Những yếu tố tâm lý tác động đến hành vi sử dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên

Thứ sáu - 22/12/2023 10:16 735 0
Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 350 bệnh nhân đến khám, trong đó có hàng chục trường hợp là thanh thiếu niên bị rối loạn thâm thần do sử dụng và lạm dụng rượu, chất nicotine trong thuốc lá điện tử, shisha, hút cần sa, bóng cười và các loại ma túy tổng hợp khác.
Nếu như trước đây, đối tượng dùng chất gây nghiện chủ yếu là nam giới, hiện nay với sự xuất hiện nhiều chất gây nghiện mang tính giải trí như cần sa, khí cười… thì tỷ lệ sử dụng giữa nam và nữ không chênh lệch nhiều.
Hành vi sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện có thể xác định bởi đa yếu tố ảnh hưởng do những tác động mà nó gây ra đối với con người. Tuy nhiên, trong bài tham luận này chúng tôi nhấn mạnh đến 2 biến số lớn hội tụ, đó là:
Các yếu tố chủ quan bao gồm: cá nhân với các đặc điểm thể chất- tâm lý lứa tuổi và kỹ năng xã hội.
Các yếu tố khách quan bao gồm bối cảnh xã hội với các yếu tố nhóm bạn đồng đẳng, gia đình, nhà trường, mạng xã hội và truyền thông cũng như các yếu tố hội nhập văn hoá, kinh tế thế giới.
1. Các yếu tố chủ quan
1.1. Các yếu tố tâm lý lứa tuổi và trạng thái tâm lý cá nhân
Thanh thiếu niên là lứa tuổi có sự phức tạp về đời sống tâm lý vì sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau như sinh lý, tình cảm và xã hội tương tác để củng cố cái tôi”. Vì vậy, ở lứa tuổi này xuất hiện các hành vi tự khẳng định bản thân. Ở khía cạnh này, thanh thiếu niên muốn giảm sự ảnh hưởng của cha mẹ đến mình nên người ta dễ nhận thấy ở nhóm dân số này sự gia tăng cảm giác tìm kiếm, trải nghiệm sự mới lạ và tự chủ cao hơn bao giờ hết. Thanh thiếu niên có xu hướng tự đề cao mình và cho mình là trung tâm, không chấp nhận sự giúp đỡ hoặc hỗ trợ từ người lớn.
Mặt khác, những sự kiện tiêu cực trong cuộc sống có thể gây nên/ dẫn đến việc sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện, chẳng hạn như lo âu, trầm cảm và các vấn đề bất thường về hành vi. Như vậy, trạng thái tâm lý cá nhân có ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện ở thanh thiếu niên. Những thanh thiếu niên có trạng thái tâm lý như lo âu, buồn bã, chán nản, tổn thương tâm lý- tình cảm, thất vọng... thường có xu hướng tìm đến với bạn bè để chia sẻ và tìm đến rượu, bia, ma tuý. Những trạng thái tâm lý quá vui hoặc quá buồn cũng có thể tác động đến việc  gia tăng nguy cơ sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên khi mà tâm lý chưa hoàn thiện và ổn định. 
Một số thanh thiếu niên thấy rằng việc hút cần sa hay sử dụng các chất gây nghiện khác có thể giúp làm giảm lo âu và giúp chúng vượt qua sự chán nản. Những chất khác như Ecstasy hay cocaine thường khiến các em cảm thấy tràn trề năng lượng và tâm trạng phấn khởi. Nhiều trường hợp, các em sử dụng những loại chất cấm này chỉ để tạm thời trốn tránh những bế tắc trong cuộc sống.
Mặt khác, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, những thanh thiếu niên có thái độ tiêu cực với cuộc sống, với nhà trường, bạn bè và gia đình thường dễ có những hành vi tiêu cực, chống đối lại các quy định của gia đình và xã hội. Thực tế có một bộ phận người nghiện trước khi sử dụng các chất gây nghiện có thái độ tiêu cực và có hành vi sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiên để thoả mãn thái độ của mình. Trái lại, những em có thái độ tích cực thì thường có những hành vi tốt, mang tính xây dựng. Mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội. 
1.2. Kỹ năng xã hội
Thiếu kỹ năng xã hội, thiếu hiểu biết sẽ gia tăng nguy cơ sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện ở thanh thiếu niên. Chẳng hạn, khả năng kiểm soát bản thân là đặc điểm thuộc về cá nhân, có ảnh hưởng đến nguy cơ sử dụng các chất chất kích thích, chất gây nghiện. Nếu cá nhân nhận biết rõ ràng, đúng đắn về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, luôn cố gắng phát huy các mặt tốt và cố gắng khắc phục những điểm yếu của mình, từ đó biết kiểm soát một cách hiệu quả các hành vi của mình trong các tình huống cuộc sống, không để các hành vi của mình bột phát, ngoài tầm kiểm soát thì nguy cơ sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện sẽ thấp và ngược lại.
2. Các yếu tố khách quan
2.1. Nhóm bạn đồng đẳng
Tình hình sử dụng các chất kích thích và gây nghiện diễn biễn phức tạp. Loại hình tội phạm này sử dụng nhiều thủ đoạn phức tạp nhằm tiếp cận và mở rộng thị trường. Thanh thiếu niên đang ở lứa tuổi tò mò khám phá cuộc sống, thích thể hiện bản thân ..., những đặc điểm tâm lý đó được các đối tượng tội phạm ma tuý lợi dụng triệt để như cho, tặng các chất gây nghiện, biến các em thành những người nghiện và đồng thời là những kẻ tuyên truyền, buôn bán các chất kích thích và chất gây nghiện cho chúng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở thanh thiếu niên. Đối với hầu hết thanh thiếu niên, sự tò mò đối với những điều mới lạ và áp lực từ bạn bè là những lý do chủ yếu dẫn đến việc thử dùng các chất kích thích, chất gây nghiện. Các em thường cảm thấy hứng thú khi làm bất cứ điều gì nếu có sự kích thích từ phía bạn bè. Thanh thiếu niên sống trong môi trường mà có bạn bè hay người thân sử dụng chất gây nghiện cũng dễ trở thành nạn nhân của tệ nạn này. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng khi trẻ bắt đầu sử dụng ma túy, những yếu tố thuộc về gen sẽ ảnh hưởng đến việc liệu trẻ có trở nên nghiện loại thuốc đó hay không.
Có thể thấy, cảm giác được chấp nhận và hoà nhập trong nhóm có ảnh hưởng đến thái độ và hành vi sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện ở thanh thiếu niên.
2.2. Gia đình
Trước đây, các gia đình truyền thống thường duy trì các quy định về văn hoá gia đình rất nghiêm ngặt và mọi thành viên trong gia đình phải tuân theo các quy định đó. Các cá nhân trong gia đình đều có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ cái gọi là gia quy đó theo một hệ thống thứ bậc từ trên xuống dưới rất chặt chẽ. Do đó, các thành viên trong gia đình có mối quan hệ và gắn bó chặt chẽ với nhau.
Xã hội ngày một phát triển, cha mẹ ngày càng bận rộn với công việc mưu sinh mà thiếu sự quan tâm chăm sóc và giao tiếp với con cái. Mặt khác, những mâu thuẫn trong mối quan hệ vợ chồng, kỷ luật của cha mẹ không nhất quán hoặc nghiêm khắc và tiền sử gia đình có lạm dụng rượu hoặc ma túy cũng là  những yếu tố gia tăng hành vi sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện ở thanh thiếu niên.
2.3. Nhà trường
Người ta đã quan sát thấy rằng học sinh thất bại ở trường học hoặc tỷ lệ nghỉ học cao, cũng như có thái độ tiêu cực với bạn bè hoặc giáo viên thì thường có nguy cơ cao sử dụng các chất kích thích và chất gây nghiện.
Trong quá trình phát triển, trẻ em cần có sự định hướng và giáo dục của người lớn. Song song với giáo dục tri thức cho học sinh là giáo dục các phẩm chất đạo đức, hướng thiện, giáo dục các kỹ năng sống, phòng ngừa các mặt tiêu cực của xã hội, phòng ngừa sử dụng các chất kích thích và gây nghiện. Công tác giáo dục của xã hội được thực hiện trong môi trường nhà trường và từ môi trường sống của địa phương nơi cư trú. Nếu chất lượng công tác giáo dục không cao cả về nội dung và biện pháp thì thanh thiếu niên sẽ thiếu hiểu biết và thiếu kỹ năng sống. Điều này khiến các em giảm khả năng phòng vệ trước các tệ nạn xã hội. Nếu công tác giáo dục này được thực hiện tốt thông qua các hình thức trong nhà trường và đa dạng các hình thức tuyên truyền ở địa phương thì sẽ có ảnh hưởng tốt đến nhận thức và thái độ của thanh thiếu niên về tác hại của sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện.
2.4.  Sự hội nhập văn hoá, kinh tế thế giới
Sự hội nhập kinh tế, văn hoá thế giới giúp con người mở mang tri thức, hiểu biết và nâng cao điều kiện sống. Tuy nhiên, những hậu quả mà nó mang lại là điều khó tránh khỏi. Những nét văn hoá hưởng thụ, những phong cách sống tự do, những thú vui hưởng thụ mới, bao gồm cả việc sử dụng ma tuý và các chất cấm (như Shisha, cần sa, thuốc an thần, chất gây nghiện) được du nhập vào Việt Nam, cộng với điều kiện kinh tế phát triển, có tiền dư thừa, đã dẫn đến một bộ phận thanh thiếu niên với những đặc điểm tâm lý thích hưởng thụ, thích thể hiện mình, thiếu hiểu biết về ma tuý... đã có thêm xúc tác dẫn tới việc sử dụng các chất kích thích và chất gây nghiện.
2.5. Mạng xã hội và truyền thông
Internet là sản phẩm công nghệ giúp kết nối con người với nhau, thu hẹp khoảng cách địa lý, cung cấp và chia sẻ thông tin trên toàn cầu, mang lại rất nhiều lợi ích... Khi mạng xã hội phát triển, con người nói chung và thanh thiếu niên nói riêng- lứa tuổi đang trong quá trình phát triển thích tìm tòi khám phá thế giới- được tiếp cận và sử dụng thông tin thoải mái. Ngoài những thông tin hữu ích, các thông tin về các loại ma tuý như cần sa, methamphetamine (ma túy đá), MDMA (thuốc lắc), N20; cách thức sử dụng chúng, cũng được sẻ chia và do chưa có bản lĩnh, kinh nghiệm sống, các em đã thử nghiệm và dẫn tới hành vi nghiện chất.
Bài tham luận đã phân tích các khía cạnh khác nhau có thể ảnh hưởng đến hành vi sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện ở thanh thiếu niên. Chúng ta thấy rằng, tập hợp các yếu tố này có tính chất đa chiều và tương quan hơn là quan hệ nhận quả.
Để bảo vệ các em trước những chất kích thích, gây nghiện, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng con cái đến một lối sống lành mạnh. Đồng thời, nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, hướng dẫn các em cách nhận biết, bảo vệ mình trước chất kích thích, chất gây nghiện. Đặc biệt, với các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên hiện nay, ngành giáo dục cần phối hợp với các nhà trường tăng cường công tác đào tạo, tập huấn giáo viên về các kiến thức hỗ trợ tâm lý cho học sinh hoặc có cán bộ tâm lý chuyên trách để có thể tư vấn, sớm phát hiện những bất thường ở học sinh nhằm có kế hoạch phòng ngừa, can thiệp kịp thời.
TS. Đồng Thị Yến
 Trường Đại học Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây