Nhà trường với việc giáo dục sự thân thiện

Thứ hai - 23/10/2023 16:22 63 0
Trường học ngày nay dù là trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở hay trung học phổ thông đều có rất nhiều khẩu hiệu. Nào là "Tiên học lễ hậu học văn", "Thi đua dạy tốt học tốt", "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui"... Có trường còn trích cả thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai giảng năm 1945. Có trường đưa cả lời của cụ Thân Nhân Trung (thế kỷ 15) về “hiền tài”, cả thơ Nguyễn Trãi về học và làm… Rồi “5 điều Bác Hồ dạy”, “nội quy”…Tất cả những lời văn nêu trên đều rất quý và rất tốt cho việc giáo dục học sinh.
Nhớ đến Nghị Quyết của Đại hội Đảng 4 họp năm 1976 có nêu ba nguyên lý giáo dục của Việt Nam là: “Học đi đôi với hành”, “Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất”, “Nhà trường gắn liền với xã hội”. Từ ba nguyên lý nêu trên, phân tích ra sẽ thấy nó bao hàm rất nhiều nội dung về cả mục đích, phương châm, phương pháp giáo dục. Hơn 40 năm trôi qua, nguyên lý giáo dục mà Đảng nêu ra vẫn còn nguyên giá trị tích cực của nó, mặc dù ngành giáo dục đào tạo thời nay hầu như không ai nhắc đến nữa.
Với giáo viên tất cả đều đã qua trường lớp sư phạm. Họ được học về tâm lý giáo dục, phương pháp giáo dục.
 Trong thực tế, ngành giáo dục đào tạo nước ta đã có những thời kỳ rất thân thiện. Giáo viên thân thiện với giáo viên, thân thiện với học sinh, thân thiện với phụ huynh học sinh; Lãnh đạo nhà trường thân thiện với giáo viên, công nhân viên; Cơ quan chính quyền đoàn thể địa phương rất thân thiện với nhà trường với thầy cô giáo và ngược lại. Giai đoạn thân thiện rất đẹp đẽ ấy kéo dài khoảng gần 50 năm, nghĩa là từ kháng chiến chống pháp đến hết thế kỷ thứ XX. Thời gian ấy vừa chiến tranh, rồi bao cấp, kinh tế đất nước còn nghèo và lạc hậu. Giáo dục lúc ấy rất khổ. Trường lớp thì tường đất, mái rạ. Bàn ghế không đủ cho học sinh ngồi. Bảng không ra bảng. Phấn không ra phấn. Sách giáo khoa in giấy rất xấu mà cũng không đủ cho học sinh mua. Có nhà bốn, năm đứa con vậy mà học chung một cuốn sách giáo khoa. Thầy cô thì đào tạo sư phạm 7 ngày, một tháng cấp tốc cho đến ba tháng, sáu tháng, một năm. Ra trường lương rất thấp lại đa số là “dân lập” (năm 1960 lương giáo viên cấp một mới có 32 đồng/ tháng. Lúc ấy gạo mậu dịch là 2 hào rưỡi/kg). Giáo viên ở trọ nhà dân chứ làm gì đã có nơi ở tập thể. Hai, ba tháng không được lĩnh lương là chuyện bình thường. Đấy là giáo viên ở đồng bằng ai đi dạy ở miền núi thì còn khổ nữa khổ đến mức không thể khổ hơn.
Mặc dù không thể nói hết nhưng đấy cũng là giai đoạn trường học thân thiện vô cùng đẹp đẽ, đáng ghi nhớ. Giáo viên dạy rất tận tình. Những học sinh kém được thầy cô dạy thêm. Học sinh giỏi được bồi dưỡng để thi cấp huyện, tỉnh, quốc gia. Tất cả đều không lấy tiền. Thậm chí đến tối giáo viên còn đi đến từng nhà học sinh xem các em có học bài không. Em nào không làm được bài tập còn giảng cho hiểu để các em làm bài. Việc thầy cô mua sách, bút, mực cho học sinh nghèo khó là chuyện thường, ờ đâu cũng có. Việc học sinh ốm phải nghỉ học mấy ngày, thầy cô mua quà đến thăm và giảng những bài em không được học ở lớp cũng là chuyện bình thường. Em nào mắc khuyết điểm trầm trọng là giáo viên đến nhà khéo léo trao đổi với phụ huynh và thống nhất cách thức giáo dục. Có học sinh nhà nghèo, sáng không có gì ăn đến trường được cô cho củ khoai, củ sắn có khi là bát cơm nguội ăn cho đỡ đói cũng là chuyện thường. Giáo viên còn bỏ tiền lương ra mua nguyên vật liệu làm đồ dùng giảng dạy cho học sinh dễ hiểu bài hơn cũng là chuyện thường. Còn việc vá lại cái áo bị bạn nô đùa làm rách hay đơm lại vài cái cúc áo là chuyện nhỏ...
Cũng chính vì thế mà học sinh quý thầy cô lắm. Có em mang mớ rau, quả bí cho thầy cô ở bếp ăn tập thể. Tối đến nhiều em ra trường chơi với thầy cô và cũng là để hỏi bài mình chưa hiểu. Có em giúp thầy cô trồng tưới rau, nấu cơm, quét nhà, giặt quần áo. Nhiều cô giáo trẻ, chủ nhật không về vì nhà xa, lại không có xe đạp thì tối thứ bảy sẽ có dăm ba em ra ngủ cùng với cô cho vui và cũng là được cô giảng thêm cho. Thầy cô xây dựng gia đình, ngày cuới, các em đi đông lắm mà quà cưới có gì đâu : Cái xoong nấu bột, cái thau nhôm mỏng tang hoặc cái ca ,cái cốc vậy mà rất tình cảm. Những cô có con nhỏ, ở tập thể thường được học sinh rất thương.Các em bế con cho cô lên lớp,soạn bài. Các em mua quà cho bé. Nhất là lúc thầy cô ốm, học sinh đến chơi đông lắm. Có em đã khóc vì thương thầy, cô...
Phụ huynh các em cũng vậy. Họ quý và gần gũi các thầy cô lắm. Chuyện phụ huynh học sinh cho thầy cô vay gạo vì chưa đong kịp, mượn tiền vì chưa đến tháng lương là bình thường, ở đâu cũng có. Phụ huynh thường ra trường chơi với giáo viên như anh em ruột thịt. Họ sửa nhà ở, chữa bàn ghế hỏng cho trường không lấy công. Con cháu họ có thói hư gì, họ nói cho giáo viên hết. Nhiều người còn nhờ thầy cô đánh mắng con mình nếu nó hư, hỗn láo... Những việc làm và vật chất ấy tuy nhỏ nhưng rất thật, chân tình, không hề có ý thức cầu lợi gì cả.
 Quan hệ trong ngành với nhau cũng thân thiện lắm. Hiệu trưởng hiệu phó với giáo viên như anh em một nhà. Hàng ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc. Có gì sai thì bảo nhau theo đúng nghĩa chân tình. Phòng, Ty (sở) đi kiểm tra trường cũng thế. Bữa ăn cho khách có tươi hơn nhưng tùy nơi. Đoàn kiểm tra ra về cũng không có phong bì phong bao gì hết. Có thể nói là rất bình đẳng, thân thiện và trong sáng.
    Ấy thế mà từ khi có tác động của cơ chế thị trường, đồng tiền nó hoành hành làm giảm đi đáng kể sự thân thiện trong nhà trường nói riêng và ngành GD-ĐT nói chung. Có nhiều lý do làm mất đi sự thân thiện trong nhà trường. Cụ thể là từ khi phong trào dạy thêm, học thêm xuất hiện. Có giáo viên ép học sinh học thêm. Có giáo viên ở lớp dạy qua loa để học sinh hiểu bài không cặn kẽ buộc phải học thêm. Có giáo viên dạy trước chương trình. Có giáo viên "dạy tủ " cho những kỳ thi do trường hoặc huyện tổ chức để khi thi, học sinh ấy cao điểm. Em nào không học thêm tất nhiên làm bài không đạt điểm cao vì sai sót.vv... Tất cả học sinh học thêm đều có đơn đề nghị của phụ huynh hẳn hoi. Trường không tổ chức thì giáo viên tổ chức dạy thêm ở địa điểm khác. Lãnh đạo trường lờ đi vì được hưởng phần trăm. Thôi thì đủ cách để hợp lý hóa. Bộ GD-ĐT đã hai lần có văn bản cấm dạy thêm, học thêm nhưng vẫn còn diễn ra hiện tượng ấy ở nơi này, nơi khác.
      Lý do thứ hai là lạm thu ở nhiều trường (có trường vì phụ huynh kiện nên cấp trên phải xử lý, báo đài đã đưa). Học sinh đến trường là gánh trên vai đủ loại phí: từ học phí, sách giáo khoa, vở ghi có in tên trường, giấy kiểm tra, nước uống, vệ sinh trường lớp, gửi xe, quỹ hội phụ huynh, quỹ lớp, đồng phục chung, đồng phục thể dục thể thao, đồng phục mùa đông, phí lễ tết, thăm nom, liên hoan... nhiều lắm, khó mà thống kê được.
 Lý do thứ ba là Xã hội. Ấy là nói theo nhiều người bảo rằng "Đạo đức xã hội xuống cấp ",. Điều đó có thể có nhưng còn ở nhà trường, chả lẽ đạo đức cũng xuống cấp theo xã hội sao? Vậy vai trò giáo dục của cả một đội ngũ thầy, cô, phụ huynh, đoàn thể… để đâu? Tuy vậy dù muốn hay không cũng phải thừa nhận rằng những hiện tượng thiếu thân thiện trong nhà trường ngày nay không phải là ít. Chẳng hạn trò thiếu niềm tin yêu thầy cô, cãi lại thầy cô, thậm chí đánh mắng thầy cô ngay ở lớp học. Thầy cô thì mắng nhiếc, bạo hành học sinh, lợi dụng học sinh về vật chất, về tình dục. Đội ngũ thầy cô với nhau cũng hình như ít thương yêu nhau: Kiện cáo, cãi đánh nhau, lợi dụng nhau … Phụ huynh học sinh thì sẵn sàng chống đối lại nhà trường: Tố cáo, kiện nhà trường, kiện thầy cô, bênh con, thậm chí có người còn đánh giáo viên ngay tại bục giảng…
 Những điều nói trên đều đã được báo đài từng nói đến. Nó tuy là số ít nhưng mối nguy hiểm của nó gây ra lại là số nhiều và những điều ấy hoàn toàn trái với đạo lý của dân tộc ta, của giáo dục nước ta.
Vậy lấy lại sự thân thiện trong nhà trường, có thể nói là sự cấp thiết không thể chậm trễ được. Đó là lập lại cái mối thân thiện giữa thầy với trò, thầy cô với thầy cô, thầy cô với phụ huynh; Nhà trường với xã hội (chính quyền, đoàn thể và mọi hoạt động…) bằng cách thực hiện tốt các nguyên lý giáo dục của Đảng; Kiên quyết chấm dứt nạn dạy thêm học thêm (hiện đã có nơi làm được). Chấm dứt nạn lạm thu trong nhà trường; Tổ chức hoạt động của hội phụ huynh học sinh một cách đúng đắn và trong sáng. Hội phụ huynh học sinh phải là hội độc lập do Ủy ban nhân dân lãnh đạo để cùng với nhà trường tổ chức giáo dục học sinh chứ Hội không phải là công cụ của nhà trường; Đưa việc giáo viên (chủ nhiệm lớp) phải đến với gia đình học sinh thành nhiệm vụ bắt buộc; Nâng cao cách ứng xử mang tính sư phạm đối với tất cả cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong nhà trường. Ngoài những cụ thể nêu trên, ngành giáo dục đào tạo cần phải thực hiện tốt khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu” bằng hành động cụ thể.
 Làm được như vậy, thì tôi tin rằng mối quan hệ thân thiện trong nhà trường sẽ được khôi phục và thậm chí sẽ tốt đẹp hơn. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục cũng được nâng cao lên.
Phạm Văn Duy
 Từ khóa: giáo dục

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây