Một số vấn đề trong chọn và nhân giống lợn nái sinh sản

Thứ tư - 27/01/2016 14:55 562 0
Chăn nuôi lợn là nghề truyền thống và thường chiếm ở vị trí số 1 trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh. Theo số liệu thống kê 5 năm trở lại đây (2011 - 2014) đàn lợn thường dao động từ 53,7 - 57,7 vạn con, trong đó lợn nái sinh sản 7,1 - 7,7 vạn con chiếm tỷ lệ 13,1 - 13,3% so tổng đàn. Lợn thịt 46 - 50 vạn con, hàng năm sản xuất ra 78 - 90 ngàn tấn thịt hơi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất ra tỉnh ngoài mỗi năm trên 10 ngàn tấn

Chăn nuôi lợn là nghề truyền thống và thường chiếm ở vị trí số 1 trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh. Theo số liệu thống kê 5 năm trở lại đây (2011 - 2014) đàn lợn thường dao động từ 53,7 - 57,7 vạn con, trong đó lợn nái sinh sản 7,1 - 7,7 vạn con chiếm tỷ lệ 13,1 - 13,3% so tổng đàn. Lợn thịt 46 - 50 vạn con, hàng năm sản xuất ra 78 - 90 ngàn tấn thịt hơi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất ra tỉnh ngoài mỗi năm trên 10 ngàn tấn. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi lợn trong nông hộ quy mô nhỏ, phân tán, hiệu quả kinh tế thấp có xu hướng giảm, thay vào đó là chăn nuôi tập trung gia trại, trang trại phát triển. Mặc dù, số hộ có chăn nuôi lợn hiện tại chỉ chiếm 15% so tổng số hộ nông nghiệp, song tổng đàn và sản lượng thịt tiếp tục tăng ở mức 2,5 - 3%/năm. Bởi lẽ, đã xuất hiện chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn, toàn tỉnh có trên 20 ngàn hộ chăn nuôi gia trại, 325 trang trại chăn nuôi công nghiệp. Giá trị sản xuất chăn nuôi tập trung đã chiếm 35% tổng giá trị ngành chăn nuôi.
Trong những năm qua, nhiều tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới về giống, thức ăn, thú y đã được áp dụng vào chăn nuôi lợn, chất lượng đàn lợn nái không ngừng được nâng cao: Lợn nái ngoại chiếm 10%, nái lai nhiều máu ngoại (1/2; 3/4; 7/8) chiếm 60%, số còn lại 30% là lợn nái Móng Cái. Công tác truyền tinh nhân tạo được quan tâm, Công ty TNHH MTV giống gia súc thường xuyên chăm sóc và nuôi dưỡng 100 - 110 lợn đực giống chất lượng cao (Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain, Maxter, Móng Cái), hàng năm sản xuất và tiêu thụ 240.000 - 280.000 liều tinh, đưa tỷ lệ lợn nái được thụ tinh nhân tạo toàn tỉnh đạt 82 - 85%. Tạo ra đàn lợn giống và thương phẩm có tỷ lệ máu ngoại 50 - 100%, đưa tỷ lệ thịt nạc/xẻ đạt 48 - 62%. Ngoài ra, Công ty còn nuôi dưỡng 150 lợn nái sinh sản ông bà sản xuất ra từ 500 - 800 lợn cái hậu bị bố mẹ, phục vụ việc bổ sung và phát triển đàn nái trong tỉnh. Khu vực chăn nuôi nông hộ, hàng năm lợn nái sinh sản và lợn đực giống thường được nhập vào nuôi từ các cơ sở giống Trung ương và địa phương. Nhìn chung chất lượng con nái được nâng lên, việc chăm sóc nuôi dưỡng cơ bản thực hiện theo quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn từ cơ quan khuyến nông và các trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Vì vậy, chăn nuôi lợn ở Hải Dương phát triển ổn định theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn nái sinh sản còn bộc lộ nhiều tồn tại đáng quan tâm, đó là: Nhiều hộ chăn nuôi tùy tiện trong việc chọn và nhân giống gây lợn nái, chưa xác định rõ nguồn gốc, không tuân thủ quy định quản lý con giống (theo dõi lý lịch, hệ phả, năng suất sinh sản v.v...). Vì vậy, đàn lợn nái nuôi trong nông hộ, nhất là chăn nuôi gia trại pha tạp quá nhiều giống, có con nái không xác định được tỷ lệ máu của các giống, trong khi đó lại phối tinh lợn đực trực tiếp từ những lợn đực lai nhiều máu ngoại, lợn ngoại thiếu sự kiểm soát của Nhà nước. Hậu quả là, đàn lợn giống ra đời phân ly tính trạng như màu lông, khả năng chống chịu bệnh tật kém, chậm lớn còi cọc, đàn lợn phát triển không đồng đều, tăng trọng/ngày thấp, tiêu tốn thức ăn cao, chất lượng thịt kém, từ đó gây thiệt hại lớn đến hiệu quả chăn nuôi lợn nái sinh sản.

Trước tình hình trên, để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cũng như hiệu quả chăn nuôi lợn nái sinh sản, chúng tôi đưa ra một số biện pháp chọn và nhân giống lợn nái lai sinh sản như sau:

1. Công thức lai giống

Công thức 1:

♀ Móng Cái (MC)

x

♂ Landrace (LR)(Yorskshire (Y))

 

F1 (MC, LR (Y)

♀F1(MC, LR (Y))

x

♂Duroc (Du)

F2 (MC, LR (Y), Du))

Công thức 2:

♀F1(MC, LR (Y))

x

 

♂PiDu

F2 (MC, LR (Y), PiDu)

Công thức 3:

♀ F1 (Móng Cái, Yorskshire)

x

♂ Landrace

F1 (Móng Cái, Landrace, Yorskshire)

♀F1(Móng Cái, Landrace, Yorskshire)

x

♂Duroc

F2 ((Móng Cái, Landrace, Yorskshire, Duroc)

Công thức 4:

♀F1(Móng Cái, Landrace)

x

♂ Maxteer

 

F2 ((Móng Cái, Landrace, Duroc, Pietran )

 

Cần lưu ý rằng: Lợn cái hậu bị gây nái từ các công thức trên có thể đã được thực hiện tại các cơ sở sản xuất giống trong và ngoài tỉnh. Do vậy, khi mua lợn cái hậu bị, chủ hộ phải có lý lịch giống rõ ràng của cơ sở giống xuất ra làm  căn cứ để theo dõi đàn nái sinh sản về sau. Riêng đối với hộ gia đình tự gây lợn cái hậu bị cũng phải tuân thủ theo công thức tạo lợn cái lai trên đây. Sau khi lợn cái hậu bị được chuyển lên làm nái sinh sản, chủ hộ cho phối tinh nhân tạo từ những lợn đực giống thuần hoặc lai của các cơ sở giống, nên bố trí lợn đực giống không trùng với công thức lai của lợn nái để tạo ưu thế lai ở đàn lợn thương phẩm.

2. Chăn lợn cái hậu bị

2.1. Nguồn gốc

- Lợn cái hậu bị là lợn giống do vậy có lý lịch rõ ràng, bố mẹ phải đạt tiêu chuẩn về giống từ cấp I trở lên tlợn kết quả giám định hàng năm.

- Chỉ chọn hậu bị ở những ổ đẻ ≥ 10 con/lứa.

- Chọn lợn cái hậu bị từ những lợn nái đẻ lứa thứ 3 - lứa 7, lợn đực giống           3 - 5 năm tuổi.

- Lợn cái hậu bị sau khi chọn lọc được giữ lại phải thực hiện theo kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp và trang trại,gia trại.

2.2. Ngoại hình

Ngoại hình phải thể hiện được các nét đặc trưng của phẩm giống, Các bộ phận cơ thể phải liên kết hài hòa,  khi đánh giá về tiêu chuẩn giống được xét trên các chỉ tiêu sau: Cổ dài, không chọn những con cổ quá ngắn, không có sự kết hợp chặt chẽ với đầu, cổ và vai; ngực rộng,  không sâu; lưng hơi cong hoặc thẳng, rộng, dài, liên kết tốt với phần vai và mông, loại những con lưng võng hoặc quá cong; chân thẳng, chắc, đi móng, không chọn những con chân yếu đi bàn, vòng kiềng hoặc khuyết tật khác; ngón chân bằng và chụm, hai ngón trước to, đều, không chọn những con móng tõe, móng hà, nứt; chọn những con có 14 vú trở lên, các múm vú nổi rõ và cách đều nhau; âm hộ phát triển cân đối, không chọn những con có âm hộ nhỏ hay dị tật hoặc những con có âm hộ quá to.

2.3. Các thời điểm chọn giống

Chọn lợn cái hậu bị vào 3 thời điểm: khoảng 70 ngày tuổi (khối lượng 25kg/con); khi lợn đạt 90 - 100 kg/con; ngoài chọn ngoại hình, căn cứ vào kết quả kiểm tra năng suất và khi lợn khoảng 210 ngày tuổi, kết quả chọn lọc là căn cứ để quyết định đưa lên phối giống.

Ngoài ra, trong quá trình nuôi hậu bị việc chọn lọc phải được tiến hành thường xuyên, phải loại thải kịp thời những lợn cái không đủ tiêu chuẩn làm giống.

Sau khi đã chọn và nhân giống được đàn lợn cái hậu bị chuyển lên làm nái sinh sản chất lượng tốt, việc chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh phải được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật như: Nuôi lợn cái hậu bị, nuôi lợn nái sinh sản (nái chờ phối, nái chửa kỳ 1, nái chửa kỳ 2, nái nuôi con) chắc chắn chúng ta sẽ có được đàn lợn nái sinh sản năng suất và chất lượng, hiệu quả kinh tế cao góp phần phát triển chăn nuôi bền vững. 

Nguyễn Văn Tịnh
Hội Chăn nuôi thú y tỉnh Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây