Những thành tựu sau 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ sáu - 30/08/2019 10:42 402 0
Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật. Đây cũng là dịp để chúng ta tiếp tục ôn lại những lời tâm huyết cuối cùng của Lãnh tụ kính yêu để tiếp tục cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức, chung lòng xây dựng đất giàu đẹp, phồn thịnh.
Thực hiện thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và công cuộc đổi mới
Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi từ giả cỏi đời, điều mong muốn thiết tha, nối niềm canh cánh, khắc khoải trong trái tim là miền Nam chưa được hoàn toàn giải phóng đất nước còn chi cắt, đồng bào hai miền đang chịu bao nhiêu chết chóc đau thương. Người viết: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định sẽ cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”(1). Chỉ 6 năm sau khi bản Di chúc được công bố, năm 1975, dân tộc ta đã vang lên khúc ca khải hoàn”. Chỉ 6 năm sau khi bản Di chúc được công bố, năm 1975, dân tộc ta đã vang lên khúc ca khải hoàn. Sau giải phóng hoàn toàn Miền Nam (30-4-1975), thực hiện Di chúc, Đảng đã tập trung sức lực và trí tuệ lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc cách mạng đưa cả nước đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn. Mặc dù tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp, vừa phải thường xuyên đối phó với những âm mưu chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, vừa phải xây dựng cuộc sống mới từ một nền kinh tế lạc hậu, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, vừa phải làm nghĩa vụ quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã phấn đấu gian khổ và thu được những kết quả hết sức quan trọng là khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh; xây dựng một số cơ sở vật chất; phát triển được một số ngành kinh tế quan trọng; thiết lập và củng cố chính quyền nhân dân trên phạm vi cả nước; phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế; tiến hành thắng lợi hai cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới.
Tuy vậy, trong xây dựng kinh tế, chúng ta cũng đã từng phạm những sai lầm, khuyết điểm lớn trong chủ trương, chính sách cũng như trong quá trình chỉ đạo thực tiễn. Nhưng Đảng sớm nhận thức tình hình đất nước, bối cảnh quốc tế, trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, kiên định mục tiêu, con đường Bác đã chọn, thẳng thắn phân tích những nguyên nhân của sự vấp váp, sai lầm, tin tưởng vững chắc vào sức mạnh của nhân dân và dân tộc, Đảng ta đã khởi xướng đường lối đổi mới và quyết tâm tiến hành sự nghiệp đổi mới vì hạnh phúc của nhân dân.
Công cuộc đổi mới gần 33 năm qua đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.  Kinh tế – xã hội thoát khỏi khủng hoảng và tình trạng kém phát triển. Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình và đang đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa – xã hội có bước phát triển. Bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. GDP tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Trong 33 năm qua (1986-2019), tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta, tuy có sự dao động nhất định, song vẫn ở mức cao hơn trung bình khu vực và thế giới với mức tăng bình quân cả thời kỳ gần 7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người từ khoảng 100 USD/người/năm vào năm 1986, đến năm 2018 ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%.
Với tất cả tình cảm kính yêu vô hạn và niềm tin tuyệt đối vào lời căn dặn của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng lòng quyết tâm thực hiện Di chúc và con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lựa chọn: tiếp tục phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh
Trong những lời để lại cho đồng bào và đồng chí trước lúc đi xa, Người đặt vấn đề đầu tiên là Đảng, nhấn mạnh vào xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Năm mươi năm qua, tư tưởng về xây dựng Đảng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang soi sáng con đường đi và sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Những tư tưởng đó ở tầm chiến lược là những chỉ dẫn cho việc Đảng xác định đường lối, phương hướng, nhiệm vụ, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật và chương trình hành động cho toàn Đảng, toàn dân, đưa đất nước ta ổn định, phát triển bền vững và hiện đại hóa(3).
Đến nay, chúng ta đã làm được nhiều việc theo đúng lời căn dặn của Người và đã giành thắng lợi lớn. Trong đó, Đảng ta luôn kiên trì thực hiện công tác xây dựng Đảng một cách sáng tạo, khoa học. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nhờ có các nghị quyết, chỉ thị mà cán bộ, đảng viên đã nhận thức đầy đủ hơn tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng và nhận diện rõ nét hơn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để tự soi, tự sửa. Để các nghị quyết, chỉ thị này đi vào cuộc sống, nhiều nơi có cách làm sáng tạo, như biên tập nội dung của Nghị quyết, Chỉ thị làm tài liệu nghiên cứu, học tập cho cán bộ, đảng viên; tổ chức hội thi tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các cơ quan báo chí mở chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền, thi viết về các gương người tốt, việc tốt, làm theo lời Bác,... Thực hiện theo di huấn của Người, nhiều mô hình về xây dựng Đảng đã ra đời và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, như mô hình “Chi bộ bốn tốt”; “Chi bộ ba tốt, ba không”, “Đảng viên dìu dắt quần chúng”, “Làm việc theo chức trách, nêu gương trong hành động”, “Đề cao trách nhiệm, giữ nghiêm kỷ luật, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Mỗi ngày, mỗi cán bộ, đảng viên miệng nói một điều hay, tay làm mười việc tốt”, “Học Bác mỗi ngày”, “Lời Bác dạy ngày này năm xưa”,... Thông qua các mô hình này, đã tạo ra những chuyển biến thật sự cả về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các nghị quyết của Trung ương về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,... đã tạo sinh khí và sức mạnh mới trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị mang tầm chiến lược tổng thể. Đặc biệt, trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực chỉ tính từ sau Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016) đến nay, trong vòng chưa đầy ba năm, hơn 60 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật. Đây là bước đột phá trong công tác xây dựng Đảng và của toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Nâng cao vị thế đất nước trong hội nhập quốc tế
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, 50 năm qua, Đảng ta luôn phát huy chủ nghĩa quốc tế trong sáng, cao cả, thủy chung, làm hết sức mình để Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn về mọi mặt trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thế giới. Từ một đất nước bị cấm vận, đến nay, nước ta có quan hệ đối ngoại với 180 nước trên thế giới, có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt trong 5 năm qua, đã góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn về phát triển kinh tế xã hội của đất nước; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, thu hút thêm nguồn lực bên ngoài cùng với nội lực trong nước tạo nên động lực phát triển quốc gia mạnh mẽ đạt nhiều thành tựu to lớn. Việt Nam đã ký kết, kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu, CPTPP, EVFTA..., mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho nền kinh tế đang lớn mạnh. Cùng với đó, nước ta đã mở rộng quan hệ, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu như APEC 2017, WEF- ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 (2/2019)... Đây là những minh chứng cho đường lối Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia, thể hiện vai trò chủ động, tích cực của nước ta.
Hội nhập đã đưa quan hệ của Việt Nam với các nước, nhất là các đối tác ưu tiên, quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với toàn bộ 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ G7, 13/20 nước G20. Quan hệ chặt chẽ với độ tin cậy gia tăng đã tạo điều kiện thuận lợi để duy trì hòa bình, ổn định và môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đây chính là một cách hiệu quả thực hiện phương châm “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ lúc nước chưa lâm nguy”.
Có thể nói, tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế trong sáng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản đã luôn được Đảng ta phát triển, kế thừa. Lịch sử có lúc thăng trầm nhưng xu hướng dân chủ, hòa bình và tiến bộ vẫn đang là dòng chủ lưu chính của xã hội hôm nay. Tư tưởng đoàn kết quốc tế ấy sẽ càng có ý nghĩa và trở thành bài học lớn khi Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và trở thành đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, với phương châm “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Bác Hồ.
Thực hiện Di chúc của Bác, hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ để làm tốt mọi nhiệm vụ được giao; kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, có tinh thần đoàn kết, tính tổ chức, kỷ luật cao. Cán bộ, đảng viên phải sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Đó là cách thiết thực nhất để học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện trọn vẹn những điều Người đã căn dặn trong Di chúc thiêng liêng.
NGUYỄN VĂN THANH
Chú thích:
(1,2)–Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007 tr. 52, 45.
(3)-ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,Văn phòng Trung ương Đảng, HN, 2016, trang 199.
(4)- Điếu văn, do  đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007 tr. 67.
Xem thêm: Việt Nam-30 năm đổi mới (1986-2016), NXB Thông Tấn, 2016.
 Từ khóa: DI CHÚC, HỒ CHÍ MINH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây