Nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của công dân

Thứ năm - 30/11/2023 05:23 181 0
Với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu trên mọi lĩnh vực của đời sống, song trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đó đó bộc lộ nhiều bất cập, tạo ra nhiều áp lực cho môi trường sinh thái mà hệ quả là phải đang đối diện với nhiều vấn đề môi trường gay gắt.
Dưới sự tác động của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa dẫn đến hiểm họa cho môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu, mâu thuẫn giữa phát triển và lạc hậu, phát triển chưa bền vững, quy hoạch manh múm, đặc biệt là do ảnh hưởng nặng nề của nếp suy nghĩ, thói quen của người sản xuất nhỏ, tiểu nông chưa hoàn thiện...Bên cạnh đó, quy mô dân số nước ta hiện nay gần 100 triệu dân, đặt ra những vấn đề gay gắt về dân sinh, cải thiện đời sống, tăng thu nhập song song với việc bảo vệ môi trường.
Ô nhiễm môi trường không khí
Tại Việt Nam, có nhiều nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí, chủ yếu gồm: nguồn di động (hoạt động giao thông, cháy rừng,..), nguồn cố định (sản xuất công nghiệp: khai thác than, nhiệt điện, sản xuất thép, sản xuất xi măng, hoạt động từ các làng nghề và lò đốt chất thải nguy hại và các nguồn khác như hoạt động sản xuất nông nghiệp, hoạt động dân sinh, thu gom xử lý rác thải…. Các nguồn thải này hiện đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và quy mô mặc dù tùy theo từng địa phương, vùng miền thì quy mô và tính chất của từng nguồn thải lên môi trường không khí là khác nhau.
Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của Bộ TN&MT, trong giai đoạn vừa qua, ô nhiễm không khí ở nước ta tiếp tục là một trong các vấn đề nóng về môi trường. Môi trường không khí bị ô nhiễm chủ yếu là bụi (TSP, PM10, PM2.5), nồng độ các thông số bụi (bụi mịn và bụi lơ lửng tổng số) có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao nhất là tại các trục giao thông và các tuyến đường chính đặc biệt ở các đô thị lớn, ở một số khu công nghiệp, một số khu vực khai thác khoáng sản và ở một số làng nghề. Các khu công trường xây dựng cũng góp phần đáng kể gây ô nhiễm bụi với quy mô ô nhiễm cục bộ. Ô nhiễm bụi có xu hướng tăng dần từ năm 2015 - 2019 (ô nhiễm nhất) và được giảm bớt vào năm 2020 do thực hiện giãn cách vì đại dịch Covid-19. Chất lượng không khí ở các đô thị nhỏ và ở các vùng nông thôn vẫn được duy trì tương đối ổn định ở mức khá tốt và trung bình.
Theo báo cáo thường nên về chỉ số môi trường (The Environmental Performance Index – Epi) do tổ chức Môi trường Mỹ thực hiện, Việt Nam đứng thứ 13 khu vực Châu Á -Thái Bình Dương và thứ 115 thế giới về chất lượng không khí.
Ô nhiễm môi trường đất
Tổng diện tích đất tự nhiên của nước ta là 33.105.000 ha, trong đó diện tích sông suối và núi đá khoảng 1.370.100 ha (chiếm khoảng 4,16% diện tích đất tự nhiên), phần đất liền khoảng 31,1 triệu ha (chiếm khoảng 94,5% diện tích tự nhiên), là một trong những nước có diện tích tự nhiên nhỏ, xếp vào nhóm thứ năm trong nhóm nước có diện tích bình quân từ 0,3 – 0,5 ha/người, đứng 203 trong số 218 nước trên thế giới. Vì thế, đất là một nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng con người. Con người sử dụng tài nguyên đất vào hoạt động sản xuất nông nghiệp để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực phẩm mình. Nhưng với nhịp độ gia tăng dân số và tốc độ phát triển công nghiệp và hoạt động đô thị hoá như hiện nay thì diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, chất lượng đất ngày càng bị suy thoái, diện tích đất bình quân đầu người giảm trong khi những mảng xanh dần biến mất. Hơn thế, ý thức giữ gìn môi trường của không ít người dân chưa được xem trọng, nhiều người thản nhiên vứt rác bừa bãi, xả nước thải trực tiếp ra môi trường chưa qua xử lý, phun thuốc trừ sâu không khoa học…lâu ngày gây ô nhiễm môi trường đất.
Ô nhiễm đất do nhiễm phèn: Một phần do nước phèn từ một nơi khác di chuyển đến, một phần do mực nước biển dâng lên và làm ngập đất, muối sunfat có trong nước biển trộn lẫn với các trầm tích đất chứa oxit sắt và các chất hữu cơ. Tới thời điểm nhất định, nhiệt độ ấm hơn chính là điều kiện thích hợp cho các vi khuẩn tạo ra tiềm năng lớn cho sự hình thành các sunfua sắt. pH môi trường giảm gây ngộ độc cho con người trong môi trường đó. Ô nhiễm đất do các chất thải công nghiệp: Tính đến cuối năm 2020, trên phạm vi cả nước có 369 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích 114 nghìn ha. Trong đó, có 284 KCN đã đi vào hoạt động, tăng 72 KCN so với năm 2015.
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường năm 2020, có 90,69% KCN đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung, trong đó 90,9% đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Mặc dù vậy, nhiều dự án, cơ sở hiện đang đầu tự, vận hành tịa các KCN có nguy cơ gây ô nhiễm môi tường như: Khai thác mỏ, sản xuất hóa chất, nhựa dẻo, nylon, các loại thuốc nhuộm, thuộc da, lọc hóa dầu…các kim loại nặng tích tụ trên lớp đất mặt làm đất bị chai, xấu, thoái hóa không canh tác tiếp được.
Đối với cụm công nghiệp (CCN), đến hết năm 2020 cả nước có 698 CCN đi vào hoạt động, song số lượng CCN có biện pháp bảo vệ môi trường, công trình xử lý chất thải chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ có 17,2% CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó 39,2% đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Ô nhiễm đất do phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật: Rất nhiều làng nghề ở Việt Nam có các hoạt động khiến một lượng lớn chất thải rắn được thải ra môi trường một cách bừa bãi, công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, rất ít làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn cũng như xử lý nước thải. Sản xuất giấy, vật nuôi, giết mổ, dệt, nhuộm …là những minh chứng cho các hoạt động đang diễn ra tại các làng nghề gây ra mức độ ô nhiễm đất đặc biệt nghiêm trọng. Sử dụng không đúng các loại phân bón hóa học đã dẫn đến hiệu quả thấp và ô nhiễm.
Ô nhiễm do chất thải sinh hoạt: Rác sinh hoạt thường là hỗn hợp của các chất vô cơ và hữu cơ có độ ẩm cao nhiều vi khuẩn vi trùng gây bệnh nên việc chôn lấp rác không hợp vệ sinh, các loại rác, phân …xả trực tiếp vào môi trường gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Nước thải sinh hoạt theo cống rãnh đổ ra mương và có thể đổ ra đồng ruộng kéo theo phân rác và làm ô nhiễm đất đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa, khi nước rỉ rác ngấm và tràn ra các khu vực chung quanh, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân trong khu vực. Đặc biệt trong hoạt động y tế, lượng chất thải rắn y tế phát sinh rất lớn, đây là loại chất thải có tính lây nhiễm do máu, dịch, chất tiết, bộ phận cơ thể, vật sắc nhọn, chất thải hóa học, dược phẩm, chất thải phóng xạ và các bình áp suất có khả năng cháy nổ… trong khi đó hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải của nhiều bệnh viện đã xuống cấp, hoạt động công cầm chừng. Việc phân loại xử lý nước thải từ y tế chưa triệt để, xả thải trực tiếp ra môi trường nếu không được xử lý triệt để sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái trong nguồn nước và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, tao nên nguy cơ ô nhiễm, lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.
Ngoài những nguồn ô nhiễm trên, các hoạt động tưới không thích đáng, chặt cây rừng, khai hoang hay ô nhiễm đất do thoái hóa đất và xói mòn... cũng tạo thành các hiện tượng rửa trôi, bạc màu, nhiễm phèn, nhiễm mặn... trong đất.
Những kết quả đạt được trong quản lý nhà nước về môi trường hiện nay ở Việt Nam Trong thời gian qua, nhận thức về việc bảo vệ môi trường của cơ quan, cán bộ nói riêng và xã hội nói chung đã có những chuyển biến tích cực. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên ngày càng được chú trọng hơn, bảo vệ môi trường (BVMT) đã trở thành nhu cầu bức thiết của xã hội; ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) được sự quan tâm, ưu tiên lồng ghép vào trong hệ thống các chính sách và thực tiễn quản lý, điều hành của tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội (KTXH). Hiểu biết của cán bộ, lãnh đạo ở các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng dân cư về BĐKH ngày càng đầy đủ hơn.
Trách nhiệm bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước và công dân
Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: “bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững”. Tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, đường lối nêu trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng, thể hiện những quan điểm, nhận thức mới về công tác BVMT gắn kết với quá trình phát triển kinh tế - xã hội: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đặc biệt, Kết luận số 56-KT/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản
lý tài nguyên và BVMT đã đặt ra các nhiệm vụ: “Cần đặt yêu cầu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển
kinh tế - xã hội bền vững. Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với BĐKH, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả
tài nguyên và BVMT. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện sửa đổi, bổ sung Luật BVMT năm 2014 theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về BVMT, bổ sung các quy định mới nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan”.
Để thực hiện các quan điểm của Đảng, tại Điều 43 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”.
Như vậy, BVMT là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó quản lý nhà nước về BVMT xác định rõ chủ thể là Nhà nước, bằng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình đưa ra các chính sách kinh tế, kỹ thuật, xã hội; kế hoạch, biện pháp, pháp luật thích hợp nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Khí hậu ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo hơn; mưa lũ, hạn hán thất thường; suy thoái đất, nước; suy giảm nguồn tài nguyên rừng; ô nhiễm môi trường xảy ra trên diện rộng…làm lây lan các dịch bệnh. Đó là các vấn đề môi trường mà toàn nhân loại đang phải đối mặt. Nguyên nhân do con người đã tác động quá nhiều đến môi trường, khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên…dẫn đến phát triển không bền vững, bên cạnh đó vì lợi ích kinh tế, vì cuộc sống mưu sinh mà vô tình hoặc cố ý xâm hại đến môi trường. Vì thế, hơn ai hết việc BVMT không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, đảng phái, đoàn thể mà phải là trách nhiệm của mỗi một cá nhân, một công dân cụ thể bằng chính những hành động tích cực của mình nhằm tác động một cách thiết thực vào môi trường, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ chính bản thân, xã hội, cộng đồng và nhân loại. Trách nhiệm đó được thể hiện: Thông qua ý thức, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ môi trường sống, việc hình thành ý thức BVMT xung quanh mình là điều cần thiết, điển hình như hoạt động phân loại rác tại nguồn nhằm giảm áp lực cho công tác thu gom, xử lý rác thải ra môi trường đã được TPHCM thí điểm từ hơn 10 năm nay và chính thức triển khai trên toàn địa bàn thành phố từ năm 2018 và dần trở thành thói quen hàng ngày của đông đảo bộ phận người dân tại đô thị này. Mỗi ngày TPHCM thải gần 10.000 tấn rác, vì thế ý thức phân loại rác tại nguồn của người dân không chỉ góp phần giảm lượng rác thải trực tiếp ra môi trường mà còn tận dụng được nguồn tài nguyên rác để tái chế và sản xuất điện năng đồng thời giảm áp lực cho công tác xử lý rác gần 3.000 tỷ đồng/năm của thành phố. Ý thức trách nhiệm với cộng đồng và sức khỏe của bản thân trong việc giữ gìn, BVMT không tự nhiên mà có, để có được ý thức đó thì mỗi công dân phải tự rèn luyện, phải được hình thành từ giáo dục, từ việc xậy dựng quy ước, quy định. Ý thức có thể được hình thành qua tuyên tuyền, vận động, bổ biến quy định thậm chí phải thông qua hình thức xử phạt nghiêm khắc và nghiêm minh để tạo thành thói quen của mỗi người.
Trách nhiệm BVMT còn được thể hiện thông qua việc chủ thể vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo đó, xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trong lĩnh vực BVMT được điều chỉnh chủ yếu trong Luật XLVPHC năm 2012 được sửa đổi bổ sung năm 2020, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật XLVPHC năm 2021, Nghị định 155/2016 ngày 18 tháng 11 năm 2016 về XPVPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021.
Chủ thể bị XLVPHC là cá nhân, tổ chức. Cá nhân bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch [11, Điều 5] đáp ứng các điều kiện về độ tuổi và nhận thức do luật định. Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong BVMT khi thi hành nhiệm vụ thì không bị XLVPHC [12, Điều 1]. Hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT bị xử phạt như cá nhân [13, Khoản 2, Điều 2]. Đối với tổ chức bị xử lý về mọi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT do mình gây ra, tổ chức đó phải là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật. Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về XLVPHC mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan [14, khoản 6 Điều 3]. Ngoài ra, tổ chức nước ngoài cũng bị XLVPHC theo quy định. Các hình thức xử lý vi phạm gồm: cảnh cáo, phạt tiền (đối với cá nhân, mức phạt về bảo vệ môi trường tối đa là 1tỉ; đối với tổ chức mức phạt tối đa là 2 tỉ. Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung [15, Điều 23] ngoài ra mức phạt còn phải dựa trên tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021). Ngoài các hình thức xử phạt chính trên, các cá nhân tổ chức còn chịu hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng kèm theo hình thức phạt chính nếu pháp luật có quy định tương ứng với hành vi vi phạm theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Ngoài việc chịu trách nhiệm hành chính, các cá nhân tổ chức nếu có dấu hiệu của tội phạm thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Môi trường là không gian, nơi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, cung cấp tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho nhu cầu, mục tiêu phát triển của con người. Môi trường sẽ tác động hai chiều đến quyền con người nên có thể coi đây là thách thức của Việt Nam trong việc hướng đến mục tiêu vừa phát triển nhân quyền với cải thiện các quyền về kinh tế, xã hội vừa đảm bảo việc bảo vệ môi trường hướng đến sự phát triển bền vững. Trách nhiệm này không chỉ của riêng ai mà là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và của toàn dân nếu quốc gia có các chính sách đúng đắn và công dân có những hành động tích cực tác động đến môi tường vì nó gắn liền với sự sống còn của mỗi người dân trong xã hội đó.
Nguyễn Thị Thanh Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây