MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CỦA TRÍ THỨC HẢI DƯƠNG VÀO DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH HẢI DƯƠNG LẦN THỨ XVII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Thứ bảy - 03/10/2020 20:40 593 0
Đóng góp vào Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, đã có nhiều ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh.
Xây dựng hệ thống chính trị và Đảng trong sạch, vững mạnh
          Hệ thống chính trị gồm: Đảng- Nhà nước- Nhân dân, muốn giữ ổn định chính trị, giữ vững thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã giành được thì phải xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững, mạnh, trong đó, trước hết là xây dựng Đảng.
          Đảng trong sạch, vững mạnh sẽ giữ được vai trò lãnh đạo, tránh được sự lệch lạc, chệch hướng; Đảng trong sạch là cơ sở, tiền đề cho hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Bởi đảng viên giữ hầu hết vị trí lãnh đạo, chủ chốt trong hệ thống chính trị. Nhà nước vững mạnh, quản lý hiệu quả để dẫn dắt kinh tế, xã hội đi đúng con đường đổi mới - nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN, bảo đảm cho nền dân chủ được thực hiện. Nhân dân đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ, làm theo sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành pháp luật. Nhân dân là người thực hiện đường lối lãnh đạo, là người làm nên sự thịnh vượng của đất nước. Xử lý tốt mối quan hệ: Đảng- Nhà nước- Nhân dân là yêu cầu thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi. Mỗi quan hệ này không tốt sẽ dẫn đến mâu thuẫn, bức xúc, xung đột xã hội.
          Vậy xây dựng hệ thống chính trị thế nào ?
          Trước hết, nhận thức đúng, xử lý đúng mối quan hệ giữa ba chủ thể trong hệ thống chính trị. Mỗi cấp hành chính, mỗi cơ quan, tổ chức đều có ba chủ thể này. Vì thế đều phải chú ý giải quyết mối quan hệ này. Thực chất là việc phân định: Đảng thực hiện đúng vai trò lãnh đạo, làm gì, làm đến đâu; Chính quyền thực hiện chức năng quản lý, điều hành làm gì, làm đến đâu; MTTQ và các đoàn thể nhân dân làm gì để vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, hăng hái làm theo đường lối đổi mới?
          Thứ hai, xây dựng bộ máy Nhà nước, hệ thống chính quyền vững mạnh. Tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường, Nhà nước điều tiết để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường.
          Thứ ba, cần đổi mới phương thức, cơ chế lãnh đạo, quản lý. Các cuộc họp Thường vụ cấp ủy cần tập trung bàn, xử lý những việc lớn, quan trọng mang tính định hướng, chiến lược, cấp ủy, Ban TV chỉ đôn đốc, kiểm tra, không làm thay chính quyền. Chính quyền cụ thể hóa bằng các quyết định quản lý (Nghị quyết HĐND, các quyết định của UBND).
(Ông Lương Anh Tế, Nguyên TUV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương)
Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
          Trong nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua, đã có nhiều đề án, dự án phát triển kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, cần làm rõ tổng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân, cơ cấu giá trị của từng lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp trong GDP của tỉnh có so sánh với nhiệm kỳ trước và mục tiêu đề ra.
          Trong nhiệm vụ và giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cần bổ xung thêm những ý sau:
- Xây dựng khu nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao, có giá trị hàng hóa lớn đối với trồng trọt sản phẩm công nghệ cao chiếm 45 - 50%; chăn nuôi 50 - 60%, thủy sản 30%.
- Tiếp tục quy hoạch xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở đó gắn với công nghệ 4.0. Tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Giảm dần sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ phân tán trong nông hộ hiệu quả thấp.
- Có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp liên kết với nông dân hình thành chuỗi liên kết giá trị từ đồng ruộng, chuồng trại, ao nuôi tới bàn ăn. Trên cơ sở tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng an toàn sinh học, VIETGAP; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
- Hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nhất là khu nông nghiệp chất lượng cao. Tập trung đầu tư cải tạo và xây mới hệ thống trạm bơm, kênh tưới, kênh tiêu để tưới tiêu chủ động cho sản xuất, khu công nghiệp và dân sinh.
- Tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thiện cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhất là khâu gieo cấy, thu hoạch, vận chuyển, sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến và tiêu thụ nông sản phẩm.
(Th.S  Nguyễn Văn Tịnh, Chủ tịch Hội Chăn nuôi – Thú y tỉnh Hải Dương)
Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng
Trong thời gian qua, tỉnh Hải Dương ta đã hoàn thành nâng cấp được 03 đô thị lớn của tỉnh. Chúng ta đã tách nhập, điều chỉnh và quy hoạch, mở rộng một số đơn vị hành chính cấp xã, phường để đủ điều kiện nâng cấp 3 đô thị nói trên và sát nhập 53 xã thị trấn để thu lại còn 24 xã thị trấn. Dự kiến đến năm 2025 nâng cấp xây dựng 02 huyện Bình Giang và Nam Sách lên đô thị loại IV, đến 2030 nâng cấp 5 huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Thanh Miện, Kim Thành, Ninh Giang lên đô thị loại IV, thị xã Kinh Môn lên đô thị loại III và thành phố Chí Linh lên đô thị loại II. Như vậy thì đến 2035 chúng ta sẽ có 10 đô thị/12 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố. Tỉ lệ đô thị chiếm trên 80%, Hải Dương đủ điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Muốn đạt được những điều trên, giải pháp cần được quan tâm thực hiện hàng đầu là phải có quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch chi tiết xây dựng. Chúng ta phải làm ngay quy hoạch 2 huyện Bình Giang, Nam Sách thành thị xã và chuẩn bị ngay cho 5 huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Thanh Miện, Kim Thành, Ninh Giang là thị xã, Kinh Môn lên loại III và Chí Linh lên loại II; đồng thời điều chỉnh quy hoạch thành phố Hải Dương là đô thị lõi và chuẩn bị quy hoạch chung toàn tỉnh theo định hướng thành đô thị trực thuộc Trung ương.
          Đối với 24 xã thị trấn mới sát nhập cũng rất cần phải có ngay quy hoạch để quản lý, đầu tư và phát triển. Trong đó có 4 thị trấn được nhập thêm xã để mở rộng là: Cẩm Giàng, Gia Lộc, Thanh Miện, Bình Giang và có tới 5 xã được sát nhập 3 trong 1 là Ninh Giang 2, Gia Lộc 1, Thanh Hà 1, Tứ Kỳ 1. Các xã, thị trấn này vừa mới sát nhập xong thì tập trung cho chuẩn bị Đại hội Đảng nên vấn đề điều chỉnh, lập quy hoạch mới, điều chỉnh quỹ đất, cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất, giải quyết dư thừa trụ sở, hội trường, trường học v.v… chưa được nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời.
          Cần phải xây dựng “Chương trình quy hoạch và phát triển chuỗi đô thị đưa tỉnh Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc TW vào năm 2035”, song song với đó cần có một chương trình nữa là “Chương trình phát triển đô thị thông minh”. Bởi đô thị tương lai sẽ là các đô thị thông minh của thời đại 4.0 và sau 4.0. Công việc này đòi hỏi các cấp, các ngành và các địa phương từng bước tiếp cận, nghiên cứu đầu tư, xây dựng, song song với quá trình nâng cấp đô thị. Xây dựng đô thị thông minh là làm cho nó thông minh dần dần chứ ta không thể đầu tư cho đô thị thông minh ngay được. Chương trình này sẽ phân kỳ, phân công theo thời gian để các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp thực hiện dần các nội dung như: Năng lượng thông minh; Kinh tế thông minh; Quản trị thông minh; Giao thông thông minh; Thông tin viễn thông thông minh; Đào tạo, học tập thông minh để có con người thông minh.
Từ năm 2000, tỉnh ta chúng ta đã có kế hoạch thực hiện 10 chương trình, 32 đề án. Đến nay, sau 20 năm, tỉnh ta càng có nhiều hơn cơ hội phát triển . Hai chương trình này đã đủ bao trùm toàn bộ sự phát triển của tỉnh ta trong thời gian tới và cũng từ đó tạo sự đồng bộ và vững chắc cho sự phát triển kinh tế, xã hội của các ngành, các địa phươn trong toàn tỉnh.
(TS. Nguyễn Tiến Hóa, Chủ tịch Hội Xây dựng tỉnh Hải Dương)
Ngoài ra, còn có nhiều ý kiến đáng chú ý khác góp ý về các lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, cần bổ sung nội dung “Tiếp tục thực hiện cơ chế đặt hàng, cơ chế quản lý theo quỹ và khoán nhiệm vụ khoa học đến sản phẩm cuối cùng”. Khuyến khích các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; Tăng tỉ lệ đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Cần có chính sách đầu tư riêng đào tạo đội ngũ trí thức, các nhà khoa học và người có trình độ cao làm việc ở các cơ sở sự nghiệp công lập.
Trong lĩnh vực giáo dục, đề nghị quan tâm đầu tư đào tạo ngoại ngữ cho học sinh từ bậc tiểu học, nâng cao trình độ ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu, ngang tầm các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vì ngoại ngữ được coi là chìa khoá để mở cánh cửa tri thức.
Đối với lĩnh vực y tế, cần có chính sách quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống  y tế dự phòng đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở  đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm như Covid-19, bạch hầu, sốt xuất huyết... Nâng cấp từng bước các bệnh viện tuyến huyện; nâng cấp, mở rộng bệnh viện phục hồi chức năng chuyển thành Bệnh viện Lão khoa và Phục hồi chức năng để đáp ứng với già hóa dân số.
Cần có chính sách quản lý chặt chẽ người nước ngoài cư trú trên địa bàn tỉnh Hải Dương để đảm bảo an ninh quốc phòng.
Lê Huyền Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây