Nên đối xử với người ăn xin như thế nào?

Thứ năm - 28/01/2016 15:21 2.556 0
Ăn xin đang ngày càng trở thành vấn nạn không chỉ ở các thành phố, đô thị lớn mà ở cả các vùng quê. Ăn xin xuất hiện ở bất cứ nơi đâu có đông người, ở chợ, lễ hội, đường phố, ở cổng trường học giờ tan trường, ở các điểm ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, ở bệnh viện, thậm chí vào từng nhà để xin với nhiều chiêu thức khác nhau…
Hình ảnh người ăn xin trên phố. Ảnh minh họa.
Hình ảnh người ăn xin trên phố. Ảnh minh họa.

Sự xuất hiện của người ăn xin ở những nơi như trên không chỉ làm mất đi mỹ quan đô thị, mất đi sự linh thiêng chốn chùa chiền, gây ảnh hưởng an toàn giao thông, mà vấn đề lớn đặt ra là những đồng tiền họ xin được có thực sự vào tay họ hay là để làm giàu cho những kẻ vô lương tâm, lười lao động lợi dụng người tàn tật, kém may mắn để xin tiền của người dân. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ xin đề cập đến góc nhìn đối xử với người ăn xin thế nào để chúng ta vẫn làm được việc thiện, nhưng lại góp phần làm giảm vấn nạn này.

Thời gian vừa qua, báo chí và dư luận đã có nhiều bài viết về vấn đề người ăn xin và những câu chuyện xung quanh, như làm thế nào để hạn chế tình trạng người ăn xin nhưng tình trạng người ăn xin vẫn xuất hiện ở những nơi vừa nêu trên không hề thuyên giảm. Đây là tình trạng chung của các tỉnh, thành trong cả nước chứ không riêng gì Hải Dương. Đặc biệt, có nhiều phóng sự vạch trần sự thật về người ăn xin giả mạo tàn tật, nghèo đói để đi xin tiền người khác; những kẻ bắt ép người tàn tật, trẻ em đi xin tiền nhưng bị đối xử tệ bạc, tiền xin được bao nhiêu đều bị thu hết.

Có một lần, tôi đang ngồi ăn trưa tại một quán cơm bình dân trên đường Chi Lăng, Thành phố Hải Dương thì xuất hiện một cụ già khoảng hơn 70 tuổi, trông khá nhanh nhẹn, khỏe mạnh đến xin tôi tiền. Tôi nói rằng, tôi không có tiền nhưng tôi có thể mời cụ một bữa cơm trưa. Thấy tôi nói thế, cụ xua tay nói rằng cụ chỉ xin tiền, chứ không xin ăn. Nói xong, cụ đi đến những bàn ăn khác để xin tiền. Đây không phải trường hợp duy nhất tôi gặp. Tôi đã gặp một cụ ông khác hay đi xin tiền ở các quán nước ven đường, nhưng luôn từ chối nhận một đồ dùng cần thiết hoặc đồ ăn dù giá trị của nó cao hơn nhiều lần so 1-2 nghìn tiền lẻ cho họ. Tôi nghĩ rằng, trong số những người ăn xin ngoài xã hội kia, có nhiều người già neo đơn, khỏe mạnh, không tàn tật, không nơi nương tựa chọn cách đi ăn xin để kiếm sống qua ngày. Họ chỉ muốn nhận tiền, họ có thể thuê một nhà trọ nhỏ để ở, hoặc ở gầm cầu, hay chợ đêm, nhưng họ cũng không muốn vào trung tâm bảo trợ. Những người ăn xin này thích chúng ta cho họ mấy nghìn lẻ hơn là mời họ bữa ăn vài chục nghìn. Ăn vào bụng rồi là hết, nhưng tiền cho thì họ có thể dành dụm, tích cóp. Vì thế, mới có trường hợp cụ già trong tỉnh Đồng Tháp sau 20 năm ngửa nón xin tiền ở các chợ, ông tích cóp được 25 cây vàng.

 

                

                 Không khó để bắt gặp những hình ảnh thế này. ảnh minh họa
Nhưng số lượng người ăn xin này rất ít, và họ thực sự là những người già không còn sức lao động, không còn nơi nương tựa. Ngoài kia, có rất nhiều kẻ mạo danh ăn xin, những kẻ lợi dụng lòng thương của người khác để xin tiền cho mình. Có lần tôi đi chợ ở quê, lúc đó chỉ khoảng hơn 5 giờ, đã thấy một người đàn ông ăn mặc rách rưới, tóc tai bù xù, hai chân bị què rất nặng, người run bần bật từng hồi, cầm một chiếc rổ nhỏ ngồi ở cổng chợ xin tiền. Lúc đó, tôi cũng rút tiền lẻ để cho người ăn xin. Đến hôm sau, tôi lại gặp một người tàn tật khác xin tiền ở đây. Sau nhiều ngày, tôi để ý thấy luôn có một người đàn ông trung niên khỏe mạnh chở những người ăn xin này đến đây, sau khi họ xin được một lúc thì người đàn ông ấy lại chở họ đến một địa điểm khác. Tôi tự hỏi trong lòng, không biết những người tật nguyền kia có đang bị những kẻ lành lặn lợi dụng hay không?

Lần khác, khi tôi đến Viện Nhi thăm người nhà ốm, tôi gặp người phụ nữ trông dáng điệu rất khổ sở, khóc lóc, tay cầm nón đi xin tiền từng người, với lý do đang có con nằm cấp cứu trong viện nhưng vì nhà quá nghèo, lại không có chồng nên không thể trang trải cho con nằm viện. Vì thương cảm, nhiều người không ngần ngại cho vài chục lẻ, thậm chí có người hào phóng đưa cho chị ấy tờ 50 nghìn. Nhưng sau đó, người bán nước ở cổng viện cho biết, người phụ nữ ấy chỉ giả vờ như vậy để xin tiền thôi. Nhiều lần khác, khi tôi đi tham quan các lễ hội, đền chùa lúc nào cũng gặp những người ăn xin chèo kéo xin tiền. Nếu không cho họ thì trong lòng cảm thấy có lỗi, nhưng nếu cho họ rồi thì không biết lòng tốt của mình có đặt đúng chỗ hay bị những kẻ lười lao động, thích ăn bám xã hội lợi dụng.

Truyền thông cũng đã có nhiều bài viết về vấn đề trẻ em bị người lớn, thậm chí chính là bố mẹ bắt ép đi ăn xin để mang tiền về, không xin được tiền còn bị đánh đập dã man. Vậy thì, liệu rằng việc cho tiền người ăn xin có thực sự là một việc làm tốt, hay vô tình tiếp tay cho cái xấu, cái ác diễn ra trong xã hội. Có lẽ, đọc đến đây sẽ có nhiều người nghĩ rằng tôi đã quá lo xa, cho một vài nghìn lẻ thì có gì đâu, mà nếu không cho tiền thì biết cho cái gì đây, bởi vì thực tế có những người ăn xin chỉ nhận tiền mà thôi. Bản thân tôi nghĩ rằng, chúng ta thấy người ăn xin và vô tư cho họ tiền, dù là rất ít tiền thôi, mà không quan tâm đến việc đồng tiền ấy có thực sự vào tay họ hay không thì chính chúng ta đang vô trách nhiệm với chính mình. Nếu những người ăn xin chúng ta cho tiền là giả mạo, là bị lợi dụng thì chẳng phải lòng tốt của chúng ta vô tình tiếp tay cho cái ác hoành hành hay sao? Nếu chúng ta nhất quyết làm ngơ người ăn xin thì cũng tội quá, nếu họ nghèo khó thật thì sao?

Tôi còn nhớ, những năm 90 khi mà nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn thiếu ăn, mất mùa triền miền, nhất là đồng bào miền trong khu Thanh Hóa, Nghệ An. Cứ mỗi đợt mưa bão mất mùa, họ thường kéo nhau ra ngoài Bắc xin ăn. Mỗi người đều có một cái gậy và một cái bao nhỏ, thứ họ xin duy nhất là gạo, đôi khi họ được mời bữa ăn. Ngày đó, ăn xin cũng đông lắm, một ngày có thể có đến 2 người vào xin gạo, có thời điểm hầu như ngày nào cũng có người đến xin. Nhưng thời đó, người ta không ái ngại người ăn xin như bây giờ mặc dù kinh tế lúc đó còn nghèo nàn, chưa đủ no. Bởi vì bây giờ ăn xin đã bị biến tướng, đã trở thành “nghề” kiếm tiền đơn giản, không cần sức lao động. Những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là hai địa phương trong cả nước có nạn ăn xin nhức nhối nhất. Cả hai nơi đều thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn ngăn chặn tình trạng ăn xin, chăn dắt ăn xin như kêu gọi người dân không cho tiền ăn xin, thưởng tiền cho người dân nào phát hiện chăn dắt ăn xin… nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện được là mấy. Tôi nghĩ nút thắt cho vấn đề này chính là phải có phối hợp của mỗi người dân và sự quyết liệt của chính quyền địa phương. Vì thế, đã đến lúc mỗi người chúng ta thay đổi cách đối xử với người ăn xin để vấn nạn này không còn gây nhức nhối xã hội nữa.

Vậy thì, khi gặp người ăn xin chúng ta nên làm thế nào? Tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên cho tiền. Thay vào đó, chúng ta có thể biếu họ đồ ăn, đôi dép, bộ quần áo, hoặc những vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết. Với những người ăn xin thực sự, có miếng cơm, manh áo mặc, nơi ăn chốn ngủ đã là hạnh phúc. Chu đáo hơn, chúng ta có thể tìm hiểu hoàn cảnh của họ, nếu họ thực sự có hoàn cảnh éo le, không thể lao động, chúng ta có thể giới thiệu họ với các trung tâm bảo trợ xã hội. Nếu là những kẻ giả mạo ăn xin chỉ cốt xin sao cho nhiều tiền, khi người dân không cho tiền nữa, không thể lợi dụng lòng tốt của ai để trục lợi nữa, dần dần cũng sẽ chán.       Chúng ta không nên áy náy khi không cho tiền người ăn xin, vì chúng ta còn có nhiều cách khác để thể hiện lòng tốt của mình. Chúng ta có thể quyên tiền cho các tổ chức thiện nguyện uy tín, các câu lạc bộ từ thiện, hoặc các quỹ nhân ái của nhiều cơ quan báo chí. Thiết nghĩ hành động ấy sẽ ý nghĩa, thiết thực hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng nên có những biện pháp cứng rắn, quyết liệt hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với người dân để kịp thời giúp đỡ những người bất hạnh, cũng như xóa sổ nạn giả mạo, chăn dắt ăn xin.

          Tăng Bá Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây