Nhìn lại 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Thứ năm - 30/04/2020 09:54 395 0
Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm và nội phản của dân tộc, nối tiếp các chiến công Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên... Thời gian càng lùi xa, ý nghĩa của chiến công này càng vĩ đại, trở thành bài học lịch sử cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Để có chiến công vĩ đại đó, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh anh dũng trên các chiến trường, mồ hôi và xương máu của nhân dân và chiến sĩ ta đã thấm đẫm trên mọi miền đất nước.
Nhân kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta cần ôn lại tiến trình lịch sử để thấy được quá trình phấn đấu cho chiến công vĩ đại này.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, đối phương không nghiêm chỉnh thi hành, hai miền không thể tiến hành hiệp thương, thống nhất đất nước. Ở miền Nam, chính quyền tay sai độc tài, gia đình trị của Ngô Đình Diệm ra tay tàn sát những người kháng chiến cũ buộc nhân dân phải vùng lên đấu tranh quyết liệt. Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước phát triển của lực lượng cách mạng, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại các thế lực phản động tiến tới thống nhất đất nước. Hậu thuẫn cho chính quyền ngụy là đế quốc Mỹ, họ đã dính líu vào chiến tranh Việt Nam từ năm 1948, khi ủng hộ chính phủ Quốc gia bù nhìn của Bảo Đại.
Trước nguy cơ đổ vỡ của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, ngày 18 tháng 2 năm 1962, Mỹ chính thức lập Bộ chỉ huy quân sự tại miền Nam Việt Nam với quân số trên 11.000 người cùng trang thiết bị hiện đại. Kẻ thù xâm lược đã lộ mặt trên đất nước ta.
Từ giữa năm 1961 đến năm 1965, Mỹ tiến hành Chiến tranh đặc biệt với phương thức quân ngụy trang bị vũ khí hiện đại, dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ nhưng đã thất bại, buộc Mỹ phải tiến hành cuộc Chiến tranh cục bộ, tức quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến cùng với quân đội đồng minh, thực chất là quân đội các nước chư hầu và lính ngụy. Đây là một thử thách lớn đối với lực lượng kháng chiến của dân tộc ta.
image001
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng chiến thắng ngày 15/5/1975

Ngày 8 tháng 3 năm 1965, quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, mở đầu cho Chiến tranh cục bộ. Nhớ lại hơn một trăm năm trước, cũng tại đây, thực dân Pháp, một cường quốc phương Tây, nổ súng tấn công, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vào ngày 31 - 8 - 1858, kết cục như chúng ta đã biết, ngày 7 -5-1954, chúng đã thất bại nhục nhã ở chiến trường Điện Biện Phủ, hàng vạn quân viễn chinh tinh nhuệ kéo cờ trắng ra hàng, nhưng đối với đế quốc Mỹ, ngày thất bại trong cuộc chiến Việt Nam còn nhanh hơn nhiều.
Để thực hiện Chiến tranh cục bộ, Mỹ đưa vào miền Nam Việt Nam một lực lượng quân sự thật hùng hậu: 60 vạn quân thuộc các binh chủng và 5 nước đồng minh: Hàn quốc 50.000 quân, Thái Lan 13.000 quân, Úc 7000 quân, Philippine 2000 quân, New Zealand 600 quân. Sau 3 năm chiến đấu với mục tiêu mù quáng và phi nghĩa chúng đã thảm bại trên chiến trường miền Nam cũng như chiến tranh không quân phá hoại miền Bắc, hàng nghìn máy bay hiện đại bị bắn hạ, hàng trăm phi công sừng sỏ bị bắt sống, ở miền Nam liên tiếp thất bại trên các chiến trường, buộc phải ngồi vào bàn đàm phán ở Paris từ ngày 13 tháng 5 năm 1968.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, nhân dân thực hiện cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, vì lơi ích của dân tộc và công lý mà chiến đấu dù phải hy sinh gian khổ. Bọn xâm lược và bè lũ tay sai không từ một thủ đoạn thâm độc và tàn bạo nào để cứu vạn tình thế thất bại đang đến từng ngày. Để đạt được những điều khoản có lợi trên bàn hội nghị, chúng thực hiện chiến dịch không quân 12 ngày đêm (Linebacker II) từ 18 đến 30 tháng 12 năm 1972, oanh tạc với mục đích hủy diệt những mục tiêu chiến lược, những thành phố lớn ở miền Bắc, trọng tâm là thủ đô Hà Nội, bằng những máy bay hiện đại nhất của Mỹ, nhưng chúng đã thảm bại. Chúng ta gọi 12 ngày đêm đó là Điện Biện Phủ trên không ví như trận Điện Biên Phủ đối với thực dân Pháp trước khi ký Hiệp định Genève.
Trong chiến dịch này, hàng trăm máy bay hiện đại bị bắn rơi, trong đó có 34 máy bay B52, mệnh danh là Pháo đài bay, một loại máy bay mà từ khi ra đời đến thời điểm đó chưa từng bị bắn hạ ở bất cứ chiến trường nào, trừ chiến tranh ở Việt Nam. Thất bại trên bầu trời Hà Nội, buộc Mỹ phải nối lại cuộc đàm phán Paris và phải thỏa thuận theo yêu cầu chính đáng của phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hiệp định được ký vào 11giờ 30’, giờ Paris, ngày 27-1-1973, tại hội trường quốc tế Kléber ở Paris, buộc Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Đến đây về căn bản số phận của chính quyền ngụy Sài Gòn đã được định đoạt.
Cuộc đàm phán ở Paris kéo dài 4 năm 9 tháng, qua 2 đời tổng thống Mỹ, gồm 201 phiên họp, 45 cuộc gặp riêng, 500 cuộc họp báo, 1000 cuộc phỏng vấn, bên ngoài hòa đàm là hàng nghìn cuộc mit tinh ủng hộ Việt Nam.
Qua hai năm thực hiện Hiệp định Paris lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh, ngày tận số của chính quyền ngụy đã đến gần mặc dù lính Mỹ đã cuốn cờ rút khỏi miền Nam những cố vấn, vũ khí và viện trợ vẫn tuôn vào đất nước này.
Kế hoạch giải phong miền Nam đã được Bộ chính trị định đoạt từ ngày 8 - 10 - 1974.
Ngày 10 - 3 -1975, chiến dịch Tây Nguyên mở màn thắng lợi chỉ trong 32 giờ giải phóng Buôn Ma Thuột. Đánh đúng huyệt, toàn bộ chiến trường Tây Nguyên rung chuyển, buộc địch phải tháo chạy về miền duyên hải.
Đêm 24-3-1975, quân ta mở chiến dịch Thừa Thiên - Huế, chỉ trong hơn một ngày Huế hoàn toàn được giải phóng.
Tại mặt trận Quang Nam - Đà Nẵng, chỉ trong 32 giờ chiến đấu mưu trí và ngoan cường với lực lượng áp đảo của các binh chủng hợp thành, 10 vạn quân địch bị tiêu diệt và tan rã vào chiều ngày 29-3-1975.
Chỉ trong một tháng toàn bộ Tây Nguyên Miền Trung và được giải phóng, hàng chục vạn quân ngụy bị bắt, tiêu diệt và tan rã, cửa ngõ vào Sài Gòn, mục tiêu cuối cùng đã rộng mở. Trong tình huống đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 7 tháng 4 năm 1975 đã ra lệnh:” Thần tộc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và quyết thắng...”
Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền năm diễn ra từ 26 đến 30 tháng 4 năm 1975.
Lực lượng ta thực hiện 5 mũi tấn công vào Sài Gòn, gồm 15 sư đoàn, 24 vạn quân, 400 tăng, thiết giáp, 420 pháo...
Địch 24 vạn quân, 625 tăng, thiết giáp,  400 pháo... Cuộc chiến chỉ diễn ra trong 6 ngày, lực lượng địch đã bị tiêu diệt và tan rã. 11 gời 30’ ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, hàng triệu quân ngụy được Mỹ đào tạo và trang bị những vũ khi hiện đại hoàn toàn tan rã. Miền Nam hoàn toàn được giải phóng, nhân dân cả nước hân hoan, nhân dân yêu chuyện hòa bình thế giới hoan nghênh, chúc mừng.  
image004
Chiếc xe tăng gốc tại Bảo tàng tăng thiết giáp Hà Nội.

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam cùa Đế quốc Mỹ tại Việt Nam là cuộc chiến tranh dài nhất và quy mô lớn nhất, ác liệt nhất kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai, qua 5 đời tổng thống Mỹ,
Mỹ tung vào chiến trường miền nam trên 60 vạn lính thuộc các binh chủng và một lượng khổng lồ trang thiết bị quân sự hiện đại. Quân Mỹ lúc cao nhất huy động tới 70% lục quân, 60% lĩnh thủy đánh bộ, 40% hải quân, 60% không quân. Huy động đến 6.600.600 lượt lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam, thả 7,5 triệu tấn bom, gấp 3 hơn lần số bom Mỹ thả trong Đại chiến thế giới lần thứ 2 (2,1 triệu tấn, tiên tốn 676 tỷ đôla). Nhưng tiền tài, bom đạn, thâm độc, tàn bạo không thế thắng được chính nghĩa, trí tuệ, kiên cường và văn minh của dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã được tôi rèn qua hàng ngàn năm lịch sử. Một lần nữa một siêu cương lại thất bại trên chiến trường Việt Nam.
Phát huy truyền thống của ông cha, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta đã đối xử nhân đạo với bọn chiến bại dù biết rõ tội ác tày trời của chúng.
Trong chiến tranh giải phóng miền Nam, nhân dân Hải Hưng khi đó đã đóng góp sức người sức của vào bậc nhất trong các tỉnh ở miền Bắc. Hàng chục vạn thanh niên ưu tú của địa phương đã lên đường, hàng vạn chiến sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp vẻ vàng này. May mắn và tự hào, trong xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, ngày 30-4-1975, biểu tượng của chế độ Việt Nam cộng hòa, chế độ tay sai của Mỹ, biểu tượng đó đã tan nát dưới xích xe tăng của quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có hai chiến sĩ anh hùng của quê hương Hải Dương là Vũ Đăng Toàn và Nguyễn Văn Tập.
Nhưng giải phóng miền Nam, thông nhất đất nước chỉ là bước đầu của một thời kỳ mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc không ít gian nan. Tiếng súng giải phóng miền Nam chưa dứt thì ở biên giới phía Tây Nam đã thấp thoáng những đoàn quân chĩa súng vào đất nước ta mà mới hôm qua họ cùng một trận chiến. Ngày 5-5-1975, thủy quân Khmer Đỏ lởn vởn bên đảo Phú Quốc âm mưu đổ bộ chiếm vị trí chiến lược của ta. Ngày 10-5-1975, chúng đánh úp Thổ Chu, bắt đi toàn bộ dân chúng ở đây khoảng 500 người, rồi thủ tiêu. Ngày 23-12-1978, cùng lúc chúng mang 19 sư đoàn tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, giết hại hàng nghìn dân thường. Đó là những sự kiện mở đầu cho chiến tranh biên giới Tây Nam. Ngày 7-1-1979, quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tiến vào giải phong Phnôm Pênh, thì ngày 17-2-1979, quân Bành trướng tổng tấn công dọc biên giới phía Bắc, biển đảo bị xâm lấn, rồi cấm vận của Mỹ. Thật là nhà cháy hai đầu. Trong hoàn cảnh vổ cùng gian nan đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã cùng một ý chí, chiến đấu dũng cảm, giúp Campuchia thoát nạn diệt chủng, giữ vững biên giới, hải đảo.
Cùng với chiến tranh biên giới, nhà nước ta phải đối đầu với muôn vàn khó khăn khôi phục đất nước sau chiến tranh, đặc biệt là về đối ngoại, khi Liên Xô và Đông Âu bị đổ vỡ. Dự luận quốc tế không phải lúc nào cũng thấu hiểu thực tế ở nước ta, còn kẻ thù thì luôn xuyên tạc sự thật. Ở Irac chỉ có vài chục người bị giết do nội bộ đất nước, thì Mỹ mang bom đạn đến oanh tạc với danh nghĩa nhân quyền, vì an ninh thế giới, khi Campuchia hơn hai triệu người bị Khme Đỏ tàn sát, chúng ta mang quân sang cứu nước bạn những người không thiện chí lại gọi là xâm lược, thật kỳ lạ. 
Trong muôn vàn khó khăn, 45 năm qua, kể từ ngày giải phóng Miền Nam , thống nhất đất nước, dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã tiến một bước phi thường, từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, thiệt hại nặng nề trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, thù trong, giặc ngoài, nay trở thành một nước phát triển bậc nhất Đông Nam Á, đời sống kinh tế, chính trị, xã hội được cải thiện, thế và lực của đất nước chưa  từng có trong lịch sử.
Với chính sách đối ngoại đầy thiện chí và rộng mở, đổi mới và hội nhập, gác lại quá khứ để cùng chung sống hòa bình, cùng phát triển, nhưng chúng ta không quên quá khứ, bởi đó là những bài học lịch sử quý báu để bảo tồn giang sơn gấm vóc này. Kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối, chúng ta tự tin mà cùng nhau hát vang bài Quốc ca: Nước non Việt Nam ta... vững bền !

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây