Người đưa tối hậu thư đòi Vua Bảo Đại thoái vị

Thứ ba - 02/02/2016 15:24 1.464 0
Những ngày đầu tháng 8 năm 1945, không khí ở kinh đô Huế nhộn nhịp khác thường. Những cuộc biểu tình hàng ba bốn chục người giương cao cờ đỏ sao vàng và hô to các khẩu hiệu: “Đả đảo phát xít”, “Ủng hộ Việt Minh”… Nhiều đoàn thanh niên nam nữ mang gậy gộc, giáo mác từ nông thôn kéo về trung tâm thành phố. Thanh niên tiền tuyến, bảo an binh, cả lính khố vàng đều ngã theo Việt Minh… Khí thế cách mạng như trào dâng, thác lũ đã làm cho nhà Vua vô cùng hoảng sợ.
Chân dung Vua Bảo Đại.
Chân dung Vua Bảo Đại.

8 giờ sáng ngày 23-8-1945, ông Nguyễn Xuân Dương, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ của Chính phủ Trần Trọng Kim, được ông Tôn Quang Phiệt giao nhiệm vụ đưa tối hậu thư của Ủy ban Khởi nghĩa Nguyễn Tri Phương (tức Thừa Thiên - Huế) đòi vua Bảo Đại thoái vị, phải trả chính quyền cho nhân dân và hứa sẽ bảo đảm tính mạng, tài sản cho hoàng gia với các điều kiện dưới đây:

1- Nhà Vua phải giao lại cho chính quyền cách mạng đội lính khố vàng với tất cả trang bị, vũ khí, đạn dược.

2- Nhà Vua phải báo cho Nhật biết là triều đình đã trao tất cả quyền bính cho chính quyền cách mạng.

3- Nhà Vua phải điện ra lệnh cho tất cả các tỉnh trưởng phải giao chính quyền cho cách mạng tức là cho Việt Minh.      

Tối hậu thư hạn cho nhà vua phải trả lời trước 13 giờ 30 ngày 23-8-1945 và cử ông Phạm Khắc Hòe, lúc bấy giờ là Tổng lý ngự tiền văn phòng triều đình Huế, làm liên lạc giữa nhà vua và chính quyền cách mạng.

Vua Bảo Đại đọc tối hậu thư, lúng túng không biết làm gì! Ông Nguyễn Xuân Dương đề nghị triệu tập Nội các họp và xin gọi điện cho ông Tổng lý ngự tiền văn phòng vào để nhà vua ra lệnh. Ông Phạm Khắc Hòe đến cũng tán thành đề nghị của ông Nguyễn Xuân Dương.

Vua Bảo Đại vừa đi vào phòng trong, vừa lẩm bẩm: “Thôi mặc kệ các ông, các ông muốn làm gì thì làm !”.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Xuân Dương cầm tối hậu thư tới gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Đình Nam - người tích cực đòi vua Bảo Đại thoái vị, trao quyền cho Việt Minh.

Đúng 12 giờ 25 phút ngày 23-8-1945, Nội các gồm có: Trần Trọng Kim (Thủ tướng), Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Trịnh Đình Thảo, Vũ Văn Hiền và Nguyễn Hữu Thí họp dưới sự chủ toạ của nhà Vua, đã chấp nhận yêu cầu của Việt Minh với các điều kiện đã nêu trong tối hậu thư và nhanh chóng thông qua Chiếu thoái vị do ông Phạm Khắc Hòe dự thảo, được nhà Vua phê chuẩn.

Chiếu thoái vị được niêm yết tại Phủ Văn Lâu, đồng thời sao gửi toàn văn cho các ông Khâm sai Bắc Bộ, Nam Bộ cùng tất cả các tỉnh trưởng Trung Bộ.

Đêm 23-8-1945, vua Bảo Đại còn nhận được bức điện của Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ từ Hà Nội đánh vào: “Một Chính phủ Nhân dân Cách mạng lâm thời đã thành lập. Chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà”. Những vị ký tên trong bức điện gồm có: Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như KonTum và Hỗ Hữu Tường.

Sáng ngày 29-8-1945, nhân dân Huế tổ chức mit-tinh trọng thể ở sân vận động để nghênh đón Phái đoàn Chính phủ cách mạng gồm có: Ông Trần Huy Liệu, trưởng đoàn và hai ông Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận từ Hà Nội vào nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại.

Lễ thoái vị của ông vua cuối cùng triều Nguyễn được tổ chức vào chiều ngày 30-8-1945 tại cửa Ngọ Môn, chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ hàng ngàn năm trên đất nước ta.

Ông Nguyễn Xuân Dương (1908 -1993) quê làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đậu thủ khoa Đại học Luật Đông Dương khóa đầu tiên, nhưng không được bổ dụng vì lý lịch gia đình “có vấn đề”, nên phải đi dạy học tư để kiếm sống.

Cha ông là Nguyễn Xuân Lan tham gia phong trào Duy Tân và Quang Phục hội, bị án tù chung thân, đày lên Cao Bằng ba năm, rồi đưa về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội, mười năm. Chân bị liệt, ông được tha về quản thúc tại quê nhà. Trong nội tộc còn có Nguyễn Xuân Quang tham gia Phong trào Cần Vương, bị bắt giam, chết trong ngục thất; cử nhân võ Nguyễn Xuân Bình, đốc binh Bắc Ninh đánh Pháp tử trận…Cụ Hồ Tùng Mậu, nhà cách mạng tiền bối, vừa là đồng hương, vừa có quan hệ thông gia, đến ở nhiều tuần trong nhà sau khi thoát trại giam ra…

 Một hôm, tình cờ, ông được một người bạn giới thiệu với Thượng thư bộ Hình lúc bấy giờ và được nhận vào làm việc. Không lâu sau đó, ông chuyển ra làm việc ở Ty An sát Thanh Hóa, rồi làm tri huyện Hương Trà (Thừa Thiên), tri phủ Nông Cống (Thanh Hóa). Ông nhận chức tri huyện được một ngày thì người cha từ Nghệ An vào, chỉ để nói với con mình một câu rồi lên đường ra về: “Trước kia, cha đi hoạt động vì nước vì dân, nay con ra làm quan phải nhớ điều đó”.

Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, kể từ tháng 5-1945, ông giữ chức Chánh văn phòng Bộ Nội vụ chính phủ Trần Trọng Kim ở Huế. Tại đây, ông có điều kiện gần gũi nhiều nhà cách mạng vốn đã quen biết từ lâu. Ông đã cung cấp cho Việt Minh nhiều thông tin về triều đình nhà Nguyễn, về hiến binh Nhật. Ông đã cùng với nhiều quan chức tiến bộ trong Nội các vận động vua Bảo Đại thoái vị, giao chính quyền cho Việt Minh. Tuy làm quan cho Nam triều, nhưng Nguyễn Xuân Dương luôn hướng về cách mạng, có vinh dự lớn được cách mạng giao nhiệm vụ đưa tận tay vua Bảo Đại tối hậu thư đòi thoái vị.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nguyễn Xuân Dương được cử giữ chức Tổng Thư ký Ủy ban Nhân dân cách mạng Trung Bộ, rồi Chánh nhất tòa Thượng thẩm Trung Bộ. Sau đó, được Trung ương gọi ra Hà Nội tham gia Hội nghị Dự thảo Hiến pháp. Nguyễn Xuân Dương được gặp riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi nhận nhiệm vụ làm Chánh nhất tòa Thượng thẩm Bắc Bộ thay cụ Bùi Bằng Đoàn cho đến khi về nghỉ hưu. Năm 1981, Nguyễn Xuân Dương là đại biểu Quốc hội, làm Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa VII.

13 năm làm quan dưới chế độ cũ và gần 40 năm là cán bộ cao cấp Nhà nước ta, Nguyễn Xuân Dương nổi tiếng là người nhân ái, công minh liêm khiết. Đến khi về hưu, ông vẫn ở trong gian nhà tập thể do cơ quan phân phối, tài sản không có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp như bao cán bộ cách mạng chân chính khác lúc bấy giờ.

Nguyễn Xuyến

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây