Bởi lẽ ở khu vực nông thôn nước ta đã thải ra từ 13-15 triệu tấn rác sinh hoạt mỗi ngày và còn tăng thêm nữa. Mới ngần ấy rác thôi mà cũng đủ làm mất đi vẻ đẹp của cảnh quan và làm cho môi trường nông thôn trở nên ô nhiễm, có nơi ô nhiễm nghiêm trọng. Đó là chưa kể đến các loại chất thải khác từ chăn nuôi, làng nghề và sản xuất nông nghiệp thải ra.
Hiện nay, về nông thôn đều có thể dễ dàng nhận thấy ở ven các con đường, bờ sông, bờ ao có các túi rác, có khi là cả bao tải rác hay đống rác “tự nhảy dù” mà chẳng có ai thu gom. Mới đầu còn là túm nhỏ dần dà chúng tập kết thành đống lớn, các đống rác chất đầy qua nhiều ngày bốc mùi hôi thối. Có trường hợp là rác độc hại được mang từ nơi xa đến. Cùng với sự phát triển kinh tế ở nông thôn, đời sống vật chất được nâng lên là sự gia tăng mạnh mẽ lượng rác thải không có nguồn gốc hữu cơ đó là bao bì gói hàng hóa, thực phẩm, mĩ phẩm vv…., đặc biệt là các túi nilon là loại rác thải khó phân hủy cũng nằm chung với các loại rác thải khác. Việc xử lý loại rác thải này là một bài toán khó chưa tìm được lời giả.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt ở vùng nông thôn nói chung còn rất khiêm tối mới chỉ đạt trung bình 40-50%, thậm chí có những địa phương chỉ đạt chưa đến 10% như ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh ), Ứng Hòa (Hà Nội ), Giao Thủy (Nam Định ), Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) vv…. Tuy nhiên ở những địa phương đã có quy hoạch bãi và tổ chức được đội thu gom thì tỷ lệ thu gom có thể đạt cao hơn.
Toàn bộ lượng rác thải lại không được phân loại và xử lý theo tiêu chuẩn môi trường. Hình thức xử lý phổ biến hiện nay là chôn lấp và đốt, song cả hai cách xử lý này cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi hiệu quả xử lý không đáp ứng yêu cầu về môi trường.
Công nghệ lò đốt rác mini đang dùng hiện nay được nhập từ nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan hoặc do các đơn vị trong nước tự thiết kế và chế tạo với công suất xử lý 500kg rác/ giờ để xử lý cho một vùng nông thôn hoặc cho một khu vực cụm dân cư. Theo số liệu thống kê của cơ quan môi trường thì hiện nay toàn quốc có 600-700 lò đốt rác mini này được sử dụng ở vùng nông thôn, góp phần giải quyết xử lý một phần lượng rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến của các nhà quản lý môi trường thì hiệu quả cũng như quá trình vận hành của các lò này có đảm bảo tiêu chuẩn môi trường hay không là vấn đề chưa được kiểm tra, xác nhận một cách nghiêm túc, bởi vì hiện nay chưa có quy chuẩn xả thải cho các lò đốt rác này. Dư luận của người dân sống ở gần khu vực lò đốt vẫn cảm thấy không đồng tình vì khói, bụi và cả mùi thải ra từ lò đốt gây cho họ cảm giác khó chịu.
Phổ biến nhất hiện nay vẫn là biện pháp chôn rác, tuy nhiên còn rất nhiều hạn chế. Nhiều bãi rác lại là điểm nóng về ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho người dân do bãi chôn lấp không đáp ứng các yêu cầu về môi trường cả về vị trí, diện tích và quy cách không đảm bảo, thiết kế kỹ thuật, thi công xây dựng và công tác xử lý chưa hợp lý. Bên cạnh đó năng lực các đơn vị dịch vụ môi trường còn yếu, thiết bị thu gom thiếu, kinh phí cho việc thu gom, xử lý rất hạn hẹp. Hiện nay, các địa phương thu phí đóng góp của các hộ dân mới chỉ đủ trả công vận chuyển rác về bãi tập trung, còn kinh phí xử lý thì hoàn toàn không có. Tất cả những hạn chế đó đã dẫn đến tồn đọng rác thải ở nhiều nơi, nhiều điểm đã gây ra tình trạng ô nhiễm cục bộ ở bãi rác. Tại cuộc họp với các Bộ, Ngành, Trung ương bàn về xây dựng đề án “Thu gom xử lý rác thải từ nay đến năm 2020”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trong bài phát biểu kết luận hội nghị đã nói : “HIện nay các địa phương đều sử dụng biện pháp chôn lấp rác thải, song trong đó có 90% các bãi chôn lấp không đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường, đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường nông thôn ”.
Những năm gần đây công tác thu gom xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn chưa thực sự được coi trọng, nhiều địa phương chưa có bãi chôn lấp tập trung, chưa tổ chức được đơn vị chuyên trách thu gom rác, tỷ lệ thu gom còn thấp. Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý môi trường nông thôn chưa có đơn vị đầu mối quản lý. Tại các địa phương cũng không thống nhất, nơi do Sở Tài nguyên - Môi trường quản lý, nơi do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm. Riêng đối với chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn và vùng làng nghề công tác quản lý vẫn còn bỏ ngỏ. Các chuyên gia môi trường cho rằng chính sự phân công, phân nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý chất thải rắn nông thôn chưa rõ ràng còn chồng chéo khi triển khai thực hiện.
Tại tỉnh Hải Dương, theo ước tính của Chi cục bảo vệ môi trường thì lượng rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn phát thải trung bình khoảng 690 tấn/ ngày và vẫn tiếp tục tăng lên. Hiện nay tỉnh ta có 3 nhà máy xử lý rác thải đang hoạt động tại 3 huyện Kinh Môn, Thanh Hà, Bình Giang. Các nhà máy này mới chỉ xử lý rác thải của thành phố Hải Dương và một số ít xã, thị trấn ở gần đó. Các xã, thị trấn còn lại rác thải sinh hoạt chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp (Hải Dương chưa có địa phương nào áp dụng lò đốt rác mini). Cũng theo điều tra của chi cục bảo vệ môi trường thì hiện nay toàn tỉnh có 853 bãi chôn lấp rác được các xã quy hoạch nhưng chỉ có 26% được cho là đảm bảo vệ sinh.
Xác định công tác quản lý rác thải là một trong những ưu tiên đối với công tác bảo vệ môi trường nông thôn, năm 2008 UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 56/QĐ - UBND “Quy định về bảo vệ môi trường khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh ” quy định yêu cầu “các khu vực thôn xã, thị trấn phải quy hoạch bãi chôn lấp rác tập trung”. Ngay sau đó từ năm 2009 đến nay đã có 105 xã được tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây dựng bãi chôn lấp rác tập trung hợp vệ sinh với mức tiền là 500 triệu đồng/ bãi (trong số đó có 58 xã nằm trong tốp đầu thí điểm xây dựng nông thôn mới). Tuy nhiên, qua việc khảo sát ở các xã (kể cả những xã đang xây dựng nông thôn mới) thuộc các huyện Kinh Môn, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng cho thấy các bãi chôn lấp đã không xây dựng theo đúng yêu cầu kỹ thuật, vị trí chôn lấp, diện tích hố chôn lấp không đảm bảo quy cách, công tác xử lý chưa hợp lý. Do vậy, các bãi rác không đạt hiệu quả xử lý.
Ở nhiều địa phương chính những bãi chôn lấp rác đã gây ô nhiễm môi trường, làm mất vẻ đẹp cảnh quan, gây bức xúc trong nhân dân. Thực trạng trên càng trở nên nan giải hơn khi quỹ đất ở nhiều địa phương không còn để quy hoạch bãi rác và nguồn kinh phí dành cho việc thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn. Thực chất các bãi chôn lấp tập trung ở toàn quốc nói chung và Hải Dương nói riêng chỉ là điểm gom rác lại một chỗ, hạn chế vấn nạn xả rác bừa bãi ra môi trường. Vì không phân loại và không xử lý rác nên chính ở những bãi rác này đã gây ra ô nhiễm nặng nề cho môi trường, nguồn nước, đất mà sau này việc khắc phục sẽ rất khó khăn và tốn kém.
Hiện nay toàn tỉnh ta đang dồn sức thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong đó tiêu chí môi trường là một tiêu chí quan trọng. Ô nhiễm môi trường nông thôn là vấn đề cần được định hướng xử lý với những giải pháp lâu dài, vững chắc và đồng bộ. Xác định được như vậy cơ quan tham mưu cho tỉnh về môi trường đã xây dựng đề án “thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn Hải Dương giai đoạn 2015 - 2020 ” để trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện. Việc xây dựng nhà máy xử lý rác theo cụm là một nội dung trong đề án, với 12 huyện thành phố, thị xã sẽ được chia thành 4 cụm xử lý rác. Theo đó chú trọng đến việc quy hoạch các điểm tập kết và các điểm trung chuyển rác phù hợp. Đây là một đề án lớn đòi hỏi phải có kinh phí và thời gian, không thể một sớm một chiều thực hiện ngay được. Thời gian là bao lâu hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và người dân của tỉnh ta. Do vậy, trong thời gian chờ đợi thực hiện đề án, các địa phương vẫn cần phải tiếp tục thực hiện các giải pháp thu gom, xử lý phù hợ với điều kiện và khả năng của mình để góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nói chung.
Nguyễn Hoài Khanh
Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường
Ý kiến bạn đọc