Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1954

Thứ ba - 07/05/2019 21:20 763 0
Ngày 7-5-1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Chiến thắng này đã tạo ra bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954); buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Thắng lợi oanh liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã đánh dấu đỉnh cao phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, được kế thừa từ những bài học kinh nghiệm trải qua mấy nghìn năm chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Quân đội ta đã kế thừa, vận dụng và phát triển kinh nghiệm truyền thống quý giá đó trong cuộc kháng chiến chống thực dân giành độc lập dân tộc. Trong đó chiến dịch Điện Biên Phủ là một điểm hình cho nghệ thuật chiến dịch của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta cùng nhìn nhận lại một số nghệ thuật tác chiến mà quân và dân ta đã sử dụng để giành được thắng lợi vĩ đại này. Qua đó thấy tầm quan trọng của khoa học quân sự, làm bài học quý báu cho quá trình bảo vệ Tổ quốc.
image001
Bộ đội ta kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã linh hoạt, sáng tạo và kịp thời chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” phù hợp với thực tế trên chiến trường. Từ khi bắt đầu lên đến trận địa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tỏ ra nghi ngờ về cách đánh nhanh này, khi mà quân đội Pháp được tăng cường về đây ngày càng đông, công sự đã trở nên vững chắc hơn rất nhiều. Vì thế, Đại tướng thấy rõ sự không còn hợp lí của phương án đánh nhanh thắng nhanh này, bởi các lý do:
Thứ nhất, đến thời điểm diễn ra chiến dịch, bộ đội ta chưa thành công trong việc đánh lớn vào một tập đoàn cứ điểm.
Thứ hai, lần đầu tiên quân đội ta thực hiện một trận đánh có sự phối hợp hiệp đồng tác chiến lớn, trong khi về cơ bản pháo binh và bộ binh của ta chưa qua diễn tập.
Thức ba, phe địch có sự chi viện của không quân, trong khi quân đội ta chiến đấu trên địa hình bằng phẳng, là một bất lợi lớn.
Đại tướng đã quyết định tổ chức lại trận đánh theo phương án “Đánh chắc, tiến chắc” đánh lâu dài theo kiểu “bóc vỏ” dần dần tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Việc thay đổi phương châm tác chiến đã thể hiện sự phân tích khoa học, khách quan tình hình địch, ta và yếu tố địa hình. Điều này giúp tránh được tổn thất về người và điều quan trọng hơn là đảm bảo sự thắng lợi của chiến dịch.
Xây dựng thế trận vững chắc, thực hiện bao vây rộng lớn, chia cắt và cô lập Điện Biên Phủ với các chiến trường khác.
Thực hiện chủ chương chia cắt lực lượng Pháp tại khác các chiến trường Đông Dương, quân đội ta đã tiến hành một loạt các cuộc hành quân, vây đánh thu hút lực lượng đối phương chia lửa cho chiến trường Điện Biên Phủ. Trong thời gian này, quân đội ta đã tiến hành các cuộc hành quân, đánh lớn tại thượng Lào, Tây Nguyên, Liên khu V... làm cho Pháp phải chia đội hình ra khắp các chiến trường. Đồng thời với việc thay đổi chiến thuật, hàng loạt công sự đã xây dựng trước đó cần thay đổi phân bố lại, Bộ tư lệnh mặt trận quyết định “kéo pháo ra”.
Để che mắt cho công việc này, ngày 26-1-1954, Bộ tư lệnh đã ra lệnh cho Đại đoàn 308 tiến quân rầm rộ sang thượng Lào với mục đích thu hút sự chú ý của địch về phía đó đồng thời tiêu diệt và giải phóng thượng Lào. Bị động trước cuộc hành quân thần tốc này của Đại đoàn 308, tướng Henri Navarre đã lập một cầu hàng không cứu nguy cho thượng Lào. Sau đợt tiến công nhanh chóng này, bộ đội ta cùng quân Pathét Lào đã tiêu diệt gần 17 đại đội địch, giải phóng toàn bộ lưu vực sông Nậm Hu, cô lập Điện Biên Phủ ở phía thượng Lào sang.
Ở Trung và Hạ Lào, từ cuối tháng 11-1953 các cánh quân của quân đội nhân dân Việt Nam đã lên đường tiến về đây. Nhận thấy sự có mặt của các trung đoàn quân ta ở đây, Navarre đã nhanh chống bổ sung quân số tại đây bằng lực lượng ở đồng bằng Bắc bộ, Tây Bắc và Trung Lào.
Đến cuối tháng 12 năm 1953, quân Pháp đã tập trung quân số lên đến 26 tiểu đoàn, biến đây trở thành nơi tập trung quân lớn thứ ba của Pháp sau đồng bằng Bắc Bộ và Điện Biên Phủ. Sau các đợt tấn công của quân đội nhân dân Việt Nam và Pathet Lào quân Pháp ở Đông Dương đã bị thiệt hại nặng nề cả số lượng và tinh thần..
Tháng 02 năm 1954, quân đội ta bắt đầu nổi súng tiến công Bắc Tây Nguyên, đây là vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Dương và được Pháp cho là hậu phương an toàn. Ở Liên Khu V, địch cũng hoạt động mạnh. Ta nhận định, đánh Tây Nguyên và mở rộng vùng tự do Liên Khu V về phía tây sẽ củng cố thêm sức mạnh của ta ở đây đồng thời thu hút được một lực lượng lớn quân Pháp để bảo vệ vùng này.
Đứng trước tình thế nguy hiểm của Tây Nguyên, Navarre buộc phải chia quân tại Liên Khu V lên tăng cường cho Plây Ku. Lúc này, quân Pháp ở Tây Nguyên đã lên đến 24 tiểu đoàn, Liên Khu V tập trung 16 tiểu đoàn.
Ở đồng bằng sông Hồng, với lực lượng tập trung đông đảo (lúc cao nhất lên đến 44 tiểu đoàn), Pháp chủ động mở các cuộc tiến công ta với chủ đích đánh gục đại đoàn 320 của quân đội nhân dân Việt Nam đang hoạt động ở đây. Sau một loạt các cuộc hành quân Mouette vào Tây nam Ninh Bình và Pelican vào Thanh Hóa không đặt được mục đích chúng phải rút lui.

Ngay sau đó, vào tháng 1 năm 1954, Đại đoàn 320 đã triển khai tiến công Pháp, thọc sâu vào đồng bằng Bắc Bộ. Trong thời gian này con đường huyết mạch nối liền Hà Nội – Hải Phòng nhiều lần bị tê liệt. Ngày 4-3-1954, bộ đội ta bí mật đột nhập sân bay Gia Lâm phá hủy 12 máy bay và kho xăng, ngày 6-3-1954, đột nhập sân bay Cát Bi phá hủy 10 máy bay.
Như vậy, trong thời gian chuẩn bị lại chiến trường, nhờ những hoạt động của các đại đoàn ở khác các mặt trận chia lửa cho mặt trận chính Điện Biên Phủ, tạo điều kiện cho ta hoàn thành tốt công tác chuẩn bị cho cuộc tổng công kích.
Phát huy cao nhất sức mạnh tác chiến hiệp đồng các binh chủng, tập trung ưu thế binh hỏa lực đánh dứt điểm từng trận then chốt, tiêu diệt từng bộ phận địch, phá vỡ từng mảng phòng vệ của chúng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch đầu tiên mà quân đội nhân dân ta thực hiện đánh hiệp đồng các binh chủng. Cũng là lần đầu tiên, quân đội ta thực hiện một cuộc vây đánh lớn với gần như toàn bộ lực lượng của ta. Bộ đội ta đã huy động một lực lượng quân sự lớn bao gồm: 4 đại đoàn chủ lực là 308, 312, 316 và 304. Tất cả đã huy động đến 11 trung đoàn bộ binh, thiếu trung đoàn 66 của đại đoàn 304 do đang làm nhiệm vụ tại Trung Lào. Đại đoàn công pháo 351 với một trung đoàn lựu pháo 45 gồm 24 khẩu 105 mi-li-met, trung đoàn sơn pháo 675 gồm 20 khẩu 75 mi-li-met. Có 4 đại đội súng cối gồm 16 khẩu 120 mi-li-met, một trung đoàn công binh công trình, một tiểu đoàn pháo cao xạ gồm 12 khẩu 37 mi-li-met và 2 tiểu đoàn súng máy cao xạ 12,7 mi-li-mét.
Tuy vậy, quân đội viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ cũng là một lực lượng hùng hậu với 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù với phần lớn là lực lựng tinh nhuệ nhất của Pháp. Pháp cũng bố trí tại đây hai tiểu đoàn pháo binh 105 mi-li-mét, một đại đội 155 mi-li-mét, hai đại đội súng cối 120 mi-li-mét gồm tất cả hơn 40 khẩu pháo. Ngoài ra Pháp còn đem lên Điện Biên Phủ những loại vũ khí tối tân và có hỏa lực rất mạnh với 1 đại đội xe tăng 10 chiếc M.24, có một phi đội không quân thường trực 14 chiếc, một đại đội xe vận tải quân giới và nhiều loại súng hồng ngoại có thể quan sát ban đêm, pháo sáng .... Tổng quân số Pháp tại đây lúc cao nhất là 16.200 quân. Cùng với đó, trận địa mà địch xây dựng tại Điện Biên Phủ là “một pháo đào bất khả xâm phạn”, “một tập đoàn cứ điểm đáng sợ”, ở đây Pháp xây dựng đến 49 cứ điểm hỗ trợ lẫn nhau, được tổ chức thành 8 cụm cứ điểm với hỏa lực nhiều tầng rất mạnh. Bên ngoài là hệ thống dây thép gai dày từ 50m đến 200m, vòng ngoài cùng là bãi mìn dày đặc và các hàng rào điện. Tám cụm cứ điểm này tập trung thành ba phân khu Trung tâm, Phân khu Bắc và Phân khu Nam. Trong đó có hai sân bay, một ở phân khu Trung tâm, một ở phân khu Nam. Với hai sân bay này, Pháp đã xây dựng thành công một cầu hàng không nối Điện Biên Phủ với Hà Nội, Hải Phòng. Đây là ẩn số mà Pháp tin tưởng rằng sẽ chặn đứng các nỗ lực hậu cần của ta cho mặt trận Điện Biên Phủ.
Nghiên cứu cụ thể cách bố trí lực lượng địch tại Điện Biên Phủ cũng như những hạn chế của nó, Quân đội nhân dân ta đã đề ra cách đánh là thực hiện chia cắt và tập trung hỏa lực vào tiêu diệt từng cứ điểm một, cùng với đó là tiến hành tiến công cùng lúc nhiều mục tiêu khác nhau để địch không thể yển trở cho nhau. Ngày 13 tháng 3 năm 1954 quân đội ta nổi súng bắt đầu đợt tiến công tập đoàn cứ điển Điện Biên Phủ.
Trong cuộc tiến công trong đợt một ta chủ trương đánh và tiêu diệt đồng thời hai cứ điểm Him Lam và Độc Lập cùng lúc để khắc chế sự hỗ trợ nhau của chúng. Him Lam là trận đánh mở màng lúc 17 giờ ngày 13 tháng 3 và Độc Lập là đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15 tháng 3. Cách chọn thời gian tiến công gần nhau cũng là chi tiết tạo bất ngờ và khiến cho địch không kịp trở tay.
Ở quy mô nhỏ hơn, trong trận đánh mở màn ở Him Lam, Đại đoàn 312 dùng hai trung đoàn 141, 209, hai đại đội lựu pháo 804, 806 và hai đại đội sơn pháo 752, 753 cùng hai đội súng cối 120 mi-li-mét dồn hỏa lực vào mục tiêu. Do địch ở Him Lam phân bố trên ba quả đồi khác nhau và đều được xây dựng rất kiên cố cho nên cách đánh của ta là tiến hành thọc sâu chia cắt và tiêu diệt riêng rẽ từng ngọn đồi một. Điều đáng chú ý là ta thực hiện tiến công cả ba quả đồi vào cùng một thời điểm, do đó chúng không thể hỗ trợ cho nhau, cũng có nghĩa là ta đã phân tán được hỏa lực của đối phương, vốn được trang bị rất mạnh để hỗ trợ nhau trên ba quả đồi. Điều này đã tạo điều kiện cho ta tiến công và tiêu diệt thành công từng mục tiêu một mà tránh được hỏa lực mạnh nhất của chúng.
Dựa vào hệ thống trận địa, thực hành vây hãm kết hợp với đột phá, kết hợp đánh chính diện với các mũi thọc sâu, luồng sâu, tạo thế chia cắt địch.
Trong đợt tiến công thứ hai (diễn ra từ ngày 30-3 đến 30-4), Quân đội nhân dân ta chú trọng đến dẫy điểm cao phía đông. Để tiêu diệt các ngọn đồi ở phía này, ta thực hiện dùng công binh đào các hầm tiến sâu chia cắt, thắt chặt vòng vây địch, chia cắt chúng ra thành từng khúc và tập chung hỏa lực mạnh tiến công tiêu diệt từng quả đồi một. Trong đó các vị trí quan trọng nhất là đồi A1, C1 diễn ra tranh chấp quyết liệt, ta và địch tranh nhau từng mét đất đồi. Về sau, để cứu nguy cho các cứ điểm này địch đã cho quân nhảy dù xuống tăng viện cho Điện Biên Phủ khiến cuộc chiến đấu càng thêm ác liệt.
Về phía ta, để hỗ trợ cho cuộc tiến công vào các điểm cao này, Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) đã chỉ đạo tiểu đoàn 11 thọc sâu đánh thẳng vào đội hình của tiểu đoàn lính dù ngụy số 5 khiến chúng không thể hỗ trợ được những nơi bị ta tấn công. Ở trận này quân ta đã khiến đội hình địch rối loạn, đại đội 243 đã tiêu diệt trận địa pháo ở cứ điểm 210 và đuổi đánh tiểu đoàn lính dù số 6 ra đến tận sông Nậm Rốm.
Cuộc tiến công đợt 3 (từ ngày 1  đến7-5), Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện đánh dứt điểm dẫy đồi phía đông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại tạo điều kiện tấn công các cứ phòng ngự kiên cố ở phân khu Trung tâm. Để chuẩn bị cho đợt tiến công này, Quân đội ta đã vận dụng chiến thuật “vây lấn” bằng việc bao vậy và siết chặt, tiếp cận các vị trí của địch bằng cách đào các giao thông hào. Đã có hơn 100km đường hào sâu hơn 1,7m rộng chừng 1,2m được ngụy trang và đào cùng lúc trên nhiều trận địa khác nhau. Hệ thống trận địa bao vây và tiến công ngày càng khép chặt, ta tiến hành cắt đứt và chiếm hẳn sân bay, khống chế từng phần, đến khống chế hoàn toàn mọi sự tiếp viện và tiếp tế bằng đường không của địch, làm cho tập đoàn cứ điểm của địch bị cô lập và thu hẹp dần.
Ngoài ra, khi tham gia chiến đấu ta đánh chiếm đến đâu tổ chức phòng ngự ngay đến đó, biến cứ điểm địch thành trận địa phòng ngự và bao vây của ta, hình thành hệ thống trận địa tiến công vây hãm địch ngày càng chặt, cuối cùng dồn quân địch vào thế có thể bị tiêu diệt nhanh chóng, và vào những ngày cuối cùng của chiến dịch đã có hàng nghìn binh sĩ Pháp ra hàng do thất bại không thể tránh khỏi của tập đoàn cứ điểm này.
Dựa vào hệ thống trận địa tiến công và bao vây, cũng như việc kết hợp các đợt đánh lớn, đánh vừa và đánh thường xuyên vây lấn, càng ngày càng siết chặt vòng vây đã tạo thời cơ cho Quân đội nhân dân Việt Nam tổng công kích và tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thể hiện quyết tâm rất cao trong chiến đấu chiến thắng quân thù. Quyết tâm đó được thực hiện bằng lối tác chiến và nghệ thuật chiến dịch độc đáo, trong đó ta đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo phương chân tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc ,tiến chắc”. Đây là chủ trương thể hiện được đường lối lãnh đạo một cách độc lập của quân đội nhân dân ta trong một chiến dịch lớn và có tầm quan trọng như Điện Biên Phủ. 
Chiến dịch này còn cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của các lực lượng vũ trang trong Quân đội nhân dân Việt Nam, điều này được thể hiện qua sự hiệp đồng tác chiến giữa nhiều đại đoàn quân với nhau, giữa các tiểu đoàn pháo binh, cao xạ và giữa các chiến khu với nhau. Sự hiệp đồng tác chiến này đã tạo lợi thế cho ta hình thành thế trận bao vây toàn diện, tập trung ưu thế binh hỏa lực, tiêu diệt gọn từng bộ phận quân địch tiến tới hoàn thành mục tiêu cao nhất và đánh tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ta còn thực hiện đánh cả ban ngày lẫn ban đêm với nhiều hình thức khác nhau như: thực hiện tiến công khi bắt đầu chiến dịch, tiến hành phòng ngự khi chiến được căn cứ điểm của đối phương và tiến hành đánh phản kích khi bị địch chiếm lại. 
Chiến dịch này đã kết thúc hoàn toàn mọi âm mưu, toan tính thực dân trên đất nước Việt Nam của Pháp, buộc chúng phải dừng mọi hoạt động quân sự tại Đông Dương và đi tới kết thúc chiến tranh Việt Nam trong thất bại.
Nguyễn Anh Hùng
Tài liệu tham khảo
1. Ban nghiên cứu quân sự thuộc tổng cục chính trị, Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam tập 1, Nxb Quân đội nhân dân , Hà Nội, 1977.
2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ mốc vàng thời đại,Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2004.
3. Trần Quỳnh, Đòn nghi binh chiến lực, thần tốc, táo bạo và thần kỳ, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, 15/4/2014.
4. Bộ quốc phòng, từ điểm bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây