Hội thảo đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu, đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ vào quá trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời thảo luận đưa ra các giải pháp, sáng kiến góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Trong gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã tàn phá mọi mặt của nền kinh tế, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, trong đó nhóm người nghèo, người di cư, lao động tự do, người cao tuổi… chịu tác động nặng nề nhất. Ngay khi dịch bệnh mới bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã kịp thời chỉ đạo, đưa ra những chính sách quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Bên cạnh sự vào cuộc của hệ thống y tế, các nhà khoa học đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ bám sát tình hình dịch bệnh, nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ vào phòng, chống dịch Covid-19 như: nuôi cấy và phân lập thành công virus nCoV trong phòng thí nghiệm; nghiên cứu thành công và phát triển bộ kit chẩn đoán SARS-CoV-2; nghiên cứu sản xuất máy thở; nghiên cứu phát triển vắc xin Covid-19, trong đó có vắc xin Nanocovax chuẩn bị được đưa ra sử dụng rộng rãi; nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19; nghiên cứu sản xuất các thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng và điều trị Covid-19;…
Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định và thống nhất tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đánh giá cao Chính phủ, các Bộ/ngành, đoàn thể, địa phương đã hành động rất quyết liệt trong việc kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; luôn đồng hành cùng Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống Covid-19. Đồng thời, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam cũng đưa ra một số kiến nghị sau:
1. Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 một cách hiệu quả, rất cần sự tiếp tục quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; sự chủ động vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tập đoàn, doanh nghiệp và người dân; sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân các nhà khoa học; sự đồng hành, hỗ trợ về kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế khác.
2. Đề nghị các cơ quan của Đảng, Nhà nước tin tưởng vào kết quả nghiên cứu của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, đồng thời có các giải pháp thúc đẩy cho ra đời sớm các sản phẩm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu thành công; cho phép sản xuất lớn, trước tiên là áp dụng cho người Việt Nam và tiến tới xuất khẩu. Điều này không chỉ giúp đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 mà còn là một giải pháp đặc biệt ưu tiên phát triển khoa học công nghệ hiện của nước ta ngang tầm khu vực và thế giới.
3. Các Bộ, ngành Trung ương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam tập trung nghiên cứu phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phòng, chống Covid-19 trong nước như: nghiên cứu sản xuất vắc xin, nghiên cứu kỹ thuật chẩn đoán mới như xét nghiệm qua hơi thở, xét nghiệm bằng bệnh phẩm nước bọt; nghiên cứu hỗ trợ điều trị máy thở oxy dòng cao (HFNC), máy monitor, nghiên cứu thuốc và phác đồ điều trị mới; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ điều trị.
4. Đề nghị Nhà nước có chính sách đặc biệt để tháo gỡ những khó khăn cho các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, kể cả các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập để giúp các sản phẩm của các nhà khoa học Việt Nam sớm phát huy được hiệu quả trong ngăn chặn và đẩy lùi bệnh Covid-19.
5. Đề nghị Nhà nước tiếp tục thúc đẩy tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin để đảm bảo đáp ứng vắc xin trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Lê Hồng