vừa tận dụng được chất thải gia súc để làm tăng độ màu mỡ của đất vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cũng như làm giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay mặc dù công nghiệp hóa học đã phát triển rất cao và tạo ra rất nhiều các loại phần bón đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng, song phần hữu cơ vẫn luôn được coi là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho đất. Phân hữu cơ tạo cho đất có độ mùn cao, tạo điều kiện tốt cho các vi sinh vật trong đất phát triển, làm cho cây trồng phát triển tốt hơn và chất lượng sản phẩm cao hơn. Phát triển chăn nuôi kết hợp với sản xuất trồng trọt còn giảm được sâu bệnh, giảm được các vật chủ trung gian gây bệnh cho người và động vật.
Như vậy, chăn nuôi không chỉ có vai trò giá trị hóa các phế/phụ phẩm từ trồng trọt hay các sản phẩm trồng trọt được chế biến mà còn đồng góp vào giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
2. Phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn tại Hải Dương
2.1. Phát triển chăn nuôi dựa vào nguồn thức ăn chế biến từ phụ phẩm nông nghiệp
Khi quy mô sản xuất nhỏ, mức cạnh tranh thấp thì chăn nuôi và trồng trọt luôn gắn kết và tạo thành hệ thống. Tuy nhiên hiện nay khi quy mô sản xuất ngày càng lớn, mức cạnh tranh ngày càng cao nên hầu hết người chăn nuôi chủ yếu nghĩ đến tăng quy mô và hướng tới chuyên canh hơn là sản xuất kết hợp. Tuy nhiên xu hướng này sẽ dẫn đến hậu quả là kém bền vững, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Điều này đã được thấy rất rõ là những khủng hoảng trong chăn nuôi đã xảy ra khá thường xuyên như giai đoạn cuối 2016-2017 với giá lợn thấp kỷ lục, giai đoạn hiện nay từ giữa 2022 đến nay giá  các sản phẩm chăn nuôi (bò thịt, lợn thịt, gà, trứng) rất thấp trong khi giá thức ăn tăng 30-40% làm cho không ít người chăn nuôi thua lỗ.
Chính vì vậy, phát triển chăn nuôi dựa vào nguồn thức ăn được chế biến từ phụ phẩm chủ yếu với động vật nhai lại (bò) gắn với các vùng đất bãi hai các vùng trồng cây màu (rau, củ) hay tại những vùng sản xuất nông nghiệp được tổ chức lại để có nguồn phụ phẩm hay cây vụ đông lớn. Các nguồn phụ phẩm (rơm lúa, thân cây ngô hay cây màu) cần được chế biến, dự trữ để nâng cao chất lượng dinh dưỡng cũng như dự trữ đáp ứng đủ cho đàn gia súc trong năm.
2.2. Phát triển chăn nuôi theo hướng tạo sản phẩm “KHÁC BIỆT” gắn với chuỗi giá trị
Hải Dương đã hình thành nên các vùng chăn nuôi mang tính hàng hóa rất cao như “Gà đồi Chí Linh” hay các khu vực sản xuất “trứng gà” Cẩm Đông,… Những sản phẩm này đã dần dần có tiếng trên thị trường. Tuy nhiên, để có thể gắn với chuỗi chuỗi giá trị rõ nét hơn nữa thì rất cần tính đến tạo ra được các sản phẩm “KHÁC BIỆT”. Các sản phẩm này không chỉ có giá bán cao hơn so với sản phẩm thông thường mà còn đảm bảo có thể được tiêu thụ khi gắn với chuỗi. Tạo sản phẩm “KHÁC BIỆT- Differentiated Products” bằng cách áp dụng các quy trình chăn nuôi đặc biệt tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh hay sản phẩm bổ dưỡng (Gà đồi, Lợn Thảo Dược, Gà Thảo Dược,…). Để gắn với chuỗi giá trị cần sản xuất quy mô, sản xuất mang tính hàng hóa cao và cần được tổ chức lại sản xuất và có kiểm soát chất lượng thường xuyên.
2.3. Phát triển chăn nuôi gắn với xử lý và chế biến chất thải
Chất thải chăn nuôi đang là một trở ngại lớn trong phát triển chăn nuôi nhất là tại các khu vực đồng dân, công nghiệp hóa cao. Tại nhiều vùng chăn nuôi đặc biệt là chăn nuôi lợn đã gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đã có những xung đột giữa những người xung quanh với các cơ sở chăn nuôi. Chăn nuôi có thể gây ra ô nhiễm nước, không khí và đất. Ô nhiễm không khí và nước đã làm cho mức độ ô nhiễm lớn hơn do mức độ ảnh hưởng trên quy mô lớn. Chính vì vậy chăn nuôi rất cần gắn liền với xử lý chất thải bao gồm cả chất thải rắn, chất thải lỏng và chất thải khí. Các chất thải rắn dễ dàng được xử lý hơn và dễ được vận chuyển đi các vùng khác hơn. Các chất thải lỏng hiện tại cũng đã được xử lý khá tốt như xử lý bằng biogas, các hệ thống lắng lọc hay áp dụng các công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước. Song các công nghệ xử lý khí thải chăn nuôi vẫn còn hạn chế chủ yếu mới được xử lý thông qua giảm mùi.
Mặc dù hầu hết các cơ sở chăn nuôi lớn đã có hệ thống biogas song việc xử lý chất thải này vẫn chưa phải là biện pháp xử lý triệt để do sau biogas vẫn còn rất ô nhiễm cho nên cần phải có những kỹ thuật xử lý sau biogas. Xử lý chất thải bằng biogas không chỉ làm giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra nguồn khí sinh học có thể thay thế cho việc sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên nhiều cơ sở chăn nuôi vẫn chưa tận dụng hết nguồn khí sinh học này.
Chất thải chăn nuôi có thể được xử lý bằng các kỹ thuật như nuôi giun, Ruồi lính đen tạo nguồn protein động vật cho chăn nuôi gia súc gia cầm và nguồn phần hữu cơ giá trị cao cho trồng trọt cũng là hướng đi quan trọng cho cả những vùng phát triển chăn nuôi gia súc nhai lại hay chăn nuôi lợn,..
KẾT LUẬN
Phát triển nông nghiệp nói chung hay chăn nuôi nói riêng theo hướng kinh tế tuần hoàn là hướng tới phát triển bền vững. Đó chính là mục tiêu rất quan trong không chỉ đối với từng địa phương, quốc gia mà cả thế giới. Chính vì vậy mà mỗi địa phương rất cần đặt ra phương hướng mà còn cần tìm ra những điểm mấu chốt cần cải tiến để có tạo điều kiện cho sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn phát triển ở mức cao hơn, phù hợp với quy mô và mức cạnh tranh ngày càng cao và những đòi hỏi của xã hội ngày càng lớn về chất lượng sản phẩm cũng như yêu cầu sản xuất ít/không ảnh hưởng xấu đến cả môi trường tự nhiên và xã hội.
ThS. Nguyễn Ngọc Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây