Nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước

Thứ năm - 28/01/2016 13:40 2.317 0
Mở đầu bản Di chúc, Bác Hồ khẳng định cuộc chống Mỹ của nhân dân ta “nhất định thắng lợi hoàn toàn”. Bác nêu dự kiến đến ngày đó, Bác sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, và thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng. Rồi Bác viết: “Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”.

Ngày 2/9/1969, Bác đã ra đi trong lúc cuộc chống Mỹ cứu nước chưa đến thắng lợi hoàn toàn. Ý định ấy Bác chưa thực hiện được nhưng lời di chúc vẫn nhắc nhở chúng ta sống có đạo lý, nhân nghĩa, có trước có sau, ăn quả phải nhớ đến người trồng cây. Đồng thời cũng là lời khẳng định công lao to lớn của nhân dân thế giới đối với Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà còn đối với cả sự nghiệp Cách mạng Việt Nam từ khi Bác đi tìm đường giải phóng dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ vô cùng to lớn về vật chất và tinh thần của các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, của nhân dân các nước khác trên thế giới. Trong nội dung bài viết này, chỉ đề cập tới phong trào ủng hộ Việt Nam của nhân dân một số nước tư bản, thậm chí của nhân dân Mĩ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta là cuộc kháng chiến chính nghĩa với tính nhân văn cao cả; đồng thời là cuộc kháng chiến với ý chí sắt đá của dân tộc anh hùng; người ít, nước nghèo, vũ khí thô sơ mà dám đánh Mỹ, cộng với sự tuyên truyền của ta làm cho thế giới ủng hộ Việt Nam nhiệt tình và rất sáng tạo. Ngay từ khi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng năm 1965, đã có rất nhiều tổ chức khởi sự việc ủng hộ Việt Nam. Tiêu biểu như: Đại hội thế giới vì Việt Nam đã họp nhiều lần tại Stockholm trong ba năm 1969, 1970, 1971 bầu ra ban thường trực và kêu gọi mỗi nước thành lập một ủy ban chuyên trách để có chương trình hành động ủng hộ Việt Nam. Đại hội thế giới vì hòa bình họp ở Berlin ngày 21/6/1969 đã kêu gọi tổ chức nhiều chuyến tàu của châu Âu vì Việt Nam. Cuộc “Tập hợp thế giới vì hòa bình và độc lập của nhân dân Việt Nam – Lào – Campuchia” ngày 14/12/1972 ở Vec-xây (Pháp) có 1200 đại biểu của 84 nước tham dự đã bàn soạn chương trình hành động vì ba nước Đông Dương. Giới thanh niên có “Cuộc gặp gỡ thế giới của thanh niên- sinh viên” ở Helsinki từ 23-27/8/1969 có 649 đại biểu, 215 tổ chức quốc gia, 17 tổ chức quốc tế của 78 nước về dự. Tại đây, họ lắng nghe đoàn Việt nam phát biểu và bàn cách ủng hộ Việt Nam. Tiếp đến là “Cuộc gặp gỡ thanh niên châu Âu” từ 14-15/10/1972 tại Paris, với trên 40 tổ chức của 20 nước châu Âu bàn việc ủng hộ chính trị và vật chất cho Việt Nam.

Giới y học đã tổ chức “Hội nghị quốc tế về y học và chiến tranh ở Đông Dương” tại Paris với gần 100 nhà khoa học và bác sĩ của 20 nước, có mời đại biểu từ chiến trường miền Nam để thảo luận về tác hại của vũ khí hóa học và chất độc hóa học, hơi độc mà quân Mỹ đã dùng ở Việt Nam. Đặc biệt là “Hội nghị giúp đỡ y tế cho Việt Nam” của Pháp (AMFV) đã cùng các đồng nghiệp ở châu Âu thành lập “Ủy ban châu Âu phối hợp hoạt động giúp đỡ y tế cho Việt nam”, gồm 14 nước (có cả Canada ở Bắc Mỹ). Ủy ban này đã họp định kỳ, có kế hoạch cụ thể thường xuyên liên lạc với Việt Nam để quyên góp thuốc men và dụng cụ y tế theo yêu cầu của chiến trường.

Giới công giáo ở nhiều nước đã tổ chức được ba lần đại hội vào các năm 1971,1972,1973 tại Pháp, Canada, Ý kêu gọi đồng bào công giáo trên thế giới ủng hộ nhân dân ba nước Đông Dương và kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở ba nước này. Tại đại hội lần thứ 3, giới công giáo đã mời các đoàn ở Việt Nam đến phát biểu ý kiến. Linh mục Trần Quang Nghiêm từ vùng giải phóng miền Nam đã sang dự.
 

ctvn

Một nhóm sinh viên nữ tại Đại học California, Berkeley, Mỹ, biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Phần lớn phong trào chống chiến tranh bắt đầu từ các trường đại học với các tổ chức như Sinh viên vì một Xã hội Dân chủ (SDS). Ảnh: history.com

Giới luật gia đã phát huy kết quả của hai phiên tòa án quốc tế tại Stokholm (tháng 5/1967) và tại Roskil (tháng 11/1967)  ở Đan Mạch về tội ác chiến tranh của Mỹ. Họ thành lập “Trung tâm quốc tế tố cáo tội ác chiến tranh” để thường xuyên xuất bản các tài liệu tố cáo tội ác của Mỹ đối với Việt Nam. Hội Luật gia dân chủ quốc tế (AIJD) đã triệu tập hội nghị thế giới các Luật gia vì Việt Nam họp tại Grenoble (Pháp) vào tháng 7/1968 với 150 luật gia đến từ 38 nước, kể cả Mỹ và Việt Nam. Hội đã ra tuyên bố lên án có hệ thống tội ác của Mỹ ném bom trường học, bệnh viện, nhà thờ, chùa chiền, sử dụng vũ khí hóa học... Hội còn thành lập những đoàn điều tra đặc biệt vào miền Nam Việt Nam để điều tra tội ác Mỹ ngụy ở các nhà tù.

Điển hình ở Pháp, ủng hộ Việt Nam đã thành cao trào, lôi cuốn hàng triệu người từ thường dân đến nhân sĩ trí thức tham gia với các hình thức phong phú, sáng tạo mà đỉnh cao là cuộc nổi dậy lịch sử vào tháng 5/1968. Họ ra sách báo, bản tin, mở hội thảo, phát truyền đơn, mít tinh, tuần hành ủng hộ Việt Nam. Họ sáng tạo ra những phong trào “Sáu giờ cho Việt Nam, “Một ngày cho Việt Nam”, “Một tuần cho Việt Nam”, sau đó là “Một tháng cho Việt Nam”. Họ treo cờ Việt Nam trên nóc nhà ở trường Đại học Sooc-bon. Họ treo cờ Mặt trận trên tháp chuông nhà thờ Đức Bà Paris để chào mừng phái đoàn Mặt trận đến tham dự Đại hội bốn bên ở Paris. Những người dân Pháp thì làm mọi việc có thể kiếm ra tiền ủng hộ Việt Nam. Có người đi hái hoa rừng về bán lấy tiền; có người bán xổ số, khâu búp bê vải, khâu nón lá bán lấy tiền gây quỹ ủng hộ Việt Nam. Có người ủng hộ cái xe đạp, có người góp vào đôi vành, cái ghi-đông... Tất cả đều còn mới và tốt để gửi chuyến tàu 1200 tấn hàng cho Việt Nam. Những trí thức thì soạn sách, viết lời tuyên truyền, in ấn phát cho mọi người để hiểu về Việt Nam. Khi đoàn ta họp ở Paris, từ lái xe đến bảo vệ đoàn đều là người Pháp (do Đảng Cộng sản Pháp cắt cử trong suốt 4 năm họp). Một số giáo xứ giúp ta soạn thảo văn bản. Nữ giáo sư ngôn ngữ Mi-gây Găng-xen ở trường Đại học Vincennes và Lyon đã quyết tâm học thành công tiếng Việt để từ năm 1971, chị đã dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Pháp. Chị biên soạn và xuất bản quyển “Truyện cổ tích Việt Nam”, “Kho báu của con người”. Chị còn viết nhiều bài “Văn thơ đấu tranh ở miền Nam” cho tờ Le Monde, dịch thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Lê Anh Xuân... đăng báo chí.

Tháng 4/1970, tại Quảng trường TraFalgar (Luân Đôn), hàng ngàn người Anh, có cả người Mỹ biểu tình và kéo đến sứ quán Mỹ kiến nghị chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam rồi đốt cờ Mỹ.

Không chỉ ở Pháp, Anh, Mỹ, Hà Lan cũng là nước có phong trào ủng hộ Việt Nam vô cùng lớn mạnh. Đặc biệt, Hội Y tế Hà Lan do giáo sư, bác sĩ De Hass đứng đầu đã tổ chức nhiều chiến dịch, như “Hiến máu cho người Việt Nam”. Quyên góp được máu rồi phải biến thành huyết tương khô, bảo quản và gửi nhanh sang Việt Nam. Rồi “Chiến dịch y tế đoàn kết với Việt Nam” đã giúp quyên góp được 16 tấn thuốc và dụng cụ y tế cho Việt Nam. Một nhóm bạn Hà Lan đã cải tiến chiếc xe đạp phát điện nạp ắc quy và có đèn đeo trên trán gửi sang Việt Nam cho các bác sĩ mổ ở các bệnh viện dã chiến. Hội đã mua tất cả các chế phẩm sản xuất thuốc kí ninh của cả nước Hà Lan để chế thuốc trị sốt rét gửi sang Việt Nam. Hội còn sản xuất hàng chục vạn cặp kính lão gửi sang Việt Nam cho cán bộ cao tuổi nơi chiến trường. Hội quyên góp máy khâu, xe đạp, sữa bột... gửi sang Việt Nam, đặc biệt là những chiếc thuyền máy cứu lụt để phòng mùa mưa giặc Mỹ đánh phá đê điều của ta.

Đáng ghi nhớ nhất là anh No-man Mô-ri-sơn,ngày 2/11/1965, để phản đối Mỹ đưa quân sang Việt Nam, anh đã bế đứa con gái út Ê-mi-li mới 18 tháng tuổi đến bên Lầu năm góc, để con ngồi chơi trên vỉa hè, anh ra đường đổ xăng lên người và tự thiêu. Anh đã hi sinh vì Việt Nam. 5 ngày sau, nhà thơ Tố Hữu đã cho ra đời bài thơ “Ê-mi-li con”. Sau này, khi Tố Hữu già, cô bé Ê-mi-li đã có gia đình riêng, cô cùng mẹ sang Việt Nam và đến thăm Tố Hữu. Cô có làm bài thơ tặng lại ông.

Không giấy bút nào có thể ghi hết một cách tỉ mỉ những hành động của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhiều người ủng hộ ta đã bị chính quyền nước họ bỏ tù hoặc trục xuất khỏi nơi cư trú, có cả người đã hi sinh. Một số cuộc biểu tình ủng hộ Việt Nam còn bị cảnh sát đàn ấp. Song, không gì có thể ngan cản được làn sóng ủng hộ Việt Nam.

Đất nước ta có hòa bình, thống nhất và phát triển như ngày nay, ngoài sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ, của Đảng, sự hi sinh vô cùng lớn lao của cả dân tộc, còn có sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của nhân dân khắp thế giới. Với đạo lí uống nước nhớ nguồn, chúng ta mãi mãi ghi nhớ công lao của bạn bè năm châu. Giá như chúng ta chọn một ngày nào đó lấy tên là “Ngày thế giới ủng hộ Việt Nam”. Giá như ở thủ đô Hà Nộ có con đường mang tên những anh hùng nước ngoài hi sinh vì nước ta thì đó là cách tỏ lòng biết ơn với các bạn quốc tế và chắc chắn sẽ có tính giáo dục tốt với con cháu chúng ta.

                                                                                                                                  Phạm Văn Duy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây