Mô hình bảo tàng sinh thái: một giải pháp bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Đảo Cò

Thứ hai - 27/08/2018 09:39 1.764 0
Đảo Cò tự nhiên Chi Lăng Nam huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương diện tích 2.382m2, được phát hiện năm 1994.
Đây là một "Di sản quốc gia", nơi trú ngụ của nhiều loại chim, cò, vạc khác nhau, điểm du lịch môi trường sinh thái hấp dẫn. Đã có nhiều dự án trong nước và quốc tế được thực hiện ở đây và được đánh giá thành công như một mô hình mẫu cho công tác bảo tồn gắn với du lịch sinh thái bền vững. Nhưng thực tế và hiện trạng gần đây, các nhà khoa học và những người tâm huyết trong công tác bảo tồn đã nhiều lần lên tiếng, cảnh báo về sự xuống cấp đặc biệt là nguy cơ sụt lở nghiêm trọng của Đảo cò, tuy nhiên tình trạng này vẫn không được khắc phục và quan tâm đầu tư cả về kinh phí cũng như các chính sách hỗ trợ đáng kể cho việc này.
11143609 931620106859120 2787500106661392438 o
Đảo Cò Chi Lăng Nam.
Bảo tàng sinh thái, một giải pháp bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Đảo Cò
Để có được một một giải pháp bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Đảo cò Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương phù hợp với điều kiện thực tế và bối cảnh hiện tại, cần có một nền tảng vững vàng.
Trong những thập kỷ gần đây, nhiều bảo tàng, phòng trưng bày như một dạng trung tâm giáo dục môi trường và di tích lịch sử trên thế giới được đầu tư xây dựng cả về quy mô lớn về cơ sở hạ tầng cũng như trùng tu và phát triển. Một mặt, việc thành lập của hàng loạt các bảo tàng và trung tâm giáo dục môi trường theo mục đích xây dựng mới, cho thấy sự quan tâm và đầu tư của xã hội đối với công tác bảo tồn bền vững. Mặt khác, để tồn tại và thành công trong thiên niên kỷ mới, các vấn đề hiện nay, đều phải đối mặt với thách thức trước về trách nhiệm của mình trước xã hội, làm thế nào để tương tác và xây dựng mối quan hệ bền chặt với các cộng đồng ngày càng đông về số lượng, phức tạp về thành phần.
Trong những loại hình mô hình bảo tồn mới xuất hiện tại thế kỷ trước, có thể nói bảo tàng sinh thái là một mô hình với các điểm nhấn nổi bật có triết lý thực hành tương đối mềm dẻo để phù hợp với các nhu cầu cụ thể của cộng đồng. Có thể nói, đây là loại hình phù hợp gần gũi nhất như một giải pháp bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Đảo cò Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương hiện nay, cần được nghiên cứu và tích hợp vào cơ sở lý luận xây dựng một mô hình như là một giải pháp bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái bền vững.
Những khởi xướng về bảo tàng sinh thái của Georges Henri Rivière và Hugues de Varine nhận được hưởng ứng nhiệt liệt của giới chuyên môn. Tại Pháp, vào năm 1998, đã có khoảng 60 bảo tàng sinh thái; và đến 2010, trên toàn quốc gia đã có khoảng 87 bảo tàng sinh thái thành lập (Outlook on Ecomuseums, 2010). Đến nay, loại hình bảo tàng này vẫn phát triển tiếp tục tại Pháp, rất đa dạng với nhiều tàng ngoài trời lớn vận hành chuyên nghiệp, các bảo tàng đô thị trọng tâm hướng đến nhiều vấn đề xã hội, hay cả những bảo tàng hướng tới cách tiếp cận toàn diện diễn giải phong cảnh tự nhiên rộng lớn, v.v. Một trong những ví dụ điển hình của loại hình bảo tàng sinh thái tại Pháp là Bảo tàng Sinh thái tại Rennes (tên gốc: Écomusée du Pays de Rennes),  “điểm hội tụ của các chuyên gia, những người say mê nghiệp dư và công chúng”
ảnh renne
ren 2
Hình 1: Nông trại La Bintinais là trung tâm của Bảo tàng Sinh thái tại Rennes
Nguồn: http://www.ecomusee-rennes-metropole.fr

Rennes với vị trí địa lý và vai trò trung tâm hành chính lớn, đã đóng vai trò chính trong lịch sử phát triển của nông nghiệp của khu vực. Do đó, triển lãm thường xuyên tại bảo tàng này có thể coi như một biên niên sử ghi lại những thay đổi của địa phương từ thế kỷ XVI đến ngày nay. Ngoài tái tạo lại lại hình ảnh trang trại trong quá khứ với đầy đủ các công cụ, đồ nội thất và trang phục, các đặc điểm của kiến trúc địa phương và những thay đổi trong canh tác nông nghiệp cũng được mô tả thông qua các hiện vật trưng bày theo phong cách truyền thống, với thông tin bổ sung nằm trong các phương tiện nghe nhìn hay màn hình tương tác đi kèm. Bảo tàng cũng dành một không gian rộng cho các triển lãm tạm thời và để tổ chức sự kiện. Huberd đã mô tả triển lãm thường xuyên là “bảo tàng thời gian” ('Musée de temps'), phân biệt nó với phần còn lại của bảo tàng là “bảo tàng không gian” ('Musée de l'espace').  Hoạt động hấp dẫn nhất của bảo tàng này là các hoạt động liên quan đến việc bảo tồn các giống cây trồng lâu đời và giống động vật quý hiếm, và một không gian trưng bày không nhỏ (15 ha) được dành ra tại La Bintinais.
Sự thành công của phong trào bảo tàng sinh thái ở Pháp đưa loại hình này tới các nước khách thuộc lục địa châu Âu vào cuối năm 1970 và đầu những năm 1980. Tuy nhiên, việc áp dụng triết lý và thuật ngữ của bảo tàng sinh thái ban đầu rất khác nhau. Chỉ tại các nước Bắc Âu, Bồ Đào Nha và các khu vực nói tiếng Pháp của Bỉ loại hình này được đón nhận thực sự. Đến những năm 1990, các nước khác mới bắt đầu phát triển thực sự bảo tàng sinh thái, với sự tăng trưởng đáng ghi nhận ở Ý và Tây Ban Nha. Cùng với sự lớn mạnh và mở rộng của Liên minh châu Âu, có thêm các quốc gia ở Đông Âu đón nhận loại hình bảo tàng này. Tới năm 2011 có khoảng 340 bảo tàng sinh thái ở châu Âu.
Khác với lục địa châu Âu, có rất ít bảo tàng sinh thái tại Đảo Anh, Bắc Mỹ và Australia [Davis, 2011]. Bên cạnh số ít các bảo tàng chính thức lấy tên bảo tàng sinh thái, tại các nước nói tiếng Anh này, có tồn tại có nhiều bảo tàng phi truyền thống với cách tổ chức và hoạt động gần giống với các bảo tàng sinh thái tại Âu Lục. Có thể kể đến các các bảo tàng dân gian, bảo tàng ngoài trời (ví dụ Farnham) và một mạng lưới các "trung tâm du khách” và các điểm đến với phương thức hoạt động tập trung vào bảo về cảnh quan như như các công viên quốc gia.
gl
Hình 2. Giới thiệu về Bảo tàng Sinh thái Ceumannan (tên gốc: Ceumannan Ecomuseum) tại Staffin, đảo Skye, Scotland; Nguồn: http://www.skyecomuseum.co.uk/

Khu Di sản thiên nhiên và văn hóa này là nơi duy nhất lấy tên loại hình là bảo tàng sinh thái tại Đảo Anh. Năm 2004, Quỹ Cộng đồng Staffin nhận được tài trợ từ Liên minh châu Âu để xây dựng và phát triển một bảo tàng sinh thái tại phía Đông Bắc đảo Skye. Đây là bảo tàng mở hoàn toàn, khách tham quan sẽ đi bộ đến từng điểm nơi có các chỉ dẫn về khảo cổ và địa chất lộ thiên.
Trong những năm gần đây, có thể kể đến sự phát triển nổi bật của loại hình này tại khu vực châu Á với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản; hay các nước châu Âu với sự tăng trưởng về số lượng như Ý, Ba Lan, Cộng Hòa Séc và Thổ Nhĩ Kỳ [Corsane el al., 2007; Borrelli el al., 2012; Ohara, 1998 và Davis, 2004]. Dưới tác động của toàn cầu hoá, các quốc gia có xu thế mở rộng thêm các hướng tập trung về phát triển địa phương, từ đó dẫn đến một làn sóng mới về xã hội hoá, tự chủ hoá các giá trị di sản và cộng đồng, tạo nên nhiều thay đổi. Một mặt, nỗ lực kết nối lại cộng đồng sở tại với ý thức về bản sắc, ý thức gắn bó với cộng đồng địa phương đã giúp nhiều cộng đồng ngày càng thành công hơn trong việc hướng trọng tâm phát huy đặc trưng đã làm nên bản sắc, lịch sử, di sản, thiên nhiên của địa phương. Và ngược lại, quá trình xã hội hoá, tự chủ hoá đã dẫn đến các hình thức phát triển kinh tế và cộng động một cách bền vững thông qua loại hình bảo tàng sinh thái cũng như các ví dụ khác về tiếp cận và liên kết với cộng đồng [Sutter et al., 2016].
Nhiều chuyên gia về di sản và bảo tàng tin rằng lý luận bảo tàng sinh thái là một phần cơ sở không nhỏ với tiềm năng thực hành hướng tới bảo tàng phổ quát, có nghĩa là bảo tàng rộng mở đối với các thành phần nào xã hội chứ không chỉ giới hạn ở một nhóm các khách tham quan hoặc làm việc truyền thống.
Tại Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu tập trung chuyên sâu vào loại hình bảo tàng sinh thái. Tuy vậy, các cơ sở lý thuyết về bảo tàng sinh thái cũng nhiều lần được đề cập tới trong một số chuyên khảo về di sản văn hoá. Về thực tiễn, hiện ở Việt Nam cũng chỉ mới có một Bảo tàng sinh thái Hạ Long với Trung tâm văn hoá nổi Cửa Vạn. Mô hình Trung tâm văn hóa nổi đầu tiên dành cho cộng đồng ngư dân vạn chài được xây dựng tại Việt Nam nhằm bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa làng chài thông qua các sinh hoạt truyền thống cũng như hoạt động giao lưu giữa cộng đồng dân cư và du khách. Du khách tới đây được tận mắt xem và tìm hiểu hàng trăm hiện vật khảo cổ, trong đó có những dụng cụ, phương tiện đánh bắt hải sản của người Việt cổ, nhiều hình ảnh, phim tư liệu, các ấn phẩm về văn hóa dân gian, đời sống của những cư dân làng chài sống trên Vịnh Hạ Long xưa và nay. Tất cả được tái hiện lại bằng mô hình theo 6 chủ đề chính: tự nhiên và con người; phương thức kiếm sống của ngư dân; đời sống vật chất của dân chài; thủy cư với cuộc sống đời người; tâm linh với cuộc sống tinh thần. Dù chưa thật hoàn hảo, nhưng mô hình Bảo tàng sinh thái Hạ Long có ý nghĩa trong việc giáo dục ý thức cộng đồng đối với vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Tích hợp một số lý luận
Tích hợp tính “mở”: Trong việc xây dựng mô hình bảo tồn mới, việc nhìn nhận một cách rộng hơn về phạm vi và giá trị trong công tác bảo tồn tương tự như Bảo tàng sinh thái đóng vai trò rất quan trọng. Cách tiếp cận là thúc đẩy và bảo vệ các tài nguyên di sản vật thể và phi vật thể vì bản thân chúng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định đặc trưng địa phương và tạo nên một “bản sắc địa phương”. Hướng tiếp cận “mở” này dân chủ hơn, cho phép cộng đồng sở tại có cơ hội tham gia vào quá trình quản lý.
Khác với quản lý di sản và làm việc bảo tàng, các nguyên tắc của bảo tàng sinh thái học đảm bảo cộng đồng được tiếp cận, quản lý, và sở hữu các tài nguyên di sản tại địa điểm gốc, qua đó thêm màu sắc và đa dạng cho “bản sắc địa phương”. Quá trình này kết hợp các tài nguyên di sản (cả vật thể và phi vật thể), địa điểm, bản sắc, sự hiện diện, công nhận, tự hào địa phương, và đoàn kết cộng đồng. Có thể nói, Bảo tàng sinh thái là một công cụ dẫn đến các tương tác sâu rộng hơn giữa các chủ thể trong vòng quan hệ:  môi trường tự nhiên - các cộng đồng tại khu vực sở tại - khách tham quan.

h3
Hình 3. Mô phỏng sự khác biệt giữa bảo tàng truyền thống và bảo tàng sinh thái. Nguồn: Ishihara (2004)

Tích hợp lý luận về quy trình thực hiện
Bảo tàng sinh thái có mục đích bảo tồn di sản văn hóa - tự nhiên và khung cảnh địa phương, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và nhu cầu liên quan đến phát triển cộng đồng. Do khái niệm bảo tàng sinh thái xuất phát từ Tây Âu, các bảo tàng sinh thái cần được thay đổi và địa phương hóa để phù hợp với các môi trường kinh tế xã hội khác nhau. Ví dụ, tại Đài Loan, trong những năm 2000, hai bảo tàng sinh thái mỏ đã được phát triển tại thành phố Tân Bắc – Bảo tàng Vàng (Gold Museum) và Công viên Địa chất Mỏ than Houtong (Houtong Coal Mine Ecological Park). Trong những năm 2010, thêm 2 bảo tàng sinh thái được phát triển – Bảo tàng Sinh thái Nghệ thuật Gỗ Daxi (Daxi Wood Art Ecomuseum) và Bảo tàng Nghệ thuật Togo (Togo Art Museum). So với các bảo tàng sinh thái địa chất, Bảo tàng Sinh thái Nghệ thuật Gỗ Daxi nhấn mạnh hơn sự tham gia của cộng đồng và kế hoạch phát triển Bảo tàng Nghệ thuật Togo do cộng đồng lãnh đạo. Dựa trên việc nghiên cứu Công viên địa chất Mỏ than Houtong, Bảo tàng Sinh thái Nghệ thuật Gỗ Daxi, và Bảo tàng Nghệ thuật Togo, nghiên cứu này thể hiện các cơ chế phát triển khác nhau của các bảo tàng sinh thái tại Đài Loan. Các bảo tàng sinh thái nên được liên kết với cộng đồng và môi trường. Ba chức năng quan trọng của bảo tàng sinh thái (sự tham gia của cộng đồng, phát triển cộng đồng, và bảo tồn nguyên vị) sẽ giúp phát triển bền vững. Nghiên cứu của Liu và Lee, 2015 đã phát triển biểu đồ “tam giác sáng tạo’’ với khung thời gian ba năm làm công cụ nghiên cứu. Biểu đồ được thay đổi và chia làm 3 giai đoạn, “ước lượng”, “chuẩn bị”, và “thực hiện”; 6 bước; và 11 công việc.
Dù mỗi bảo tàng sinh thái có những điểm riêng biệt, nghiên cứu của Liu và cộng sự cung cấp một cái nhìn tổng quát về quá trình phát triển và có thể dựa vào đó để đưa ra kiến nghị phát triển thêm các bảo tàng sinh thái khác tại Đài Loan trong tương lai [Liu và Lee, 2015].
h4


Hình 4. Biểu đồ “tam giác sáng tạo’’. Nguồn Liu và Lee, 2015

Nhìn chung, bảo tàng sinh thái chính là loại hình tương đồng nhất với việc hình thành mô hình bảo tồn mới, và lịch sử vận động phát triển của bảo tàng sinh thái đã đặt nền móng cơ bản về tư tưởng và thực tiễn để thiết lập một giải pháp bảo tồn thiên nhiên – văn hoá tổng thể. Tiềm năng của bảo tàng sinh thái chính là khả năng xúc tác phát triển bền vững đối với cộng đồng địa phương [Corsane et al., 2007; Borrelli et al., 2012; Davis, 2011 và Glenn, 2017]. Thứ nhất, là loại hình bảo tàng tương đối mềm dẻo để đưa vào nhiều hình thức tương tác, diễn giải và giáo dục khác nhau. Bảo tàng sinh thái cung cấp một khuôn khổ đa diện dựa trên cộng đồng bản địa. Việc kết hợp yếu tố thiên nhiên - văn hoá trong chỉnh thể mở là môi trường lý tưởng diễn giải được các vấn đề phức tạp, luôn luôn vận động, đan xen lẫn nhau [Sutter et al., 2016]. Ngoài ra, viêc bao gồm cả di sản văn hoá và thiên nhiên giúp tạo ra các trải nhiệm lí trí - tình cảm - trực quan sinh động mà có thể được vận dụng vào nhiều loại hình giáo dục. Bảo tàng sinh thái không quá đặt nặng vấn đề sưu tập mẫu vật và hiện vật, trừ khi các hiện vật mẫu vật có giá trị làm sáng tỏ các câu chuyện quan trọng hay liên quan mật thiết với các kỹ năng và phương pháp được xem trọng trong cộng đồng. Thay vào đó, có thể nhìn nhận tất cả những gì nằm trong phạm vi khu vực bảo tàng sinh thái là một phần bộ sưu tập bảo tàng, có tiềm năng rất lớn dành cho các diễn giải bảo tồn nguyên vị và thử nghiệm giáo dục cộng đồng. Bên cạnh đó, với nội dung là thiết chế văn hoá có vai trò phản ánh và dựa vào mối quan hệ tổng hoà cộng đồng, Bảo tàng sinh thái là loại hình giữ vị trí lý tưởng để gìn giữ và phát huy các biến chuyển về mặt văn hoá hướng đến phát triển bền vững. Cuối cùng, cùng với cơ cấu quản lý mà thường có xu hướng nhẹ nhàng và mềm dẻo trong chế độ quản lý, Bảo tàng sinh thái có thể tương đối nhanh nhẹn và dễ thích nghi hơn so với loại hình bảo tàng truyền thống vốn nghiêng về trường phái bảo thủ, ít vận động thay đổi.
Nếu khái niệm bảo tàng sinh thái đang không ngừng được xem xét và phát triển, thì các mô hình bảo tồn thiên nhiên bền vững cũng có thể được nhìn nhận là khái niệm mềm dẻo, không nhất thiết rập khuôn hoàn toàn theo bất kỳ tập hợp chuẩn cố định nào trên thế giới hiện nay. Tuy vậy, cũng như các mô hình bảo tồn đang tồn tại, bảo tàng sinh thái với các loài chim ở Đảo cò làm trung tâm cần xoay quanh nguyên lý cốt lõi của mình, đó là việc không chỉ bảo tồn cảnh quan tự nhiên và văn hóa bản địa, mà còn phải hỗ trợ làm giàu đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương - các chủ thể văn hóa đóng vai trò quyết định đến bản sắc và diện mạo của địa phương.
TS. Nguyễn Thiên Tạo
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây