Một số biện pháp nâng cao năng lực của giảng viên điều dưỡng trong bối cảnh hiện nay

Thứ hai - 19/08/2019 10:31 1.249 0
Nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên các trường đại học nói chung, giảng viên các trường đại học Y Dược nói riêng là một yêu cầu cấp bách. Đây là một trong các yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong xu thế hội nhập quốc tế. Bài viết này đề cập một số biện pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên điều dưỡng trong bối cảnh hiện nay.
Chuyên ngành điều dưỡng đã và đang phát triển trở thành một ngành học đa khoa, có nhiều chuyên khoa sau đại học và song hành phát triển cùng với các chuyên ngành Y, Dược, Y tế công cộng… Ngành Điều dưỡng đã phát triển trở thành một ngành dịch vụ thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.  Theo kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống khám chữa bệnh của Bộ Y tế giai đoạn 2015-2020, Việt Nam cần bổ sung thêm 83.000 điều dưỡng. Số liệu nhân lực cán bộ y tế năm 2017 cho thấy, toàn quốc có 118.030 điều dưỡng, 17.456 hộ sinh. Tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ hiện nay là 1,82, thấp hơn nhiều so với đa số các nước ASEAN, tỷ lệ điều dưỡng và hộ sinh của Việt Nam là 1/1.000 dân.
Mặc dù nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh tại Việt Nam ngày nay đã được quan tâm tuyển dụng và tăng dần hằng năm, nhưng về số lượng và cơ cấu vẫn còn thiếu nhiều so với quy định. Chỉ tiêu tuyển điều dưỡng vào làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hằng năm thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đào tạo. Đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức cho các khoa đào tạo chuyên ngành Điều dưỡng ở các Trường Đại học Y Dược hiện nay.
Thực trạng năng lực của đội ngũ giảng viên điều dưỡng và những vấn đề đặt ra
Theo một số nghiên cứu gần đây và số liệu tại Hội thảo “Nâng cao năng lực của giảng viên Điều dưỡng của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam” tháng 10/2018 cho thấy: Hiện nay cả nước có 32 trường đại học có đào tạo điều dưỡng trình độ đại học, mỗi năm đào tạo khoảng 4000 sinh viên. Theo Thông tư 33/2014/TT – BGD ĐT ngày 2/10/2014 về việc Ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo điều dưỡng trình độ đại học, cao đẳng, quy định 15 người học/1 giảng viên cơ hữu đối với trình độ đại học. Thông tư cũng chỉ rõ giảng viên giảng dạy lý thuyết điều dưỡng phải có trình độ tối thiểu là thạc sỹ đối với đào tạo đại học. Việc dạy thực hành lâm sàng là những điều dưỡng có trình độ đạt chuẩn phù hợp với chuyên ngành đào tạo điều dưỡng. Tuy nhiên, số lượng giảng viên điều dưỡng năm 2016 cho thấy: giảng viên có trình độ tiến sỹ điều dưỡng trên cả nước chỉ có 4, thạc sỹ 226, cử nhân đại học 657, trình độ cao đẳng là 119, vẫn còn 204 giảng viên có trình độ trung cấp đang tham gia giảng dạy.  Do thiếu đội ngũ giảng viên được đào tạo đúng chuyên ngành điều dưỡng nên có một số lượng lớn bác sỹ tham gia đào tạo điều dưỡng trong nhiều năm qua.
image002
Giờ thực hành của sinh viên điều dưỡng trường ĐH Y tế Kỹ thuật HD.

Việc đào tạo giảng viên có trình độ sau đại học tại các trường hiện nay chủ yếu là liên kết với nước ngoài, chưa đào tạo trình độ tiến sỹ điều dưỡng trong nước. Đây cũng là một trong những khó khăn, trở ngại đối với đội ngũ giảng viên trong việc học tập để nâng cao trình độ. Mặt khác, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, giảng viên điều dưỡng còn có một nhiệm vụ rất quan trọng là nghiên cứu khoa học, tuy nhiên năng lực nghiên cứu của Điều dưỡng tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, các kết quả nghiên cứu chưa được công bố rộng rãi trên các tạp chí trong và ngoài nước, do đó họ chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận công tác nghiên cứu khoa học, học tập và tiếp thu những phương pháp nghiên cứu mới, hiện đại của quốc tế. Trong nước, các tạp chí khoa học chuyên ngành về điều dưỡng cũng hạn chế, hầu hết các nghiên cứu thuộc lĩnh vực này được đăng tải trên các tạp chí thuộc khối khoa học sức khỏe, nên không thuận tiện cho việc tra cứu thông tin. Từ những bất cập nêu trên, do đó đội ngũ giảng viên điều dưỡng hiện tại còn bộc lộ những hạn chế sau đây:
Một số giảng viên còn thiếu kiến thức, kỹ năng và điều kiện cần thiết để triển khai các hoạt động phát triển chương trình đào tạo; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; số giảng viên có kỹ năng gắn kết giảng dạy, nghiên cứu khoa học với thực tiễn, kỹ năng tổ chức hoạt động ngoại khóa cho sinh viên còn hạn chế; nhiều giảng viên chưa vận dụng tốt phương pháp dạy tích hợp trong giảng dạy, năng lực sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp với chuyên môn của mình chưa đáp ứng được yêu cầu, một số còn yếu kỹ năng nghề. Đồng thời trong bối cảnh hiện nay khi nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày một nâng lên. Bên cạnh đó cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đời sống xã hội nói chung, khám chữa bệnh cho nhân dân của ngành Y tế nói riêng đòi hỏi nguồn nhân lực trong ngành Y tế phải làm chủ được những thành tựu khoa học, ứng dụng công nghệ khám và điều trị mới nhất, tiên tiến nhất.
 Một số giải pháp nâng cao năng lực cho giảng viên điều dưỡng trong bối cảnh hiện nay
Khuyến khích đội ngũ giảng viên tích cực học tập nâng cao trình độ
Đây là một trong những giải pháp căn bản góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Do đó, các trường đại học, các cơ sở đào tạo điều dưỡng cần lựa chọn những giảng viên trẻ có năng lực triển vọng để cử họ đi học tập nâng cao trình độ như thạc sĩ, tiến sĩ… ở những quốc gia có ngành điều dưỡng phát triển như: Australia, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản; Cộng hoà liên bang Đức… để học tập những thành tựu, kĩ thuật điều dưỡng tiên tiến của quốc tế, cũng như làm chủ những công nghệ, máy móc hiện đại phục vụ quá trình điều dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh. Ngoài những quy định của nhà nước, các nhà trường, các cơ sở đào tạo cần căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, kinh phí để giúp họ yên tâm trong quá trình học tập.
Tăng cường bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên
Thường xuyên bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ vừa là nhu cầu chính đáng, vừa là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển không ngừng của xã hội, nhất là trong thời đại công nghệ số, cuộc sống con người thay đổi từng ngày, từng giờ hiện nay. Vì vậy, các nhà trường, các cơ sở đào tạo cần tích cực mở các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, mời các chuyên gia trong nước và quốc tế có kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ để tập huấn cho đội ngũ giảng viên, giúp họ từng bước nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cũng như cập nhật những kĩ thuật y học học tiên tiến, phương pháp dạy học mới của y học hiện đại. Trong đó, cần chú trọng bồi dưỡng cho giảng viên những năng lực, kỹ năng như: Năng lực thiết kế chương trình đào tạo, thiết kế đề cương module, môn học; Năng lực biên soạn giáo trình, tài liệu giảng day; Năng lực thiết kế giáo án hợp lý thuộc nhiều hình thức đa dạng khác nhau (bài lên lớp, bài seminar, bài thực hành…) trong đó tích hợp các mục tiêu, nội dung và phương pháp; Nâng cao năng lực dạy học theo tiếp cận lấy người học làm trung tâm, phương pháp dạy học tích cực; Năng lực tạo môi trường học tập tương tác và thúc đẩy, tạo động lực học tập cho sinh viên; Năng lực sử dụng các kỹ thuật dạy học; Năng lực đánh giá và thiết kế ngân hàng đề thi, kiểm tra; Năng lực nghiên cứu khoa học.
Đẩy mạnh hình thức sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên đề giúp giảng viên có cơ hội thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp, cập nhật thông tin phục vụ công tác giảng dạy
 Sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên đề một cách thường xuyên sẽ giúp cho đội ngũ giảng viên có điều kiện để trao đổi cùng nhau về những vấn đề mà họ quan tâm, thông qua hội thảo giúp cá nhân mỗi giảng viên tích luỹ thêm được những kinh nghiệm cũng như học hỏi qua đồng nghiệp những vấn đề mà họ còn chưa rõ, cũng như nắm bắt, cập nhật những thông tin mới cần thiết trong quá trình giảng dạy. Những nội dung mà các nhà trường, các cơ sở đào tạo cần tăng cường tổ chức hội thảo cho đội ngũ giảng viên điều dưỡng như: Những kĩ thuật điều dưỡng cơ bản; Quy trình kĩ thuật điều dưỡng cơ bản; Nắm bắt và xử lí tình huống linh hoạt trong quá trình chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân; Thời cơ và thách thức của công tác điều dưỡng trong thời đại công nghệ 4.0; Vấn đề lao động toàn cầu và việc chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng; Sự hỗ trợ của công nghệ thông minh và trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo điều dưỡng…
Bên cạnh việc bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức chuyên môn, phương pháp đào tạo mới, các nhà trường, các cơ sở đào tạo cũng cần tạo điều kiện để giảng viên bồi dưỡng kỹ năng ngoại ngữ, tin học giúp họ có thể đọc tham khảo thường xuyên những thông tin qua các công trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành được công bố trên các sách, tạp chí bằng tiếng nước ngoài, từng bước nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu công tác. Trong quá trình giảng dạy, các giảng viên cần tăng cường áp dụng các tình huống thực tế vào bài giảng, hướng dẫn sinh viên tiếp cận với các ca bệnh lâm sàng thực tế vừa giúp sinh viên gắn liền việc học lí thuyết với thực hành, đồng thời việc làm này còn giúp cho giảng viên nâng cao tay nghề trong thực tiễn cũng như giúp họ nảy sinh các ý tưởng, đề tài nghiên cứu khoa học điều dưỡng một cách có hiệu quả.
Tăng cường quản lý chất lượng đội ngũ giảng viên
Cần xây dựng tiêu chuẩn, yêu cầu cụ thể, phù hợp về phẩm chất  đạo đức và nghiệp vụ sư phạm, nghiên cứu khoa học, quản lý đào tạo của đội ngũ giảng viên; xây dựng khung tiêu chí đánh giá năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên một cách khách quan, khoa học, trong đó có ít nhất 3 nhóm đối tượng được tham gia đánh giá: nhà quản lý, giảng viên và sinh viên. Để làm tốt công tác này, các nhà quản lý cần xác định việc bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ là yêu cầu cấp bách, sống còn quyết định chất lượng đào tạo, yếu tố khẳng định bản lĩnh, chất lượng hiệu quả trong việc đào tạo nguồn nhân lực, tạo uy tín, niềm tin đối với các bệnh viện, các cơ sở y tế trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực. Do đó, các nhà quản lý cần thực hiện việc quản lý chất lượng một cách chuyên nghiệp, coi trọng năng lực thực tế của giảng viên, trong đó có cả năng lực nhận thức, năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cần xây dựng một môi trường làm việc dân chủ, công bằng, công khai và minh bạch làm động lực thúc đẩy sự phấn đấu nỗ lực của mỗi giảng viên. Hàng năm, tổ chức đánh giá năng lực của giảng viên điều dưỡng và có chế độ biểu dương, khen thưởng phù hợp.
Đối với cá nhân mỗi giảng viên, cần xác định việc bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn là một nhu cầu tất yếu, vừa là trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp, vừa là vấn đề quyết định vị trí công tác, sự tín nhiệm của lãnh đạo, đồng nghiệp, sinh viên đối với bản thân, cũng là đóng góp một phần vào việc thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội, cộng đồng. Để nâng cao năng lực chuyên môn, mỗi giảng viên cần xác định những đặc điểm chuyên môn do mình phụ trách, trên cơ sở đó lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc thù bộ môn, với từng đơn vị kiến thức của môn học đó, nắm bắt và thấu hiểu được tâm sinh lí sinh viên, khả năng của từng em. Trên cơ sở đó vận dụng một cách linh hoạt để tổ chức, hướng dẫn sinh viên biết tự học, tự nghiên cứu một cách hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên điều dưỡng, hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo điều dưỡng viên đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: Chiến lược phát triển lâu dài của toàn ngành Y tế nói chung, sự nhận thức và phương thức quản lý đúng đắn, phù hợp của các nhà quản lý; việc xác định đúng chức năng nhiệm vụ cùng với lòng yêu nghề, yêu sinh viên của mỗi giảng viên điều dưỡng, từ đó bản thân mỗi giảng viên luôn có ý thức phấn đấu luôn tự học tự bồi dưỡng để nâng cao kiến thức chuyên môn, khả năng sư phạm giỏi và kỹ năng tay nghề tốt. Đồng thời các nhà trường, các cơ sở đào tạo điều dưỡng cần thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ giảng viên bằng các giải pháp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng nhà trường trong từng giai đoạn.
ThS. Khúc Kim Lan
 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương

 
 Từ khóa: ĐIÊU DƯỠNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây