Ngẫm Tết xưa để gìn giữ Tết nay

Thứ năm - 31/01/2019 21:26 363 0
Cuối năm, mọi người đều khép lại mọi lo toan của cuộc sống đời thường sau một năm lao động để đón Lễ Tết nguyên Đán. Thời gian trôi đi kéo theo những thay đổi trong văn hóa và cách đón Tết của người Việt cũng dần có những biến chuyển phù hợp với cuộc sống hiện đại. Ngẫm về Tết xưa và Tết thời hiện đại hẳn không ít người cảm thấy nặng trĩu suy tư.
Lễ Tết nguyên Đán hay còn gọi là  “Tết Cả” là lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Nó mang tính thống nhất, tính cộng đồng và xã hội, và thẩm mỹ cao. “Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, mà phần lễ cũng như phần hội đều rất phong phú cả nội dung cũng như hình thức, mang một giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc. Việc cha ông ta xác định Tết cả đúng vào thời điểm kết thúc một năm cũ, mở đầu một năm mới theo Âm lịch làm ngày hội lớn của một chu kỳ vận hành vũ trụ, đã phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên (Đất –Trời-Sinh vật). Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu, chữ Đán có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của một năm mới. Đồng thời, Tết cũng là dịp gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ, thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà, tổ tiên”(1).
Tết Nguyên đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp của cả dân tộc. Từ những thế kỷ trước, từ đời Lý – Trần – Lê, ông cha ta đã cử hành lễ Tết hàng năm một cách trang trọng.
Theo truyền thuyết và lịch sử nước ta cho thấy, họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang. Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân, sau khi nối ngôi, vị vua hiền đức này kết hôn cùng bà Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Từ thời đó, người Việt ta đã ăn Tết. Bắt đầu có bánh chưng, bánh dầy nhờ sáng kiến của Lang Liêu - con trai thứ 18 của vua Hùng Vương thứ 6.
Tuy nhiên trong tập tục đón Tết chung của dân tộc mỗi miền nước ta lại có những nét riêng.
Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết đầu thế kỷ XIV, phần nói về phong tục có mô tả khả tỉ mỉ phần đón Tết Nguyên Đán của Người dân Gia Định nói riêng, người Nam Bộ nói chung: “Mỗi năm cứ đến hôm 28 tháng Chạp, người Na (tục gọi là Nậu Sắc phù) họp thành từng bọn 5 người hay 10 người, đánh trống đánh phách, đi rong các phố. Họ thấy nhà nào giàu có thời họ đẩy cổng vào. Họ dán bùa vào cửa và đọc thần chú. Rồi họ đánh trống đánh phách và hát những câu chúc Tết. Chủ nhà đem cỗ bàn, rượu chè ra khao đãi và cho tiền thưởng tạ. Rồi họ lại đi đến nhà khác và cúng làm như thế cho đến đêm trừ tịch thì thôi”. Đó cũng là ý nghĩa của khua tà, trừ ma và tống cựu nghinh tân...
Cuối năm thường hay may quần áo, quét tước dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, treo câu đối mới, bày biện bàn ghế, sửa sang bàn thờ tổ tiên, có thứ gì đẹp bày cả ra hết để khoe. Lại dặn bảo các người nhà phải làm việc cẩn thận để khỏi rông cả năm.
Ngày mồng một Tết, đầu giờ Dần, mọi người trở dậy thắp đèn hương, dâng nước cúng tổ tiên rồi mừng tuổi những bậc tôn trưởng chúc sống lâu và giàu có. Trong những ngày tết ngày nào cũng làm cổ bàn cúng tổ tiên hai lần như phụng sự người sống. Các thứ hoa quả, bánh mứt đều bày ra cả. Đến ngày mồng 3 làm lễ tống thần gọi là lễ tiễn. Những đồ thờ có thứ làm bằng giấy hồ như đồ minh khí. Nhà nào cũng uống rượu mùi, ăn bánh ngọt, đốt pháo, đốt ống lệnh tiếng kêu vang trời(2).
Ngày 30 tháng Chạp, nhà nào cũng trồng một cây cột tre ở trước cửa, trên đầu cột buộc một cái giỏ tre, trong đựng trầu cau và vôi, bên cạnh treo giấy vàng, giấy bạc, gọi là dựng cây nêu”(3).  Theo Toan Ánh,  trong cuốn “Nếp cũ –làng xóm Việt Nam, thì Cây nêu hay còn gọi là cây vũ trụ, biểu tượng cho con đường thông thương giữa trời và đất. Thể hiện ước mong, tâm nguyện của con người với thiên nhiên. Liên quan đến sự tích con người giữ đất trước quỷ, đó là truyện “Cây nêu ngày Tết”. Con người trồng cây nêu nhằm đánh dấu vị trí sinh tồn của mình, chống lại con quỷ từ biển Đông. Vì vậy, dưới chân cây nêu thường vẽ một vòng tròn hình cây cung có mũi tên hướng ra biển Đông. Dựng nêu ngày Tết bao gồm trong nó cả các dụng ý để trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, tảo trừ những điều xấu xa của năm cũ. “Họ trồng cây nêu” như cây lúa nước. Ngọn nêu chính là bông lúa, và gốc nêu là nền đất phì nhiêu của họ. Tổ tiên ta có ý muốn nhắc nhở: Đây là quê hương của ta, là xứ sở của ta, đất nước của ta. Ý nghĩa biết mấy, giá trị biết mấy. Điều cần chú ý, trong những ngày tết không được đòi công nợ nhau, phải đợi sau ngày hạ cây nêu (mồng 7 tháng giêng) mới được đòi.
7
Dựng cây nêu ngày Tết. Ảnh tư liệu.
Tìm về Tết Thăng Long xưa qua các thời kỳ ta thấy, có tính chất cung đình, nhà nước. Đại Việt sử ký toàn thư  có ghi chép từ đời Lê Đại Hành (980-1005), năm Nhâm Thìn (992) “Mùa xuân, tháng giêng, vua ngự điện Càn Nguyên xem đèn”. Sử còn chép đời vua Lý Nhân Tông (1066-1127), năm Bính Ngọ (1126) “Mùa xuân, tháng giêng, mở hội đèn Quảng Chiếu bảy ngày đêm. Tha người có tội giam ở phủ Đô Hộ. Cấm dân chúng mùa xuân không được chặt cây. Tháng 2, ngày mồng 1, vua ngự điện Thiên An, xem các vương hầu đá cầu(4).
Thời nhà Trần, trong An Nam Chí Lược, Lê Tắc chép tương đối khá nhiều tục lệ ăn Tết thời nhà Trần: “Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan Củng, các bề tôi đến làm lễ, rồi xem con hát múa trăm lối. Tối lại, qua cung Động Nhân, hát bái yết Tiên Vương. Đêm ấy, đoàn thầy tu vào nội làm lễ Khu na (đuổi tà ma, quỷ mỵ) ở trong nội. Dân gian thì mở cửa, đốt pháo tre, cỗ bàn trà rượu cúng tổ(5). “Ngày Nguyên Đán, vào khoảng canh năm, vua ngồi trên điện Vĩnh Thọ, các tôn tử (con cháu nhà vua), các cận thần làm lễ hạ trước, rồi vào cung Trường Xuân, vọng bái các lăng tổ. Buổi sáng sớm, vua ngồi trên điện Thiên An, các phi tần sắp lớp ngồi, các quan trong nội (các hoạn quan) đứng lộn xộn trước điện đánh thổi các bài ca nhạc trước đại đình. Con cháu nhà vua và bề tôi sắp hàng bái hạ, ba lần rót rượu dâng lên. Xong, các tôn tử lên điện chầu và dự yến. Các quan nội thần ngồi ở tiểu điện phía Tây, các quan ngoại thần ngồi hai bên Tả Hữu Vu (nhà bên trái và bên phải nối vào chính điện), ăn tiệc đến trưa, lần lượt đi ra. Các thợ khéo làm một cái đài “Chúng tiên” hai tầng ở trước điện, một lúc thì cái đài ấy làm xong, vàng ngọc sáng chói. Vua ngồi ăn trên đài ấy, các quan làm lễ trước sau chín lạy, và chín tuần rượu rồi giải tán. Ngày mồng 2 Tết, các quan đều làm lễ riêng ở nhà. Ngày mồng 3 Tết, vua ngồi trên gác Đại Hưng xem các tôn tử và các quan nội cung đánh cầu, hễ bắt được mà không rơi xuống đất là thắng. Quả quả bóng lấy gấm mà làm, bằng nắm tay đứa bé, có tua đeo lòng thòng đến 20 sợi. Mồng 5 Tết, lễ Khai-hạ (hạ nêu, trở lại cuộc sống bình thường), ăn yến xong thì để quan và dân lễ các chùa miếu và du ngoạn các vườn hoa”(6).
Đến thời hậu Lê vẫn giữ lễ hạp ẩn (cuối năm cất ấn để nghĩ việc ăn Tết):  Lúc bấy giờ là tháng mười hai, sắp đến ngày Tết Nguyên đán. Quan coi lễ tâu xin đến ngày 25 thì phong ấn cất đi (cuối năm làm lễ cất ấn (hạp ấn) để nghỉ việc ăn tết). Các lễ trong miếu xã, triều đình đều chiếu theo lệ thường mà làm. Riêng quan đại soái của thiên triều ở xa xôi tới, thì về phần vật phẩm cung đón, xin theo như lệ thết đãi sứ thần sang phong vương mà thêm gấp lên một lần nữa. Các quan và quân lính cũng đều cho phép nghỉ mười ngày, để cùng vui đón tiết xuân”(7).
 Ở phủ Triệu Phong “Xuân tới trăm nhà, tiệc Kim Lan chung hưởng vẽ vang”. Độc đáo nhất là phiên Chợ Đình Bích La (thôn Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong). Bích La là một trong 49 làng cổ ở Huyện Hải Lăng ra đời trước thế kỷ XVI được Dương Văn An chép trong Ô Châu Cận lục với tên gọi là Hoa La.  Phiên chợ Đình Bích La được tổ chức duy nhất một lần trong năm, diễn ra từ một giờ đến rạng sáng ngày mùng 3 Tết Âm lịch. Khác với các phiên chợ khác, phiên chợ này chỉ có các gian hàng như lá chè, cây mía, cau trầu, muối, cá chép, các món ăn sáng gồm bánh sắn gói lá chuối, khoai nướng…Việc mua bán diễn ra rất nhanh không mặc cả. Người đi chợ khăn áo chỉnh tề, mua bán lấy may và tận hưởng không khí Tết đêm.
Tết kinh Thành Phú Xuân Tết Bính Thân, năm Minh Mạng thứ 17 (1836) qua ghi chép trong Hải
Nam tạp trứ của Thái Đình Lan: Hôm ấy là tối 30 Tết, các nhà đều dán bùa đào, ném pháo tre, cũng như tục đêm giao thừa đón năm mới ở Trung Quốc”. “Ngày mồng một Tết, tục đầu năm đi chúc cầu may. Trên các đường phố, người đông tấp nập, nào ca, nào múa, tiếng rao cười huyên náo chuyển đất(8). Qua những miêu tả hết sức khái quát của nho sinh Thái Đình Lan cũng cho thấy ông rất ấn tượng về không khí đón năm mới tại đây.
Đời Nhà Nguyễn, theo định lệ từ thời vua Gia Long, vào ngày mồng một Tết, vua ngự ở điện Thái Hòa, đặt đại triều, các hoàng thân, bách quan đều mặc lễ phục làm lễ Khánh hạ theo nghi thức như làm lễ bái, dâng biểu mừng. Mở đầu một bài biểu mừng Tết thường có chủ đề sau: “Gặp Tết Nguyên đán, Tam dương tươi sáng; muôn vật sinh sôi. Non sông một cảnh tượng êm đềm, tiên bàn dâng Thụy; Cung khuyết ba sắc mây đầm ấm, giáp lịch mở đầu. Chúng thần thực lòng hoan hỉ, kính cẩn dâng biểu chúc mừng(9). Sau đó, các hoàng đệ, hoàng tử, công chúa đến mừng vua 5 lạy. Khi làm lễ mừng nhà vua xong thì vua truyền chỉ ban tiền thưởng xuân và yến tiệc. Các hoàng thân, hoàng tử mỗi người được ban trên dưới 20 lạng bạc, các quan tùy theo phẩm trật, chức tước mà được ban từ 1 đến 12 lạng bạc. Việc dự yến tiệc vào dịp Tết Nguyên đán có quy định chặt chẽ: “Phàm hàng năm, tiệc yến tết Nguyên đán: Thân phiên, hoàng thân, quan văn ngũ phẩm, quan võ tứ phẩm trở lên và các chức tước trong họ thì ngày mồng 1 ăn yến ở điện Cần chánh và giải vũ hai bên tả, hữu(10). Tiếp đến, nhà vua đưa các hoàng tử đến cung Từ Thọ (sau này đổi tên thành Diên Thọ) dâng biểu chúc mừng Hoàng Thái Hậu và làm lễ Khánh hạ. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có đoạn chép: “Năm Minh Mạng thứ 4, tiết Chánh đán ở Từ cung, vua dẫn hoàng tử, các Công đến cung Từ thọ làm lễ Khánh hạ, kính dâng tờ mừng”(11). Nguyên vật liệu ẩm thực yến tiệc trong hoàng cung thường có những món ăn chế biến từ nguyên liệu quý hiếm, mua từ chợ ở Kinh đô hay các vùng lân cận, nguyên liệu được các địa phương cống nạp và mua từ nước ngoài. Cụ thể thóc gạo ở Gia Định; thóc nếp ở Bắc Thành; ý dĩ ở Quảng Trị; yến sào ở Gia Định, Quảng Nam; gân hươu ở Phú Yên, An Giang, Gia Định, Bình Thuận, Khánh Hòa; vây cá ở Hà Tiên, Gia Định, Bình Thuận, Phú Yên; hải sâm ở Hà Tiên, Phú Yên; cửu khổng ở Quảng Bình, các loại chè (trà) đã chế biến ở Hà Nội, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Hưng Yên có nhãn; Thanh Hoá có mía, cam đường; Hải Dương có trái vải; Hà Nội có chim sâm cầm; Quảng Ninh có sá sùng…Vùng biển đảo: Hoàng Sa-Trường Sa có hải sâm, bào ngư; Phú Quốc có cá vi cá, sò điệp…
8
Bán tranh dân gian trên phố Hàng Trống. Ảnh tư liêu.
Tết Việt Nam đa dạng cả về sinh hoạt vật chất lẫn sinh hoạt tinh thần. Nó vừa có cái thiêng liêng cao cả, vừa có cái dân dã, đời thường. Nhiều phong tục, tập quán hay và đẹp lạ thường, ví dụ như tục tắm tất niên, tục kiêng nói to, chửi tục, đánh lộn, cãi vã nhau trong 3 ngày tết. Hay như tục xuất hành đi phát bờ, tát nước, đi đánh cá ngoài biển khơi, tục khai bút bút đầu Xuân, tục may áo mới cho trẻ con v.v… tục nào cũng in đậm tính nhân văn. Dĩ nhiên trong ngày tết cũng còn có một vài tục lệ mang màu sắc mê tín dị đoan cần xóa bỏ. Song không phải vì vậy mà ngày Tết của người Việt Nam mất đi vẻ đẹp văn hóa rất đáng trân trọng, giữ gìn và phát huy.

Chú thích:
(1)-Thạch Phương-Lê Trung Vũ, Sáu mươi lễ hội truyền thống Việt
Nam, NXB KHXH, HN. 1995 trang 15,16.
(2,3)-Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, NXB Giáo Dục, trang 143, 144.
 (4)-Đại Việt sử ký toàn thư , Sử quán tu soạn Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Chú dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo ứng, Nhà xuất  bản Hồng Bàng-Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, trang 216.
(5)-Lê Tắc, An Nam chí lược, bản dịch của Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam Viện Đại Học Huế, Viện Đại Học Huế xb, 1961, trang 46.
(6)-Hoàng Lê nhất thống chí, Ngô Văn Phái, dịch giả: Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch, Hồi thứ 13.
 (7)- Trần Ích Nguyên, Hải
Nam tạp trứ của Thái Đình Lan, Bản dịch của Ngô Đức Thọ, NXB LĐộng và Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Đông Tây, HN, 2009.
(8)-Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 8, Nxb. Thuận Hóa, Huế, trang 57.
(9)-Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 7, Nxb. Thuận Hóa, Huế, trang 35.
(10)-Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, Nxb. Thuận Hóa, Huế, trang 49.

Xem thêm:

Ebook: 1.Nếp cũ - Làng xóm Việt NamToan Ánh, NXB Trẻ 05/2005.

2. Nguyễn Viết Kế -Kể chuyện ẩm thực đời Nguyễn

3. Ô châu cận lục, Dương Văn An, hiệu đính –dịch chú Trần Đại Vinh, NXB Thuận Hóa- Sở KHCN Quảng Bình, 2015.

4.Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin chủ biên, Đồng Khánh dư địa chí, Nxb. Thế Giới, 2003.

Nguyễn Văn Thanh
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây