Phân loại rác tại nguồn – Tại sao khó?

Thứ bảy - 13/07/2019 13:19 944 0
Gần đây, chúng ta nghe nhiều đến cụm từ “Phân loại rác tại nguồn” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ở một số nơi trong cả nước nói chung và trong tỉnh Hải Dương nói riêng đã tổ chức thí điểm hoặc xây dựng phong trào phân loại rác nhưng hiệu quả chưa cao.
Hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho trẻ em tại Pháp.
Hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho trẻ em tại Pháp.
Lợi ích của phân loại rác tại nguồn
Phân loại rác tại nguồn (PLRTN) hiểu đơn giản là chất thải được phân chia thành cùng nhóm ngay tại nơi phát sinh rác là hộ gia đình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, trường học, cơ quan…
Rác thải được chia làm ba nhóm lớn: Rác có thể tái sử dụng; rác không tái sử dụng và rác đặc biệt. Một số nơi hoặc tài liệu hướng dẫn thu gom rác thải thường chia rác thành ba nhóm: Rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế. Thông thường, người ta thường bỏ tất cả các loại rác vào chung một thùng, từ các loại thức ăn thửa, túi nilon, vỏ hoa quả, chai lọ… Chính điều đó khiến cho việc thu gom, xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc giải quyết ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra không được  triệt để. Vì vậy, PLRTN chính là yếu tố quyết định trong việc xử lý rác thải, làm tốt được khâu PLRTN thì việc thu gom, xử lý rác thải sẽ không còn là vấn nạn môi trường.
PLRTN giúp cho việc tái chế chất thải được hiệu quả. Tái chế rác là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để thu lại các thành phần có giá trị, còn sử dụng được từ chất thải. Các nguồn chất thải có thể tái chế như: giấy, nhựa, kim loại, pin… Đặc biệt, với rác hữu cơ chiếm 50-70% trong rác thải sinh hoạt là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh tốt cho cây trồng và môi trường. PLRTN càng tốt thì việc tái chế rác thải càng đạt hiệu quả cao.
PLRTN bảo vệ đất, nước, không khí, từ đó bảo vệ sức khỏe con người. Nếu rác bị vứt bỏ lung tung khắp nơi thì sẽ làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống của chúng ta. Phần lớn các loại chất thải đều không phân hủy ngay mà mất thời gian khá lâu, thậm chí có một số loại rác mất hàng trăm năm để phân hủy như rác thải nhựa, thủy tinh. Một số loại rác thải khác có chứa chất độc như pin, bóng đèn huỳnh quang, rác thải điện tử, bình ắc quy… Nếu các loại chất thải này không được thu gom đúng cách sẽ thải ra môi trường rất nhiều chất độc hại. Ví dụ, pin là một chất thải điện tử được sử dụng phổ biến, có chứa nhiều chất độc hại cao như chì, thủy ngân, cadmium, asen… Nếu bị vứt ra môi trường sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng và nguy hại tới sức khỏe cộng đồng. Nếu được thu gom và chuyển tới nơi có khả năng xử lý thì không còn nguy cơ gây ô nhiễm, và được tái chế để tạo ra nguồn nguyên liệu sản xuất loạt pin mới. Vì thế, phân loại và tái chế chất thải là cách bảo vệ môi trường tự nhiên, thông qua đó còn bảo vệ chính sức khỏe của chúng ta.
PLRTN là cách hữu hiệu để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Hầu hết, mọi thứ mà con người sử dụng hàng ngày đều được sản xuất bằng nguyên liệu lấy từ tự nhiên. Theo tính toán, để sản xuất 01 tấn giấy, cần phá hủy 17 cây xanh. Nếu số giấy này sau khi được sử dụng lần 1, được phân loại đúng cách để tái sử dụng hoặc tái chế thay vì bỏ vào thùng rác, thì chúng ta sẽ tiết kiệm được 17 cây xanh. Tương tự, chúng ta sẽ tiết kiệm 02 tấn bôxit khi 01 tấn vỏ lon bia được phân loại và tái sử dụng; tiết kiệm được 800kg dầu thô khi phân loại và tái sử dụng 01 tấn rác thải nhựa PET (viết tắt của polyethylene terephthalate, một trong số những loại nhựa được sử dụng phổ biến cho các sản phẩm gia dụng, ví dụ như chai nước khoáng, nước ngọt, bia và bao bì đóng gói. PLRTN giúp tiết kiệm quỹ đất phải bỏ ra để xây dựng bãi chứa rác.
PLRTN giúp tiết kiệm năng lượng. Khi rác loại được phân loại đúng cách, được tái sử dụng hoặc tái chế là cách tiết kiệm năng lượng trong sản xuất. Ví dụ để sản xuất kim loại nhôm cần nấu chảy quặng bôxit, nhưng nếu tái chế nhôm từ những vỏ lon bia, nước ngọt thì sẽ tiết kiệm được được 95% năng lượng dùng trong sản xuất nhôm.
 Ở tỉnh ta, hầu hết rác thải đều được xử lý bằng hình thức chôn lấp, trong khi các bãi rác đều đang quá tải. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, đa số các lò đốt rác quy mô nhỏ, hiệu quả không cao, không phổ biến trên diện rộng. Ngoài nguyên nhân lò nhỏ, không có hệ thống xử lý khí thải, nước thải khiến cho việc đốt rác gặp nhiều khó khăn thì nguyên nhân chủ yếu chính là do rác không được phân loại từ nguồn. Mỗi loại rác sẽ có cách xử lý khác nhau. Có loại rác cần chôn lấp, có loại rác cần đốt ở những nhiệt độ và thời gian khác nhau, có loại rác cần được xử lý đặc biệt bởi những đơn vị chuyên môn. Mặc dù, trước khi đốt rác có phân loại nhưng do rác bị trộn lẫn từ quá trình thu gom nên việc phân loại hết sức khó khăn, kém hiệu quả. Vì thế, PLRTN sẽ quyết định rất lớn đến việc thành công của việc xử lý rác thải.
Tại sao PLRTN khó thành công?
Nhận thức được tầm quan trọng của việc PLRTN, trong mấy năm gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước và người dân bắt đầu quan tâm đến việc này. Tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở tuyên truyền, vận động, chưa có quy định cụ thể, thống nhất trong cả nước. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 44/2018/QĐVB về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố, có hiệu lực thi hành từ ngày 24-11-2018. Theo quyết định này, chất thải rắn sinh hoạt được chia thành ba loại. Thứ nhất là chất thải rắn hữu cơ là chất thải dễ phân hủy như thức ăn thừa, xác động vật… được bỏ vào bao bì có dán nhãn nhận biết hoặc bao bì mầu xanh, mầu trắng, chứa trong thùng rác mầu xanh và được chuyển đi xử lý thành phân bón hữu cơ.Thứ hai là vỏ giấy kẹo, bánh, đồ gốm, đồ thủy tinh, quần áo cũ… được để vào bao bì có dán nhãn hoặc bao bì mầu đen, chứa trong thùng rác mầu xám và xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt phát điện. Thứ ba là chất thải tái chế gồm giấy báo, tạp chí, thùng các-tông, sắt thép, săm lốp…, người dân có thể bán, tặng cho đơn vị thu gom hoặc bỏ chung vào số rác thải còn lại. Đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vấp phải không ít khó khăn.
Ở Hải Dương, dù chưa có quy định cụ thể nhưng trong hơn 05 năm trở lại đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã phối hợp với nhiều ngành, đoàn thể phổ biến PLRTN ở nhiều địa phương, đơn vị. Một số xã ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Miện, Kinh Môn đã thí điểm mô hình PLRTN, nhưng sau đó một thời gian, các mô hình đều không mang lại hiệu quả như mong muốn.
PLRTN gặp khó khăn trước hết là do người dân chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích của việc phân loại rác. Theo thói quen, thay vì phải cho rác vào từng thùng riêng thì người dân cho lẫn rác vào một túi vừa tiện lợi, vừa không mất thời gian. Vì vậy, các mô hình PLRTN thường tồn tại trong thời gian ngắn, mang tính phong trào, không lôi kéo được toàn bộ cộng đồng tham gia. Thêm nữa, đa số người dân chưa có kiến thức về phân loại rác, nên không biết loại rác nào có thể tái sử dụng, loại rác nào có thể tái chế, loại rác nào độc hại cần thu gom riêng. Ở bãi rác, chúng ta có thể nhìn thấy đủ mọi loại chất thải từ thức ăn thừa, túi nilon đựng đồ, đồ dùng sinh hoạt cũ hỏng, rác thải xây dựng, quần áo cũ…
Thứ hai, cơ quan quản lý về môi trường ở cấp trung ương và địa phương chưa có chiến lược cụ thể, đồng bộ về PLRTN.  Hiện nay, nhiều người dân nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc PLRTN và tự giác thực hành tại hộ gia đình, nhưng khi đến thu gom, nhân viên môi trường cho tất cả các loại rác lên cùng một xe. Một số người dân phân loại rác thải nguy hại như pin, bóng đèn nhưng đến khi nhiều không biết giao cho đơn vị thu gom chuyên trách nào, nên đành vứt chung vào rác thải khác. Như vậy, chưa có sự đồng bộ trong việc PLRTN.
Năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường được phê duyệt và có hiệu lực. Tuy nhiên, việc phổ biến, thực hiện thực hiện luật còn chưa rộng rãi, lỏng lẻo. Luật có nhiều quy định cụ thể về việc quản lý thu gom chất thải, trong đó ưu tiên cho việc tái chế, tái sử dụng. Như trên đã đề cập, để tái chế, tái sử dụng rác thải hiệu quả thì việc đầu tiên cần thiết nhất chính là PLRTN.
Giải pháp thực hiện PLRTN
Rác thải đã, đang và vẫn tiếp tục là vấn nạn môi trường trong những năm tiếp theo nếu việc thu gom, xử lý không được giải quyết triệt để. Việc cần làm ngay lúc này chính là biến việc PLRTN thành thói quen của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình.
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước:
Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, cụ thể Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, bằng cách lựa chọn những nội dung cụ thể, phù hợp, tới người dân, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tuyên truyền về lợi ích PLRTN, cách phân biệt các loại rác thải.
Xây dựng các quy định đồng bộ, cụ thể về việc PLRTN. Muốn người dân thực hiện tốt PLRTN thì phải xây dựng đơn vị thu gom phù hợp. Đồng thời, có chính sách khuyến khích, ưu tiên phát triển những đơn vị thu gom rác chuyên nghiệp, nhất là tại các vùng nông thôn, gắn với đó là những quy định về PLRTN.
Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có chính sách thu hồi rác từ người tiêu dùng để tái chế. Ví dụ, đối với vỏ giấy hộp sữa là một loại rác thải có thể tái chế, nhưng hiện nay các công ty sản xuất sữa trong nước chưa có chính sách cho việc thu gom và tái chế vỏ hộp này.
Khuyến khích thành lập và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức môi trường hoạt động, đặc biệt trong vấn đề thu gom và tái chế rác thải.
Học hỏi kinh nghiệm PLRTN ở các nước phát triển, nơi người dân thực hiện rất tốt việc này.
Mặc dù, PLRTN là cách xử lý rác thải đúng cách, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe con người, nhưng việc cần thiết nhất vẫn là có những chính sách hạn chế rác thải, đặc biệt các loại rác khó phân hủy như túi nilon, nhựa dùng một lần.
Đối với mỗi người dân:
Xây dựng thói quen PLRTN tại nhà, tại nơi làm việc. Tùy vào hoàn cảnh mỗi người, chọn lựa cho mình cách thức phù hợp. Đối với các loại rác có thể tái chế, tái sử dụng như chai,lọ, giấy, kim loại… thu gom riêng. Đối với rác nhà bếp, nếu nhà nào có vườn rộng có thể chôn ủ ở góc vườn để làm phân bón, hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Đối với các loại rác thải nguy hại như pin, rác thải điện tử nên mang đến điểm thu gom chuyên dụng. Ở Hải Dương hiện tại chưa có điểm thu gom loại rác này, có thể làm như sau: Cho pin, điện thoại, máy tính cũ hỏng vào riêng một thùng, đến khi đầy sẽ gửi lên điểm thu gom phù hợp trên Hà Nội. Hiện nay, trên Hà Nội có rất nhiều điểm thu gom pin, rác thải điện tử. Đối với rác thải là đồ dùng sinh hoạt cũ như bàn ghế sofa, tủ, hoặc rác thải xây dựng có thể liên hệ với công ty môi trường đô thị để xử lý.
Hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt, công việc hàng ngày, thay vào đó dùng túi nilon phân hủy sinh học, túi vải, túi giấy. Cố gắng tái sử dụng những vật dụng sinh hoạt hàng ngày, không lãng phí thực phẩm, tiết kiệm văn phòng phẩm tại nơi làm việc cũng là cách hạn chế rác thải.
Nguyễn Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây