Nhân tài và phương pháp giáo dục từ sớm

Thứ bảy - 16/01/2016 13:32 400 0
Nếu có dịp quan sát, ngắm nhìn những mầm non đang nhú lên từ các hạt cây hoặc những chồi xanh đang mọc ra từ các thân cây, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự khác nhau của các mầm chồi. Có cái mập mạp, khỏe khoắn, có cái gầy yếu, mềm mại . Nhưng nếu có điều kiện theo dõi sự phát triển của chúng trong một thời gian dài, chúng ta sẽ thấy không phải bất cứ cái mầm chồi nào lúc dầu mập mạp sau cũng đều phát triển nhanh mạnh cả. Ngược lại, không phải tất cả cái mầm chồi nào lúc đầu gầy yếu sau cũng bị tàn nụi, què quặt. Vì sao vậy ?

Câu trả lời khái quát đó là do sự tác động của các yếu tố môi trường sinh trưởng trong quá trình phát triển, trong đó yếu tố then chốt là các chất dinh dưỡng và sự chăm sóc của con người. Giáo dục đứa trẻ để trở thành nhân tài cũng tương tự như vậy. Mọi đứa trẻ khi mới sinh ra xét về mặt sinh học đều có cấu tạo giống nhau, tuy có khác nhau về độ nặng nhẹ và giới tính. Nhưng trong quá trình phát triển nó sẽ dẫn tới những sự khác nhau. Có cháu trở thành thiên tài, nhân tài, có cháu trở nên bình thường, cá biệt có cháu bị hư hỏng. Sở dĩ có tình trạng đó là do sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố: tư chất, môi trường giáo dục và lòng đam mê với công việc… Trong đó, môi trường giáo dục giữ vai trò chủ đạo. Bàn về sự trưởng thành của con người là cả một vấn đề vô cùng phức tạp, hấp dẫn. Nhưng trong phạm vi bài báo này tôi chỉ xin đề cập tới phương pháp giáo dục sớm để trở thành nhân tài, tức là giáo dục trẻ trong giai đoạn trước khi đến trường. Thực tế cho thấy có rất nhiều trẻ em trở thành thiên tài, nhân tài nhờ vào phương pháp giáo dục sớm. Ví dụ: William James Sidis con trai nhà tâm lí học người Mĩ bắt đầu học từ khi 1 tuổi rưỡi, đến lúc 3 tuổi đã biết đọc, biết viết tiếng mẹ đẻ. Vào mùa xuân năm lên 6 tuổi, cậu đến trường tiểu học. Ngày nhập học William vào lớp 1 lúc 9 giờ và đến 12 giờ trưa khi mẹ đến đón cậu đã học xong lớp 3. Trong năm đó cậu đã học xong tiểu học. Năm 11 tuổi vào học trường đại học Harvard . Cậu đã tốt nghiệp đại học loại xuất sắc lúc 15 tuổi và tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ. Witte con trai mục sư người Đức lúc lên 8 tuổi đã thông thạo 6 thứ tiếng: Đức, Pháp, Ý, La tinh, Anh và Hy Lạp, 9 tuổi đỗ vào đại học Leipzig, 14 tuổi bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, sau đó nhận bằng Tiến sĩ triết học, nhận bằng Tiến sĩ Luật năm 16 tuổi.  Nhà thơ Đức Goethe năm 8 tuổi đã thông thạo 6 ngoại ngữ, làm Bộ trưởng tài chính năm 23 tuổi và làm Thủ tướng năm 24 tuổi v.v Những chuyện kể như thế có rất nhiều. Họ đều có một nét chung là thừa hưởng phương pháp giáo dục sớm. Từ những kết quả cụ thể trên, chúng tôi xin nêu ra một số nét đặc trưng của phương pháp giáo dục sớm để các bậc cha mẹ tham khảo, trên cơ sở đó tìm cách vận dụng vào việc giáo dục con cháu mình sao cho có hiệu quả.
 

226 treem3tuoi

Giai đoạn mẫu giáo là thời điểm rất quan trọng trong giáo dục. Ảnh minh họa.

1. Việc đầu tiên và quan trọng nhất đối với trẻ là giáo dục ngôn ngữ.
Bởi ngôn ngữ chính là phương tiện, là công cụ để trẻ có thể tiếp thu mọi kiến thức khác. Đây cũng là sự khác biệt cơ bản trong sự tồn tại và phát triển giữa con người và con vật. Để phát huy được khả năng này của trẻ, chúng ta phải tìm cách cho trẻ học thuộc và nhớ từ vựng thông qua các trò chơi với những đồ vật cụ thể. Ví dụ khi cho trẻ nhìn bông hoa thì chúng ta dạy cho trẻ từ “hoa”, khi cho trẻ nhìn lá cờ thì ta dạy cho trẻ từ “cờ” … Chú ý lúc đầu ta chỉ nên dạy cho trẻ từ đơn, chưa nên dạy từ kép, chưa vội dạy ngữ pháp. Để trẻ nhớ được từ, ta phải nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Có điều cần nhớ là khi phát âm các từ cho trẻ nghe phải đảm bảo tính chất chuẩn mực, tránh dùng ngôn ngữ địa phương . Một trong những phương thức làm phong phú vốn từ cho trẻ là kể chuyện cho trẻ nghe. Trẻ rất hứng thú khi được nghe kể chuyện vì nó muốn tìm hiểu những điều mới lạ trong thế giới xung quanh. Để tăng thêm sự hấp dẫn cho trẻ, người kể cần khéo léo sử dụng âm điệu, ngữ điệu sao cho phù hợp với nội dung câu chuyện, tạo ra cho trẻ một sự cảm nhận gần giống như sự thật đang diễn ra trước mắt trẻ. Muốn trẻ nhớ được nội dung câu chuyện, người lớn nên kể nhiều lần và tập cho trẻ kể lại sau nhiều lần nghe. Thông thường trẻ thích nghe những câu chuyện cổ tích và thần thoại. Dĩ nhiên cần quan tâm đến sở thích và đặc điểm tâm lí của trẻ trong từng giai đoạn lứa tuổi để lựa chọn nội dung và thể loại chuyện kể sao cho phù hợp với từng đứa trẻ, có vậy mới gây được hứng thú cho trẻ trong khi nghe chuyện. Lời ru của mẹ cũng là một hình thức có tác dụng rất lớn trong việc cung cấp vốn từ hiểu biết thế giới xung quang cho trẻ. Những âm điệu ngọt ngào của lời ru kèm theo những từ ngữ rất gần gũi với cuộc sống làm cho đưá trẻ dễ tiếp thu những nội dung giáo dục hàm chứa trong các lời ru. Kinh nghiệm của nhiều nhà giáo dục trên thế giới trong công việc này là sử dụng những bài hát “đồng dao” vốn có trong dân gian đề làm phong phú vốn từ và mở rộng tầm hiểu biết cho trẻ. Cho trẻ học nhiều ngoại ngữ khác nhau cũng là cách làm tăng vốn từ cho trẻ, vì ngôn ngữ của mỗi nước có đặc thù riêng. Bằng những phương pháp giáo dục trên, đến lúc 5 tuổi Witte đã nhớ được 30.000 từ, trong khi 1 học sinh trung học học 5 năm cũng chỉ có thể nhớ được 3000  - 5000 từ. Có thể nói: nếu giáo dục gia đình không tốt, thì đứa trẻ khó có thể trở thành nhân tài cho dù trong nhà trường có các giáo viên giỏi.

2. Để trở thành nhân tài cần nắm bắt “thời điểm vàng” của trẻ để tác động nội dung giáo dục thích hợp.

Xét về mặt sinh học, con người cũng như các loài động vật khác đều có những “thời điểm vàng” phát triển. Ở thời điểm đó, nếu được giáo dục đúng lúc nó sẽ tạo ra sự phát triển mạnh mẽ một khả năng nào đó trong vốn tiềm tàng của nó. Đương nhiên, có những khả năng diễn ra trong một thời gian khá dài, nhưng cũng có những khả năng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Và nếu không được phát triển trong thời gian đó thì nó sẽ vĩnh viễn mất đí. Ví dụ “khả năng nhận biết tiếng mẹ” của gà con là thời gian sau khi sinh được 8 ngày. Nếu trong 8 ngày mà gà con không được nghe tiếng gà mẹ thì nó sẽ không bao giờ nhận dạng được âm thanh đó nữa. Theo sự tổng kết của nhiều nhà giáo dục giàu kinh nghiệm thì trẻ lớn lên trở thành nhân tài hay bình thường ít nhiều cũng có yếu tố di truyền, nhưng quan trọng hơn cả là việc giáo dục trẻ trong giai đoạn từ khi mới sinh đến lúc 5 – 6 tuổi. Ví dụ việc học ngoại ngữ, nếu trẻ không được bắt đầu trước 10 tuổi thì sau này khó trở thành người giỏi. Những môn học đòi hỏi có năng khiếu như chơi đàn Piano, Violon … cần được bắt đầu học từ lúc 3 – 5 tuổi. Nhìn chung, mỗi đứa trẻ đều có cơ hội để phát triển, nhưng nếu bỏ qua “thời điểm vàng” của nó thì từng khả năng một sẽ vĩnh viễn mất đi. Đây gọi là qui luật về sự giảm dần khả năng tiềm tàng của trẻ.  Điều quan trọng nhất là các nhà giáo dục không được để cho khả năng tiềm tàng của trẻ bị mai một dần theo thời gian, mà phải nhạy bén nắm bắt lấy thời cơ để phát huy tối đa khả năng đó. Trong “thời điểm vàng”, trẻ thường bộc lộ sự hứng thú và tập trung cao độ. Ví dụ nhạc sĩ thiên tài Mozart bắt đầu sáng tác từ khi 4 tuổi lúc nào ông cũng để hết tâm trí vào việc lựa chọn giai điệu hay cho các bản nhạc của mình. Handel là một cậu bé rất hứng thú về âm nhạc nhưng không được cha ủng hộ nên cậu bé đã giấu cha mẹ mua một cây đàn và buổi tối sau khi cả nhà đã ngủ say, cậu trèo lên mái nhà và say sưa tập đàn trên đó. Bach cũng là cậu bé thích âm nhạc nhưng không được anh trai  ủng hộ, cậu đã chờ đêm khuya lấy trộm các bản nhạc của anh và chép lại dưới ánh trăng. Cuối cùng cả Handel và Bach đều trở thành những nhạc sĩ vĩ đại. Đúng như người ta nói: đam mê là “phép thuật” mầu nhiệm tạo nên những điều kì diệu và nếu thời thơ ấu không có được sự đam mê này thì khi lớn lên cũng khó mà có được. Thực tiễn đã chứng minh, đối với trẻ em thời điểm bắt đầu giáo dục càng muộn thì khả năng phát huy năng lực sẵn có càng giảm. Vì năng lực của trẻ tồn tại theo qui luật giảm dần. Nếu muốn con cháu mình trở thành nhân tài thì các bậc cha mẹ phải quan tâm giáo dục trẻ từ sớm.

3. Dạy trẻ mở rộng tầm nhìn và tích cực suy nghĩ.

Khi định luật “Vạn vật háp dẫn” ra đời, có người hỏi Niuton: “Làm sao ông phát hiện ra điều vĩ đại như vậy ?”. “Đó là suy nghĩ không ngừng”. Ông trả lời không do dự. Hoặc một trong những yếu tố làm nên sự thành công của Hoàng đế Napoleon là ông luôn dành thời gian suy nghĩ về các chiến thuật. Ngay cả những lúc đi xem nhạc kịch giải trí thì “thần xác ông ở trong rạp hát mà tâm trí ông dường như đang ở ngoài chiến trận”. Điều đó nói lên vai trò vô cùng quan trọng của yếu tố tư duy, suy nghĩ trong việc tạo nên nhân tài. Các bậc cha mẹ của các nhân tài thường có chung quan điểm giáo dục: Hễ suy nghĩ thì sẽ hiểu được, do đó, họ quyết không dạy con khi con chưa đưa ra suy nghĩ của mình. Theo họ, đa phần trẻ nhỏ chỉ học thuộc kiến thức một cách thụ động, ít chịu tư duy, suy nghĩ. Bởi thế, nó đã làm mai một khả năng đưa ra ý tưởng riêng của mình. Cần mở rộng tầm nhìn cho trẻ thông qua việc cho trẻ hòa nhập vào môi trường thiên nhiên. Đồng thời tận dụng những thời cơ để mở mang sự hiểu biết của trẻ. Ví dụ: khi đưa trẻ đi dạo chơi,hay tham quan du lịch, đứng trước một sự vật hay hiện tượng nào đó thì tranh thủ giải thích cho trẻ biết nội dung của sự vật, hiện tượng đó. Khuyến khích trí tưởng tượng của trẻ bằng những câu hỏi phù hợp, động viên trẻ tự đặt ra câu hỏi và hướng dẫn trẻ trả lời.  Khéo léo chuyển những kiến thức ở vùng lân cận vào vùng hiện có trong trí não của trẻ. Nếu không được yêu cầu những điều ngoài khả năng của mình thì trẻ không bao giờ có thể phát huy hết tiềm lực vốn có của nó. Để có được một tinh thần sảng khoái, minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh, hoạt bát đối với trẻ, các bậc cha mẹ cần sắp xếp thời gian hợp lí trong mỗi ngày . Tạo cho trẻ được tiếp xúc với môi trường thiên nhiên kết hợp với phương pháp “Chơi mà học, học mà chơi”. Nhiều bậc phụ huynh của các  tài năng thường coi trọng việc giáo dục nhân cách hơn  giáo dục tài năng. Vì thế, họ đề cao nguyên tắc nhất quán trong lời nói và hành động, cái gì đã nói không thì nhất định không được làm, tránh thái độ bất nhất khi yêu cầu trẻ, lúc thì đồng ý, lúc lại không.  Cái gì là tốt, cái gì là xấu, những nhà giáo dục phải nhất quán ngay từ đầu không được tùy ý thay đổi. “Mẹ hiền, cha nghiêm” đó chưa phái là một phương pháp giáo dục tối ưu.

Những kết quả nghiên cứu của nhiều nhà giáo dục tài ba cho thấy phương pháp giáo dục từ sớm là cơ sở để đào tạo nhân tài, nhưng giáo dục từ sớm không có nghĩa là dạy đọc, dạy viết sớm cho trẻ mà cái cốt lõi của nó là làm phong phú vốn từ vựng cho trẻ thông qua việc đọc, nói, hát, lời ru, kể chuyện …cho trẻ nghe. Thực tiễn cho thấy, nếu có phương pháp giáo dục tốt, trẻ nhỏ có thể tiếp thu một khối lượng kiến thức đáng kể. Muốn đứa trẻ trở thành nhân tài, cùng với các biện pháp giáo dục sớm của gia đình và nuôi dưỡng khát vọng vươn tới đỉnh cao cho trẻ, các nhà giáo dục nói chung, các bậc phụ huynh nói riêng cần khắc phục quan điểm phó mặc cho nhà trường, quá đề cao vai trò của tư chất. Có thể khẳng định rằng: giáo dục nhân tài là sự kết hợp hài hòa giữa tiềm năng tư chất ban đầu với  vai trò quyết định của tinh thần nhiệt tình, say mê, ý chí kiên nhẫn và trí óc tưởng tượng, sáng tạo phong phú của đứa trẻ và nhà giáo dục.  

                                                                 TS. Phạm Trung Thanh

                                                                                                  Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây