Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Nâng cao công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội
Thứ sáu - 22/10/2021 16:274290
Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) Việt Nam và các hội thành viên, đồng thời cũng là trách nhiệm của trí thức KH&CN đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Trong thời gian qua, công tác TVPB&GĐXH được Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên luôn được chú trọng, đẩy mạnh, tạo điều kiện để trí thức tham gia góp ý kiến khách quan, thẳng thắn và có chất lượng cao về những vấn đề hệ trọng liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về KH&CN, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức. Kết quả TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế-xã hội, được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao. Tại Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW đã kết luận “hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có những đóng góp tích cực vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”. Thông qua hoạt động này, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đã phản ánh ý kiến trung thực, khách quan, khoa học của trí thức khoa học và công nghệ đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và thực hiện có hiệu quả các dự án quan trọng về KT-XH của đất nước.
Liên hiệp Hội Hải Dương coi TVPB&GĐXH là hoạt động then chốt của toàn hệ thống. Ngày 20/6/2016, UBND tỉnh ra Quyết định số 14/2016/QĐ- UBND ban hành Quy định về hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội. Quy định này là căn cứ quan trọng để Liên hiệp Hội tỉnh đẩy mạnh hoạt động TVPB&GĐXH, đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, nội dung, hình thức tổ chức khi tổ chức, tham gia TVPB&GĐXH về các nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm; chương trình, đề án, dự án lớn, chủ trương khoa học công nghệ, giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh. Hiện nay, hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội tỉnh được thực hiện theo hai hình thức. Thứ nhất là khi Tỉnh ủy, UBND hoặc một số cơ quan trong tỉnh trực tiếp yêu cầu đơn vị tư vấn, phản biện cho một chương trình, đề án, dự án trước lúc phê duyệt. Thứ hai là căn cứ vào chương trình làm việc của UBND tỉnh, đơn vị chủ động đề xuất với UBND tỉnh giao cho tư vấn, phản biện các chương trình, đề án trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt. Hằng năm, Liên hiệp Hội tỉnh thực hiện tư vấn, phản biện từ 3-5 nhiệm vụ ỏ nhiều lĩnh vực khác nhau như văn hóa, xây dựng, giao thông vận tải, môi trường, công nghiệp, nông nghiệp... Tại các cuộc phản biện, trên cơ sở thuyết minh của chương trình , đề án, dự án, các thành viên của hội đồng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp có giá trị khoa học, thực tiễn giúp cho chương trình, đề án, dự án thêm hoàn thiện. Để hoạt động tư vấn, phản biện mang giá trị khoa học cao, thiết thực, hiệu quả, Liên hiệp Hội tỉnh mời các nhà khoa học có uy tín ở trung ương, các chuyên gia sâu ở từng lĩnh vực và các cán bộ khoa học, quản lý có năng lực, kinh nghiệm của các Hội tham gia hội đồng phản biện. Hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội gặp những khó khăn, thuận lợi chủ yếu sau: Về thuận lợi - Trên cơ sở các chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản làm cơ sở pháp lý cho hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội từ cấp trung ương tới địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động TVPB&GĐXH. Ngày 14/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 5/4/2014 và thay thế Quyết định 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002. Thực hiện Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg, ngày 20/6/2016, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND để thay thế Quyết định số 1508/2003/QĐ-UBND ngày 20/5/2003 về quy định hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội tỉnh Hải Dương. Ngày 19/01/2015, Bộ Tài chính có Thông tư số 11/1015/TT-BTC hướng dẫn có chế tài chính cho hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam. - Các ý kiến TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên khá độc lập, khách quan, hầu như không có sự ràng buộc, ảnh hưởng bởi các cơ quan có thẩm quyền liên quan. - Về cơ bản, các cấp chính quyền cả trung ương và địa phương đều đánh giá cao hoạt động hoạt động TVPB&GĐXH và quan tâm, tạo điều kiện để Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. - Liên hiệp Hội có thể huy động được đội ngũ chuyên gia uy tín, giàu kinh nghiệm với những nhận xét vô tư, khách quan, mang tính xây dựng. Về khó khăn - Lực lượng trí thức tham gia vào hoạt động TVPB&GĐXH chưa nhiều, ít người trẻ tuổi. - Nhiều hội thành viên thiếu nhiều nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính để triển khai nhiệm vụ TVPB&GĐXH. - Văn hóa phản biện chưa thực sự được coi trọng. Bản chất của TVPB&GĐXH là phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa phù hợp, trên cơ sở đó phân tích, lý giải đưa ra các luận cứ khoa học và thực tiễn và đề xuất giải pháp, khuyến nghị nhằm hoàn thiện các dự thảo cơ chế, chính sách hoặc nâng cao hiệu quả của chương trình, dự án. Tuy nhiên, nhiều tổ chức và cá nhân coi phản biện là ý kiến trái chiều phản bác do vậy luôn né tránh việc TVPB của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên. - Việc tiếp cận thông tin bị hạn chế, thời gian lấy ý kiến ngắn. Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định cụ thể những chương trình, đề án, dự án bắt buộc phải lấy kiến tư vấn, phản biện. Trong thời gian tới, để hoạt động TVPB&GĐXH thực sự mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, Liên hiệp Hội Việt Nam đề xuất Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung cơ chế tài chính đối với hoạt động TVPB&GĐXH, nhằm phù hợp với các quy định hiện hành và khuyến khích các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia vào hoạt động TVPB&GĐXH; thúc đẩy việc ban hành quyết định tổ chức diễn đàn để trí thức có thêm một hình thức tham gia TVPB&GĐXH. Tiếp tục hỗ trợ các hội thành viên, các tổ chức KH&CN trong việc xây dựng kế hoạch TVPB&GĐXH, kết nối với Bộ KH&CN, Bộ Tài chính để đề xuất kế hoạch TVPB&GĐXH cho các Hội thành viên, các tổ chức trực thuộc. Các hội thành viên cần chủ động hơn trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện tốt chức năng TVPB&GĐXH, góp phần vào hoàn thiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục đề xuất với các cơ quan Đảng và Nhà nước các quy định về việc xác định các các đề án, dự án cần có sự tham gia phản biện của các hội KHKT trước khi đề án, dự án được phê duyệt; cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với các hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên. Liên hiệp Hội Việt Nam cần tiếp tục tổ chức các hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực cho các liên hiệp hội địa phương và nâng cao chất lượng TVPB&GĐXH trong thời gian tới.