Nâng cao hiệu quả trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội

Chủ nhật - 15/10/2023 14:57 175 0
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một chủ trương quan trọng được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng nhằm hoàn thiện thể chế, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số với những thay đổi toàn diện trên lĩnh vực thương mại - tiêu dùng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) ra đời lần đầu vào năm 2010, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2011. Sau 12 năm thực thi, công tác bảo vệ quyền lợi NTD trong nước đã có những bước phát triển rõ rệt so với trước. Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản dưới luật, như Nghị định, Chỉ thị, Thông tư tạo cơ sở pháp lý, đảm bảo cho việc thực hiện hiệu quả những quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD trong đời sống. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được các cấp, ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, cơ quan báo chí truyền thông thường xuyên quan tâm, bằng những hình thức phong phú, đa dạng, đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ quyền lợi NTD. Hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD từ Trung ương tới địa phương đã được hình thành, dần đi vào nề nếp hoạt động và phát huy vai trò của mình ngày một rõ nét. Cùng với đó, các tổ chức xã hội tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi NTD được phát triển, tích cực hoạt động, phát huy chức năng, nhiệm vụ, dần khẳng định vai trò là cầu nối giữa NTD với cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Năm 1988, thành lập Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (viết tắt là Vinastas) nhằm mục đích bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của NTD. Sau đó, khắp nơi trên cả nước đã nhanh chóng thành lập tổ chức hội tại địa phương. Ở Hải Dương, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh được thành lập theo quyết định số 155/QĐ-UB ngày 29/1/1999 của UBND tỉnh Hải Dương. Năm 2018, Hội Bảo vệ NTD Việt Nam chính thức thành lập trên cơ sở tách ra từ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam hướng tới mục đích đảm bảo tính pháp lý và thực hiện đầy đủ, toàn diện các nội dung bảo vệ quyền lợi NTD của tổ chức xã hội theo đúng quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.
Sự ra đời của các văn bản pháp luật, của cơ quan quản lý hành chính cùng các tổ chức xã hội đã góp phần vào những thành công trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Tuy nhiên, quyền lợi NTD vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng do sự thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD chưa nghiêm minh, gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, bất cập; hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thiết thực, hiệu quả….
7
NhãnCục QLTT tỉnh Hải Dương đã tổ chức gian trưng bày nhận diện “Hàng thật - hàng giả” ngày 29/6/2023, giúp người tiêu dùng có lựa chọn đúng đắn khi mua hàng.

Trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi NTD của tỉnh Hải Dương đã được các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức của các tổ chức và cá nhân về bảo vệ quyền lợi NTD được nâng lên rõ rệt, đồng thời cộng đồng xã hội cũng ngày một quan tâm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững. Hằng năm, các cơ quan chức năng, đoàn thể, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD phối hợp tổ chức: nhiều cuộc phát động, mít tinh hưởng ứng ngày Quyền của NTD Việt Nam; các buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD cho nhân dân trong tỉnh. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, yêu cầu của NTD được quan tâm. Hằng năm, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh đã tiếp nhận hàng chục lượt thông tin của NTD trong tỉnh, thông qua đó tư vấn, hỗ trợ NTD giải quyết, hòa giải nhiều vụ việc. Nhiều doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng trong tỉnh đăng ký tham gia chương trình bán hàng với nhiều ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn, bán hàng bình ổn giá. Hàng hóa bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn với NTD, được niêm yết rõ ràng các thông tin liên quan, thực hiện tốt chế độ bảo hành, giới thiệu sản phẩm mới. 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được; công tác bảo vệ quyền lợi NTD vẫn còn những hạn chế, như: một bộ phận người dân, NTD chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của mình, chưa hiểu đúng về pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD; một số cơ quan, đơn vị và tổ chức xã hội chưa quan tâm đầy đủ tới công tác bảo vệ quyền lợi NTD; nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh chưa nắm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với NTD. Những vấn nạn đáng quan tâm như sản xuất thức ăn, đồ uống kém chất lượng, nhãn hàng và quảng cáo không đúng sự thật. Người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại không thông tin, phản ánh hay khiếu nại cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của mình.
Để phát huy hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD, đáp ứng yêu cầu cấp bách của hoạt động tiêu dùng trong thời kỳ mới – thời kỳ của công nghệ, khoa học, kỹ thuật, bên cạnh hành lang pháp lý vững chắc, thì cũng cần sự hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức xã hội song song sự quản lý của nhà nước và sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp. Nhận thức tầm quan trọng của tổ chức xã hội trong hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD, ngày 20/6/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi NTD mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, thay thế Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010. Theo đó, mở rộng phạm vi các tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi NTD trên cơ sở khuyến khích, tạo điều kiện để tất cả các loại hình tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi NTD. Các tổ chức được bổ sung bao gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội. Sự tham gia đa dạng, toàn diện của các tổ chức trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm: tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ quyền lợi NTD; Giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, tổ chức, cá nhân kinh doanh; phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD. Tổ chức chính trị - xã hội có thêm trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân về các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi NTD.
Đối với tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lời người tiêu dùng như Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các Hội ở địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội Luật gia,… được Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về hội, quy định khác của pháp luật có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do nhà nước giao. Quy định này nhằm tháo gỡ khó khăn về kinh phí đối với một số hoạt động trong trong quá trình thực hiện bảo vệ NTD. Ví dụ, kinh phí điều tra, thu thập, giám định chứng cứ, thuê luật sư, bồi thường trong trường hợp thua kiện khi khi tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng (được quy định tại điểm h, khoản 1, điều 50). Kinh phí tổ chức các hoạt động độc lập về khảo sát, thử nghiệm, công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; phản ánh, đánh giá mức độ tin cậy của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được quy định tại điểm e khoản 1, điều 50 của Luật này)
So với luật năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 bổ sung các hoạt động tham gia bảo vệ NTD của tổ chức xã hội sau: đại diện cho người tiêu dùng thực hiện khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi NTD khi có yêu cầu và ủy quyền theo quy định của pháp luật; tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức và kiến thức tiêu dùng cho NTD; tham gia hỗ trợ thương lượng, hòa giải tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu.
Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 thêm quy định về quyền của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD tại Điều 51, bao gồm: 1. Tham gia các hoạt động kiểm tra liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 2. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 3. Được cơ quan quản lý nhà nước thông báo kết quả tiếp nhận, xử lý, bảo mật thông tin do mình cung cấp, kiến nghị; 4. Được đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 5. Gia nhập các tổ chức quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật về hội và quy định khác của pháp luật có liên quan; 6. Tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện, giám định xã hội và các hoạt động khác liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.”.
Có thể thấy, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 về cơ bản đã đã trao thêm quyền và trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội với những quy định cụ thể, rõ ràng, hạn chế những bất cập trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010. Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2023 có hiệu lực cũng là dịp để tháo gỡ khó khăn nút thắt về mặt pháp lý, khắc phục hạn chế, yếu kém nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động về bảo vệ quyền lợi NTD trong nền kinh tế số cũng như nâng cao vị thế của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội.
Vũ Hải
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây