Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức giờ thảo luận trong đào tạo tín chỉ cho sinh viên đại học

Thứ tư - 10/03/2021 16:54 415 0
Đào tạo đại học theo học chế tín chỉ ra đời từ năm 1872 tại Đại học Harvard, Hoa kỳ và nhanh chóng phát triển, lan rộng ra các nước trên thế giới. Với những kết quả đạt được, phương thức đào tạo này được coi là một cuộc cách mạng trong giáo dục đại học. Với tiêu chí “Lấy người học làm trung tâm”, quy chế đào tạo tín chỉ luôn hướng đến mục tiêu kích thích sự tư duy, chủ động của người học.
Theo Từ điển tiếng Việt thì “Thảo luận” là: “Trao đổi ý kiến về một vấn đề, có phân tích lý lẽ”.
Theo tác giả Phan Trọng Ngọ:“Thảo luận nhóm là phương pháp trong đó nhóm lớn (lớp học) được chia thành những nhóm nhỏ để tất cả các thành viên trong lớp đều được làm việc và thảo luận về một chủ đề cụ thể và đưa ra ý kiến chung của nhóm mình về vấn đề đó.”
Nguyễn Trọng Sửu trong công trình “Dạy học nhóm – phương pháp dạy học tích cực” viết: “Dạy học nhóm là một hình thức của xã hội học tập, trong đó học sinh của một lớp được chia thành các nhóm nhỏ trong khoảng thời gian nhất định, mỗi nhóm tự lực hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cơ sở phân công và hợp tác làm việc, kết quả làm việc của nhóm sau đó được trình bày và đánh giá trước lớp.”
Như vậy, có thể hiểu thảo luận nhóm là người học được làm việc cùng nhau theo các nhóm nhỏ và mỗi một thành viên trong nhóm đều có cơ hội tham gia vào giải quyết các nhiệm vụ học tập và thảo luận về một chủ đề cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của giáo viên và đưa ra ý kiến chung của nhóm mình về vấn đó
Trong đào tạo theo tín chỉ khi chuyển đổi từ 1,5 đơn vị học trình sang 1 tín chỉ tức là từ 22,5 tiết giảng lý thuyết ở trên lớp (trong đào tạo theo niên chế) chỉ còn 12 tiết giảng lý thuyết + 6 tiết thảo luận ở trên lớp (trong đào tạo theo tín chỉ). Vì vậy, việc tiếp tục giảng dạy bằng phương pháp truyền đạt một chiều không còn phù hợp nữa. Một trong những mục đích chính của đào tạo theo học chế tín chỉ là làm cho người học linh hoạt, năng động và chủ động trong việc tiếp thu tri thức mới, vậy nên việc tổ chức thảo luận nhóm, tạo cơ hội cho người học được chủ động tiếp cận tri thức là hết sức cần thiết. Thảo luận nhóm giúp người học xây dựng cách học tập chủ động, tránh lối học thụ động, ỷ lại vào thầy. Trong quá trình thảo luận do sinh viên phải tự tìm tòi, bàn bạc, tranh luận để tìm ra chân lý dựa trên những nguồn thông tin mà mọi thành viên trong nhóm tìm hiểu nên những tri thức khoa học mà các em thu thập được sẽ được hiểu kỹ, nhớ lâu. Không những vậy, thảo luận nhóm còn giúp sinh viên có điều kiện phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề theo nhóm, có điều kiện rèn luyện kỹ năng thuyết trình, có tinh thần đoàn kết cao, tăng khả năng hòa nhập, phát triển tốt tư duy logic, khả năng lập luận cũng như khả năng phản biện vấn đề. Trong quá trình hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau  trong thảo luận để cùng đưa ra ý kiến chung, sinh viên sẽ có điều kiện học hỏi nhau, bổ sung kiến thức cho nhau, hơn nữa thảo luận là làm việc tập thể nên sinh viên sẽ tập trung và học tập nghiêm túc hơn.
Tuy nhiên, không phải cứ tổ chức thảo luận nhóm là sinh viên chắc chắn sẽ có được những kỹ năng trên mà để đạt được mục tiêu đặt ra của buổi thảo luận thì cần phải có sự đầu tư, quan tâm từ phía nhà trường, sự chuẩn bị chu đáo của người dạy và sự nghiêm túc trong thảo luận của người học.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì nhiều trường còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế trong giảng dạy, đặc biệt là trong các giờ thảo luận dẫn tới mục tiêu bài học không đạt được như mong muốn do thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; một số giảng viên chưa xác định rõ mục tiêu của buổi thảo luận; chưa xác định được nội dung thảo luận phù hợp với khả năng của sinh viên làm cho sinh viên chưa hứng thú trong thảo luận; chưa định hướng rõ những tài liệu tham khảo phục vụ cho thảo luận; chưa nhận xét, đánh giá sát sao khi kết thúc giờ thảo luận. Sinh viên tham gia thảo luận chưa nghiêm túc, chưa tự mình tìm tòi, suy nghĩ vấn đề mà lại sao chép trên mạng hoặc copy từ những lớp khác hoặc một số sinh viên lười suy nghĩ, ỷ lại cho một số thành viên tích cực trong nhóm…
Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức giờ thảo luận trong đào tạo tín chỉ cho sinh viên đại học
Đối với giảng viên       
* Trước buổi thảo luận:
- Giảng viên cần xác định rõ mục tiêu của buổi thảo luận: Đây là nội dung vô cùng quan trọng trong khâu của buổi thảo luận vì có mục tiêu rõ ràng mới tìm được nội dung thảo luận phù hợp và từ đó tiến hành thảo luận nhằm đạt được mục tiêu đặt ra.
- Giảng viên cần lựa chọn nội dung thảo luận phù hợp với trình độ của sinh viên: Nội dung thảo luận phải làm sao tạo được hứng thú cho sinh viên. Muốn vậy thì nội dung đưa ra cho sinh viên thảo luận cần phù hợp với khả năng của sinh viên, không đơn giản quá mà cũng không quá sức với sinh viên. Nội dung cần thảo luận không nên được trình bày đầu đủ trong giáo trình vì sẽ làm cho sinh viên không động não suy nghĩ mà lại sao chép lại từ giáo trình ra. Nội dung đưa ra thảo luận cũng không nên lặp lại từ các lớp khác vì sinh viên sẽ lại sao chép của nhau mà không cần suy nghĩ
- Xác định rõ các tài liệu tham khảo liên quan tới nội dung thảo luận: Trước buổi thảo luận, giảng viên cần xác định rõ các giáo trình, sách tham khảo có liên quan tới nội dung thảo luận để giới thiệu đến sinh viên, hoặc các tài liệu trên mạng có liên quan. Nếu là những tài liệu khó kiếm thì giảng viên có thể cho sinh viên mượn bản photo trong quá trình thảo luận. Điều đó sẽ làm cho sinh viên hứng thú hơn trong thảo luận.
* Trong buổi thảo luận:
- Giảng viên chia nhóm và giao nội dung cần thảo luận: các nhóm có thể được giao chung một nội dung hoặc mỗi nhóm một nội dung khác nhau để thảo luận.
- Giảng viên luôn phải quan sát, quán xuyến quá trình làm việc của các nhóm: Trong quá trình thảo luận, có những sinh viên làm việc một cách nghiêm túc, tích cực tìm tòi tri thức nhưng bên cạnh đó cũng có sinh viên lười suy nghĩ, ỷ lại vào kết quả của các bạn trong nhóm và chịu chấp nhận dù kết quả là đúng hay không.
- Giảng viên cần yêu cầu sẽ chỉ định sinh viên bất kỳ lên báo cáo sản phẩm của nhóm. Điều này tạo sự công bằng cho sinh viên, đảm bảo rằng tất cả sinh viên đều có cơ hội thuyết trình trước đám đông và đặc biệt là tất cả sinh viên đều phải nhận thức rằng phải tham gia thảo luận, tìm tòi kiến thức thì mới có thể  nắm vứng kiến thức để đứng lên báo cáo sản phẩm của nhóm được.
- Trong khi sinh viên báo cáo, giảng viên luôn phải lắng nghe, tỏ thái độ tôn trọng sinh viên, thậm chí giảng viên cũng phải ghi chép tóm tắt nội dung báo cáo của sinh viên để có nhận xét sát đáng.
- Khi mỗi nhóm báo cáo xong, giảng viên yêu cầu các nhóm khác nhận xét, góp ý và đặt ra các câu hỏi cho nhóm vừa báo cáo để làm rõ vấn đề. Giảng viên phải là người tạo động lực, gợi ý để các nhóm mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ và bảo vệ quan điểm của mình.
- Giảng viên có thể nhận xét sau từng nhóm báo cáo hoặc nhận xét sau khi tất cả các nhóm báo cáo xong. Giảng viên không những cần nhận xét, điều chỉnh, bổ sung về chuyên môn mà còn phải uốn nắn cho sinh viên về phong thái, kỹ năng báo cáo, thuyết trình trước đám đông.
- Để kết thúc giờ thảo luận, giảng viên cần nhận xét về các nhóm từ khâu chuẩn bị tài liệu phục vụ thảo luận đến khâu tham gia thảo luận và báo cáo, tranh luận trước lớp như thế nào. Giảng viên cần nêu rõ ưu nhược điểm, các nhóm đã làm được gì và chưa làm được gì để rút kinh nghiệm cho những buổi thảo luận lần sau
* Sau buổi thảo luận
- Giảng viên nên đánh giá lại toàn bộ từ khâu xác định mục tiêu thảo luận đến khâu kết thúc thảo luận xem đã làm được gì và chưa làm được gì, đã đạt được toàn bộ mục tiêu đặt ra từ đầu hay chưa để điều chỉnh, rút kinh nghiệm cho những buổi thảo luận sau
Đối với sinh viên
* Trước buổi thảo luận
Sinh viên cần chuẩn bị đầu đủ tài liệu, giáo trình, sách tham khảo…có liên quan tới nội dung cần thảo luận mà giảng viên yêu cầu từ trước buổi thảo luận
* Trong buổi thảo luận
- Sinh viên cần làm việc một cách nghiêm túc theo định hướng của giảng viên, ghi chép kết quả thảo luận đầy đủ, rõ ràng để tự tin khi báo cáo
- Sinh viên cần chú ý lắng nghe các nhóm khác báo cáo và ghi chép các vấn đề còn thắc mắc vào giấy để nhận xét và đưa ra thắc mắc của mình, yêu cầu nhóm báo cáo giải đáp
- Để buổi thảo luận đạt hiệu quả và đạt được mục tiêu đặt ra thì sinh viên cần phải tích cực, sôi nổi, mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình, của nhóm để cùng thảo luận với các nhóm khác và đi đến thống nhất
- Khi giảng viên nhận xét, sinh viên cần ghi chép cẩn thận để rút kinh nghiệm cho những buổi thảo luận lần sau
* Sau buổi thảo luận:
- Sinh viên cần điều chỉnh và rút kinh nghiệm qua lời nhận xét, đánh giá của giảng viên
- Sinh viên cần cố gắng nhớ những nội dung chính về vấn đề thảo luận
- Những sinh viên chưa mạnh dạn khi đứng báo cáo trước đám đông cần tập cho mình kỹ năng thuyết trình trước đám đông và cần mạnh hơn nữa ở những buổi thảo luận sau
đón tân sv
Trường Đại học Kỹ thuật Y tế tỉnh Hải Dương đón tân sinh viên.

Như vậy, có thể thấy rằng thảo luận nhóm là một trong những phương pháp dạy học tích cực, được sử dụng thường xuyên trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học hiện nay, đặc biệt là quá trình đào tạo theo học chế tín chỉ. Nếu các trường đầu tư, quan tâm tạo điều kiện hơn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; giảng viên chuẩn bị chu đáo hơn trước buổi thảo luận; sinh viên chuẩn bị đủ tài liệu cần và tham gia thảo luận một cách nghiêm túc, sôi nổi hơn thì giờ thảo luận sẽ thành công và đạt hiệu quả cao hơn.
Khúc Kim Lan – Nguyễn Thị Loan
Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương
 Từ khóa: TÍN CHỈ, SINH VIÊN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây